Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Cầu thủ Đức ở Premier League: Cỗ xe tăng lạc lối ở xứ Sương mù
15:39 ngày 03/01/2015
2014 sẽ luôn là một năm đáng nhớ với bóng đá Đức. Một bức tranh đẹp đến mức gần như không có tì vết, song giữa “gần như không” và “không” vẫn tồn tại khoảng cách.
    Ở cấp độ đội tuyển, thầy trò HLV Joachim Loew đăng quang World Cup đầy thuyết phục. Ở bình diện CLB, Bundesliga xây chắc vị trí thứ 3 mà họ lấy được từ Serie A. Các đội bóng đến từ xứ bia đều vượt qua vòng bảng Champions League. Ở phương diện cá nhân, Manuel Neuer cạnh tranh sòng phẳng với Cristiano Ronaldo và Messi cho danh hiệu Quả bóng vàng. Không thể phủ nhận Đức đã vươn lên để trở thành nền bóng đá hàng đầu thế giới, khi sản sinh ra lứa cầu thủ đồng đều, tài năng và đang ở độ chín như Thomas Muller, Mario Gotze, Schurrle, Marco Reus… Tuy nhiên, tại Premier League, các nhà ĐKVĐ thế giới đang “im thin thít” và “lặn mất tăm”.

    Nhạt nhòa Die Mannschaft ở Premier League
    Cầu thủ Đức ở Premier League có số lượng không quá đông, nhưng lại rất đa dạng về thành phần như lứa tuổi và độ nổi tiếng. Trẻ trung có (Emre Can), độ chín có (Schuerrle, Oezil), lớn tuổi có (Robert Huth) mà nhiều kinh nghiệm cũng có (Mertesacker). Có tổng cộng 9 “lính đánh thuê” đến từ Đức tại giải đấu hàng đầu xứ Sương mù, với tổng trị giá lên tới 100 triệu euro, và hãy xem họ làm được gì ở mùa giải này sau 20 vòng: chơi 55 trận, ghi được… 4 bàn, chỉ bằng con số lẻ của Aguero – cầu thủ đã ngậm ngùi cùng Argentina nhìn Đức đăng quang đêm chung kết. Trung bình, mỗi cầu thủ Đức được đá hơn 6/20 trận, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của họ. Ngoài trừ Per Mertesacker, không một ai có được suất đá chính trong đội hình, chứ đừng nói đến chuyện toả sáng.

    Nỗi thất vọng lớn nhất phải đến từ Mesut Oezil. 13 đường kiến tạo cùng 7 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên không đảm bảo cho cựu cầu thủ Real Madrid và Bremen bất cứ điều gì. Chấn thương liên miên, phong độ sa sút, bị đẩy ra cánh,… Oezil hoàn toàn mất hút ở Arsenal và chỉ có 1 đường chuyền quyết định duy nhất, ngang với… trung vệ Mertesacker. Ở trận đấu với Chelsea, tuyển thủ Đức hoàn toàn vô hại và không gây ra chút lo lắng nào cho hàng phòng ngự áo xanh. 

    Mertesacker

    Trái với khởi đầu đầy hứng khởi khi đặt chân đến Anh, sự thể hiện của Oezil đi xuống từng ngày. Không quá khó để giải thích cho vấn đề mà bản hợp đồng 50 triệu euro này gặp phải: thể lực không tốt, lối đá quá hiền và trọng sự hoa mỹ của Oezil quá kị dơ với những cuộc đua đường trường về sức ở xứ Sương mù. Khi mà hàng tiền vệ Arsenal bắt đầu hoạt động ổn định với Cazorla, Chamberlain, Wilshere,… ngày trở lại đội hình chính của Oezil sẽ còn rất xa vời.

    Khác với Oezil, Per Mertesacker là trụ cột trong hàng phòng ngự “Pháo thủ”. Thực hiện 25 cú tắc bóng thành công (tỷ lệ 71%), chiến thắng 68% các pha tranh chấp tay đôi và chưa mắc lỗi nào trực tiếp gây ra bàn thua, “Người khổng lồ” với chiều cao gần 2 mét đã có nửa mùa giải chấp nhận được. Tuy vậy, thân hình to lớn khiến cho Mertesacker phản ứng khá chậm trước các cầu thủ nhỏ con, và anh chưa gây ra được sự ấn tượng ở khả năng chỉ huy hàng thủ.

    Với Podolski, người đang sống những giờ cuối cùng trong tư cách một “Pháo thủ” (đã đồng ý đến Inter theo dạng cho mượn), chỉ là sự lựa chọn thứ 3, thậm chí là thứ 4 cho vị trí tiền đạo của Arsenal. Cựu chân sút của Cologne có 19 bàn sau 60 trận, và chưa khai hỏa ở Premier League mùa này. Cũng như Oezil, Podolski khởi đầu rất tốt (11 bàn thắng, 10 kiến tạo sau 33 trận) nhưng lại hụt hơi ở giai đoạn sau. 

    Không phủ nhận Poldi là một tiền đạo giỏi, anh là cầu thủ dứt điểm tốt nhất mà Arsenal đang sở hữu. Song khả năng làm tường và tì đè thua hẳn Giroud và Welbeck khiến cho Podolski không được trọng dụng ở cả vị trí tiền đạo trái hay tiền đạo cắm. Ra đi là cách duy nhất để cầu thủ này có thể cứu vãn sự nghiệp của mình.

    Podolski 

    Thêm một nét chấm phá cho gam màu u tối của “Cỗ xe tăng” ở Premier League, không thể bỏ qua Andre Schuerrle. Nổ súng ngay vòng mở màn trước Burnley, 19 vòng sau đó, Schuerrle ghi thêm… 1 bàn. Được xuất hiện trên sân 13 lần, nhưng số trận đá chính của tuyển thủ Đức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khác với 15 trận đá chính mùa trước, Schurrle đã mất hoàn toàn suất chính thức bên hành lang cánh phải cho Willian. Đã có rất nhiều ý kiến phàn nàn về quyết định này của Mourinho, khi Schuerrle chơi tốt ở ĐT Đức và có khả năng tạo đột biến cao. 

    Tuy vậy, càng đá, Schuerrle càng chứng tỏ quyết định anh bị “gạt bỏ” là hoàn toàn… chính xác. Tung ra 4.46 cú sút / 90 phút với độ chuẩn xác quá thấp (33% so với 45% mùa trước) và cứ 2 trận mới có một đường chuyền quyết định, Schuerrle đánh mất luôn cả cái duyên khi vào sân từ ghế dự bị. Trận hòa khó nhọc của Chelsea trước Southampton cách đây ít ngày, Schuerrle là gánh nặng của hàng công Chelsea.

    Ngoài ra, những cái tên kỳ cựu như Robert Huth đã mất vị trí từ lâu; Yesil còn quá non để cạnh tranh trên hàng tiền đạo Liverpool; hay Emre Can chưa khẳng định được nhiều,… thật khó tìm ra điểm nhấn đáng chú ý mà các cầu thủ Đức tạo nên ở mùa giải này. Podolski chuẩn bị ra đi, trong khi chẳng có gì đảm bảo những người đồng hương của anh ở rời xứ Sương mù sẽ tỏa sáng trong tương lai gần. 

    Vì đâu nên nỗi?
    Không dễ để tìm ra nguyên nhân cho sự tụt dốc không phanh này của các cầu thủ Đức. Họ đều là những tên tuổi đã được khẳng định, có khởi đầu rất hứa hẹn với các CLB chủ quan và được đánh giá là trụ cột tương lai của đội bóng. Tình cảnh u ám hiện giờ chỉ có thể được giải thích một cách tạm thời theo các lí do sau đây:

    Emre Can

    - Đồng đội: Chơi ở Real Madrid, xung quanh Mesut Oezil là Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, Di Maria cực kỳ nhạy bén và đẳng cấp. Thi đấu cho Bayern, Schweinsteiger, Robben hay Ribery chắc chắn rất hiểu Poldi. Sang một đội bóng mới với đồng đội mới, các cầu thủ Đức phải tìm hiểu đồng đội, chứ không thể chờ đồng đội tìm hiểu mình.

    - Cạnh tranh: Sắm vai dự bị ở ĐT Đức, song Andre Schuerrle luôn giữ suất đá chính ở Leverkusen lẫn Mainz 05. Bằng chứng là anh chỉ bỏ lỡ 5 trận sau 4 năm chơi bóng ở Bundesliga. Ở Chelsea, sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều, và một khi không được thi đấu thường xuyên, một cầu thủ đá dựa nhiều vào cảm hứng như Schurrle tự khắc sa sút.

    - Sự chậm thích nghi: Oezil, Schuerrle, Podolski hay cả Emre Can đều đến Premier League từ La Liga và Bundesliga, đó đều là những nền bóng đá đậm chất kỹ thuật và không đề cao thể lực như bóng đá Anh. Mật độ thi đấu dày đặc đã khiến họ bị “choáng” và không kịp chạy đua với các trận đấu liên tục.

    Sẽ còn nhiều lý do nữa khiến cho các cầu thủ Đức chưa thể toả sáng ở Premier League. Hiển nhiên, họ phải tìm cách thích nghi, thay đổi bản thân cho phù hợp với triết lý bóng đá mới. Nhập gia thì cần tuỳ tục, không thể nào mong chờ nền bóng đá này sẽ thay đổi theo bản thân. Các cầu thủ Brazil, TBN, Argentina, Pháp,… cũng gặp nhiều khó khăn khi mới đến Anh. Nhưng họ đã vượt qua được, còn bây giờ, hãy chờ câu trả lời mà “Cỗ xe tăng” mang lại trước thách thức bậc nhất trong sự nghiệp của mình.
    Hồng Nam • 15:39 ngày 03/01/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay