Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Toàn cảnh công tác đào tạo cầu thủ trẻ tại Anh 10 năm qua: Chi tiền tấn, thu về tiền xu
09:41 ngày 30/03/2015
10 năm qua, người Anh đã đổ tổng cộng 600 triệu bảng vào công tác đào tạo trẻ, nhưng 20 CLB Premier League mùa này lại chỉ đôn được vỏn vẹn… 57 sao trẻ lên đội 1. Hai con số đã phơi bày một bức tranh vô cùng ảm đạm về hiệu quả đào tạo trẻ ở Anh.
    10 NĂM, 57 CẦU THỦ TRẺ LÊN ĐỘI 1
    Giữa tuần qua, trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí, chủ tịch LĐBĐ Anh (FA), ông Greg Dyke đã mất rất nhiều thời gian thuyết phục các CLB Premier League tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo từ 8 lên thành 12 cầu thủ bắt đầu từ mùa bóng tới. Việc đích thân vị chủ tịch FA phải gõ cửa từng CLB tha thiết đề nghị giảm số lượng cầu thủ nước ngoài, tăng thêm đất diễn cho nhóm “cây nhà lá vườn” cho thấy thực trạng sao trẻ Anh mất tích ngay chính trên quê hương của họ đã ở mức báo động.

    Không sốt sắng sao được khi nghiên cứu mới nhất của tờ Daily Mail chỉ ra, suốt 10 năm qua, người Anh không ngừng đổ tiền vào công tác đào tạo trẻ nhưng hiệu quả thu được thì thật thảm hại. Tính chi tiết, một cầu thủ trẻ từ dạng tiềm năng cho đến khi xuất hiện trong đội hình chính của một đại diện Premier League, tiêu tốn của người Anh trung bình từ 9-12 triệu bảng. 

    Welbeck và Cleverley

    Thử làm nhanh một phép so sánh: Một cầu thủ trẻ Anh mất từ  5-6 năm, ngốn nhiều nhất là 12 triệu bảng để được sử dụng trong đội hình 1, và cũng chưa rõ là sau khi vào đội hình chính, họ có tỏa sáng hay không. Trong khi đó, cũng chỉ với 12 triệu bảng, Man United mua được Cristiano Ronaldo, và CR7 chỉ mất khoảng 1 năm để thích nghi rồi nhanh chóng vụt sáng.

    So sánh này cho thấy, chi phí đào tạo ở Anh là quá tốn kém nhưng hiệu quả lại cực thấp. Đơn cử như trường hợp của Chelsea. Thật bất ngờ khi biết, kể từ khi đôn được John Terry từ đội trẻ lên đội 1, The Blues không đào tạo thêm được ngôi sao “cây nhà lá vườn” nào cho đội hình chính thức.

    Trong quãng thời gian ấy, Chelsea chỉ tạo ra được đúng 2 cầu thủ tự đào tạo (Christensen và Ake) nhưng hiện tại Mourinho vẫn chưa tạo điều kiện cho 2 tài năng trẻ này thử lửa nhiều.

    Trong cùng thời gian ấy, sử dụng cầu thủ trẻ ở các ông lớn khác cũng vô cùng heo hút: Man United dùng được 2 cây nhà lá vườn (Welbeck và Cleverley), Liverpool và Arsenal cùng dùng được 3 cầu thủ, trong đó chỉ có 2 cái tên được coi là tương đối thành công (Jack Wilshere của Arsenal và Raheem Sterling của Liverpool).

    HỆ QUẢ NHÃN TIỀN
    Việc các ông lớn Anh không đào tạo được nhiều cầu thủ trẻ cung cấp cho đội 1 dẫn đến những hệ quả mà chính người Anh phải hứng chịu. Thứ nhất: Do vắng bóng cầu thủ trẻ, tuổi đời trung bình của các đội bóng Anh luôn ở ngưỡng cao của châu Âu.

    Man City có độ tuổi trung bình lên tới 29,1 tuổi (cao thứ nhì châu Âu), trong khi đó các CLB Man United (25,5), Arsenal (25,4) hay Liverpool (25,2) cũng đều được coi là già so với mặt bằng chung. Hệ quả là hầu hết các CLB Anh khi bước vào giao đoạn căng thẳng của cúp châu Âu đều nhanh chóng đuối sức rồi bị loại từ sớm.


    Thứ hai: Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện mạo của ĐT Anh. Trong năm qua, ngoại trừ sự xuất hiện của Harry Kane và Raheem Sterling, ĐT Anh về cơ bản vẫn phải sống dựa vào những cầu thủ đã trưởng thành từ lâu.

    Rốt cuộc là khi bước vào giai đoạn quá độ, bóng đá Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay máu và tụt lại rất nhanh so với các nền bóng đá danh tiếng khác. Cứ nhìn sang Đức là rõ. Để có thể bước lên ngai vàng thế giới trên đất Brazil vừa qua, người Đức phải xây dựng kế hoạch đào tạo trẻ từ 10 năm về trước và chức vô địch World Cup 2014 là thành quả của nỗ lực này. 

    Trước thực trạng nghèo nàn này, FA đã hành động. Chủ tịch Greg Dyke mới đây đã yêu cầu 20 CLB Premier League phải tăng chất lượng đào tạo trẻ để chí ít là tăng số lượng cầu thủ bản địa góp mặt tại giải đấu này lên thành 45% vào năm 2022 (hiện tại chỉ có 33%). Hy vọng người Anh tỉnh ngộ và sân chơi dành cho các tài năng trẻ sẽ ngày càng thênh thang hơn.

    CLB CUNG CẤP NHIỀU CẦU THỦ TRẺ CHO ĐỘI 1 NHẤT (Tính trong 10 năm qua)

    SOUTHAMPTON (7 người)


    Southampton chính là đội đào tạo trẻ hiệu quả nhất xứ sương mù. Trong 10 năm qua, họ đã đưa lên đội 1 được 7 cầu thủ. 6 trong số đó là những gương mặt nổi danh đã được khoác áo ĐTQG, gồm Gareth Bale, Adam Lallana, Calum Chambers, Luke Shaw và Theo Walcott, Alex Oxlade-Chamberlain (ảnh). Cầu thủ còn lại là tiền vệ trẻ James Ward-Prowse, đang là thành viên U21 Anh. Gần như những cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất Premier League trong 10 năm qua đều từ lò Southampton.

    ASTON VILLA (7 người)


    Aston Villa cũng đôn được 7 cầu thủ trẻ lên đội 1 như Southampton. Nhưng ngoại trừ Gabriel Agbonlahor và Gary Cahill (ảnh) đã thành danh, những gương mặt còn lại như Craig Gardner, Marc Albrighton, Barry Bannan, Nathan Baker hay Ciaran Clark đều chưa khẳng định được tài năng. Điểm đáng chú ý là Aston Villa chỉ sử dụng cầu thủ trẻ thường xuyên ở vài năm gần đây. Nguyên nhân là họ gặp khó khăn về tài chính và không thể chi nhiều tiền mua cầu thủ bên ngoài.

    NEWCASLTE (5 người)


    Newcastle chỉ tích cực đẩy cầu thủ trẻ lên đội 1 từ khi ông chủ Mike Ashley hạn chế chi tiêu. Tuy vậy, các “mầm non” trưởng thành từ nơi đây hiện không được đánh giá quá cao. Andy Carroll (ảnh) sau giai đoạn ngắn bùng nổ đã sa sút thảm hại và thường xuyên dính chấn thương. Những gương mặt còn lại của lò đào tạo Newcastle như Peter Ramage, Steven Taylor, Sammy Ameobi, Paul Dummett vẫn đang phải vật lộn tìm chỗ đứng trong làng bóng đá Anh. 

    TOTTENHAM (4 người)


    Tottenham có thể được xem là hình mẫu mới trong đào tạo trẻ của bóng đá Anh. Những cầu thủ trẻ họ tung lên đội 1 như Jake Livermore, Andros Townsend, Harry Kane (ảnh), Ryan Mason đều đang chơi tốt tại Premier League. Thành công của Kane mùa giải này sẽ càng cổ vũ Tottenham phát triển công tác đào tạo và tin dùng những cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Chính Spurs đã tạo ra niềm cảm hứng để FA đưa ra những quy định nhằm phát triển bóng đá trẻ.

    CRYSTAL PALACE (4 người)


    Crystal Palace thời gian gần đây cung cấp khá nhiều cầu thủ chạy cánh chất lượng (cả hậu vệ lẫn tiền vệ) cho bóng đá Anh. Một trong số đó là Nathaniel Clyne (áo sọc), hậu vệ phải hàng đầu tại Premier League mùa giải này. Những gương mặt còn lại như Victor Moses, Wilfried Zaha, Jonathan Williams cũng đã ít nhiều gây được tiếng tăm. Tuy vậy, Crystal Palace thường phải sớm bán những tài năng trẻ tốt nhất của mình và chỉ mua lại được khi những cầu thủ này xuống phong độ.

    Premier League - giải đấu ít dùng cầu thủ bản địa nhất

    Tỷ lệ cầu thủ bản địa ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa này

    Theo thống kê của tờ Telegraph, Premier League chính là giải đấu ít tạo điều kiện cho các cầu thủ bản địa ra sân thi đấu nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Mùa trước, Premier League còn lập một kỷ lục khó tin: Dùng tới 70% cầu thủ nước ngoài, cao nhất thế giới.

    Sao Anh heo hút nhất ở Champions League 

    Tỷ lệ các quốc gia góp mặt tại Champions League mùa trước

    Nếu coi Champions League là thước đo cho đẳng cấp của các cầu thủ thì người Anh đúng là có lý do để xấu hổ. Bởi tại Champions League mùa trước, chỉ có vỏn vẹn 7% cầu thủ Anh có mặt ở sân chơi này, ít nhất trong tất cả các quốc gia có từ 10 cầu thủ góp mặt trở lên.
    Thạch Long • 09:41 ngày 30/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay