Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Nam Tư (kỳ 2): Chiến tranh và xung đột sắc tộc không giết được bóng đá Bosnia
KINH THI • 12:27 ngày 09/06/2024
Vượt qua muôn vàn khó khăn, đội tuyển Bosnia đã chính thức giành vé dự VCK World Cup 2014 chỉ trong một thời gian ngắn kể từ ngày thành lập. Nguyên nhân lớn nhất: kể cả trong cái lò lửa chiến tranh, bóng đá Bosnia vẫn không bao giờ chết.

    BÓNG ĐÁ LUÔN ĐƯỢC TÔN VINH Ở BOSNIA

    Không lâu sau khi cuộc chiến bùng nổ tại Bosnia năm 1992, có 2 nhà báo Mexico lạc vào một con đường mòn gần Sarajevo. Lập tức, họ rơi vào tay một nhóm du kích. Có trời mới biết, đấy là lính của phe nào. Chỉ biết chắc một điều: khi những người anh em ở Nam Tư cũ có thể bắn vào nhau một cách dễ dàng, thì bóp cò sau khi chĩa súng vào đầu những kẻ lạ mặt là việc đâu cần gì phải lăn tăn! 

    Ân huệ đối với hai kẻ đang chờ chết: họ được phép đọc lần cuối bất cứ loại kinh nào trước khi từ giã cõi đời. Và trong lúc chờ hai "kẻ rách việc" đọc cho hết kinh, một tay súng bỗng tỏ vẻ ngạc nhiên: "Eh! Mexico, Mexico! Hugo Sanchez"! Thế là câu chuyện thay đổi hoàn toàn, kịch tính hơn bất cứ vở kịch xuất sắc nào.

    Thì ra, trong lúc lục ví của các nạn nhân, nhóm du kích dù không rành rẽ ngoại ngữ vẫn biết đấy là những người Mexico, khi nhìn vào hộ chiếu của họ. Người Mexico nghĩa là đồng hương với ngôi sao bóng đá Hugo Sanchez nổi tiếng thế giới, khi ấy đang tỏa sáng dưới màu áo Real Madrid. Quá đủ lý do để hai nhà báo nọ được trở về từ cõi chết! 

    Câu chuyện có thật, được ghi lại trong cuốn sách tuyệt vời "Football in Sun and Shadow" của nhà văn Eduardo Galeano, nói lên sự nổi tiếng của Hugo Sanchez hay niềm đam mê bóng đá kỳ lạ của những kẻ đang say máu trong cuộc chiến ở Bosnia? 

    Ai muốn nghĩ sao cũng được. Bosnia có thể là nơi mà bóng đá không đem lại hòa bình, không khiến người ta xích lại gần nhau, nhưng đấy cũng là nơi mà bóng đá luôn có sức sống mãnh liệt giữa chiến tranh và sự thù hằn. Bóng đá được tôn vinh ngay trong cái khoảnh khắc người ta đang chĩa súng vào đầu nhau!

    Càng phải nghiệm ra rằng bóng đá Bosnia không bao giờ chết khi chúng ta nhìn vào một câu chuyện khác: chuyện duy trì hoạt động cho CLB FK Sarajevo, cũng là duy trì sức sống cho bóng đá Bosnia, của HLV Fuad Muzurovic. 

    CÔNG GẦY DỰNG CỦA MUZUROVIC

    HLV Muzurovic

    Đến cuối năm 1993, HLV Muzurovic tính rằng chỉ còn một con đường duy nhất, đó là đưa đội bóng ra nước ngoài và thi đấu giao hữu dài hạn. Làm sao để ra khỏi Sarajevo? Ở thời điểm ấy, thành phố không còn bị quân Serbia vây chặt như trước nữa, nhưng các toán quân của Liên hiệp quốc lại kiểm soát lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" rất chặt chẽ. Muốn ra khỏi thành phố, phải băng qua sân bay Sarajevo. Mà đấy lại là nơi nguy hiểm nhất, hãi hùng nhất ở Bosnia hồi năm 1993.

    "Chúng tôi phải chia thành 4 tốp, mỗi tốp khoảng 6-7 người, và phải mất 4 ngày để tất cả cùng thoát ra khỏi Sarajevo". Rồi Muzurovic kể tiếp: "Có đoạn, chúng tôi phải quỳ xuống thật thấp, phải trườn, bò để thoát khỏi tầm ngắm của các họng súng thuộc nhiều phe khác nhau. Căng thẳng nhất là một đoạn khoảng 200m, hoàn toàn không có chỗ nào để nấp. Đến chỗ ấy, tất cả đều phải chạy thật nhanh nếu không muốn trúng đạn. Chạy thục mạng, như thể không chạy thì phải chết". 

    Cũng có một vài thành viên, chẳng hạn như con trai HLV Muzurovic, bị bắt giữ bởi quân của Liên Hiệp Quốc. Nhưng rồi, tất cả đều sống sót và đều thoát khỏi Sarajevo. Họ đến Zagreb ở Croatia, và nhận được những sự giúp đỡ cần thiết. FK Sarajevo đá giao hữu với Hajduk Split, rồi đi du đấu khắp nơi. 

    Họ sang tận Indonesia hoặc Saudi Arabia. Họ trở thành những nhà ngoại giao của một đất nước khi ấy vẫn chưa được thế giới chính thức công nhận. Họ đá tổng cộng 54 trận, ở 17 nước khác nhau. Họ gặp Đức Giáo hoàng ở Vatican. Họ thắng đội tuyển Iran 3-1 và được Tổng thống Iran Ali Akhbar Rafsanjahni ca ngợi ở Tehran... 

    Thế rồi, khi hiệp định Dayton được ký vào năm 1995, chấm dứt chiến tranh và Bosnia-Herzegovina trở thành một quốc gia độc lập, người ta đã ghi nhận công lao không nhỏ của thầy trò Muzurovic trong việc làm cho thế giới phải chú ý đến Bosnia.

    Muzurovic cũng là HLV đầu tiên của ĐTQG Bosnia. Dĩ nhiên, ông không thể quên giai đoạn đầy khó khăn trong ngày đầu thành lập đội tuyển. Bosnia đá giao hữu với Albania vào tháng 11/1995 (đây là trận quốc tế đầu tiên kể từ khi Bosnia được công nhận là một quốc gia độc lập, nên trận này được xem là trận đấu đầu tiên của đội tuyển Bosnia, dù trước đó 2 năm đội tuyển Bosnia đã gặp Iran). 

    Trụ sở của cái gọi là LĐBĐ Bosnia (hay nói là trụ sở của đội tuyển Bosnia cũng được - vì có gì quan trọng đâu) là căn phòng trong một khách sạn ở Zagreb. Gần đến giờ chót, Muzurovic vẫn phải cân nhắc: có nên hủy bỏ trận đấu hay không, vì chẳng ai bảo đảm Bosnia sẽ có đủ người. 

    Muzurovic liên lạc với Husred Musemic, thủ môn từng thi đấu cho CLB Hearts tại Scotland, nhưng ở thời điểm ấy đã giải nghệ. "Đã giải nghệ" nên mới có thể triệu tập vào ĐTQG, vì ít ra anh ta cũng... rảnh! Một vài vị trí khác cũng đại loại như thế. 

    Cuối cùng, Muzurovic quyết định vẫn đưa đội tuyển Bosnia sang Tirana, dù "đội tuyển Bosnia" trong trận đấu lịch sử ấy chỉ gồm 12 cầu thủ, không có thủ môn dự bị. Đã vậy, các cầu thủ đến từ Slovenia còn tập trung trễ. Bosnia thua Albania 0-2 trong trận đấu ấy.

    RÚT CUỘC, HỌ ĐÃ THÀNH CÔNG

    Ngay cả sau này, khi đã có không ít hảo thủ Bosnia gây được tiếng vang dưới màu áo các CLB lớn ở châu Âu, việc quy tụ ĐTQG Bosnia vẫn chẳng dễ dàng chút nào. Savo Milosevic là một tài năng đáng kể trong làng bóng đỉnh cao, là "Vua phá lưới" của giải EURO 2000. Nhưng Milosevic đâu có đoái hoài đến Bosnia - đội tuyển của nơi mà anh chôn nhau cắt rốn. Milosevic chọn màu áo ĐTQG Serbia & Montenegro, theo chủng tộc của mình, đá hơn 100 trận. 

    Mario Stanic cũng sinh ra tại Sarajevo, nhưng cầu thủ này lại chọn màu áo Croatia. Có rất nhiều trường hợp như vậy. HLV Muzurovic chỉ nhận được những cái lắc đầu từ các cầu thủ thuộc cộng đồng người gốc Serbia hoặc Croatia trong lãnh thổ Bosnia. 

    Risto Vidakovic, khoác áo Betis tại TBN, rất muốn nhận lời Muzurovic. Nhưng cuối cùng, anh đành xin lỗi, vì không đảm bảo được rằng gia đình của anh tại Sekovici sẽ bình yên. Sekovici, nơi Vidakovic chào đời, là một thị trấn thuộc Republika Srpska - lãnh thổ của người gốc Serbia ở Bosnia.


    Nhắc lại như vậy để thấy: ngay trong hoàn cảnh của một đất nước chỉ vừa được công nhận quyền độc lập không lâu, trong hoàn cảnh nền bóng đá còn rất non trẻ, với trung tâm điều hành chỉ là căn phòng khách sạn... ở nước ngoài, đội tuyển Bosnia lại còn trở nên suy yếu so với chính mình, bởi những cái lắc đầu của các hảo thủ. 

    Có những lúc, HLV đội tuyển Bosnia phải lái xe đến nhà của từng hảo thủ ở Sarajevo để gọi họ đến khách sạn tập trung, trước mỗi trận đấu của Bosnia. Riết rồi, bóng đá Bosnia cũng vượt qua bao khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay, dưới sự dẫn dắt của cựu danh thủ Safet Susic (kế nhiệm Blazevic).

    Bosnia thành công không chỉ với chiếc vé đi Brazil dự World Cup 2014. Họ đã có một đội mạnh với cầu thủ gốc Serbia Zvjezdan Misimovic đã ăn ý và thân thiết suốt bao nhiêu năm với ngôi sao Hồi giáo Edin Dzeko, với cầu thủ gốc Croatia Boris Pandza sát cánh cùng ngôi sao Miralem Pjanic - đến từ thành phố đa chủng tộc Tuzla và chân sút của Stuttgart đến từ Republika Srpska Vedad Ibisevic... Thành công này sẽ khiến xã hội Bosnia trở nên hòa hợp hơn trong tương lai?
    (Còn tiếp)

    Tags: Bosnia
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội