Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Số phận nghiệt ngã của những sao Chelsea không thể lớn
Cẩm Chi • 14:37 ngày 26/08/2019
Án phạt cấm Chelsea chuyển nhượng trong vòng một năm rốt cục lại trở thành cơ hội vàng cho những cầu thủ như Tammy Abraham. Sau nhiều năm bôn ba tại các CLB thấp kém hơn, cuối cùng họ cũng có cơ hội khoác áo Chelsea thực sự. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.

    Đội quân cho mượn

    Jose Mourinho từng nói: “Chelsea đưa Frank Lampard lên làm HLV trưởng vì họ không thể mua được cầu thủ nào cả”. Người đặc biệt rõ ràng nói không sai chút nào. Thói quen thay HLV như thay áo của Chelsea khiến họ chẳng thể mời được những chiến lược gia tầm cỡ đến dẫn dắt và chẳng ai muốn đến một đội bóng mà họ không thể mua sắm cả. Chính vì thế, Sarri mới tẩu thoát khỏi Chelsea chỉ sau một mùa giải đến Anh làm việc để trở về làm HLV trưởng Juventus.

    Trong bối cảnh đó, Lampard nhận lời ngồi vào ghế nóng. Những “tân binh” ông có thể lựa chọn là hàng chục cầu thủ thuộc biên chế Chelsea được cho mượn mỗi mùa. Cuối cùng ông đặt niềm tin vào Tammy Abraham, Mason Mount và Reece James. Abraham và Mount được đá chính thường xuyên từ đầu mùa, và họ đang dần chứng tỏ bản lĩnh ở trận thắng Norwich. Trên ghế dự bị, James luôn sẵn sàng đón nhận cơ hội vào sân thi đấu bất cứ lúc nào.

    “Án phạt của Chelsea thực sự đã cứu rỗi tôi”, Abraham xúc động chia sẻ. “Nếu Chelsea không bị phạt, chắc chắn chẳng bao giờ tôi có cơ hội đá chính. Rồi sau đó sẽ là những ngày phiêu dạt ở những đội hạng dưới, ở những giải đấu thấp kém hơn”. Những lời Abraham nói phần nào vạch trần sự thật nghiệt ngã ở Chelsea. Hàng chục cầu thủ trẻ nuôi ước mơ khoác áo CLB này gia nhập “đội quân cho mượn” mỗi năm, và trở thành công cụ kiếm tiền của họ.

    Trước ngày trở lại Chelsea đá chính, Abraham từng khoác áo Bristol, Swansea và Aston Villa theo dạng cho mượn. Thành tích của anh ở những CLB đó không tồi chút nào. Mùa 2016/17, anh ghi 23 bàn ở giải Championship và giúp Bristol trụ hạng thành công. Đến năm ngoái, anh ghi 25 bàn trong hành trình trở lại Premier League của Villa. Nhưng nếu Chelsea có thể mua bán cầu thủ, Abraham chắc chắn sẽ lại phải đến đá thuê cho một CLB khác.

    Mason Mount cũng vậy, khi anh thậm chí từng đến Hà Lan khoác áo Vitesse rồi trở lại Anh chơi cho Derby County. Tính trung bình mỗi mùa giải, Chelsea có khoảng... 20-25 cầu thủ thi đấu theo dạng cho mượn trên khắp thế giới. Không phải ai cũng có may mắn trở thành cầu thủ thực thụ của Chelsea như Abraham và Mount. Nhiều người thậm chí còn ra đi mà chưa từng khoác áo Chelsea trong một trận đấu chính thức nào.

    HLV Lampard buộc phải sử dụng những cầu thủ cho mượn vì luật công bằng tài chính
    HLV Lampard buộc phải sử dụng những cầu thủ cho mượn vì luật công bằng tài chính

    Vậy đâu là lý do khiến Chelsea lại sở hữu một lượng lớn cầu thủ cho mượn như thế? Câu trả lời nằm ở khía cạnh tài chính. Michael Emenalo, cựu Giám đốc thể thao của Chelsea từng chia sẻ: “Luật công bằng tài chính ảnh hưởng rất lớn đến hướng phát triển của Chelsea. Thay vì giữ những cầu thủ trẻ ở lại CLB để rèn luyện, chúng tôi phải đẩy họ đến những CLB khác để có thêm nguồn thu”. Nếu may mắn, Chelsea có thể thu về một món hời kha khá nếu cầu thủ đó chơi tốt.


    Những bóng ma vật vờ rời Stamford Bridge

    10 năm trước, Chelsea từng thoát án cấm chuyển nhượng trên đường tơ kẽ tóc. Tất cả xuất phát từ việc họ cố cuỗm tài năng trẻ Gael Kakuta khỏi Lens khi anh mới 16 tuổi. Cuối cùng, những gì Kakuta làm được ở Chelsea chỉ là con số không: 16 lần ra sân ở các trận đấu chính thức và không ghi nổi bàn thắng nào. Đó là nguyên nhân khiến Chelsea đẩy anh đến 6 CLB khác nhau theo dạng cho mượn trong vòng 6 năm. Kakuta thậm chí từng đến Trung Quốc chơi bóng, và giờ trở lại Pháp khoác áo Amiens.

    Không gây tai tiếng nhiều cho Chelsea như Kakuta, nhưng câu chuyện của Josh McEachran thậm chí còn bi thảm hơn nhiều. McEachran gia nhập học viện bóng đá của Chelsea năm 8 tuổi và ký hợp đồng chuyên nghiệp vào năm 2010 khi anh 19 tuổi. Đó cũng là lúc McEachran bắt đầu hành trình đá thuê. Trong vòng 5 năm, anh bị đẩy tới 5 CLB: Swansea, Middlesbrough, Watford, Wigan và Vitesse.

    Cực chẳng đã vì bị coi là người thừa ở Chelsea, năm 2015 McEachran dứt áo đến Brentford lập nghiệp. Nhưng đến tháng 6 vừa rồi, hợp đồng giữa anh và CLB kết thúc. Brentford cũng chẳng mặn mà gia hạn hợp đồng với tiền vệ một thời được coi là tương lai của bóng đá Anh. Ở tuổi 26, McEachran trở thành cầu thủ thất nghiệp. Nhiều khả năng anh sẽ phải ngồi chơi xơi nước tối thiểu nửa năm trước khi có bến đỗ tiếp theo.

    Bên cạnh Kakuta và McEachran, những tài năng trẻ một thời như Bertrand Traore hay Slobodan Rajkovic cũng từng trải qua những ngày sống mòn tại Chelsea. Nếu là những cầu thủ bên ngoài Vương quốc Anh, mọi thứ còn tồi tệ hơn. CLB thường xuyên viện ra lý do “không xin được visa lao động” để đẩy họ đến những CLB khác. Đổi lại, giấc mơ được khoác áo Chelsea rõ ràng quá tuyệt vời trong mắt những cậu bé mới ở tuổi mười tám đôi mươi. Vì thế họ sẵn sàng phiêu bạt vì CLB, cho đến ngày bị hất cẳng.

    Bom tấn cũng có thể trở thành hàng mượn
    Mùa Hè 2017, Tiémoué Bakayoko được Chelsea chiêu mộ từ Monaco với giá 40 triệu bảng. Tuy nhiên, phong độ yếu kém cùng những thẻ phạt vô duyên khiến anh chỉ trụ lại Chelsea trong năm đầu tiên. Mùa trước, Bakayoko bị đẩy sang Milan theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt. Nhưng Milan cũng không muốn giữ anh, nên mùa này họ đẩy Bakayoko trở lại Chelsea.

    10 năm được đem cho mượn 15 lần
    Đó là trường hợp của Michael Hector. Khi khoác áo Reading từ năm 2009 đến 2015, tuyển thủ Jamaica được CLB này đem cho mượn tới 11 lần. Đế khi chuyển sang khoác áo Chelsea, anh tiếp tục bị đem cho mượn ở 4 CLB khác. Đến nay Hector đã 27 tuổi, chơi cho 16 CLB nhưng chưa từng thi đấu ở đội một Chelsea.

    Ra đi để thành công
    Với nhiều cầu thủ Chelsea, dứt áo ra đi là cách duy nhất để trở thành ngôi sao. Đó là trường hợp của Matic, De Bruyne và Lukaku. Thay vì cố giữ danh tiếng cầu thủ Chelsea để nay đây mai đó ở những CLB khác nhau, họ tìm một bến đỗ mới.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội