Bóng Đá Plus trên MXH

Barca, Valencia, Atletico & Real dùng 4-4-2 thế nào?
Ngọc Trung • 16:50 ngày 25/11/2017
Nếu như tại Ngoại Hạng Anh, sơ đồ 3 hậu vệ đang trở nên thịnh hành thì ở La Liga, dòng chảy chiến thuật cũng có sự dịch chuyển lớn khi 4-4-2 trở thành sơ đồ chiến thuật thời thượng.
    Bằng chứng là cả 4 đội bóng đang dẫn đầu La Liga đều sử dụng sơ đồ này. Bao gồm Atletico Madrid, Real Madrid, Valencia và Barcelona. Dĩ nhiên, mỗi đội có mỗi lý do, mục đích khác nhau để dùng sơ đồ 4-4-2. Atletico chính là đội tiên phong sử dụng 4-4-2. Thực tế dưới thời HLV Diego Simeone, 4-4-2 chính là sơ đồ tủ của đội bóng áo sọc đỏ trắng.

    Trong khi đó, với việc Ronaldo ngày càng tiến gần khung gỗ, Real cũng dịch chuyển dần sang sơ đồ 4-4-2 để tạo điều kiện cho siêu sao người Bồ Đào Nha đá cặp cùng Karim Benzema. Cuối cùng, Valencia với sự xuất hiện của HLV Marcelino và Barca với sự xuất hiện của HLV Ernesto Valverde cũng thường xuyên dùng 4-4-2. Điều thú vị, tuy dùng chung một sơ đồ nhưng mỗi đội một vẻ, cách áp dụng và thể hiện triết lý hoàn toàn khác biệt.

    Atletico, 4-4-2 bịt kín không gian

    Triết lý chiếm lĩnh không gian của Simeone đã trở thành bản sắc của Atletico. Với 4-4-2, đội bóng áo sọc đỏ trắng dàn ra trước mặt đối phương một hàng phòng ngự 3 tầng được thiết lập kín đặc bên phần sân nhà. Tất nhiên, đây chỉ là hình thái sơ khai khi đối phương bắt đầu tổ chức tấn công. Tùy hướng đối phương tổ chức lên bóng, Atletico sẽ chuyển đổi sơ đồ để gây áp lực.

    Thông thường, có hai phương án được Atletico áp dụng. Phương án 1, nếu đối phương đưa bóng ra biên, một tiền đạo sẽ dạt ra gây áp lực để ép cầu thủ đối phương chuyền dọc biên. Cùng lúc, tiền vệ và hậu vệ biên sẽ tiếp cận cầu thủ sẽ nhận bóng. Khi đối phương nhận bóng thì đã có sẵn ba cầu thủ Atletico vây ba mặt, mặt còn lại là… đường biên ngang.

    Atletico luôn xây dựng nhiều lớp phòng ngự bên phần sân nhà
    Atletico luôn xây dựng nhiều lớp phòng ngự bên phần sân nhà

    Phương án 2, nếu đối phương phát triển bóng ở trung lộ, một tiền đạo sẽ dâng cao gây áp lực. Tiền đạo còn lại lùi về giữa sân tạo nên tuyến đê chắn sóng gồm 5 người. Và 5 người này sẽ chủ động săn đuổi “con mồi” đứng gần nhất làm hạn chế lựa chọn chuyền bóng của cầu thủ đang cầm bóng. Một điểm dễ nhận ra khác, nguyên hàng tiền vệ của Atletico không ai đảm trách vai trò leo biên một cách rõ rệt, kể cả hai cầu thủ được bố trí đá biên.

    Họ sẽ có xu hướng bó vào trung lộ bố ráp cầu thủ cầm bóng bên phía đối phương hoặc giăng ngang cùng 2 tiền vệ trung tâm tạo thành lớp lá chắn thứ hai. Và hàng phòng ngự Atletico vững chãi như thế nào thì khỏi phải giới thiệu nhiều. Những gã khổng lồ như Real, Barca, Bayern hay Chelsea đều từng nếm trải sự vững chãi của nó.

    Valencia, 4-4-2 trực diện

    Valencia là hiện tượng kỳ vĩ tại La Liga 2017/18. Không phải Real hay Atletico, chính Bầy Dơi mới là đội bóng đứng thứ hai trên bảng xếp hạng sau 12 vòng đấu, chỉ với 4 điểm kém hơn Barca. Không chỉ có vậy, Valencia hiện là đội bóng sở hữu hàng công có số bàn thắng nhiều thứ hai tại La Liga, với 32 lần đưa bóng vào lưới đối phương.

    Sự mới lạ và hiệu quả của Valencia nằm ở cách bố trí đội hình. Trong số 4 đội bóng đang dẫn đầu La Liga, Bầy Dơi của Marcelino chính là đội bóng có cách sắp xếp giống với sơ đồ 4-4-2 nguyên bản nhất, tức 2 tiền vệ trung tâm chuyên tâm đánh chặn và phân phối, 2 tiền vệ biên tập trung xuyên phá và 2 tiền đạo phối hợp tương đối độc lập.

    Thực tế, Valencia là đội bóng có truyền thống sử dụng sơ đồ 4-4-2. Từ những năm đầu thế kỷ, đội chủ sân Mestalla đã gieo rắc kinh hoàng với cặp sen đầm Baraja-Albelda hay những tiền vệ tấn công xuất sắc như Mendieta, Vicente hay Pablo Aimar.

    Marcelino tái sinh sơ đồ 4-4-2 tại Valencia
    Marcelino tái sinh sơ đồ 4-4-2 tại Valencia

    Thế nên, có thể xem những màn trình diễn thăng hoa mà thầy trò Marcelino đang mang đến chính là sự tiếp nối. Valencia hiện tại chơi thứ bóng đá trực diện hơn 15 năm trước, với những pha lên bóng vỗ mặt hàng thủ đối phương. Trong khi đó, hai tiền vệ biên tận dụng tốc độ tuyệt vời xuyên phá vào khoảng giữa hai hậu vệ biên và trung vệ đối phương. Hạt nhân của đội hình này là khả năng đánh chặn của Kondogbia, sức sáng tạo của Pajero, sự bùng nổ của Guedes, tốc độ của Soler và sự sắc bén của Zaza.

    Barcelona, tia sáng 4-4-2 từ hầm tối

    Barca luôn đóng khung với sơ đồ 4-3-3 ngót nghét chục năm trở lại đây. Theo dự tính, đội hình ấy không đổi ở mùa 2017/18. Sau sự ra đi của Neymar, gần như lập tức Barca chiêu mộ Dembele để bù đắp. Thế nhưng trớ trêu hoặc may mắn cho Barca, tân binh đến từ Dortmund lại dính chấn thương, Valverde gần như không còn gương mặt nào khả dĩ để sử dụng ở vị trí tiền đạo cánh trái. Thế nên, nhà cầm quân này chuyển đổi sang sơ đồ 4-4-2.

    Tất nhiên, biến thể 4-4-2 mà Barca áp dụng rất khác 4-4-2 nguyên bản. Trong sơ đồ này, vẫn có sự hiện diện của 3 tiền vệ trung tâm là Busquets, Rakitic và Iniesta. Tuy nhiên, Iniesta sẽ dạt sang biên trái nhiều hơn và ở cánh đối diện là Lionel Messi. Nhiệm vụ bám biên sẽ được giao hẳn cho Jordi Alba. Để rồi chính Messi và Alba tạo thành cặp ghi bàn ăn ý nhất tại La Liga tính đến hiện tại với 4 lần Alba chuyền cho siêu sao người Argentina ghi bàn.

    Trên hàng công, thời gian gần đây Valverde thường sử dụng Alcacer đá cặp với Suarez. Một phương án khác cũng được nhà cầm quân này sử dụng là Messi đá cặp tiền đạo với Suarez còn Deulofeu án ngữ bên hành lang cánh phải. Dĩ nhiên, triết lý của Barca là không đổi. Đội bóng xứ Catalan vẫn vào sân với mục tiêu là cầm thật nhiều bóng trong chân và kéo giãn hàng phòng ngự đối phương bằng những đường chuyền quãng ngắn tí tách.

    Alcacer có nhiều đất diễn hơn ở Barca nhờ sơ đồ 4-4-2
    Alcacer có nhiều đất diễn hơn ở Barca nhờ sơ đồ 4-4-2

    Real Madrid, 4-4-2 từ sự thay đổi của Ronaldo

    Như đã đề cập từ đầu bài viết, Ronaldo hiện tại không còn là một tiền đạo cánh thường xuyên cầm bóng đột phá từ biên trái vào trung lộ để dứt điểm. Phong cách của siêu sao người Bồ Đào Nha thời gian qua gần giống một trung phong, tức là hoạt động trong vòng 16m50 và khai thác khoảng trống để dứt điểm một chạm. Sự phụ trợ Benzema tạo ra cho Ronaldo là không đổi, tuy nhiên tiền đạo người Pháp không phù hợp với vai trò dạt biên.

    Cộng với việc Bale vắng mặt dài hạn vì chấn thương, Zidane chuyển đổi sang sơ đồ 4-4-2 mà Ronaldo và Benzema tạo thành cặp tiền đạo. Sự khác biệt với Barca, Valencia và Atletico là 4 tiền vệ của Real sẽ tạo thành hình kim cương phía sau 2 tiền đạo. Trong đó, Isco là người chơi cao nhất và Casemiro là người chơi thấp nhất. Mục tiêu của đội hình này vẫn không đổi là thực hiện những pha đan đập ở tốc độ cao để xuyên phá hàng thủ đối phương.

    Cũng có lúc Real sử dụng sở đồ 4-4-2 với 2 tiền vệ biên là Vazquez và Asensio nhưng lựa chọn này chỉ mang tính tạm thời. Bàn về sự sa sút của Real, nguyên nhân chính nằm ở sự sa sút của các trụ cột chứ không phải sự thay đổi sơ đồ chiến thuật. Ở hai biên, Marcelo chỉ còn là cái bóng của chính mình còn Hakimi quá non nớt. Ở trung tuyến, Modric và Kroos, hai cầu thủ điều phối chính cũng không giữ được phong độ. Trong khi đó, cặp Ronaldo và Benzema sa sút thảm hại, trở nên cùn mòn tới mức khó hiểu.
    Bình luận
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội