Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá thế giới sẽ trôi về đâu sau scandal lớn nhất trong lịch sử FIFA?
CÁT PHƯƠNG • 10:45 ngày 24/02/2016
Michel Platini và Sepp Blatter có quyền khiếu nại, thậm chí có thể thành công, lệnh cấm hoạt động bóng đá trong vòng 8 năm. Mặt khác, những cuộc điều tra của giới hữu trách vẫn chưa dừng lại. Không có gì đảm bảo là những việc làm xấu xa của hai nhân vật có quyền lực cao nhất trong thế giới bóng đá chỉ gồm những điều báo chí đã đăng cho tới lúc này.

    TỪ KHỞI ĐẦU “NHƯ PHIM HÌNH SỰ”

    Hàng loạt kênh truyền hình lớn tạm ngưng chương trình định sẵn để phát lại những hình ảnh nóng và bình luận trực tiếp cảnh tượng bắt bớ tại khách sạn sang trọng Baur au Lac ở Zurich (Thụy Sỹ) trong ngày 27/5/2015. Bảy quan chức cao cấp, tra tay vào còng, ngay khi FIFA chuẩn bị khai mạc hội nghị. Cảnh sát Thụy Sỹ, FBI và giới công tố của Mỹ đồng loạt công bố hành động phối hợp chống tội phạm cấp quốc tế của họ.

    Những kẻ bị bắt sẽ được dẫn độ sang Mỹ? Họ sẽ bị giam ở đâu? Tội gì? Danh sách “tội phạm” gồm những ai? Tất cả lần lượt trở nên rõ ràng, rất nhanh, trong thời buổi “báo mạng” này. Chi tiết cụ thể, cứ xin nói gọn: bây giờ muốn xem ở đâu (trên internet) cũng được. 

    Hãy trở lại với “quả bom” bùng nổ hồi tháng 5/2015. Chuyện hấp dẫn như một bộ phim. Cảnh sát Thụy Sỹ nhận được đề nghị phối hợp và họ hành động rất nhịp nhàng. Khi cả thế giới theo dõi những cuộc “bắt nóng” tại Zurich thì ở Miami, cảnh sát Mỹ cũng ra tay cùng lúc. Chất “điện ảnh” tăng cao đến mức một trong những tội phạm “chính” tuyên bố: sẽ khai hết, vì đấy là cách tốt nhất để... không bị thủ tiêu.

    Buồn thay, tất cả đều là người thật, việc thật, chứ không phải là phim, không có hư cấu. Chưa bao giờ trong lịch sử 111 năm tồn tại, FIFA vỡ lở một scandal “động trời” như vậy. Tội trạng thì đã rành rành. Trong lúc chờ án “hình sự” theo đúng trình tự của luật pháp tùy nơi, các “tội phạm” đã bị “xét xử” rất nhanh và nặng, trong khuôn khổ bóng đá. Từ cấm hoạt động nhiều năm cho tới loại vĩnh viễn ra khỏi thế giới bóng đá.


    ĐẾN NHỮNG NHÂN VẬT TỘT ĐỈNH QUYỀN LỰC

    Trong bóng đá, còn ai giữ vị trí cao hơn, quyền lực mạnh hơn, có ảnh hưởng quan trọng hơn chủ tịch FIFA và chủ tịch UEFA? Vậy mà rút cuộc, chính chủ tịch FIFA Sepp Blatter và chủ tịch UEFA Michel Platini cũng đều lộ mặt gian lận tài chính, 2 ông bị cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá trong vòng 8 năm. Đứng cạnh hai cái tên lớn nhất là Blatter và Platini, ngay cả tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng trở thành “tội phạm khiêm tốn”. Danh sách phó chủ tịch FIFA hoặc chủ tịch LĐBĐ cấp châu lục đã “nhúng chàm”, phải nói là kể không siết!

    Khôi hài ở chỗ: ngay khi sự kiện bùng nổ, Sepp Blatter đã tươi cười xuất hiện trên truyền hình, nói rằng ông rất hoan nghênh việc giới hữu trách vào cuộc. Hóa ra, còn “con cá” nào to hơn Blatter trong mẻ lưới toàn cầu? Ngay khi “sếp” Blatter ngã ngựa, chủ tịch UEFA Platini đã lớn tiếng quảng cáo cho sự văn minh và sạch sẽ của mình, hòng chiếm ghế chủ tịch FIFA. Thế rồi, đến lượt Platini lộ mặt, ngay trong cùng một vụ án với Blatter

    Riết rồi thiên hạ chẳng còn biết tin vào ai trong chính trường bóng đá. Có người tự nguyện từ chức, nhưng cũng có không ít vị lì lợm lặp đi lặp lại, một cách vô nghĩa, rằng họ chẳng có gì để phải hổ thẹn về những việc đã làm (vâng, giả sử có phải vào tù đi nữa, đâu ai bắt Platini hoặc Blatter phải hổ thẹn).

    Thái quá thường là không tốt. Đại scandal này cũng vậy. Có quá nhiều món tiền cỡ “trăm triệu USD”, quá nhiều tổ chức khét tiếng như FBI vào cuộc, quá nhiều quan chức chóp bu trong giới điều hành bóng đá, vướng vào quá nhiều tội danh, để người ta có thể nhớ rõ chuyện “ai, việc gì, bao nhiêu”. Hay đến phát chán!

    CÁI XẤU KHÔNG CHỪA BẤT CỨ CHỖ NÀO

    Chuyện lớn thì như nghi vấn hối lộ để Nga và Qatar giành quyền đăng cai các kỳ World Cup 2018, 2022. Chuyện nhỏ thì như FIFA trả 5 triệu USD để “bịt miệng” LĐBĐ Ireland sau pha chơi bóng bằng tay của Thierry Henry. Chuyện có vẻ không liên quan thì như vai trò của bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko trong những vụ doping ở môn... điền kinh. Tất cả đều bị cuốn vào vòng xoáy của cái gọi là “scandal FIFA 2015”. Phức tạp đến mức vô cùng.

    Ngay tại những nơi tưởng chừng không liên quan gì, rút cuộc thì các vụ phá án mới nhất cũng thỉnh thoảng dính đến FIFA. Đức, Colombia, Costa Rica, Úc, Thụy Sĩ, thậm chí cả... Nepal đã có những vụ án riêng rẽ, độc lập, nhưng rút cuộc cũng đều đi tới điểm chung là phải điều tra thêm về sự tham gia, mức độ liên quan, hoặc vai trò của các quan chức FIFA!

    Điều đặc biệt là sau khi “danh sách đen” được công bố, chúng ta thấy rõ: rất nhiều nhân vật nối tiếp nhau giữ cùng một ghế quan trọng trong làng bóng đỉnh cao - như chủ tịch LĐBĐ Brazil, chủ tịch CONMEBOL (Nam Mỹ) hoặc CONCACAF. Điều đó cho thấy tình trạng gian lận tài chính từ lâu đã là căn bệnh thâm căn cố đế. Hóa ra, người sau thay chỗ người trước không phải để làm trong sạch hóa bóng đá. Đấy chẳng qua chỉ là chuyện đấu đá quyền lực, để rồi tất cả đi vào lối mòn “cờ đến tay ai nấy phất”.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội