Bắt tiền đẻ ra tiền
Từ khi nào Công Phượng có “máu” kinh doanh? Rất nhiều fan của tiền đạo người xứ Nghệ đã đặt câu hỏi này khi quán “CP10 Coffee” được khai trương vào ngày 20/11/2017. Ít ai biết rằng, Công Phượng từng “ủ mưu” để kinh doanh, hay nói vui như anh là “bắt tiền đẻ ra tiền” kể từ sau chuyến đi Nhật Bản để đầu quân cho CLB Mito Hollyhock.
Số là sau khi chuyển đến xứ Mặt trời mọc, Công Phương có dư một khoản tiền. Thay vì nghĩ rằng, sẽ gửi ngân hàng để kiếm lãi hàng tháng, tiền đạo này gửi về phụ gia đình một phần và phần còn lại tích góp để chờ một ngày kinh doanh, kiếm thêm thu nhập bên cạnh các khoản thu từ bóng đá. Công Phượng có rất nhiều ý tưởng, nhưng anh xác định sẽ kinh doanh mặt hàng dựa trên tên tuổi, thương hiệu của mình. Kế đến, Công Phượng huy động vốn một cách vừa phải với mục tiêu quay đầu vốn nhanh.
Trong vài lần hẹn hò “chém gió”, Công Phượng và một số người bạn đã có chung ý tưởng. Không đợi lâu, họ bắt tay hợp tác để cho ra đời quán cà phê mang tên “CP10 Coffee”. Theo Công Phượng thì: “Khó khăn nhất vẫn là tìm mặt bằng và tìm được một người thiết kế phù hợp với túi tiền của người đầu tư”. Và rồi, Công Phượng đã có được điều mình muốn là mảnh đất trên đường Cù Chính Lan ở thành phố Pleiku, Gia Lai và đặc biệt, tìm được người thiết kế quán theo đơn hàng “ngon, bổ, rẻ” là kiến trúc sư Nguyễn Hùng Linh, người cũng là một tay máy ảnh đầy đam mê kiêm phóng viên tự do tại Pleiku.
Quán của “người đặc biệt” có gì đặc biệt?
Kể từ ngày khai trương, “CP10 Coffee” rất đắt hàng, khách ra vào nườm nượp. Không khó nhận ra, đó là đều là fan ruột của Công Phượng cũng như những người mến mộ anh. Quán của “người đặc biệt” chắc chắn phải có gì đặc biệt? Chúng tôi đem điều này hỏi kiến trúc sư Nguyễn Hùng Linh, vốn là người thiết kế bản demo cho quán.
“Thực ra CP10 Coffee đặc biệt không phải ở kiến trúc không gian mà nó đặc biệt nằm ở cái tên chủ nhân. Không gian, vật dụng của quán được thiết kế khá mộc với hai tông màu đen - trắng. Đó là ý tưởng của Phượng vì cậu ấy muốn hương vị cafe quyện trong quán và nó phải mang đến sự gần gũi, bình dân. Tôi nghĩ đây là sự thông minh của Phượng và rõ ràng cậu ấy có gu thẩm mĩ và óc quan sát tinh tế giống như trong việc tìm cách đột phá, ghi bàn trong bóng đá”, Hùng Linh chia sẻ.
Cũng theo Hùng Linh, quán có tổng đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Kể từ ngày bắt tay thiết kế cho đến khi thi công mất khoảng 3 tháng và sắp tới, “CP10 Coffee” sẽ triển khai giai đoạn hai với phần trên tầng có tổng diện tích sử dụng lên đến 100m2. Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn chưa tính toán được lợi nhuận hàng ngày. Chỉ biết, tất cả đều cảm thấy hứng khởi vì lượng khách ở thời điểm hiện tại khá ổn định. Đặc biệt, mỗi cuối tuần, nếu HAGL thi đấu trên sân Pleiku thì “ông chủ” Công Phượng cũng phải tăng cường nhân viên chạy bàn.
Phượng có một khát khao...
Thực ra trong giới cầu thủ Việt, rất nhiều người từng kinh doanh và thành công. Chẳng hạn như Nguyễn Anh Đức của B.Bình Dương mở cửa hàng bán đồ thể thao, Bùi Văn Long của SHB.ĐN đầu tư vào trồng cà phê; trước nữa có cựu tiền đạo ĐTQG Nguyễn Quang Hải mở quán hải sản, tiền vệ Cao Sỹ Cường chọn hướng đầu tư vào khách sạn... Ở hạng mục kinh doanh quán cà phê, trước đây có Thành Lương nhưng Lương “dị” cũng đã sang nhượng quán.
Thực ra, Công Phượng chỉ đứng tên và kinh doanh “thương hiệu” mang tên mình, còn công việc quản lý, thu chi đều phụ thuộc vào người đồng sở hữu. “Tập luyện rồi thi đấu quanh năm, nên thi thoảng tôi mới ghé thăm quán. Mọi công việc quản lý đều do người khác đảm nhiệm. Đã làm ăn với nhau thì có chữ “Tín” và sự rõ ràng nên tôi hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào “CP10 Coffee”. Trước mắt tôi chưa nghĩ đến chuyện lợi nhuận, chỉ mong thu hồi vốn và có lượng khách ổn định. Quán cũng là nơi tôi gặp gỡ những người mến mộ mình và kết nối những người thích HAGL. Tôi cảm thấy vui vì điều đó”, Công Phượng thổ lộ.
Khi được hỏi, liệu có nhân rộng mô hình hay mở rộng chuỗi “CP10 Coffee” hay không, Công Phượng chia sẻ: “Trước mắt vậy đã, tôi còn tập trung chơi bóng. Công việc kinh doanh chỉ là nghề tay trái. Tất nhiên, nếu mọi thứ thuận lợi thì tôi cũng muốn làm thêm để tăng thu nhập và xem nó như niềm vui ngoài bóng đá”.
Vâng, Công Phượng không chỉ đá bóng hay mà còn rất biết kinh doanh thương hiệu “CP10”. “CP10 Coffee” có thể là khởi đầu trong số những ý tưởng của tiền đạo này. Vậy nên, đừng lạ nếu người ta gọi anh bằng cái tên “ông chủ Phượng” khi khát khao kiếm tiền từ kinh doanh cũng không kém gì khi đá bóng.
CP10 - con gà đẻ trứng vàng Không phải Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn..., Công Phượng mới là “con gà đẻ trứng vàng” cho HAGL. Kết thúc năm 2017, những bản hợp đồng liên quan đến tài trợ của đội bóng phố Núi đều xuất hiện hình ảnh Công Phượng. Ngoài ra, Công Phượng còn là gương mặt yêu thích của nhiều nhãn hàng. Chưa có thống kê cụ thể nhưng năm vừa qua, riêng tiền quảng cáo đã giúp CP10 bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Công Phượng nên học Anh Đức Nếu muốn làm ăn và kinh doanh giỏi, Công Phượng nên tham khảo đàn anh Nguyễn Anh Đức. Ngoài đá bóng, Anh Đức còn là doanh nhân với mặt hàng dụng cụ TDTT mang thương hiệu AD Sport có doanh thu hơn 2 tỷ đồng/tháng. Chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam 2015 còn là chủ sở hữu của một số khách sạn, spa, phòng gym... nổi tiếng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tiễn gà đón chó, cười vang cả nhà Năm 2017 đã khép lại khá thành công với Công Phượng. Sau khi liên tục chấn thương và ngồi dự bị tại CLB Mito Hollyhock, Công Phượng trở về khoác áo HAGL và đã chơi khá ấn tượng. Kết thúc V.League 2017, tiền đạo này ghi 7 bàn và có đến 8 pha kiến tạo thành bàn. Trong màu áo U23 Việt Nam, Công Phượng đóng góp 9 bàn và 2 lần lập công cho ĐTQG. Công Phương hy vọng ở năm Mậu Tuất, sự nghiệp quần đùi áo số tiếp tục đi lên và công việc kinh doanh thuận lợi. |