Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Nam Tư (kỳ 1): Bosnia chia rẽ sâu sắc vì… trái bóng
KINH THI • 12:18 ngày 09/06/2024
Bóng đá kéo mọi người, thậm chí là mọi kẻ thù, xích lại gần nhau. Còn ở Bosnia, bóng đá lại khiến người ta... chia rẽ.

    THẾ CHÂN VẠC CỦA MỘT LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ

    Ai nấy đều biết, Bosnia-Herzegoniva (từ nay gọi tắt là Bosnia) là một trong những ĐTQG non trẻ nhất trong làng cầu thế giới. Nhưng cụ thể, đội tuyển Bosnia trẻ đến mức nào? Sau khi tuyên bố độc lập, ĐT Bosnia có trận giao hữu đầu tiên với Iran, vào năm 1993. 

    Chưa thật chính xác, bởi khi ấy Bosnia chưa được FIFA công nhận. Trận gặp Albania vào cuối năm 1995 được nhìn nhận nhiều hơn. Nhưng đấy vẫn chưa thật sự là một trận đấu quốc tế hợp lệ, khi mà Bosnia chỉ chính thức trở thành thành viên của FIFA vào năm 1996, rồi gia nhập UEFA vào năm 1998. 

    Tóm lại, Bosnia chỉ mới có được tư cách thành viên của cả 2 tổ chức bóng đá lớn cách đây khoảng 20 năm. Còn một cột mốc quan trọng khác, cũng cần nhắc lại. Tính từ lần gần đây nhất được FIFA công nhận, thì bóng đá Bosnia chỉ mới tồn tại (theo nghĩa ĐTQG nước này được quyền thi đấu quốc tế) vỏn vẹn... chục năm!

    Tháng 4/2011, Bosnia bị loại khỏi hàng ngũ UEFA và FIFA. Thế rồi, sau hàng loạt nỗ lực quan trọng của các bên liên quan, Bosnia được chào đón trở lại với thế giới bóng đá vào tháng 6/2011. Tất cả là do cái thế “chia ba chân vạc” không giống ai của NFSBiH, tức LĐBĐ Bosnia.

    Suốt khoảng chục năm trước đó, NFSBiH luôn có đúng 60 thành viên, gồm 3 sắc tộc chủ yếu sống ở nước này. Đó là người Bosnia gốc Croatia, người Hồi giáo Bosnia và người Bosnia gốc Serbia. Mỗi nhóm có đúng 20 đại diện trong liên đoàn. Chủ tịch NFSBiH cũng là đại diện của 3 sắc tộc ấy, luân phiên giữ ghế đúng 18 tháng/người. 

    Đất nước ra sao thì bóng đá như vậy. Thế chân vạc trong làng bóng Bosnia chẳng qua cũng là sự phản chiếu một cách chính xác xã hội Bosnia. Bất cứ tổ chức quan trọng nào khác ở Bosnia cũng đều phải “chia ba” cho thật đồng đều. UEFA và FIFA đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng vô ích. 

    VÉ WORLD CUP CHẲNG LÀM MỌI NGƯỜI VUI

    Chẳng phải người Bosnia không hiểu cái điều mà ai trong thế giới bóng đá cũng hiểu, rằng LĐBĐ quốc gia phải là một tổ chức độc lập hoàn toàn, được bầu một cách dân chủ với một chủ tịch duy nhất, và quan trọng là không có bất kỳ một sự can thiệp hoặc ảnh hưởng nào từ phía chính quyền.

    Biết vậy, nhưng suốt bao nhiêu năm, Bosnia luôn là như thế. Cứ phải như thế thì đất nước Bosnia mới tồn tại được. Rút cuộc, FIFA mạnh tay trừng phạt. Bosnia bị đặt ra ngoài thế giới bóng đá khi họ đã tiến khá gần đến VCK World Cup 2010 (lọt vào loạt trận play-off) và một lần nữa lại có hy vọng góp mặt ở VCK EURO 2012 (cuối cùng họ lại dừng chân ở vòng play-off). 

    Tiếng vang ở phạm vi quốc tế sẽ như thế nào nếu các sắc tộc luôn kình chống nhau trong lòng Bosnia chấp nhận xích lại gần nhau để ĐT Bosnia thành công trên sân cỏ? Rút cuộc, giới chức quản lý bóng đá thuộc 3 cộng đồng sắc tộc phải miễn cưỡng bắt tay với nhau. 

    Trong giai đoạn quá độ, chính FIFA thành lập và quản lý một tổ chức tạm gọi là LĐBĐ lâm thời cho Bosnia. Huyền thoại Ivica Osim trực tiếp điều hành tổ chức này, cho đến khi người Bosnia bầu bán thành công và chính thức có một chủ tịch LĐBĐ mới: Elvedin Begic. Làm ơn đừng hỏi Begic thuộc sắc tộc nào! Chỉ cần biết: ông bắt đầu giữ ghế vào tháng 12/2012. 

    Người ta thường nói, bóng đá có một khả năng tuyệt vời mà không một chính trị gia lỗi lạc nào có thể làm được, đó là bóng đá khiến mọi người phải xích lại gần nhau. Đã có cơ man dẫn chứng sinh động, tuyệt vời, trên khắp thế giới. Nhưng ở Bosnia thì không. 

    Rõ ràng, chẳng hề có chuyện cả nước vui khi ĐT Bosnia làm nên chiến tích tuyệt vời cách đây vài ngày, giành ngôi đầu bảng G khu vực châu Âu để chính thức vượt qua vòng loại World Cup 2014, sẽ góp mặt lần đầu tiên ở một giải đấu lớn. Bầu không khí hân hoan chủ yếu chỉ bùng nổ ở Sarajevo, nơi tập trung đông đảo người Hồi giáo. 

    Ngược lại, người Bosnia gốc Serbia ở Banjaluka hoặc người Bosnia gốc Croatia ở Mostar chỉ tỏ thái độ lạnh lùng. Không những vậy, hầu hết các tỉnh lẻ, tức những nơi mà người Hồi giáo không chiếm số lượng áp đảo, đều không có chuyện ăn mừng ầm ĩ. Rõ ràng, danh dự được tham gia World Cup không phải là niềm hãnh diện chung của toàn quốc gia này và tương lai có nền bóng đá thống nhất vẫn là câu chuyện khá dài.
    (Còn tiếp)

    Càng chia rẽ… càng tốt
    Cây bút chuyên viết về chính trị Tanja Topic nói với hãng AFP: “Bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào khác ở Bosnia đều không thoát được khỏi những ảnh hưởng chính trị nặng nề, không thoát ra khỏi sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc ở đất nước này”. Cách đây không lâu, các CĐV người Croatia và người Hồi giáo choảng nhau dữ dội trên đường phố, đến nỗi trận giao hữu tại Sarajevo giữa Hajduk Split và Zeljeznicar bị hủy bỏ trước khi bóng lăn. 
    Khi ấy, cựu HLV Ivica Osim lại nói cách khác: “Nhìn vào những hình ảnh như thế, bạn có thể nghĩ rằng bóng đá Bosnia chấm dứt đến nơi. Kỳ thực, đây là chuyện bình thường ở đất nước này. Tôi phải nói thêm, nhờ có bóng đá mà các chính khách đạt được ý nguyện của họ. Nhiều người ở đất nước này chỉ muốn chia rẽ, chứ không muốn các sắc tộc hòa hợp với nhau”.

     

    Phức tạp vì sắc tộc phức tạp
    Có 40% dân số Bosnia là người Hồi giáo, 30% là người gốc Croatia, 15% là người gốc Serbia và 15% còn lại là những sắc tộc khác. Về mặt đất đai, 51% Bosnia thuộc về 1 trong 2 thực thể chính trị ở nước này là Liên đoàn Bosnia & Herzegovina (tức lãnh thổ của người Hồi giáo và Bosnia gốc Croatia), 49% thuộc về thực thể chính trị còn lại là Republika Srpska, tức lãnh thổ của người Bosnia gốc Serbia. 
    Sau khi chiến tranh kết thúc, Bosnia có 3 giải VĐQG riêng rẽ cho 3 cộng đồng. Năm 1998, người Hồi giáo và người Bosnia gốc Croatia thỏa thuận được cách thức đá play-off để hợp nhất giải vô địch của họ. Hai năm sau, người Bosnia gốc Serbia cũng đồng ý gia nhập để hình thành một giải VĐQG thống nhất cho Bosnia. 
    Chủ tịch FIFA Sepp Blatter được mời tham dự sự kiện lịch sử này. Nhưng vào giờ chót, phe Serbia rút tên vì cho rằng họ không được tham khảo ý kiến về cơ cấu của giải VĐQG hợp nhất. Hai năm sau, người ta mới thỏa thuận được với nhau, để Bosnia thật sự có một giải VĐQG thống nhất, và một LĐBĐ thống nhất. 
    Cái gọi là LĐBĐ thống nhất của Bosnia chính là cái LĐBĐ theo kiểu “3 x 20 thành viên” và “3 x 1 chủ tịch” tồn tại từ năm 2002 đến năm 2011. Vì sao các quan chức bóng đá Bosnia lại muốn chia rẽ hơn là hòa hợp? Câu trả lời nằm ở xã hội Bosnia: vì các chính khách chỉ hòa hợp một cách bất đắc dĩ. Suy cho cùng, không chia rẽ thì làm sao bây giờ có Bosnia, hoặc Croatia...

    Tags: Bosnia
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội