Bóng Đá Plus trên MXH

Đâu sẽ là từ khóa gây sốt tại World Cup?
Đan Anh • 05:04 ngày 02/07/2014
Chúng ta sẽ có gì sau kỳ World Cup? Chắc chắn, chúng ta sẽ có hình ảnh của một nhà vô địch mới bởi TBN đã lên máy bay về nước. Câu trả lời nghe chừng quá tầm phào nhưng chẳng phải là tổ chức World Cup để tìm 1 nhà tân vô địch hay sao? Không, chúng ta sẽ còn có thêm rất nhiều thứ mới mẻ nữa, ít nhất là những mục từ…

    ZLATAN ÔI TỪ CHÍNH ZLATAN…
    Hồi 2010, hội đồng biên soạn từ điển quốc gia Vương quốc Thụy điển đã từng chính thức công nhận Zlatan là một mục từ mới trong kho tàng từ vựng của đất nước Bắc Âu ấy. Cụ thể, Zlatan là một động từ mô tả hành động thực hiện những điều ảo diệu không tưởng, bằng một trí tưởng tượng siêu phàm.

    Tháng 2/2014, đúng dịp sinh nhật Cristiano Ronaldo, Ibrahimovic đã ký tặng Ronaldo chiếc áo thun mà Nike thiết kế mẫu riêng cho anh, với dòng chữ “Dare to Zlatan?”, một câu hỏi đầy tính khơi gợi, kích thích. “Có dám làm những điều kỳ diệu không?”, Zlatan đã gửi tới CR7 thông điệp đó, với hàm ý vừa thách thức nhưng cũng vừa khuyến khích. 

    Ở thời điểm đó, Bồ Đào Nha đã loại Thụy điển ở vòng knock-out để đoạt vé tới Brazil và chính CR7, trong một cuộc họp báo, cũng từng thổ lộ rằng anh không hề thích viễn cảnh một World Cup thiếu vắng một siêu sao tầm cỡ như Ibra. Rõ ràng, người tài trọng người tài, những siêu sao luôn muốn đọ sức cùng siêu sao. Rõ ràng, việc không có Ibra ở Brazil 2014 này khiến không nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Với họ, ngoài Messi, CR7, Neymar và Suarez, Ibra chính là một trong những tiền đạo hàng đầu hiếm hoi đương thời. 

    Không có anh, đồng nghĩa với việc World Cup thiếu vắng một người khổng lồ dũng mãnh nhưng cũng đầy khéo léo, một thủ lĩnh có thể làm bùng nổ cầu trường bất kỳ lúc nào. Và với người Thụy điển, thiếu vắng anh, họ sẽ không thể xem World Cup mà thốt lên động từ Zlatan một cách thường xuyên được nữa. Chẳng lẽ, họ lại khen…Messi bằng động từ Zlatan ấy ư?


    Trong khi đó, ở Anh, một số không nhỏ người Anh đã từ lâu nay hay dùng mục từ “Wooney” để mô tả nỗi thất vọng hơi có phần đùa cợt và mỉa mai cho bạn bè của mình. Thán từ Wooney đó bắt nguồn từ Wayne Rooney, với những pha bỏ lỡ chẳng ai ngờ tới của anh. 

    Và rõ ràng, ở World Cup này, dù có bàn thắng đầu tiên tại đấu trường lớn nhất trong đời cầu thủ, Rooney chắc cũng để người Anh phải nhiều lần thốt lên “Wooney” vì thành tích của ĐT Anh quá kém cỏi. Thậm chí, sẽ có cả những tuyển thủ Anh khác phải nhận lấy thán từ ấy. 

    MỤC TỪ NÀO ĐANG SỐT?
    Chắc chắn, bằng cách chơi chữ của báo giới, và thêm vào đó là cộng đồng mạng, ngay từ đầu World Cup tới giờ đã có nhiều hình ảnh được mô tả bằng các danh từ tên riêng cụ thể mà sau này, rất có thể nó sẽ trở thành một mục từ được sử dụng rộng rãi với một hàm ý ẩn sau đó. Và hình ảnh nào càng để lại ấn tượng mạnh, mục từ ấy sẽ có sức sống càng lâu bền và độ phủ sóng càng rộng rãi hơn.


    Đầu tiên, có thể kể đến mục từ “Persie” khi có những nhà báo Hà Lan đã dùng từ “Persieing” khi mô tả cảnh siêu tiền đạo của Hà Lan bay người như một chú chuồn chuồn, mà đúng hơn là như một phi cơ chuẩn bị hạ cánh trên đường băng, để đánh đầu ghi bàn gỡ hoà cho Hà Lan trong trận tàn sát TBN.

    Có lẽ, cả đời Van Persie cũng không lặp lại được pha đánh đầu mỹ mãn ấy nữa nhưng chỉ cần ai muốn bay là tương tự anh thôi, dù thành hay bại, đều có thể bị gán bằng động từ “Persie”…

    Nhắc đến TBN, có thể chúng ta cũng sẽ được chứng kiến động từ Iker nếu như Casillas lại tiếp tục mắc những sai lầm trong tương lai do tâm lý của anh đã trở nên bất ổn quá mức sau khi bị Mourinho hành hạ trên băng ghế dự bị ở mùa 2012/13. Dư chấn tâm lý của mùa bóng bão tố đó đã khiến Casillas đang từ 1 thủ thành thuộc diện xuất sắc nhất thế giới bỗng trở thành một thằng hề trước mọi chân sút. Anh chỉ biết lao ra và ngã, ngã rồi lại ngã bất chấp đối thủ mới chỉ dậm chân một nhát. 

    Song, mục từ chắc chắn sẽ lên ngôi có thể sẽ là Suarez với hàm ý mô tả hành động cắn người hàng loạt. Miếng thịt thăn vai của Chielini không biết ngon, ngọt và thơm đến mức nào mà Suarez lại xực một phát ngon ơ như thế. Có thể, anh thích thịt có mùi…mồ hôi người và biết đâu, mục từ Suarez còn có nghĩa “thích đồ ăn có mùi mồ hôi người” cũng nên?

    VÀ MỤC TỪ NÀO LÊN NGÔI?
    Nhưng quan trọng nhất, vẫn là mục từ nào sẽ lên ngôi cao nhất ở mùa World Cup này? Có vẻ như sẽ là cuộc đấu tay đôi giữa mục từ Neymar và Messi, hai ngôi sao gánh vác cả trách nhiệm của một quốc gia trên vai. 

    Người Brazil đang hãnh diện về cậu bé 22 tuổi của mình, khi thống kê cho thấy ở độ tuổi 22 tuổi 4 tháng, Neymar đã chơi 52 trận cho ĐTQG và ghi được 35 bàn thắng, một con số vô cùng ấn tượng.  Pele cũng chỉ chơi có 34 trận cho ĐTQG khi 22 tuổi 5 tháng và cả sự nghiệp của mình, ông cũng chỉ có 77 bàn cho ĐTQG trong số hơn 1.000 bàn thắng mà ông đã ghi. Trong khi đó, những người ghi nhiều bàn thắng cho Selecao lần lượt là Ronaldo (62 bàn); Zico (48 bàn); Romario (44 bàn) và Bebeto (39 bàn). 

    Neymar đang tràn trề hi vọng là “Vua phá lưới” của giải này và nếu giữ vững phong độ hiện nay, kết thúc giải có thể anh sẽ có tiệm cận số bàn thắng mà Bebeto đã ghi được. Như vậy, đủ thấy việc người Brazil tin vào bờ vai tuổi trẻ ấy là đúng đắn và nếu anh làm được điều diệu kỳ là đưa Selecao lên ngôi VĐTG, biết đâu chừng động từ Neymar sẽ là mục từ mới mô tả “kẻ gánh vác thế giới” của người Brazil. 

    Nhưng Brazil chưa chắc đã làm được điều kỳ diệu ấy bởi vẫn còn đó những ĐTQG mạnh như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp và đặc biệt là Argentina. Trong đó, Argentina cũng giống hoàn cảnh của Neymar khi đang sống bằng hơi thở, chạy trên đôi chân Messi. 

    Thời Maradona, khi ông một mình gánh vác đội tuyển để lên ngôi ở World Cup 1986, đã có cả trăm bài hát viết về ông. Maradona đã trở thành từ khóa trong rất nhiều ca khúc ấy. Messi không đủ tầm vóc về gương mặt văn hóa, xã hội gây tranh cãi như Maradona để thành từ khóa trong các ca khúc đầy cảm hứng nhưng chắc chắn, tên anh có thể thành mục từ “kẻ gánh vác thế giới” trong lòng người Argentina y như Neymar trong lòng người Brazil nếu như anh thành công mỹ mãn.

    Mục từ nào sẽ lên ngôi, mỗi người sẽ chọn riêng cho mình. Nhưng quan trọng, kẻ đứng tên vì mục từ đó phải là kẻ làm được những điều kỳ diệu. Mà kẻ làm được điều kỳ diệu ở World Cup 2014, tính đến lúc này, có lẽ cũng chỉ còn Neymar, Messi và Robben mà thôi…
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội