Vị thế của đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á
Kể từ khi HLV Park Hang Seo nắm quyền đội tuyển Việt Nam vào tháng 10/2017, bước ngoặt về vị thế của những chiến binh sao vàng ở Đông Nam Á đã thay đổi đầy ấn tượng. Bắt đầu từ chiến thắng 4-0 trước U23 Myanmar tại giải M-150 Cup trên đất Thái Lan và gần nhất là đánh bại 1-0 trước U23 Myanmar ở vòng loại U23 châu Á 2022 cách đây 1 tháng, U23 và ĐTQG Việt Nam dưới tài cầm quân của ông Park đã trải trọn vẹn 30 trận liên tiếp bất bại, trước các đối thủ Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam thắng 25 và hoà 5 trước các đội ở cấp độ U23 và ĐTQG trong khu vực.
Riêng ở cấp độ ĐTQG, Việt Nam trải qua 16 trận bất bại (12 trận thắng, 4 trận hoà) trước hàng loạt đối thủ Đông Nam Á. Cũng nhờ thành tích ấn tượng đó mà đội tuyển Việt Nam đã chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018 một cách đầy thuyết phục. Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, dù chung bảng đấu với 3 đội mạnh nhất nhì Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhưng Việt Nam vẫn từng bước vượt qua họ. Để từ đó, Việt Nam trở thành đội Đông Nam Á duy nhất góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 dành cho 12 đội châu Á mạnh nhất.
Lá cờ đầu của Đông Nam Á dù chưa có điểm số nào trước Trung Quốc, Saudi Arabia, Oman, Australia và Nhật Bản. Nhưng với những gì đã thể hiện trước các đối thủ này, thầy trò HLV Park Hang Seo cho thấy những đội mạnh hàng đầu châu Á cũng chẳng dễ dàng để có được thắng lợi trước Việt Nam, chứ đừng nói là những kết quả với cách biệt trên 2 bàn.
Quyết tâm làm nên lịch sử
Năm 2008, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam với Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh, Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Như Thành… dưới bàn tay của HLV cá tính Henrique Calisto đã giúp chúng ta lần đầu tiên vô địch AFF Cup trong lịch sử. Thế nhưng sau 2 năm, tại AFF Cup 2010, đội tuyển Việt Nam chỉ dừng bước ở bán kết sau thất bại trước Malaysia.
Cũng kể từ đó cho đến tận AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam mới có thể lên ngôi vô địch một lần nữa. Nhưng khác với thế hệ cách đây 1 thập kỷ, dàn quân mà HLV Park Hang Seo xây dựng với Quế Ngọc Hải, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức… không duy trì được sức trẻ, trình độ, đẳng cấp mà còn là sự ổn định trong phong độ. Đó là cơ sở để người hâm mộ Việt Nam tin rằng đội tuyển Việt Nam có thể làm nên lịch sử, khi có thể bảo vệ thành công ngôi vô địch một lần nữa. Đó là điều mà trong quá khứ, chỉ có Thái Lan và Singapore làm được.
Lợi thế của đội tuyển Việt Nam là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá trên toàn thế giới, thầy trò Park Hang Seo đã liên tục được thi đấu suốt từ tháng 6 cho đến nay, với 9 trận đấu chính thức ở cấp độ quốc tế.
Nhìn về cơ hội vô địch của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 và đối chiếu với sự chuẩn bị gấp gáp, vội vã đến từ Thái Lan, Malaysia, chuyên gia Phan Anh Tú nhấn mạnh: “Với ĐT Việt Nam thì các đội đều biết lối chơi, nhưng chúng ta càng ngày chơi nhuần nhuyễn hơn, hiểu nhau hơn và chuyên nghiệp hơn. Trong sự hay, ổn định đó thì cần sự biến hóa. Khi đạt tới mức độ hay thì họ sẽ có sự biến hóa riêng của họ, cái đó mới quan trọng. Sự biến hóa trong lối chơi phải đến từ sự ổn định của tập thể được xây dựng qua nhiều năm chứ không thể thay đổi một lối chơi hoàn toàn khác biệt được, khi mà con người của chúng ta vẫn vậy, tập luyện với triết lý như vậy trong nhiều năm trời”.
Chân dung các đội tuyển dự AFF Cup 2020
BẢNG A
- ĐT Thái Lan: Voi chiến mơ phục hận
- ĐT Philippines: Sẵn sàng cho mục tiêu vô địch AFF Cup 2020
- ĐT Singapore: Giấc mộng ánh hào quang xưa
- ĐT Myanmar: Lực bất tòng tâm?
- ĐT Timor Leste: ‘Kho điểm’ AFF Cup 2020
BẢNG B