“Tôi muốn cậu đá trung vệ”
Năm 15 tuổi, Cannavaro được Napoli chiêu mộ, nhưng không phải để đá bóng, mà là... nhặt bóng. “Nếu không được chơi bóng, thì nhặt bóng cũng không tồi. Ít ra mình cũng có cơ hội thường xuyên chứng kiến những ngôi sao của Napoli thi đấu”, Cannavaro tự động viên. Rồi ngày chính thức trở thành cầu thủ thuộc biên chế Napoli cũng tới khi anh 15 tuổi, song anh không chọn trở thành trung vệ lúc đầu. Cannavaro muốn làm tiền vệ giống thần tượng Marco Tardelli.
Nhưng dân gian có câu, nghề thường chọn người. Một ngày nọ, giám đốc học viện đào tạo trẻ của Napoli đến sân xem các cầu thủ trẻ thi đấu. Nhìn Cannavaro xử lý bóng trên sân, một ý tưởng chợt lóe ra trong đầu ông. Nghĩ là làm, ông gọi chàng trai tuổi teen đến và nói: “Fabio, tôi muốn cậu đá trung vệ”. Chẳng có một lời giải thích hay lý do cụ thể nào cả.
Sở hữu chiều cao 1m75, Cannavaro gần như luôn là người thấp nhất trên sân. Chắc chắn anh không giống một cầu thủ phòng ngự chút nào, và đặc biệt không phải trung vệ. Song cuối cùng, anh vẫn đồng ý thay đổi vị trí thi đấu, để rồi cuối cùng trở thành huyền thoại. Cannavaro không phủ nhận mình được hưởng may mắn từ số mệnh, và anh cũng tiết lộ bí quyết làm nên thành công trong cuốn tự truyện của mình: Để tốt hơn, một cầu thủ phải không ngừng học hỏi để tiến bộ.
Sau chức vô địch World Cup 2006 cùng ĐT Italia, Cannavaro luôn tự làm mới mình trên cương vị HLV
Với Cannavaro, những bài học của anh bắt đầu từ ngày là cậu bé nhặt bóng ở Napoli. Không phải ngẫu nhiên anh được yêu cầu trở thành trung vệ: Cannavaro có tố chất ở vị trí đó, bởi anh đã khắc ghi vào tâm trí lối phòng ngự của các trung vệ hàng đầu qua hàng trăm trận đấu lúc nhỏ. Người có ấn tượng với Cannavaro nhất chính là Ciro Ferrara. Ở chiều ngược lại, Diego Maradona đã dạy cho Cannavaro cách đối phó với những cầu thủ tấn công quái chiêu nhất.
Ngày đầu được gọi lên tập luyện cùng đội Một của Napoli, Cannavaro không thể thốt ra lời khi được tập cùng Maradona. Nhìn thái độ hồ hởi từ chàng trai trẻ, Ferrara mỉm cười nhẹ nhàng bảo: “Không, đừng nghĩ mình chỉ đến tập thôi nhé. Phải xoạc bóng. Maradona chẳng bao giờ để bóng rời chân đâu”. Lời xúi dại của người đàn anh suýt chút nữa khiến Cannavaro bị ghẻ lạnh vì dám chơi rắn với ngôi sao của đội. May sao, Maradona lại đặc biệt khoái chàng trai trẻ này. Cuối buổi tập, ông đến tặng Cannavaro đôi giày đá bóng, như để nhắc anh không bao giờ quên về kỷ niệm đầu tiên.
Cannavaro luôn coi Maradona là người thầy lớn trong sự nghiệp của mình. Ông đã dạy cho anh hai bài học quan trọng. Thứ nhất, muốn trở thành hậu vệ giỏi thì phải đối đầu với những tiền đạo giỏi nhất. Thứ hai, luôn tự tin trước mỗi trận đấu. Một cầu sẽ luôn thể hiện tốt cho dù không có lợi thế về chiều cao, tốc độ hay kỹ năng xử lý bóng. Sau này, Ronaldo “béo” là danh thủ khác giúp Cannavaro kiểm soát nỗi sợ trên sân cỏ.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Năm 2006 dĩ nhiên là khoảng thời gian thành công nhất trong sự nghiệp của Cannavaro. Anh cùng ĐT Italia lên ngôi vô địch World Cup, rồi cá nhân anh sau đó ẵm danh hiệu Quả bóng Vàng. Nhưng trở thành nhà vô địch không có nghĩa là ngừng học hỏi. Mùa Hè năm đó, Cannavaro đầu quân cho Real Madrid, với hy vọng về những trải nghiệm mới ở Tây Ban Nha. Tại Real, thầy của Cannavaro là Sergio Ramos, người dạy anh phải biết chuyền bóng đúng cách.
Ramos không muốn Cannavaro chuyền bóng vào khoảng trống trước mặt như các hậu vệ Italia thường làm, mà đặt bóng đúng vào chân đồng đội. Không giống Rivaldo từng tức tối khi bị Van Gaal dạy qua người đúng cách, Cannavaro sẵn sàng lắng nghe Ramos với tâm thế của lính mới.
Giải nghệ ở tuổi 38, Cannavaro tiếp tục gắn bó với trái bóng tròn. Anh theo nghiệp HLV, tới UAE và Saudi Arabia trước khi gắn bó với bóng Trung Quốc. Rào cản ngôn ngữ khiến Cannavaro nhận ra anh không thể chỉ đơn thuần giao tiếp với họ bằng lời nói. Đôi lúc anh đích thân xỏ giày vào tập cùng các cầu thủ. Mỗi khi mắc sai lầm, Cannavaro lại viết nó vào một cuốn sổ và luôn giữ bên mình.
Làm HLV tại châu Á cũng có nghĩa là phải nắm bắt tâm sinh lý, chuyện đông tây kim cổ của gia đình cầu thủ tường tận. Văn hóa xóm làng và đặc tính tương trợ của người Á Đông là khác biệt lớn nhất với các nước phương Tây. Nắm rõ yếu tố đó, Cannavaro nhanh chóng trở thành HLV được yêu mến ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Phần thưởng cho anh là chức vô địch Super League vào năm 2016, cùng danh hiệu HLV xuất sắc nhất bóng đá Trung Quốc.
Với Cannavaro, học tập là việc phải làm trong suốt cuộc đời. Chỉ có làm mới bản thân giúp anh trở thành một cầu thủ giỏi hơn, một HLV xuất sắc hơn và trên tất cả, một con người tốt hơn.
Không “xài hàng” Italia Graziano Pelle, Gabriel Paletta và Eder là những cầu thủ Italia đang chơi bóng tại Trung Quốc. Tuy nhiên Cannavaro hiện tại không thích sử dụng đồng hương trong đội bóng mình dẫn dắt, bởi anh từng thất bại với chính sách đó trong quá khứ: Năm 2014, trong thời gian huấn luyện Guangzhou Evergrande, Cannavaro đã chiêu mộ Alessandro Diamanti và Alberto Gilardino nhưng thi đấu không thành công. Anh em cùng huấn luyện Hiện tại Cannavaro đang là HLV trưởng Guangzhou Evergrande Taobao. Em trai anh, Paolo Cannavaro là 1 trong 3 trợ lý ở CLB. Cả hai đã làm việc ăn ý với nhau trong hơn 1 năm qua. Trước đó hồi còn thi đấu, Cannavaro từng hy vọng có thể kết thúc sự nghiệp trong màu áo Napoli khi được đá cặp cùng em trai, tuy nhiên anh đã không thể biến điều này trở thành sự thực. Làm từ thiện cùng đàn anh Cannavaro và Ciro Ferrara đã cùng nhau lập ra một quỹ từ thiện có tên Fondazione Cannavaro Ferrara. Hoạt động của quỹ này chủ yếu hỗ trợ thiết bị giúp nghiên cứu điều trị ung thư ở thành phố Naples, cũng như giúp đỡ các thanh niên nghèo khó. |