Bóng Đá Plus trên MXH

Lý Xuân Phú: Ông chủ lưng gù của 1 tiệm vàng, 2 CLB thể thao
KIM TUYẾN • 10:37 ngày 23/08/2013
Một cú ngã định mệnh trên sân bóng đá thời sinh viên đã khiến ông trở thành người tàn tật với cái lưng "gù" đến mức chỉ cao ngang với bàn bóng. Vượt lên nỗi đau, ông Phú "gù" giờ đã là một nhà vô địch bóng bàn khuyết tật nổi tiếng khắp Đông Nam Á, ông chủ của 2 CLB thể thao tại gia và đặc biệt hơn 1 công ty kinh doanh vàng bạc - vận tả
    CÚ NGÃ THỜI SINH VIÊN 
    Thời trai trẻ, chàng thanh niên sinh năm 1953 Lý Xuân Phú say mê bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… Nhưng ác thay, chính niềm say mê ấy lại làm bao hoài bão, bao dự định đẹp đẽ của ông thành dang dở. 

    Một cú ngã trên sân bóng khi đang học trường Sư phạm 10+3 Bắc Giang đã khiến ông bị chấn thương cột sống. Tiếp theo đó là những ngày điều trị không đúng phương pháp, lại nằm gối cao cho đỡ đau, dẫn đến tình trạng dính cột sống không thể khắc phục được nữa. Rốt cuộc từ một chàng trai ngoài 20 tuổi cao tới 1m70 nặng 64 kg phải mang tấm lưng còng rạp của một ông già, chỉ ngang với một bàn bóng. 

    Ông Phú kể lại mình đã tuyệt vọng và bế tắc đến mức 15 năm liền không làm được gì. Hồi đó, ông đau đớn tới mức chỉ nằm không thôi, nằm trên giường rồi, vẫn phải kê thêm chiếc giường bạt nữa. Nhưng không thể cứ nằm mãi đến hết đời. Ông gắng gượng dần ngồi lên được, rồi ngồi trên ghế tập lại bóng bàn được. Càng tập càng ham mê trở lại. Rồi đứng được. Rồi di chuyển được. Nhờ vận động, bệnh tật thuyên giảm dần cùng với xương cốt cứng lên, ông bắt đầu chăm lo được cho cuộc sống của mình.


    LÁI TRÂU, TRỒNG VẢI VÀ BUÔN VÀNG 
    Điều mà ông Phú luôn thấy an ủi nhất trong bất hạnh của mình chính là chuyện  “trong họa có phúc” khi mà trong mấy năm lánh về xã Kiên Thành (huyện Lục Ngạn) chữa bệnh đã được cô y tá tên Mây đem lòng thương yêu. Hai người thành vợ thành chồng, có 3 người con khoẻ đẹp. Bà cùng với các con đã giúp ông có động lực phấn đấu không ngừng nghỉ để có được như ngày hôm nay. 

    Để mưu sinh, ông Phú “gù” đã làm đủ thứ việc. Ông học chữa đài rồi mở cửa hàng tạp hoá chẳng ăn thua. Tiếp đến ông chuyển sang buôn trâu, bò, ngựa. Buôn trâu bò được một thời gian, có chút vốn, ông lại tìm đến những nơi đãi vàng để mua vàng cốm, bán lại cho người ta đánh lại thành vàng nõn. 

    Chẳng kiếm được bao nhiêu song chính từ đây ông đã nhận ra làm nghề đánh vàng cốm thành vàng nõn chính là cơ hội đổi đời cho mình. Và Phú “gù” đã mày mò qua sách vở rồi tìm đến khắp các tỉnh lân cận để học hỏi. Học nghề vững rồi song vấn đề nan giải nhất lại là vốn thì ông vẫn chưa tìm thấy hướng giải quyết. 

    Tuy nhiên cũng thật may, đúng lúc ấy đồi vải mà vợ chồng ông bỏ công sức bắt đầu cho thu hoạch lớn và tuyệt vời hơn là vải Bắc Giang  bất ngờ được giá, có thời điểm còn “sốt”. Bán vải của nhà, mua vải người khác về sấy để bán vải thiều khô, vợ chồng ông lại thu lời cực khá đủ để thực hiện ước mơ mở cửa hàng vàng bạc Phú Quý tại thị trấn Chũ. 

    Thạo nghề, hàng độc, đáp ứng đúng nhu cầu trang sức, cưới hỏi, tích trữ đang lên của người dân, nhất là lại “làm hàng tận gốc, bán hàng tận ngọn” nên cửa hàng của ông đã có doanh thu, lợi nhuận cao. Chỉ sau 3 năm mở cửa hàng, “Phú” gù vàng bạc đã thành một tỷ phú nức tiếng trên đất Bắc Giang. 

    MỞ HÃNG TAXI ĐẦU TIÊN TẠI BẮC GIANG
    Nhờ có tố chất đặc biệt, lại lăn lộn đủ nghề nên ông chủ Lý Xuân Phú vô cùng nhạy bén về kinh doanh, với tinh thần không bao giờ tự thoả mãn và hài lòng. Sau mấy lần nâng cấp quy mô cửa hàng, nhận thấy xu thế mới, từ 2007, ông quyết định thành lập hẳn một Công ty TNHH Phú Quý, với lĩnh vực kinh doanh không chỉ là vàng bạc mà còn thêm dịch vụ vận tải taxi.  

    Ông đầu tư vốn, rồi hùn vốn để “tậu” mấy chục xe taxi các loại, thậm chí ngay từ đầu đã nghĩ rằng mình không chỉ phục vụ huyện Lục Ngạn mà phải “phủ” cả tỉnh. Lại một lần nữa, người đàn ông “gù” nhưng có tầm nhìn hơn người đã thắng lớn khi taxi Phú Quý đã khẳng định được thương hiệu trên khắp đất Bắc Giang vì ra đời sớm, chất lượng phục vụ tốt. 

    Hiện tại, nhà vô địch bóng bàn khuyết tật cũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty TNHH Phú Quý. Công ty của ông mỗi năm nộp thuế hơn 1 tỷ đồng, đồng thời giải quyết công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho trên 100 lao động. 

    ************************
    Giành 10 HCV Para Games 
    Từ 2003, Lý Xuân Phú luôn là nhà vô địch quốc gia, liên tục có mặt tại các sự kiện quốc tế của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Chỉ tính riêng đấu trường Para Games, ông đã đoạt được hơn 20 huy chương các loại, trong đó có 10 HCV. Tại Para Games 2013 sắp tới, tuyển thủ 61 tuổi này sẽ tiếp tục có mặt, với mục tiêu giành 2 HCV. 

    Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em 


    Tại Đại hội thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em huyện Lục Ngạn vào 2012, ông Phú đã được mời và bầu giữ chức Phó Chủ tịch với sự tín nhiệm tuyệt đối. Bản thân ông là một tấm gương sáng vượt lên số phận, và chính ông cũng là một người “bảo trợ” và làm từ thiện có tiếng của tỉnh Bắc Giang. 

    Nhiều năm nay, mỗi năm, ông luôn bỏ tiền cá nhân ít nhất 50 triệu đồng để ủng hộ trẻ em nghèo và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan. Mới đây nhất, gia đình ông còn ủng hộ thôn 4 vạn gạch để cải tạo đền Khánh Vân - nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người cao tuổi thị trấn Chũ.  

    Đầu tư tiền tỷ xây sân quần vợt tại nhà 
    Đón bắt được nhu cầu rèn tập quần vợt ngày một cao của người dân trong vùng, từ 2007, ông Phú “gù” đã quyết định làm một sân quần vợt “xịn” ngay tại nhà mình. Cắt và chuẩn bị một mặt bằng riêng tới 600m2, ông Phú lặn lội lên tận Hà Nội để tìm hiểu, rồi mời chuyên gia thiết kế, thi công về để đảm bảo có một công trình chuẩn quốc gia. Mất mấy tháng ròng chỉ tập trung vào “dự án lớn” này, đến cuối năm, sân quần vợt tư nhân - gia đình đầu tiên của tỉnh này chính thức được khai trương, với tổng vốn gần 1 tỷ đồng. 

    Có sân rồi, việc đầu tiên là ông Phú tiếp nhận ngay 20 thành viên của CLB quần vợt huyện đến tập luyện, rồi bản thân mình cũng cố gắng học chơi. Kể từ đó, hễ ai thích quần vợt đều có thể đến sân Phú “gù” học và chơi, chỉ phải hỗ trợ gia đình tiền bóng, tiền điện, còn lại thì miễn phí. 
    Với CLB bóng bàn đã có từ lâu trước đó, lại thêm CLB quần vợt, gia đình ông Phú đã trở thành một mô hình xã hội hoá thể thao độc nhất vô nhị khi sở hữu tới 2 CLB thể thao tư nhân tại gia. 
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội