Ở phút cuối cùng của 15 phút bù giờ trong trận chung kết lượt về khi tỷ số đang là 2-2, Thái Lan được hưởng quả đá phạt góc. Nếu ghi được bàn, nhà ĐKVĐ sẽ thắng 3-2 và đưa trận đấu vào 2 hiệp phụ. Vì thế, thủ môn Khammai đã bỏ khung thành trống để lên tham gia tấn công với hy vọng sẽ tạo sức ép lên cầu môn ĐT Việt Nam cũng như trông đợi sẽ ghi bàn thắng.
Đây không phải là hình ảnh hiếm hoi trên thế giới. Một số thủ môn cũng đã góp công bằng những đường chuyền cho đồng đội ghi bàn, thậm chí đích thân lập công. “Được ăn cả ngã về không”, Thái Lan sau đó phải chấp nhận “ngã” để rơi vào cảnh trắng tay. ĐT Việt Nam thực hiện pha chống phạt góc rất xuất sắc, chấm dứt cơ hội ăn bàn của chủ nhà.
Không những thế, Quang Hải đã phát động tấn công bằng đường chuyền cho Hai Long. Tiền vệ này sau vài pha xử lý để vượt qua khỏi sự truy cản của cầu thủ Thái Lan đã tung cú sút đưa bóng từ từ lăn vào lưới trống. Thủ môn Khammai không thể lùi về kịp trong lúc, 2 cầu thủ khác của chủ nhà rượt đuổi trong vô vọng, đành đứng nhìn lưới nhà rung lên, qua đó, chấp nhận thất bại với tỷ số 2-3.
Trong bộ môn futsal, việc ghi bàn theo cách trên không phải là chuyện hiếm. Ở thế cần thắng, các đội futsal thường sử dụng chiến thuật power-play bằng cách rút thủ môn ra để tăng cường một cầu thủ tấn công. Khi hãm thành bất thành, họ cũng đã phải trả giá bằng cú phất bóng dài đi thẳng vào khung thành bỏ trống như cái cách mà Hai Long xuyên thủng lưới Thái Lan. Bàn thua thứ hai của ĐT futsal Việt Nam trước Indonesia ở chung kết giải futsal Đông Nam Á 2024 là ví dụ gần nhất.
Tuy nhiên, việc một cầu thủ ghi bàn thắng sau khi thủ môn đối phương lên tham gia đá phạt góc nhưng không thể lùi về kịp như tình huống lập công của Hai Long là thuộc dạng hiếm ở bóng đá sân cỏ. Bàn thắng của tiền vệ ĐT Việt Nam sẽ còn được nhắc nhiều như một tình huống chưa có tiền lệ ở AFF Cup cũng như hiếm thấy trên thế giới. Một chuyên gia còn cho rằng giới làm bóng đá có thể “đưa vào giáo án” để dạy, phân tích các tình huống trên sân.