Bóng Đá Plus trên MXH

Cựu tiền vệ Phan Trọng Quang: Cũng đành lăn theo thời cuộc
08:24 ngày 26/09/2014
NHM bóng đá xứ Quảng - Đà vẫn nói nhiều về thế hệ “Trường Sơn”, một thời là niềm tự hào của họ với hàng loạt danh thủ mà mới nghe thôi đã… sướng. Vũ “đen”, Thái Long, Thành “ghe”, Nho Đức, Trọng Quang, Chức “đen”… Thế hệ này đã đoạt Cúp Trường Sơn, một dấu mốc cho sự khởi đầu của bóng đá xứ Quảng - Đà sau ngày thống nhất đất nước.
    TỪ GẠCH NỐI 2 THẾ HỆ BÓNG ĐÁ ĐÀ NẴNG…
    Đây là thế hệ quy tụ nhiều hảo thủ xứ Quảng, đặc biệt là rất nhiều người từng chinh chiến ở Sài Gòn trước năm 1975, mà tiêu biểu là tiền đạo khét tiếng Trần Vũ hay tiền vệ có dáng dấp thư sinh nhưng luôn có những pha bóng cực kỳ dũng mãnh Nguyễn Nho Đức. 

    Bộ đôi này được lịch sử cũng như NHM đất Quảng Nam - Đà Nẵng nhắc đến nhiều nhưng còn có một nhân vật khác, cũng lang bạt kỳ hồ, thành danh ở đất Sài Gòn rồi trở về, góp phần đưa bóng đá địa phương hồi sinh và vươn lên đỉnh cao của miền Trung sau ngày giải phóng. 

    Đấy là tiền vệ Phan Trọng Quang, cầu thủ được xem là có lối chơi hào hoa bậc nhất miền Trung và là cầu thủ hiếm hoi của miền đất này có thể sánh ngang ngửa với những tiền vệ khét tiếng của miền Bắc thời kỳ ấy.

    Cũng như Trần Vũ hay Nho Đức, Phan Trọng Quang thành danh khá sớm trong làng bóng Đà Nẵng ngày trước giải phóng. Chỉ có điều, giai đoạn đó, bóng đá nơi này không mấy tiếng tăm nên nhiều người đã chọn con đường dấn thân vào Sài Gòn để phát triển sự nghiệp. 

    Phan Trọng Quang cũng vậy, những năm đầu thập niên 1970, ông dạt vào Sài Gòn khoác áo đội Không đoàn Kỹ thuật. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trong làng bóng Sài Gòn, với lối chơi như thêu hoa dệt gấm, mang phong cách của một nghệ sĩ đích thực, Phan Trọng Quang có một chỗ đứng nhất định, liên tục được triệu tập vào các Đội tuyển Thiếu niên, Thanh niên Việt Nam, Đội tuyển Sài Gòn, Tuyển miền Nam… 

    Sau nhiều thăng trầm, Phan Trọng Quang giờ có thể tự hào về nghiệp thể thao đáng quý của mình

    Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với nhiều đồng hương như Nho Đức, Trần Vũ, Nguyễn Văn Minh…, Phan Trọng Quang trở lại Đà Nẵng gây dựng phong trào bóng đá quê nhà. Chiến tích đầu tiên là danh hiệu vô địch giải Trường Sơn vào năm 1976, để từ đó, cái tên Phan Trọng Quang trở thành một trong những cầu thủ đáng xem nhất của bóng đá miền Trung. 

    Nét đặc trưng nhất trong cách chơi của Phan Trọng Quang được thế hệ lớn tuổi khắc họa là “một tiền vệ chơi bóng bằng đầu óc, nhẹ nhàng, hoa mỹ nhưng cực kỳ chắc chắn, hiệu quả với đôi chân cực ngoan để làm nên những quả chọc khe chết người cho đồng đội phía trên”. 

    … ĐẾN NGHỀ VẦN VÔ LĂNG ĐƯỜNG DÀI
    Không nhiều người có thể hình dung một cầu thủ nổi danh tài hoa như ông nhưng sau khi chia tay sân cỏ lại đối diện với cuộc sống khắc nghiệt, phải mang một diện mạo hoàn toàn trái ngược khi còn đá bóng. 

    Không làm công chức, không liên quan đến bóng đá…, Phan Trọng Quang trở thành tài xế xe đường dài suốt những năm sau đó. Đấy có lẽ là quãng thời gian đau đời nhất của tiền vệ này mà đến bây giờ nhắc lại, ông vẫn còn hồi hộp và đôi lúc sợ hãi. 
    Ông bảo đấy là “nghề gia truyền” nên phải nối nghiệp, cộng với đó là phải mưu sinh để sống nên phải chấp nhận lăn lộn. Cực khổ và quá nhiều áp lực, đôi lúc là cả sinh mệnh khi ôm vô-lăng trên những cung đường Bắc - Nam đầy rẫy hiểm nguy ở cái thời mà hạ tầng giao thông Việt Nam còn rất tệ. 

    Những chuyến đi dài ngày, rong ruổi trên đường biến ông từ một cầu thủ hào hoa bao nhiêu trên sân bóng trở thành một con người gồ ghề, chai sạn bấy nhiêu. Tám năm, một quãng thời gian đủ dài và hiển nhiên, công việc mưu sinh quá vất vả và đầy chất giang hồ đó đã khiến ông phải quên luôn bóng đá…

    NGUỒN SỐNG TỪ TENNIS
    Những năm đầu thập kỷ 1990, cùng với sự chuyển mình của đất nước, môn quần vợt phát triển mạnh ở khắp nơi. Và đấy cũng là thời điểm đánh dấu sự trở lại của tiền vệ hào hoa một thời của bóng đá đất Quảng với nghiệp thể thao. 

    Sự thành danh trong bóng đá thời trước giúp Phan Trọng Quang có những người bạn thân và chính sự động viên, khuyến khích của những người bạn này, Phan Trọng Quang từ giã tay lái để quay lại… đi học tennis. Với tư chất thể thao sẵn có, ông nhanh chóng nắm bắt và hòa nhập rất nhanh để rồi chỉ sau một thời gian ngắn, Phan Trọng Quang đã đủ “trình” để ra đứng lớp.

    Sự tài hoa của ông một lần nữa được phát tiết khi ông nhanh chóng trở thành một trong những thầy dạy tennis nổi tiếng nhất Đà Nẵng. Học trò phần vì mến mộ tài năng, phần vì sự hào hoa và khả năng sư phạm giỏi của ông mà xin học rất đông, luôn kín giờ dạy mỗi ngày. 

    Không chỉ thỏa đam mê với thể thao, tennis còn giúp Phan Trọng Quang sống khỏe với đời. Hơn 10 năm gắn với banh nỉ, giờ ông Quang vẫn đắt sô dạy. Nhiều khi những đồng đội cũ tụ tập, bắt máy alô cho ông thì khi đến, trên người ông vẫn còn mặc nguyên bộ đồ thể thao, vai đeo túi đựng vợt “phải trốn học trò mới đi được đấy”, ông phân trần. 

    Là một trong những cầu thủ thuộc thế hệ đầu tiên phải chịu nhiều thăng trầm nhất trong cuộc sống nhưng Phan Trọng Quang vẫn khẳng định: “So với nhiều đồng đội, tôi vẫn còn những may mắn. Tôi có nghiệp để mưu sinh và sau này vẫn thành danh. Nhưng quan trọng hơn hết, đấy là mọi người vẫn còn nhớ và yêu mến Phan Trọng Quang. 

    Đó chính là những món quà quý giá nhất mà bóng đá đã mang lại cho tôi, không phải ai cũng có được, cho dù thời đó, đá bóng cực khổ lắm, nhiều lúc, sau những trận đấu, tôi cũng như nhiều đồng đội khác phải làm thêm đủ chuyện khác, như cả việc phải đi bỏ bánh mì mỗi sáng để góp phần nuôi sống gia đình”.

    Một trong những học trò tiêu biểu nhất của Phan Trọng Quang trên sân quần chính là tuyển thủ Phan Thị Thanh Bình. VĐV từng vô địch quốc gia và là một trong những tay vợt nữ xuất sắc nhất làng banh nỉ Việt Nam hiện tại chính là con gái rượu của cựu cầu thủ Phan Trọng Quang. 

    THÔNG TIN
    Dù nổi tiếng khắp vùng Quảng - Đà, nhưng do khi trở lại quê hương đá bóng, được giao nhiệm vụ gây dựng phong trào, nên Phan Trọng Quang chỉ thi đấu ở các đội bóng nhỏ ở hạng A2 như Cảng Đà Nẵng, Công An Quảng Nam - Đà Nẵng trước khi giải nghệ vào năm 1985.

    HỒ SƠ TRÍCH LƯỢC
    - Sinh ngày: 10/4/1954

    - Vị trí: Tiền vệ

    - Những CLB đã qua: Đội Bộ chỉ huy kỹ thuật và tiếp vận không quân 1972 - 1975; Đội tuyển Thanh niên Việt Nam 1974; Dự tuyển Quốc gia Việt Nam chuẩn bị tham dự giải vô địch Đông Nam Á 1975; Khoác áo đội Cảng Đà Nẵng 1977 – 1982; Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng, giành quyền lên hạng A1 toàn quốc năm 1983; Công an Quảng Nam - Đà Nẵng từ 1984-1985

    - Thành tích: 
    + Vô địch giải Trường Sơn mừng đất nước thống nhất 1976 trong màu áo Quảng Nam - Đà Nẵng

    + Vô địch giải vô địch miền Trung.
    Quốc Toàn • 08:24 ngày 26/09/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay