Bóng Đá Plus trên MXH

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh: "Nhân tài xứ Nghệ như Sông Lam cuồn cuộn chảy"
14:42 ngày 12/04/2015
“Bao năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn vì tài chính eo hẹp nhưng SLNA vẫn giữ vững quan điểm về việc đào tạo trẻ. Chính vì thế, nguồn cầu thủ kế cận của đội bóng vẫn luôn dồi dào”. Ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch CLB SLNA không giấu được sự tự hào khi nói đến công tác đào tạo bóng đá trẻ nơi đây.
    SLNA & BÀI TOÁN TÀI CHÍNH
    - Xin cám ơn ông đã tham gia cuộc đối thoại với BĐ&CS .Cuối tuần này, ở vòng 9, V.League 2015 có một cuộc gặp gỡ thú vị giữa SLNA và HA.GL. Sự thú vị ấy nằm ở chỗ, gần như cả hai đều sử dụng những cầu thủ là “của nhà trồng được”. Cá nhân ông nghĩ như thế nào?

    - “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng nếu được, ông có thể liệt kê những sự khác nhau về phương cách, chiến lược đào tạo giữa hai trung tâm, qua cách nhìn của cá nhân…
    + Tôi thấy có một điểm chung, đó là cả đôi bên đều nhất quán, giữ vững quan điểm đào tạo trẻ và sử dụng cầu thủ đào tạo được cho CLB ở V.League. Nhưng rõ ràng, HA.GL có sự khác biệt với SLNA đó là, đội bóng phố Núi có một ông bầu có điều kiện tài chính, dám nghĩ, dám làm. 

    Anh Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên sang Anh bắt tay hợp tác với CLB Arsenal, đào tạo cầu thủ kiểu châu Âu. Nhìn cơ ngơi, chế độ dinh dưỡng… của họ, có thể nói, các lò đào tạo khác phải mơ ước, trong đó có SLNA. Tất nhiên, bây giờ, BĐVN cũng có nhiều lò đào tạo không kém cạnh như Viettel, PVF, HN.T&T…


    - Như ông đã đề cập, bài toán “đầu tiên” luôn khiến cho các nhà làm bóng đá của SLNA phải đau đầu. Vậy thì bí quyết nào để lò SLNA duy trì và có những đóng góp to lớn cho BĐVN từ trước đến nay?
    + Nói thật, SLNA gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Ngay cả đội 1 chơi tại V.League, chúng tôi cũng phải suy nghĩ, trăn trở, lo âu. Nhưng dù có khó khăn đến mấy, SLNA cũng quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, bởi đấy là sự sống còn của đội bóng và đó cũng là cái cách tạo ra một đội bóng có bản sắc. 

    Thêm nữa, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có việc “tự cung tự cấp” mới giúp bóng đá Nghệ An tồn tại được vì chúng tôi không đủ và không có tiền để mua bán, chuyển nhượng cầu thủ có giá tỷ này tỷ kia.  Như tất cả đã thấy, những năm qua, khó khăn là thế, song SLNA vẫn đóng góp cho các đội tuyển trẻ, ĐTQG rất nhiều tuyển thủ QG.

    - Còn gì nữa không, thưa ông?
    + Chúng tôi gặp thuận lợi ở chỗ, người dân xứ Nghệ phần lớn là thuần nông, nhưng tình yêu bóng đá của họ thì vô bờ. Thêm một động lực nữa đó là rất nhiều người cho con em đến theo bóng đá ngoài thỏa mãn đam mê còn có cả giấc mơ đổi đời từ bóng đá. 

    Do vậy, SLNA có nguồn cung cầu thủ từ tuyến trẻ rất dồi dào. Cũng phải nói đến công tác huấn luyện, chúng tôi có nguồn HLV, đó là những cầu thủ từng thi đấu cho CLB, dù tiền lương có thể ít hơn nơi khác, tuy nhiên lại rất đam mê nghề nghiệp và muốn cống hiến cho quê hương.


    Chúng tôi cảm thấy tự hào vì bóng đá Nghệ An có một bản sắc, đó là các cầu thủ do chính tay SLNA đào tạo đều mong muốn được đá vì màu cờ sắc áo đội bóng. Tất nhiên khi đủ lông đủ cánh, việc họ ra đi là không nói, nhưng chừng nào còn khoác áo thì họ luôn ra sân với sự khát khao khiến thắng, đá vì sự hãnh diện và vì các CĐV. 

    Người dân như thế, cầu thủ như thế, nên lãnh đạo tỉnh của rất quan tâm bóng đá. Cho nên cầu thủ xứ Nghệ cứ như dòng Lam giang cuồn cuộn chảy, mặc cho bóng đá nơi đây cũng trải quan không ít thăng trầm.

    DÙ Ở ĐÂU CŨNG LÀ NGƯỜI XỨ NGHỆ
    - Người ta nói rằng, SLNA thành công là nhờ có chiến lược nuôi dưỡng nhân tài từ lũy tre làng, điều đó có được là nhờ mạng lưới tuyển chọn tài năng “phủ sóng” khắp cả tỉnh. Hoặc nếu bị sót thì nó xảy ra theo một kịch bản rất đặc biệt, như Công Phượng chẳng hạn…
    + Đúng vậy, trước đây thì hoàn toàn có chuyện đó. Hầu hết các nhân tài bóng đá đều tìm về lò sông Lam. Nhưng bây giờ đã khác, nhiều gia đình thấy các trung tâm bóng đá, có chế độ đãi ngộ, có môi trường tốt nên đến thẳng thi tuyển… Đấy là điều tất yếu của cuộc sống. 

    Cá nhân tôi nghĩ, con em xứ Nghệ đào tạo và trưởng thành ở đâu cũng là niềm tự hào của người xứ Nghệ và BĐVN. Công Vinh, Trọng Hoàn, Văn Bình… từng được sông Lam đào tạo, họ ra đi rồi trở về và chơi bóng rất hay và họ đều được các CĐV yêu mến. Hay tới đây Công Phượng cũng thế, dù tốt nghiệp lò HA.GL nhưng Phượng cũng là một nhân tài của Nghệ An. Chắc chắn rất nhiều người sẽ dành tình cảm cho cậu ấy!


    - Với sự ra đời của rất nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, có quy mô và chuyên nghiệp, vậy SLNA  có sợ bị tụt lại phía sau?
    + Chắc chắn SLNA phải có kế hoạch, chiến lược phát triển cho riêng mình. Chúng tôi không thể bằng lòng với thực tại bởi như thế sẽ dậm chân tại chỗ, đấy cũng là điều sẽ khiến đội bóng suy yếu.

    - Vậy sắp tới, SLNA có hướng đột phá gì để nâng tầm công tác đào tạo trẻ và cả đội bóng, thưa ông?
    + Như đã đề cập, tài chính quyết định tất cả, có tài chính, có sự đầu tư đúng về vật chất và chất xám thì công tác đào tạo sẽ bật lên. Nhưng để có điều đó thì chúng tôi còn phải chờ đợi

    - Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

    Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, hiện SLNA có 160 VĐV được đào tạo tại địa phương, rải đều các tuyến từ U11 đến U19, còn đội U21 hiện chủ yếu là các cầu thủ đang thi đấu ở V.League.

    ÔNG NGUYỄN HỒNG THANH NÓI VỀ:
    - các cầu thủ SLNA
    “Chơi ở V.League, mục tiêu ra sân của SLNA bao giờ cũng muốn giành chiến thắng. Thi đấu với HA.GL cũng thế, nhưng các cầu thủ SLNA rất tôn trọng đối thủ vì đây là đội bóng có những phẩm chất kỹ thuật xuất sắc, thi đấu đàng hoàng, đĩnh đạc. 

    Bây giờ có thể HA.GL chưa có thành tích thật tốt, nhưng phía trước có rất nhiều hy vọng cho BĐVN. Vậy nên, các cầu thủ trẻ của SLNA cần phải học ở họ nhiều điều ở trận thư hùng chiều 12/4 tới”.

    - Công Phượng
    “Là cầu thủ chuyên nghiệp thì phải thể hiện trình độ trên sân còn sau đó dành tình cảm cho quên hương hãy tính sau. Công Phượng cũng thế, dù sinh ra ở Nghệ An nhưng hẳn ai cũng muốn cậu ấy có một trận đấu xuất sắc và chứng minh được giá trị bản thân”.
    Đức Nguyễn (thực hiện) • 14:42 ngày 12/04/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay