Bóng Đá Plus trên MXH

Bộ mặt của các nền bóng đá qua giải VĐQG: “Quốc tế hóa” trở thành xu thế
Minh Nguyên • 07:58 ngày 13/02/2014
Giải VĐQG được xem là thước đo phản ánh khá chuẩn xác chất lượng của một nền bóng đá cũng như bộ mặt của ĐTQG nước đó. Nhưng không hẳn lúc nào thước đo này cũng đúng, đặc biệt trong thời kỳ quốc tế hóa như hiện nay.
    CÓ TIỀN, CÓ CHẤT LƯỢNG?
    Xu hướng quốc tế hóa là điểm chung của 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue 1). Khi các quy định về việc giới hạn cầu thủ ngoại được nới lỏng tối đa, từng giải VĐQG ở châu Âu trở thành một giải đấu cấp thế giới thu nhỏ. Điểm chung, theo nhận định của tạp chí FourFourTwo, là: Nơi đâu có nhiều tiền hoặc có chất lượng chuyên môn cao, nơi đấy sẽ dễ thu hút các nhân tài hàng đầu.

    Hai khái niệm “nhiều tiền” và “chất lượng chuyên môn cao” có khi song hành, cũng có khi không. Ví dụ, ở  Premier League thì hai khái niệm trên song hành. Tương tự là La Liga . Trong khi đó ở Ligue 1 , hai đội nhà giàu mới nổi vài năm gần đây là PSG và AS Monaco có rất nhiều tiền, nhưng trình độ chung của giải vô địch Pháp vẫn không cao, bởi khoảng cách giàu nghèo cũng đồng nghĩa với khác biệt về chuyên môn.

    PSG  hiện gần như không có đối thủ ở Ligue 1. Đây là đội bóng của Pháp nhưng tràn ngập ngoại binh giữ vai trò trọng yếu (Zlatan Ibrahimovic, Edinson Cavani, Thiago Silva...). Những tài năng nội địa gặp rất nhiều khó khăn ở PSG khi các tỷ phú Qatar trở thành chủ sở hữu đội bóng. Mamadou Sakho đã ra đi, dù trước đó anh là thủ quân của PSG. Người ở lại Jeremy Menez ngắc ngoải vì không thể cạnh tranh chỗ đứng.

    Với PSG, và phần nào đó là Monaco, là ngoại lệ. Trong khi phần còn lại của Ligue 1 vẫn còn rất nhiều chỗ đứng cho các tài năng nội địa, đặc biệt là những nguời trẻ. Thống kê chi ra lực lượng cầu thủ nội (tổng cộng 286 người) chiếm 58,1% tổng số cầu thủ tại Ligue 1. Nếu xét về tổng số cầu thủ nội, Ligue 1 là giải đấu đông đảo nhất trong số 5 giải VĐQG lớn ở châu Âu. Trong khi đó, Premier League lại khan hiếm cầu thủ nội nhất (chỉ có 161 người, chiếm 31,45% số cầu thủ). La Liga là giải có tỷ lệ cầu thủ nội cao nhất (61,49%), với tổng cộng 281 cầu thủ quốc tịch TBN.

    NHỮNG ĐẶC THÙ RIÊNG
    Từ tỷ lệ cầu thủ nội địa tại các giải đấu cho tới tỷ lệ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo tại 5 giải VĐQG lớn ở châu Âu, có thể rút ra nhiều kết luận thú vị.

    Ví dụ đầu tiên xuất phát từ giải có chất lượng cao nhất và đồng đều nhất. Người Anh có lẽ nên buồn khi thấy rõ Premier League không còn dành nhiều đất cho chính họ. Số cầu thủ nội chiếm chưa đến 1/3 tại Premier League, trong khi cụ thể hơn là số thủ môn quá ít (chỉ 12 người). Đó là lý do vì sao bóng đá Anh không có thủ môn xuất sắc trong nhiều năm qua, kể từ khi David Seaman giải nghệ. Hiện tại, Joe Hart là thủ môn số một của ĐT Anh nhưng phong độ của Hart lại kém ổn định. Đẳng cấp của anh lại chưa phải thuộc hàng ngũ hàng đầu châu Âu. Bóng đá Anh có nhiều tiền vệ giỏi, phản ánh rõ nét qua thống kê có 63 tiền vệ người Anh tại Premier League (trong khi chỉ có 12 thủ môn, 30 tiền đạo, 56 hậu vệ).

    Nước Pháp từng có thời sở hữu một đội tuyển hàng đầu, dù giải VĐQG yếu (giai đoạn 1998 - 2006). Đó là vì những anh tài lớn nhất của Les Bleus đa phần chơi ở nước ngoài, cho các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Hiện tại, số cầu thủ Pháp đá thuê xứ người vẫn rất đông đảo, nhưng chất lượng không còn cao như trước nên đội tuyển áo lam không còn ở tốp đầu thế giới như giai đoạn còn Zinedine Zidane.

    Ligue 1 hiện được xem là lò đào tạo trẻ lớn nhất châu Âu, với số cầu thủ ở độ tuổi 21 - 22 có 84 người, từ 22 - 25 tuổi là 68 người, trong khi độ tuổi đạt độ chín (26 - 30 tuổi) lại đạt tỷ lệ thấp nhất: chỉ có 65 người. Bundesliga cũng là giải dành cho các tài năng trẻ nội địa (93 người ở độ tuổi 22 - 25 và 57 người ở độ tuổi 21 - 22). Cũng rất hợp lý khi La Liga có số cầu thủ nội đông đảo nhất ở độ tuổi “chín”: 84 người. Nên nhớ, tuyển TBN đang là đương kim vô địch World Cup và EURO. Trong khi đó, với Serie A, các cầu thủ Italia tại đây đang ngày một già đi mà chưa xuất hiện lứa kế cận. Số cầu thủ trên 30 tuổi mang quốc tịch Italia tại Serie A chiếm đông đảo nhất (100 người), trong khi tổng số cầu thủ nội trẻ (từ 21 - 25 tuổi) chỉ có 61 người!

    Dựa vào số liệu, còn có thể thấy rõ bóng đá Đức đang thiếu tiền đạo xuất sắc (chỉ có 28 người quốc tịch Đức ở Bundesliga). Vì thế ĐT Đức vẫn phải dùng lão tướng 35 tuổi - Miroslav Klose. La Liga không thiếu tiền đạo nội (39 người), nhưng lại thiếu những chân sút đẳng cấp cao như David Villa hay Fernando Torres ở thời đỉnh cao của họ những năm trước.

    Rõ ràng, việc các CLB sính ngoại hay chuộng nội binh vẫn luôn đem lại những ảnh hưởng, hệ lụy rất rõ ràng đối với một nền bóng đá.
    Tags:
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay