Bóng Đá Plus trên MXH

M.U vs Chelsea: Táo và lê, trên cây tiền Premier League
AN NGỌC LINH • 19:32 ngày 26/08/2013
Đó là hai đội bóng tiêu biểu của Premier League trong một thập kỷ qua, nhưng lại đi theo hai con đường trái ngược. Manchester United là Đế chế kiếm tiền, còn Chelsea là Đế chế tiêu tiền.
    VỊ KHÁCH BÍ ẨN
    Đó là một ngày cuối tháng 4/2003, Graeme Souness, khi ấy là HLV của Blackburn Rovers, được nhờ đi đón một nhân vật đặc biệt ở sân bay và đưa ông ta đến sân Old Trafford xem trận Manchester United - Real Madrid. 

    Vị khách bí ẩn, cũng như hơn 75 nghìn CĐV có mặt ở Nhà hát của những giấc mơ hôm ấy, có lẽ đã cảm thấy rất hài lòng. Hai đội cống hiến một trận đấu không thể nào quên, kết thúc với chiến thắng nghẹt thở 4-3 nghiêng về M.U. Tan trận, đích thân trung vệ Rio Ferdinand làm tài xế cho vị khách đặc biệt ra sân bay. Ông ta phấn khích đến mức đã trêu đùa và hát cùng đứa em cùng cha khác mẹ mới 4 tuổi của Rio trên xe.

    Vị khách ấy là Roman Abramovich, lần đầu tiên đặt chân đến Anh xem một trận bóng đá, và đang nung nấu ý định mua lại một câu lạc bộ ở Premier League. Đội bóng đầu tiên mà tỷ phú Nga có ý định tiếp cận chính là M.U.

    Lịch sử của đội bóng áo đỏ và Chelsea, thậm chí là cả Premier League, có thể đã rẽ sang một ngả khác, từ những ấn tượng ban đầu rất tốt đẹp ấy. Nhưng rốt cục, Abramovich đã mua lại Chelsea chỉ sau 45 phút đàm phán với cựu Chủ tịch CLB, Ken Bates, trong một tiệm rượu nhỏ, và một chương mới của đội bóng được mở ra. Một chương hoàn toàn tương phản với M.U.


    CÂU CHUYỆN GIỮA TÁO VÀ LÊ
    Cựu tuyển thủ Anh Steve McManaman đã tóm tắt sự khác biệt giữa M.U và Chelsea giống như “táo và lê”. Anh mô tả: “Một đội thì sử dụng những cầu thủ lớn tuổi như là phụ tá của HLV, người sẽ hô hào các cầu thủ trẻ, giữ cho mọi việc luôn nằm trong tầm kiểm soát và đóng vai trò là người cầm đầu (ám chỉ M.U). Đội kia coi các HLV như một dàn diễn viên luôn thay đổi, còn các lão tướng không đóng vai trò kết nối, mà nắm trong tay quá nhiều quyền lực và có thể ảnh hưởng xấu đến tinh thần đội bóng”.

    Vào tháng Năm năm nay, trước khi quyết định giải nghệ, Sir Alex Ferguson đã trao cho tiền vệ 39 tuổi Ryan Giggs thêm một bản hợp đồng một năm, và tuyên bố anh “có thể chơi ít nhất hai mùa nữa”. Sự tôn trọng tương tự được dành cho Paul Scholes, 38 tuổi và Rio Ferdinand, 34. Thời điểm ấy, tương lai của Frank Lampard tại Chelsea đang bị đặt dấu hỏi. Mùa Hè này, đến lượt John Terry. Với Chelsea, họ là thế lực để dẹp yên phòng thay đồ khi ở đỉnh cao phong độ, và cũng sẵn sàng bị phế bỏ khi không còn hữu dụng.

    Ở Stamford Bridge, mọi thứ đều mang tính nhất thời. Abramovich đã thay HLV đến 10 lần trong một thập kỷ qua, trong khi M.U chỉ bổ nhiệm tổng cộng 19 HLV qua hơn… 120 năm (từ 1892). 26 năm dẫn dắt M.U, Sir Alex Ferguson mua hơn 100 cầu thủ với tổng chi phí “chỉ” là 531 triệu bảng. 10 năm làm ông chủ Chelsea, Abramovich đã móc hầu bao cho 76 cầu thủ, tốn 704,5 triệu bảng.

    Cách tiêu tiền phóng tay ấy có lẽ đã tác động đến “văn hóa” CLB. John Terry, đội trưởng và là người được coi là biểu tượng của Chelsea, từng mở dịch vụ tham quan... “chui” phòng thay đồ của đội để kiếm hoa hồng vài nghìn bảng, trong khi lương tuần của anh là 150 nghìn bảng. Một kiểu “chộp giật” có thể hủy hoại hình ảnh của đội bóng.




    M.U không có kiểu kiếm tiền ranh mãnh và đứng trên CLB như thế, ngược lại là đằng khác. Hai trong số những cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất thế giới, Cristiano Ronaldo và David Beckham, đều từng chơi cho M.U và hết lòng vì hình ảnh của đội bóng. 4 tháng trước, 4 ngôi sao Robin Van Persie, Michael Carrick, Ryan Giggs và Shinji Kagawa đã phải mắm môi mắm lợi tu hết lon nước ép cà chua chỉ với một hơi trong một đoạn clip trên truyền hình, dù đây chỉ là hợp đồng quảng cáo chớp nhoáng trong chuyến du đấu Nhật Bản.

    Những ví dụ nhỏ cho thấy sự khác biệt giữa một đội bóng kiếm tiền chuyên nghiệp và một đội từ trước đến giờ chỉ quen tiêu tiền. M.U chinh phục khán giả trước khi kiếm tiền từ họ, và duy trì hình ảnh để kiếm tiền. Chelsea tiêu tiền để giành lấy vị thế, nhưng mới chỉ bắt đầu quan tâm đến khía cạnh chinh phục khán giả. Bóng đá yêu mến M.U, trước khi giúp nó sinh lời. Chelsea đã được bóng đá tôn trọng, nhưng vẫn đang đi tìm sự yêu mến. 

    Trận đấu cuối tuần này giữa họ không chỉ là trận chiến của hai đội bóng, mà còn của hai triết lý trái ngược. Như hai mặt của một đồng xu. Mùa giải đã tung nó lên, và sân cỏ sẽ tìm ra cho chúng ta câu trả lời: Con đường nào dẫn đến vinh quang.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội