Bóng Đá Plus trên MXH

Tự truyện 'Vượt qua giới hạn' của Suarez (Kỳ 1): Mỗi lần bị áp lực là lại ngứa răng
LÊ MINH (lược dịch) • 07:21 ngày 21/06/2015
Mở đầu cuốn tự truyện, Luis Suarez sẽ lý giải cho chúng ta về chứng “nghiện cắn người” của mình. Theo Suarez, anh làm như thế vì căm ghét và sợ hãi thất bại. Anh cảm thấy khó chịu khi mình không thể làm gì giúp đội bóng giành chiến thắng.
    LTS: Khi trận chung kết Champions League chính thức khép lại mùa bóng châu Âu với cú ăn 3 lịch sử dành cho Barcelona, Luis Suarez cũng chính thức khép lại một năm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp. 

    Khởi đi từ thất bại khó nuốt trôi trong cuộc đua đến chức vô địch Premier League cùng Liverpool, nối tiếp với việc bị đuổi khỏi World Cup vì cắn Giorgio Chiellini, Suarez chuyển sang Barcelona nhưng chưa được thi đấu ngay do phải lĩnh án cấm hoạt động bóng đá 4 tháng. Để rồi khi trở lại, Suarez phải đón nhận rất nhiều hoài nghi, thậm chí là chỉ trích. Nhưng rồi từng bước một, Suarez hòa nhập với Barca và hợp với Neymar, Lionel Messi trở thành bộ 3 tấn công khủng khiếp nhất thế giới. 

    Khởi đầu từ số này, Bóng đá & Cuộc sống sẽ cùng quý bạn đọc nhìn lại những thăng trầm trong sự nghiệp của Suarez thông qua lời kể của chính cầu thủ người Uruguay trong cuốn tự truyện:  “Luis Suarez - Crossing the Line” (tạm dịch: “Vượt qua giới hạn”).

    “TÔI CẦN GIÚP ĐỠ”
    Khi Godin ghi bàn (bàn duy nhất vào lưới Italia, giúp Uruguay lọt vào vòng 1/8 World Cup 2014), tôi hô lên: “Vào”, nhưng trong lòng mình có thứ gì đó đã mất. Tôi mừng vì đội nhà ghi bàn, tôi mừng vì các đồng đội sẽ vào vòng knock-out, nhưng tôi không còn muốn nghĩ gì thêm nữa. Bởi suy nghĩ cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những gì mình đã làm và hệ lụy của nó.

    Tôi đã làm mọi người thất vọng. HLV Oscar Tabarez bước vào phòng họp báo với gương mặt buồn rầu vì biết những gì mà tôi có thể đón nhận. Tôi cũng không thể nhìn vào các đồng đội của mình, càng không dám nhìn HLV vì tôi chả biết nói gì với họ. Tabarez nói với tôi là phóng viên có hỏi ông vì tình huống ấy (Suarez cắn Chiellini), nhưng ông bảo mình không nhìn thấy gì cả.

    Các đồng đội cố an ủi tôi là mọi thứ sẽ không đến nỗi quá tệ đâu. Nhưng tôi chả còn muốn nghe một lời nào nữa. 2 ngày nữa thôi tôi sẽ bị buộc phải rời khỏi Brazil, nhưng trong đầu tôi, chuyến đi ấy đã diễn ra từ lâu rồi. Tôi đến sân tập ngày tiếp theo, đầu óc vẫn còn trống rỗng, vẫn chưa nghĩ đến việc phải xin lỗi mọi người. Đấy là lúc tôi thật sự cần giúp đỡ. Ngay sau khi kết thúc buổi tập, Tabarez gọi tôi đến để báo một tin dữ:

    - Đây là điều tồi tệ nhất mà tôi từng phải nói với cầu thủ của mình. 

    Lúc ấy, tôi đoán mình sẽ bị cấm 10, 15 hoặc 20 trận. Nhưng thông báo của Tabarez chỉ là “9 trận”. Nghĩa là còn quá nhẹ nhàng so với mường tượng của tôi. Ngập ngừng một chút, Tabarez nói tiếp:

    - Nhưng cậu sẽ không được đặt chân vào bất kỳ sân vận động nào. Và ngay bây giờ cậu phải dọn đồ rời khỏi khu tập trung của chúng ta ngay.


    Tôi muốn ở lại để ủng hộ đội nhà. Dù không thể thi đấu nữa, tôi vẫn muốn đóng góp một chút gì đó, dù nhỏ nhoi, ở bên ngoài sân. Nhưng lúc ấy FIFA đã cử đại diện của họ chờ sẵn ở khách sạn để “mời” tôi ra khỏi đó càng nhanh càng tốt. Họ cư xử với tôi còn tồi tệ hơn một tội phạm. Người ta có thể phạt một cầu thủ, cấm anh ta chơi bóng, nhưng liệu có quá đáng không khi cấm anh ta ở cạnh đồng đội của mình?

    Cấm 9 trận là án phạt chấp nhận được, nhưng bị đuổi về nhà và cấm bước vào tất cả các sân bóng ư? Lý do duy nhất mà tôi không khóc là vì tôi đang đứng trước HLV của mình.

    Có một cuộc họp đội ngay sau đó ở khách sạn. Tôi muốn nói gì đó với mọi người trong bữa ăn trưa, nhưng rốt cục lại không nói được lời nào. Tôi muốn bảo mọi người hãy đứng vững, hãy mạnh mẽ, tiếp tục chiến đấu, nhưng lời chưa thốt ra đã nuốt ngược trở vào.

    Nếu án phạt dừng ở việc cấm thi đấu 9 trận trong màu áo Uruguay - tức là gần 2 năm thi đấu quốc tế - thì dù khó khăn tôi vẫn chịu được. Nhưng cấm tôi đá cho Liverpool ư? Cấm tôi đến xem các cháu mình thi đấu giải nhi đồng ư? Cấm tôi đi dạo bên trong sân ư? Quyền lực của FIFA thực sự đã đi quá xa.

    Họ chưa bao giờ đưa ra một án phạt như thế ngay cả khi một cầu thủ đạp gãy chân đồng nghiệp của mình, hay như Mauro Tassotti đấm gãy mũi Luis Enrique ở World Cup 1994. Họ bảo “sự việc diễn ra trước toàn thế giới”. Nhưng khi Zinedine Zidane húc đầu vào ngực Marco Materazzi, anh ấy cũng chỉ bị cấm 3 trận. 

    Có lẽ tôi là một mục tiêu dễ dàng. Nhưng chính tôi cũng đã tự biến mình thành một mục tiêu dễ dàng. Đấy là lỗi lầm của tôi. Đây là lần thứ 3 sự việc tương tự diễn ra. Tôi cần phải gặp một ai đó, tôi cần giúp đỡ.


    KHI LOGIC THÔNG THƯỜNG TRỞ NÊN VÔ NGHĨA
    Sau án treo giò 10 trận hồi 2013 vì cắn Branislav Ivanovic, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: tại sao người ta không nhìn vào sự thật là chả có ai bị thương cả. Tổn thương mà tôi gây ra mỗi lần “ngứa răng” không là gì với những pha vào bóng. Thỉnh thoảng bóng đá Anh lại còn tự hào vì có số thẻ vàng thấp nhất châu Âu, đấy là vì thỉnh thoảng bạn “vô tình” làm gãy chân ai đó mà vẫn không bị phạt thẻ như thường. Tôi không nghĩ mình từng gây ra chấn thương cho bất kỳ đồng nghiệp nào. Tôi biết hành động cắn của tôi rất khó coi với nhiều người, nhưng thật sự là nó khá vô hại. Khi Ivanovic kéo tay áo lên để mách với trọng tài ở Anfield, không có dấu vết nào trên đó cả, không hề giống như Mike Tyson đã cắn Evander Holyfield.

    Khi tôi về nhà và xem lại hình ảnh từ truyền hình quay lại cảnh tôi cắn tiền vệ Otman Bakkal của PSV hồi 2010, tôi đã bật khóc. Tôi vừa trở thành bố của một bé gái, Delfina, và suy nghĩ con gái tôi có thể nhìn thấy điều ấy trong tương lai khiến bụng tôi quặn lại. Vợ tôi, Sofi, đã ở trên khán đài vào lúc ấy và có lẽ chưa kịp nhận ra chuyện gì đã xảy ra. Nhưng khi xem lại băng ghi hình, nàng đã nói:

    - Anh đã nghĩ cái quái gì vậy?

    Tôi cố tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy.

    Sự kích động trong một trận đấu đôi khi đã bị đẩy lên quá cao. Nhịp tim tôi rối loạn và não tôi có vẻ không chịu nổi. Lúc ấy tôi thật sự cần một chỗ để trút đi sự căng thẳng ấy. Năm 2010, tôi căng thẳng vì chưa thể phá vỡ thế quân bình của một trận đấu quá quan trọng, Ajax đang trong một giai đoạn sa sút phong độ khiến Martin Jol rốt cục đã phải trả giá bởi chiếc ghế HLV của mình. Tôi tức giận với chính mình và với tình huống ấy, đến lúc tôi chịu hết nổi.

    Đấy cũng là điều tương tự xảy ra trong tình huống với Ivanovic hồi 2013. Chúng tôi phải hạ Chelsea nếu muốn dự Champions League, thất bại sẽ khiến mọi thứ chấm dứt. Vậy mà tôi lại chơi quá tệ, tôi khiến đội nhà bị thổi phạt đền bởi một lỗi chạm tay ngu ngốc, tôi tự trách bản thân: “Sao mày lại vụng về đến như vậy?”


    Còn ở World Cup 2014, tôi đã bỏ qua một cơ hội ghi bàn trước khi cắn vào tay Chiellini. Nếu Buffon không cản phá cú dứt điểm của tôi, sẽ không bao giờ tôi cắn Chiellini làm gì. Áp lực, nỗi sợ hãi và sự tức giận như những quả bong bóng lớn dần trong tôi, khiến tôi không kiểm soát nổi hành vi của mình nữa. Khi trận đấu kết thúc và mọi thứ trở về bình thường, tôi luôn tự trách mình: “Sao mày ngu thế? Còn những 20 phút nữa cơ mà”. Nhưng lúc ấy, sự căng thẳng khiến bạn quên hết thời gian, quên mình ở đâu và cuối cùng là mình đang làm gì.

    Ở vào vị thế của tôi, nhiều cầu thủ sẽ nghĩ: “Ừ thì Uruguay sẽ bị loại, nhưng mình đã ghi 2 bàn tuyệt vời vào lưới đội tuyển Anh rồi”. Tôi cũng có thể xin rời sân sớm, đầu gối tôi đang rất đau. Nhưng tôi không phải là dạng đó. Tôi căm ghét thất bại, tôi sợ thất bại, logic vào thời điểm đó với tôi là vô nghĩa!
    (Còn nữa)

     >> Tự truyện "Vượt qua giới hạn" của Luis Suarez (Kỳ 13)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 12)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 11)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 10)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 9)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 8)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 7)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 6)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 5)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 4)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 3)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 2)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 1)
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay