Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Brazil do đâu sa sút thê thảm?
Lý Nam • 15:57 ngày 12/11/2015
Không phải tự dưng mà bóng đá Brazil rơi vào giai đoạn “tồi tệ nhất trong lịch sử”, theo lời than vãn của huyền thoại Ronaldo (béo). Mọi sự đều có nguyên nhân của nó, và ở câu chuyện này lỗi chủ yếu thuộc về LĐBĐ Brazil.

    >> ĐT Brazil: Kiệt quệ nhân tài, Jogo Bonito chỉ còn là hoài niệm
    >> Những thất bại của bóng đá Brazil trong vòng 10 năm qua

    Sai lầm từ thượng tầng

    Đầu tiên và quan trọng nhất phải kể tới trách nhiệm của LĐBĐ Brazil (CBF). Hiện tượng tham nhũng ở tổ chức này diễn ra tràn lan kể từ thời Joao de Havelange còn giữ chức chủ tịch FIFA. Hẳn chưa ai quên thất bại 0-3 của Brazil ở chung kết World Cup 1998, với tâm điểm là cơn động kinh “kỳ lạ” của Ronaldo. Đơn giản, một khi đã bị tác động bởi tiền bạc, chắc chắn ưu tiên số một của CBF không phải là thành tích của ĐTQG.

    Giống như thế là các liên đoàn bang ở Brazil, mỗi trụ sở đều giống như một FIFA thu nhỏ. Những bang không có truyền thống bóng đá cũng có thể có tiếng nói quan trọng về hệ thống giải đấu, miễn là bang ấy có nhiều nhân vật tai to mặt lớn. Giải VĐQG thì đã tồn tại qua nhiều thập kỉ nay, nhưng không còn cân bằng về khoảng cách trình độ. Các bang Rio, Sao Paulo, Minas Gerais và Rio Grande do Sul quá mạnh so với phần còn lại. Tất cả những thực tế đó đang kéo chất lượng bóng đá Brazil xuống từng ngày từng giờ.

    Ngoài ra, Brazil xưa nay là một nền bóng đá khá đặc biệt. Nhắc đến quốc gia này là phải nhắc tới favela – những khu ổ chuột. Từ đó, không biết bao nhiêu chú bé mang trong mình khát vọng đổi đời đã tìm đến bóng đá và trở thành những ngôi sao lớn, như Romario, Ronaldo, Neymar… Bóng đá đường phố cũng ra đời từ đây, những con phố bẩn thỉu, chật hẹp ở Rio và Sao Paulo có thể coi là trường lớp đầu tiên đào tạo nên những siêu sao lừng lẫy.

    Theo lời Zico, thường thường thì những cầu thủ Brazil bắt đầu chơi bóng đường phố từ năm lên 9. Đến năm 19 tuổi, họ đã có đủ kỹ thuật cơ bản (thậm chí là hơn thế) và cả sự tinh quái để thi đấu tại giải VĐQG nhờ vốn “10 năm kinh nghiệm” chinh chiến đầu đường cuối phố. Đó là một đặc trưng chỉ có ở Brazil.

    Quang cảnh đang ngày một hiếm ở Brazil

    Cũng vì thế mà khi LĐBĐ Brazil muốn chuyên nghiệp hóa, họ lại thành ra làm… hỏng việc. Bởi muốn chuyên nghiệp thì phải theo châu Âu, mà sự quy củ của châu Âu đương nhiên sẽ giết chết tính sáng tạo, ngẫu hứng của bóng đá đường phố. Những con phố favela được thay thế bằng sân cỏ nhân tạo, quả bóng nhồi bằng bít tất được thay bằng những sản phẩm bóng bẩy và hoàn thiện, chi li đến từng miligram của Nike, adidas…

    Bóng đá hiện đại không có chỗ cho sự kiên nhẫn. Chỉ cần lóe sáng hôm trước, hôm sau một chàng trai trẻ đã có thể đổi đời. Nhưng đổi đời thì có muôn vàn kiểu đổi đời, tích cực có, tiêu cực cũng có. Mà với cầu thủ trẻ Brazil sớm bị “xuất khẩu” sang châu Âu thì đa phần là bị ảnh hưởng tiêu cực. Họ sẽ bị Âu hóa và mất đi chất vũ công Samba, để rồi trở thành kẻ… dở ông dở thằng, Âu chẳng ra Âu mà Mỹ chẳng ra Mỹ.

    Ngay cả những cầu thủ được đào tạo trong nước cũng vậy. Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe về Desportivo Brasil, nhưng đây lại đang là “hiện tượng” của làng bóng đá Brazil. Đó chỉ là một CLB nhỏ của bang Sao Paulo đang chơi ở giải hạng Nhì, nhưng lại sở hữu lò đào tạo được đầu tư bài bản nhất xứ sở Samba. Và thế nào là bài bản? Họ liên kết với 5 CLB nước ngoài, tất cả đều của châu Âu, trong đó có M.U. Cứ khoảng 2 tuần, đại diện Ngoại hạng Anh lại cử một nhóm HLV sang Desportivo đào tạo.

    Nghe đến đây là đã có thể hình dung ra sản phẩm hậu kì của lò Desportivo: Những cầu thủ người Brazil nhưng có lối chơi đặc sệt châu Âu. Và cách đào tạo ấy đang được xem là mẫu mực ở xứ sở Samba. Chẳng thế mà những Fernandinho, Dante hay Luiz Gustavo đang ngày càng phổ biến ở bóng đá Brazil. Tài năng tấn công sáng giá nhất của thế hệ mới quốc gia này sản sinh ra là Gabriel Barbosa (Santos), người từng được xem là sự thay thế Neymar, thì mãi vẫn chưa lớn như kì vọng.

    Barbosa mãi vẫn chưa lớn dù rất được chờ đợi

    Một số nguyên nhân khác

    Ngoài những sai lầm mang tính hệ thống, yếu tố chiến thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong sự sa sút của nền bóng đá Brazil. Nói một cách đơn giản, chiến thuật ở ĐTQG và giải VĐQG Brazil đều đã lỗi thời. Ngay cả Carlos Dunga, một HLV mang nhiều nét châu Âu nhờ nhiều năm chinh chiến ở Italia và Đức, cũng đang bế tắc trong khâu lựa chọn hệ thống chiến thuật phù hợp cho Selecao.

    Cuối cùng là câu chuyện về giới đại diện, hay còn gọi dân dã là “cò”. Hầu hết CLB ở Brazil đều không đủ tiềm lực tài chính trả lương đều đặn cho cầu thủ. Nguyên nhân nằm ở vấn đề kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh đó, những người đại diện đến như những vị cứu tinh và mua lại phần trăm quyền sở hữu cầu thủ. Một khi đã sở hữu, người đại diện sẽ tìm cách cho cầu thủ trẻ “Âu tiến”, và ngược lại tìm đường về Brazil cho những lão tướng sắp kết thúc sự nghiệp.

    Mặt trái của công việc này là nó khiến cầu thủ trẻ không có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn trước khi đến một chân trời mới khắc nghiệt hơn. Đồng thời, sự trở lại của những lão tướng cũng khiến các CLB Brazil buộc phải hạn chế cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ. Hãy nhìn những cái tên Fred, Luis Fabiano, Alexandre Pato, họ đều đang cản trở đà thăng tiến của đàn em ở các CLB quê nhà.

    THÀNH TÍCH CỦA CÁC CẤP ĐỘ ĐT BRAZIL TRONG 10 NĂM TRỞ LẠI ĐÂY

    ĐTQG BRAZIL
    2003 – Bị loại từ vòng bảng Confed Cup
    2006 – Bị loại ở Tứ kết World Cup (thua Pháp 0-1)
    2010 – Bị loại ở Tứ kết World Cup (thua Hà Lan 1-2)
    2011 – Bị loại ở Tứ kết Copa America (thua Paraguay 0-2 sau loạt luân lưu)
    2014 – Xếp thứ 4 World Cup (thua Hà Lan ở trận tranh 3-4 và thua Đức ở bán kết)
    2015 – Bị loại ở tứ kết Copa America (thua Paraguay sau loạt luân lưu)

    U23 BRAZIL
    2004 – Không lọt vào Olympic Athens
    2008 – Xếp thứ 3 Olympic Bắc Kinh (thua Argentina 0-3 ở bán kết)
    2012 – Á quân Olympic London (thua Mexico 1-2 ở bán kết)

    U20 BRAZIL
    2003 – Á quân Copa America U20
    2005 – Xếp thứ 3 World Cup U20
    2005 – Á quân Copa America U20
    2007 – Bị loại từ vòng 16 đội World Cup U20 (thua Tây Ban Nha 2-4 ở hiệp phụ)
    2009 – Á quân World Cup U20 (thua Ghana ở loạt luân lưu)
    2013 – Không giành quyền dự World Cup U20
    2013 – Bị loại từ vòng 1 Copa America U20
    2015 – Á quân World Cup U20 (thua Serbia 1-2 ở hiệp phụ)
    2015 – Xếp thứ 4 Copa America U20

    U17 BRAZIL
    2005 – Á quân World Cup U17 (thua Mexico 0-3 ở chung kết)
    2007 – Bị loại từ vòng 16 đội World Cup U17 (thua Ghana 0-1)
    2009 – Bị loại từ vòng bảng World Cup U17
    2011 – Xếp thứ 4 World Cup U17 (thua Uruguay 0-3 ở bán kết, thua Đức 3-4 ở trận tranh 3-4)
    2013 – Bị loại từ tứ kết World Cup U17 (thua Mexico sau loạt đá luân lưu)
    2013 – Xếp thứ 3 Copa America U17
    2015 – Bị loại từ tứ kết World Cup U17 (thua Nigeria 0-3)
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội