Bóng Đá Plus trên MXH

Ký ức về kỳ AFF Cup đầu tiên: Thế hệ Vàng của bóng đá Đông Nam Á
Phương Quyên • 07:03 ngày 16/11/2014
Tên chính thức của giải là AFF Championship 1996, do LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) tổ chức, ngay khi AFF vừa được mở rộng từ 6 lên 10 thành viên (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar cùng gia nhập vào năm 1996.
    Trước đó, AFF gồm 6 thành viên đã được thành lập vào năm 1984). Ngoài ra, giải này còn được gọi là Tiger Cup, theo tên nhà tài trợ. Và đó cũng là thời điểm, cả khu vực ĐNÁ chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt cầu thủ… đẳng cấp.

    LỨA CẦU THỦ HAY NHẤT CỦA ĐT VIỆT NAM
    Với giới hâm mộ bóng đá Việt Nam, không ai không biết đến khái niệm “thế hệ vàng”. Đó là thế hệ của hàng loạt danh thủ vươn lên cùng thời, có đầy đủ tài năng cũng như cá tính, bản lĩnh cũng như kinh nghiệm. Đó là những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hữu Thắng, Hoàng Bửu, Hữu Đang... 

    Một năm trước đó, chính thế hệ này đã lọt vào chung kết SEA Games 1995 (khi đấu trường SEA Games hãy còn là nơi quyết đấu cho các ĐTQG trong khu vực). Đấy là một dấu son, một cột mốc huy hoàng, mở ra hẳn một thời kỳ mới cho bóng đá Việt Nam kể từ ngày tái hội nhập quốc tế.

    Thời ấy, việc ĐTQG có HLV nước ngoài Karl-Heinz Weigang và toàn đội đi Đức tập huấn đình đám đến nỗi ít nhất đã có 2 cuốn sách được viết về sự kiện ấy, của một nhà báo và một nhà văn nổi tiếng, cuốn nào cũng có thể liệt vào hàng “best-seller”! 

    Đến bây giờ, đa số các nhà chuyên môn vẫn khẳng định: đội tuyển Việt Nam ở kỳ AFF Cup đầu tiên hay hơn đội tuyển Việt Nam duy nhất từng đoạt chức vô địch ở đấu trường này (năm 2008).

    Nhưng tại Tiger Cup 1996, “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam chỉ đoạt HCĐ, và xem ra thành tích ấy đã được tính là thành công đáng nể. Vì sao? Vì năm 1996 là thời điểm mà hầu hết các đội tuyển trong khu vực đều rất mạnh. Phải khẳng định: có hẳn một “thế hệ vàng” trong làng cầu Đông Nam Á hồi giữa thập niên 1990, và không phải ngẫu nhiên mà người ta phải đi đến kết luận mở rộng AFF rồi tổ chức hẳn một giải vô địch trong khu vực này vào năm 1996.

    Các cầu thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như Công Minh được so giày cùng các hảo thủ khác như Natipong, Fandi Ahmad, Yulianto…

    MỘT THẾ HỆ VÀNG CỦA CẢ KHU VỰC
    Ngày ấy, Thái Lan có ngôi sao Natipong Sritong-in mới 23 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm chinh chiến ở giải hạng Nhì của Pháp. Natipong có lối chơi xuất sắc, hiện đại hơn cả người đá cặp cùng tuổi trên hàng tiền đạo Thái Lan là Kiatisuk Senamuang - cầu thủ vốn chỉ thiên về kỹ thuật với biệt danh “Zico Thái”, sau này từng được cựu danh thủ M.U Steve Bruce mời sang CLB Anh Huddersfield. 

    Hấp dẫn ở chỗ: dù là Kiatisuk hay Natipong đều không sánh được với  tiền đạo Fandi Ahmad của Singapore về mặt danh tiếng. Thời đỉnh cao, Fandi từng ghi bàn cho CLB Groningen ngay trong lần đầu tiên xuất hiện ở giải Eredivisie của Hà Lan (trước khi đến Groningen, Fandi đã từ chối một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm do... Ajax Amsterdam đề nghị). 

    Anh từng ghi bàn vào lưới Inter Milan ở Cúp UEFA, từng được chọn là “Cầu thủ hay nhất mùa bóng” của Groningen. Có lúc, Fandi Ahmad nổi tiếng đến nỗi người ta tin đến sái cổ khi tờ The Straits Times đưa tin trong ngay “cá tháng 4”, rằng CLB M.U đã ký một hợp đồng “khủng” với Fandi! Tại Tiger Cup 1996, đội chủ nhà Singapore được dẫn dắt bởi HLV Barry Whitbread. Con trai của ông khi ấy đang khoác áo đội trẻ Liverpool. 

    Thế còn Indonesia? Họ có Kurniawan Yulianto, từng được thử chân ở CLB Sampdoria, ngay trong thời kỳ mà giải Serie A còn là “kinh đô bóng đá thế giới”. Họ có Widodo Putro khoác áo CLB Nordsjaelland ở Đan Mạch (cách đây vài năm, đội này xuất hiện ở Champions League). Họ có hàng loạt hảo thủ khoác áo các CLB nổi tiếng ở giải J.League của Nhật!

    Hãy tưởng tượng: chất  lượng chuyên môn của kỳ AFF Cup lần đầu tiên hấp dẫn thế nào với các ngôi sao như vậy! Một lần nữa (giống như SEA Games 1995), Việt Nam dừng chân trước Thái Lan trong vòng tranh chấp huy chương, đành chấp nhận lãnh HCĐ sau khi thắng Indonesia trong trận tranh hạng Ba. 

    Và một lần nữa, Thái Lan vô địch để củng cố vững chắc vị trí số 1 trong khu vực. Bất ngờ nhất là sự thành công của đội tuyển Malaysia - khi ấy vừa “làm lại từ đầu” sau khi quét sạch nạn dàn xếp tỷ số, đưa hàng chục cầu thủ... đi đày vì bán độ. Malaysia loại Singapore ngay vòng bảng khiến giới hâm mộ nước chủ nhà... biểu tình đòi sa thải HLV Whitbread. Sau đó, họ thẳng tiến đến tận chung kết mới chịu thua Thái Lan bằng tỷ số tối thiểu 0-1.

    Nhớ lại để thấy: bóng đá Đông Nam Á, dù bị gọi là “vùng trũng”, cũng có lúc rất hào hùng.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội