Phòng VAR tại các SVĐ chỉ phục vụ truyền tài hình ảnh, có thể hiểu chỉ là phòng kỹ thuật, nơi để các thiết bị liên quan tới truyền dẫn. Ưu điểm của hệ thống này giúp cho các trọng tài VAR có thể tập trung tại 1 địa điểm và không cần phải vận chuyển các thiết bị đồ sộ tới từng sân thi đấu. Quá trình vận chuyển qua lại giữa các nước cũng không đơn giản trong một lịch thi đấu dày đặc. Phương án này cũng tiết kiệm được lượng thiết bị cần phải chuẩn bị.
Vấn đề lớn nhất của VAR là trung tâm hạ tầng mạng và khả năng xử lí tức thời các sự cố. Với khoảng cách giữa các địa điểm (từ SVĐ đến phòng VAR trung tâm tại Malaysia) như tại giải vô địch Đông Nam Á thì yêu cầu đường truyền quốc tế phải cực kỳ tối ưu về cả tốc độ lẫn tính ổn định, dẫn đến chi phí tương đối đắt đỏ.
Thời gian, nhân sự để triển khai cũng tương đối đồ sộ để đảm bảo không có bất cứ sự cố nào diễn ra trong trận đấu. Nếu sự cố xảy ra thì quá trình xử lí tương đối dài. Các nhược điểm về đường truyền và khả năng xử lí sự cố được khắc phục bởi phương án dùng xe VAR lưu động tại sân khi phương án này sử dụng các đường truyền tín hiệu trực tiếp và dễ khắc phục các sự cố ngay trong trận đấu. Số lượng nhân sự vận hành cũng ít hơn.
Tuy nhiên, số lượng các xe VAR lưu động hoặc số lượng thiết bị phòng VAR cần vận chuyển qua lại các quốc gia là rất lớn, tốn nhiều thời gian và cập rập trong công tác tổ chức.
Trong tương lai, rất có thể đối với các giải đấu ở nhiều quốc gia, AFF sẽ cân nhắc sử dụng thiết bị VAR của các giải VĐQG nơi trận đấu được tổ chức. Hiện tại, ngoài Việt Nam còn có Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia đang vận hành VAR tại các trận đấu thuộc giải quốc nội.