Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Van Gaal: Thiếu tầm nhìn, không kế hoạch ở M.U!
Chiêu Văn • 13:34 ngày 28/02/2015
Louis van Gaal đã nổi tiếng khắp thế giới bóng đá bởi dù ở bất kỳ đội bóng nào, HLV người Hà Lan luôn tạo ra cảm giác rằng ông sẽ là người chiến thắng cuối cùng, bất chấp các cuộc tranh cãi trước đó có ra sao.
    Van Gaal nổi lên nhờ đội hình 4-3-3 và thứ bóng đá tấn công kiểu Hà Lan giờ đã trở thành một thương hiệu. Nhưng chính quá khứ đó khiến cho những khó khăn của ông hiện giờ ở Manchester United càng khó hiểu. 7 tháng sau khi ông tới Old Trafford, Quỷ đỏ vẫn chơi thứ bóng đá nhạt nhòa và những kế hoạch của ông vẫn còn rất mơ hồ. Đây không còn là Van Gaal của quá khứ.

    Năm 2009, ông cho ra mắt cuốn sách của mình, bằng tiếng Hà Lan, tựa là “Visie” (Tầm nhìn), một tuyên bố về lý tưởng bóng đá của một HLV giàu triết lý. Trong đoạn mở đầu cuốn sách, Van Gaal viết: “Tôi đôi khi tự hỏi chính mình liệu tôi có thích “chơi bóng đẹp” hơn “chiến thắng” hay không”. Khi ông liệt kê những phẩm chất của các đội bóng mà ông dẫn dắt, điều đầu tiên luôn là “phong cách bóng đá tấn công”.

    Đó là cách ông đã thành danh ở Ajax, Barcelona và ĐT Hà Lan. Nhưng vào thời điểm cuốn “Visie” ra mắt, những thay đổi trong triết lý bóng đá của Van Gaal đã bắt đầu. Hóa ra ông thích chiến thắng hơn là chơi đẹp. Năm 2009, ông đưa đội bóng cấp tỉnh AZ Alkmaar tới chức vô địch Hà Lan bằng sơ đồ 4-4-2 nhấn mạnh phản công. Rồi ông tới Bayern Munich, và Van Gaal ngày xưa lại xuất hiện: các chiến thắng với lối chơi tấn công tốc độ.


    Nhưng có vẻ như đó là lần cuối cùng. Bước ngoặt có lẽ là ngày 13/4/2014, khi ông cùng đội trưởng ĐT Hà Lan đang bị chấn thương Robin van Persie tới xem một trận đấu ở giải vô địch Hà Lan giữa PSV và Feyenoord. Van Gaal trước giờ vẫn không ưa Ronaldo Koeman, HLV của Feyenoord lúc đó, một người mà ông cho rằng “quá thực dụng” và chỉ quan tâm tới chiến thắng. Buổi tối hôm đó, Koeman cho ra sân đội hình bảo thủ 5-3-2, và Feyenoord thắng 2-0. 

    Có vẻ như chính thời điểm đó, Van Gaal đã quyết định rằng đó cũng sẽ là cách một ĐT Hà Lan thiếu vắng ngôi sao chơi ở World Cup. Ông cũng mất tiền vệ trung tâm Kevin Strootman vì chấn thương ngay trước giải. Ở Brazil, sơ đồ 5-3-2 của Hà Lan phát huy tác dụng. Đó là lối đá phản công chờ đợi, không phải tấn công tổng lực kiểu Hà Lan. Ở tuổi 62, Van Gaal bắt đầu khai phá một con đường mới. Thế rồi sau World Cup, ông tới Old Trafford.

    Tuy nhiên, chơi thứ bóng đá tẻ nhạt và chiến thắng trong giải đấu kéo dài một tháng với một đội bóng ít nhân tài hoàn toàn khác với việc dẫn dắt Man United trong một mùa giải kéo dài 9 tháng. Mùa hè đó, Quỷ đỏ là đội chi mạnh nhất châu Âu và nước Anh trên thị trường chuyển nhượng. Quỹ lương của họ mùa trước là 215 triệu bảng, so với 205 triệu của Manchester City, 191 triệu của Chelsea và 155 triệu của Arsenal. Những con số mùa này chưa được công bố, nhưng Man United khá chắc chắn lại là đội tiêu nhiều tiền nhất. Nói cách khác, ban lãnh đạo Old Trafford đã sẵn sàng để Van Gaal có nguồn lực tốt nhất, để thấy thứ bóng đá tổng lực ngày xưa của ông, chứ không phải những chiến thắng “tiết kiệm” nhọc nhằn.


    Nhưng những nhân sự ở Man United lúc này lại chỉ hợp cho điều đó. Gần như tất cả các cầu thủ tấn công của Van Gaal, Van Persie, Wayne Rooney, Radamel Falcao, Michael Carrick, đều thiếu tốc độ cho phong cách chuyền bóng, di chuyển nhiều và tấn công chớp nhoáng của ông trước kia. Ashley Young, Marcos Rojo và Antonio Valencia có tốc độ nhưng không đủ khéo léo. Angel Di Maria có cả hai, nhưng anh chỉ có một mình. Ngày xưa, Van Gaal sẽ tin hơn vào những người trẻ. 20 năm trước, Ajax của ông vô địch Champions League với một đội hình gần như toàn bộ là những người tự đào tạo. 17 năm trước ở Barcelona, ông đã trao trận ra sân lần đầu cho một cầu thủ trẻ vô danh Xavi, rồi năm 2002, tới lượt Andres Iniesta. Ở Bayern, ông đưa một cậu nhóc ở đội dự bị, Thomas Mueller, lên thẳng đội 1. Ông luôn thích những người trẻ hơn các ngôi sao kỳ cựu, vì những cầu thủ trẻ luôn phục tùng ông tuyệt đối.

    Phải chăng ông nghĩ rằng Man United không có các cầu thủ đủ triển vọng? Sir Alex Ferguson có lẽ có phần trách nhiệm trong chuyện này. Kể từ sau thế hệ 1992, các đội trẻ của Man United vẫn sản sinh ra những tài năng lớn, nhưng một số người, Gerard Pique và Paul Pogba chẳng hạn, đã ra đi. Một số người khác, như Jonny Evans, Phil Jones, Chris Smalling và Rafael, không thể đạt tới đẳng cấp như mong đợi.

    Ferguson để lại cho những người kế nhiệm một đội hình già cỗi cần thay thế hoàn toàn. David Moyes đã thất bại, và giờ tới lượt Van Gaal. Nhiều người vẫn nói Man United đã chi ra 150 triệu bảng trong mùa hè mà vẫn không thoát khỏi sự tầm thường. Tuy nhiên, với việc họ cần thay thế ít nhất là một nửa đội hình và với giá cả cầu thủ ngày nay, 150 triệu bảng không nhiều như bạn tưởng.

    Những cố gắng chiêu mộ cầu thủ chất lượng của Man United gặp 2 vấn đề. Thứ nhất, Van Gaal bận rộn với World Cup cho tới giữa tháng 7. Thứ hai, nhiều cầu thủ gốc Latin không muốn sống ở Manchester. Những đội bóng ở các thành phố hào nhoáng như Chelsea, Real Madrid hay Barcelona luôn dễ thu hút các ngôi sao hơn. Hệ quả là Van Gaal khởi đầu mùa giải với các cầu thủ trẻ loại hai, chậm chạp và không có một tầm nhìn rõ ràng. Ông đung đưa giữa các sơ đồ 5-3-2, 4-1-3-2, 3-5-2 và 4-4-2 mà không khi nào thật sự hài lòng.


    Ngoài nhãn quan, Van Gaal có vẻ cũng đã mất đi khát khao. Ông không còn những buổi họp báo mặt đỏ phừng phừng chửi bới cách phóng viên bới móc, những cú kung-fu bên ngoài đường piste mạnh mẽ hơn bất cứ lời phản đối trọng tài nào, và cả các cuộc cãi vã công khai với những ngôi sao lớn chơi thất vọng. Hugo Borst, người chuyên viết tiểu sử Van Gaal, nhận xét về ông: “Có điều gì đó đã thay đổi bên trong ông ấy, ông ấy không còn sự giận dữ nguyên thủy như trước kia”.

    Van Gaal vẫn là một nhà chiến thuật lão luyện. Ông thường tung vào sân những cầu thủ sẽ kiến tạo hoặc ghi các bàn thắng cực kỳ quan trọng, như Marouane Fellaini ở trận gặp West Ham, hay Young trong cuộc chiến với Preston. Thất bại dưới tay Swansea hôm 21/2 mới là trận thua thứ 2 của Man United trong 20 trận kể từ đầu tháng 11. Họ vẫn còn hy vọng ở Cúp FA. Nhưng hạng 4 ở trong Premier League, kém đội đầu bảng Chelsea 13 điểm và chơi thứ bóng đá xấu xí không phải là kế hoạch của mùa giải này.

    “Thật đáng buồn, một người như ông ấy, một nhà lý luận bóng đá, giờ không biết sẽ đi về đâu”, Borst nói về cảm giác của ông khi xem Man United thi đấu. Kể từ khi rời Ajax năm 1997, Van Gaal đã giành nhiều danh hiệu lớn nhưng ông không ở lại nơi nào lâu, vì ông thường gây sự với các nhân vật nhiều ảnh hưởng trong CLB. Điều tương tự có thể lặp lại ở Old Trafford, khi Van Gaal đã bố trí Rooney chơi quá nhiều vị trí trái khoáy, để Di Maria đá tiền đạo, đẩy Falcao lên ghế dự bị…

    Man United không còn là Man United nữa, một phần có lẽ vì Van Gaal cũng không còn là Van Gaal nữa.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội