Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Mino Raiola - Tào Tháo của túc cầu giáo
 

Mino Raiola - Tào Tháo của túc cầu giáo

Ai điều khiển những vụ bom tấn trên TTCN? Cò. Ai làm loạn giá cầu thủ? Cò. Ai xúi bẩy cầu thủ nổi loạn để đòi tăng lương hay chuyển nhượng? Cò. Ai khiến các HLV căm thù bậc nhất? Cò. Trên đời này, cầu thủ sợ ai nhất? Cò. Nhưng trong giới cò còn có những siêu quyền lực, có khả năng khuynh loát thiên hạ. Trước kia là siêu còJorge Mendes, bây giờ là Mino Raiola…
 

Gã là một khối thịt di động. Béo, lùn, mũi cà chua, mồm không nhồm nhoàm nhai thì liến thoắng như liên thanh. Gã nói nhanh và nói nhiều gấp đôi người thường. Ăn gấp năm. Trông gã chẳng khác tên nịnh thần Hòa Thân. Vẻ bề ngoài là thế. Nhưng đích thị gã là Tào Tháo. Tào Tháo của túc cầu giáo. Gã tên Mino Raiola.

Gã sinh ra tại Salerno miền Nam Italia. Mới 1 tuổi, gã cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại Haarlem, Hà Lan, nơi gia đình gã mở một nhà hàng Italia có tên Napoli. Nói về ẩm thực, đâu bằng miền nam Italia. Nhà hàng đông khách, món pizza bán đắt như tôm tươi.

Đó là môi trường quá lý tưởng để gã phát phì và quan trọng hơn là có được một tầm nhìn thương gia, nói theo cách chợ búa là tư duy của con buôn. Vậy với Mino Raiola, gã tính sẽ khởi nghiệp buôn gì? Dầu Olive, salami, xúc xích tỏi hay thịt hun khói?

Không, gã cũng có một câu hỏi như một kẻ sống trước gã hàng nghìn năm bên xứ Trung Hoa? Buôn gì lãi nhất? Buôn người! Nhưng để thể nào buôn được người? Phải có con mắt tinh đời đánh giá món hàng, phải hiểu thời thế, phải khôn ngoan đến mức xảo quyệt và phải lạnh lùng, tàn nhẫn, sẵn sàng phụ bạc.

"Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ ta", khi vung gươm chém chết ông bác Lã Bá Sa, Tào Tháo đã nói một câu kinh điển như vậy. Chứng kiến toàn bộ sự việc, Trần Cung lắc đầu ngán ngẩm bỏ đi nhưng rồi chục năm sau cũng chết dưới tay Tào Tháo. Tráo trở và độc ác, tàn khốc và phụ bạc, Tào Tháo là hình mẫu điển hình.

Raiola giống in hệt. Ngày bước vào thế giới bóng đá, Raiola chỉ là con số không tròn trĩnh như ngoại hình của gã. Cấu trúc cơ thể gã đâu dành cho môn thể thao vua, gã chỉ hợp chơi bóng bàn và là một tay vợt cừ khôi từng vô địch ở CLB bóng bàn Gredi Vinus, hạng mục các cây vợt ngót tạ. Từ ưu thế đó, gã bước vào nghề đá bóng trên bàn, tức đàm phán, tức cò cầu thủ.

Người dìu dắt gã vào nghề là Jansen, giám đốc công ty môi giới cầu thủ Sport Promotion, siêu cò quyền lực nhất Hà Lan những năm đầu thập niên 1990. Một trong những thương vụ đình đám nhất Raiola tham gia khi làm việc tại đây là… biên dịch tài liệu phục vụ Dennis Bergkamp chuyển từ Ajax Amsterdam sang Inter Milan vào mùa Hè 1993.

Gã lén sao chụp toàn bộ tài liệu được giao để dịch rồi té ra lập công ty riêng có tên Maguire Tax & Legal cạnh tranh trực tiếp với Sport Promotion. Jansen uất hận gọi Raiola là kẻ "ăn cháo đá bát". Raiola cười hề hề, gửi lời cảm ơn đến người đã nâng đỡ và hết mực tin tưởng gã.

Tuy nhiên, chỉ có tráo trở và tàn độc thì không thể thành công. Đó đơn giản chỉ là chất phụ gia. Muốn thành công, muôn đời phải có thực tài. Thực tài thể hiện qua cách làm việc thì quá đơn giản, thực tài thể hiện qua việc nhìn ra kẻ kém tài để tránh xa, bất chấp phải đi vào con đường mạo hiểm mới gọi là xuất chúng.

Cả Tào Tháo lẫn Raiola đều là những con người xuất chúng như thế. Tháo từng chửi thẳng mặt Viên Thiệu, kẻ đừng đầu 17 lộ chư hầu đánh Đổng Trác, gia đình 3 đời làm tam công Hà Bắc, để đem nhúm tàn quân đi gây dựng cơ đồ. Sau này, chính họ Tào tiêu diệt thế lực họ Viên.

Trong khi đó, Raiola bén duyên với bóng đá bằng vị trí giám đốc thể thao đội bóng địa phương FC Haarlem. Ít lâu sau, Raiola bỏ đi và đầu quân cho… Sport Promotion vì cho rằng BLĐ đội bóng này ngu si và bảo thủ. Bây giờ, Raiola là một trong những siêu cò quyền lực nhất thế giới còn Haarlem nhờ "tài chèo lái" của BLĐ đã bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Hà Lan.

Raiola là một tay đại diện đáng ghét trong mắt nhiều nhân vật quyền lực của bóng đá thế giới. Man United thời Alex Ferguson cạch mặt gã vì Sir Alex kết luận thẳng thừng: "Thằng đấy không tin được. Nó là đồ rác rưởi". Tương tự là Pep Guardiola. Đôi bên không một lần qua lại sau vụ Zlatan Ibrahimovic.

Chủ tịch Napoli Aurelio de Laurentiis ví gã là "cái nhọt ở mông". Còn Moggi, vâng Luciano Moggi, Bố Già lũng đoạn bóng đá Italia suốt những năm cuối thập niên 1990 đầu 2000 cho đến vụ Calciopoli, từng nhắn nhủ gã: "Mày đừng mơ bán được cầu thủ nào ở Italia con ạ!". Tất nhiên, Raiola vẫn bán cầu thủ sang xứ sở hình chiếc ủng đều đều.

Vì sao gã lại bị ghét như vậy? Câu trả lời chỉ có một, và đó là kim chỉ nam hành nghề của gã: "Người không vì mình trời tru đất diệt". Vì mình ở đây không chỉ vì bản thân mà còn cả thân chủ. Raiola làm mọi thứ để được lợi nhất cho bản thân và thân chủ của mình.

Mối quan hệ giữa Raiola và thân chủ không đơn thuần là khách hàng và người đại diện. Đó là mối quan hệ huynh đệ chi binh, bảo bọc nhưng thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề. Mỗi ngày gã nhận hàng chục cuộc gọi từ các thân chủ. Đôi khi là công việc, đôi khi là vấn đề cá nhân. Ngày bị cháy nhà, Balotelli gọi cho gã đầu tiên. Để tìm người chia sẻ.

Lúc Pogba còn hàn vi tại đội trẻ của Man United, gã xúi tiền vệ này sang Juventus và đáp trả thẳng thừng đề nghị ký hợp đồng của Quỷ Đỏ: "Cái hợp đồng như này đưa cho chó chihuahua ký nhé". Gã sửng cồ chửi Pep là tên chó đẻ hèn nhát bởi trù dập Ibra của gã tại Barcelona.

Nhưng ly kỳ hấp dẫn nhất, là những cuộc đấu trí giữa Raiola và Moggi.Thời Moggi còn làm GĐTT Torino, Raiola mới chỉ chập chững vào nghề. Vậy mà trong cuộc hẹn làm ăn giữa đôi bên, Raiola đã mắng té tát vào mặt Moggi: "Ông là Moggi? Ông không thấy bất lịch sự khi bắt tôi chờ lâu thế à?". Vài năm sau, cả hai ngồi vào bàn đàm phán để thương thao về vụ Pavel Nedved.

Bước ngoặt trong sự nghiệp buôn cầu thủ của Raiola bắt đầu từ việc làm thân với HLV Zdenek Zeman. Nhờ đó, gã gặp được Pavel Nedved. Sau này nhớ lại, Raiola phì cười: "Cậu ta tập luyện như điên vậy. Tập trên sân đã ác, về nhà tập còn ác hơn. Vậy mà điều duy nhất trong đầu cậu ta nghĩ được là cậu ta không biết chơi bóng".

Thời điểm đó, Nedved đang tỏa sáng trong màu áo Lazio và được Juventus nhắm tới để thay thế Zidane chuyển sang Real Madrid. Một cuộc gặp được tổ chức tại Turin và Raiola cùng thân chủ Nedved đáp máy bay tới. Moggi ra đòn phủ đầu bằng cách xì thông tin cho truyền thông.

Hôm sau, khắp các mặt báo là tin Nedved đến Turin đàm phán với Juventus kèm bức ảnh cả hai xuống sân bay làm bằng chứng. Nedved xem như không còn đường lùi và Juventus đưa ra các yêu sách. Raiola không thèm liếc mắt vào những tờ giấy hợp đồng được Juve thảo sẵn mà vào thẳng vấn đề: "Tôi muốn Nedved được trả lương cao hơn Zidane".

Sau đó, Nedved chứng minh đòn hiểm của Moggi thực ra chẳng có tác dụng gì với tuyên bố ủy quyền cho Raiola: "Bây giờ tôi về nhà. Mai ông báo cho tôi biết tôi là cầu thủ Lazio hay Juve nhé". Từ đó, BLĐ Juve trở nên thất thế và bị Raiola dắt mũi trong cả cuộc đàm phán.

Nhưng để trở thành người dắt mũi đối phương trong mọi cuộc đàm phán, gã cò béo ị tốt bụng của cầu thủ này phải sở hữu một năng lực siêu phàm khác mà trời phú cho gã. Đó là khả năng thôi miên bằng chiếc lưỡi dẻo quẹo, hoạt ngôn và nói được nhiều ngôn ngữ của Mino Raiola.

Cặp mắt rắn độc thôi miên con mồi như thế nào thì cái lưỡi của Mino Raiola mê hoặc đối phương y như vậy. Đám cầu thủ thì há hốc trước viễn cảnh tràn ngập tiền bạc, chan chứa yêu thương như người trong gia đình, sự bảo hộ của nhân vật quyền lực trước mọi rắc rối… nếu chấp nhận gã làm người đại diện.

Sự thuần phục của cầu thủ trước Mino Raiola trước tiên là bởi bị thuyết phục qua đôi tai, sau đó là tiếp tục bị thuyết phục bởi chứng kiến những hành động đem lại lợi ích cho mình từ gã, hay thấy gã xử lý ngon ơ những rắc rối, scandal của mình trong cuộc sống.

Kiêu hùng bạt mạng như Zlatan Ibrahimovic cũng phải tôn gã là đại huynh, một thứ đàn anh "quyền huynh thế phụ". Cứng đầu cứng cổ như Mario Balotelli cũng phải cúi đầu nem nép, nghe Raiola bảo một là một, nói hai là hai. Hay giờ như Paul Pogba, nuốt từng lời chỉ dạy của Raiola để nhằm mục đích đánh tháo khỏi Man United.

Khả năng thôi miên bằng miệng của Mino Raiola đến từ xuất thân đặc biệt của gã. Như đã nói ở trên, gã đã phải phiêu bạt cùng gia đình khá sớm để kiếm kế mưu sinh. Cái nhà hàng Italia của nhà gã tại Hà Lan đã chứng kiến hình ảnh một thằng nhóc 11 tuổi cọ xát với đủ hạng người đến từ muôn nơi.

Thằng nhóc cực có khiếu với ngôn ngữ, hắn nói tốt tiếng Hà Lan hơn cha, thậm chí tiếng Italia cũng rất thành thục mà không bị mất gốc. Mặc đồng phục rồi làm việc chạy bàn, Raiola tỏ ra cực hiệu quả khi nói nhanh gấp đôi những nhân viên khác. Hắn hỏi các thực khách muốn ăn gì, rồi nhanh chóng trở vào bếp với tờ order. Nếu một khách hàng bỏ đi, thằng nhóc có nhiệm vụ trò chuyện và giữ chân người đó.

Ở tuổi mới nứt mắt, Raiola đã là người chịu trách nhiệm làm việc với ngân hàng hay đón tiếp ông thị trưởng của Haarlem. Ngoài ra khả năng nói tiếng Italia trôi chảy cũng đem lại cho hắn công việc dàn hòa nếu một khách hàng than phiền điều gì đó về các món ăn.

Năm 1968, cha của Raiola chỉ có 1 cửa hàng. Nhờ có Raiola, chuỗi cửa hàng của gia đình tăng lên… 25. Gã tự hào nhớ lại: "Ngôn ngữ của tôi tốt hơn cha mình rất nhiều nên tôi trở thành nhà tư vấn, thậm chí là quản lý của ông ấy. Tổ chức và đàm phán, đó là nhiệm vụ của tôi. Những gì tôi làm được bây giờ đều được học ở cái nhà hàng đó".

Với chỉ 2 thứ tiếng, Raiola đã thay đổi cuộc sống của cả đại gia đình. Hãy hình dung với… 8 thứ tiếng, mức độ khủng khiếp sẽ như thế nào? Nếu xét riêng về trình độ lĩnh hội ngoại ngữ, Raiola là một thiên tài.

Không cần học hành bài bản, Raiola vẫn có thể nói trơn tru thêm tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thứ tiếng địa phương ở Napoli. Nhưng ở đây, là hoạt ngôn với cả 8 thứ tiếng, biến Raiola thành một tên quái kiệt.

Jose Mourinho là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của ngôn ngữ trong bóng đá. Xuất thân là một thông ngôn, ở thời đỉnh cao, Mourinho có thể khiến học trò bán máu vì mình cũng vì chính những lời thủ thỉ mỗi ngày.

Tuy nhiên, Jose Mourinho dù rất hoạt ngôn, dù giỏi dùng miệng lưỡi để tạo điều kiện có lợi nhưng vẫn còn kém xa Mino Raiola. Không mấy người yêu mến Mourinho, nhất là những kẻ tâm phúc của HLV này. Hầu như những cầu thủ của Mourinho đều sợ hơn yêu mến. Khác hẳn một Mino Raiola "kính yêu".

Tuyệt chiêu "đắc nhân tâm" Raiola đối với những người đã ủy thác tương lai, sự nghiệp và số phận vào tay của gã là cư xử như người trong một gia đình. Cái khái niệm gia đình mà Raiola cung cấp cho thân chủ có cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ở nghĩa đen, đó là nơi ấm áp tình thân, luôn có sự chia sẽ, giúp đỡ vô tư nhất để cầu thủ có được chốn tin cậy như với người anh, người cha. Còn ở nghĩa bóng, gia đình của Raiola cũng chính là từ gia đình dành cho những băng đảng mafia miền Nam hay dùng. Ở đó, Mino Raiola là Ông Trùm, là Don, là Bố Già là người điều khiển gia đình và các thành viên phải tuân thủ mệnh lệnh tuyệt đối.

Cho nên, kể từ khi bước vào nghiệp "buôn người", Raiola đã thành thục việc dùng kịch bản "người gia đình" với các cầu thủ. Cách tiếp cận này là đỉnh cao của nghệ thuật lấy lòng người. Đã là gia đình thì đâu thể có thứ gì khác chen lên trên được, từ gã giang hồ đến nhà chính khách đều nghĩ vậy cả thôi.

"Một nhà tư vấn giỏi không chỉ là người trung gian trong việc đàm phán. Hắn còn phải đảm bảo thân chủ của mình cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Tôi giải quyết các vấn đề của thân chủ như cách một người cha làm với những đứa con", và cách Raiola đối xử Paul Pogba là một ví dụ cho hình ảnh gia đình của Raiola.

Một thằng nhóc có tài nhưng chưa được trọng dụng ở Old Trafford sẽ thân thiết với ai hơn, một người gia trưởng và lạnh lùng như Sir Alex, hay một gã luôn kè kè bên cạnh và ra sức bảo vệ như cha ruột kiểu Raiola? Câu trả lời thì chúng ta đều biết rõ.

Nhưng với một cá tính mạnh như Zlatan Ibrahimovic, tình "phụ tử" có vẻ là không đủ. Trong cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan", siêu sao người Thụy Điển nhớ lại lần gặp nhau đầu tiên vào năm 2003.

"Tôi mặc vest vì chẳng biết đối phương trông như thế nào, nhiều khả năng là một kẻ đạo mạo với cái Tôi to đùng cùng cái đồng hồ vàng thậm chí còn to hơn. Nhưng đoán xem ai xuất hiện? Một khối thịt trong chiếc quần jeans và áo phông, còn cái bụng thì y như gã trong phim "The Sopranos" (ý chỉ rất béo).

Raiola tin rằng không mặc vest sẽ giúp hắn có lợi thế, vì điều đó khiến mọi người đánh giá y thấp hơn. Một gã cục mịch như thế vừa ăn nhồm nhoàm, vừa quát vào mặt Ibra kiêu ngạo rằng: "Thằng nhóc, mày chẳng là cái quái gì cả. Chính thái độ đó là vấn đề của mày".

Người bình thường sẽ ăn ngay một cú đá từ đai đen taekwondo Ibra, nhưng vì là Raiola và ma lực lời nói, Zlatan hung bạo trở thành một chú cún để rồi răm rắp gật đầu với những yêu cầu: "Bán hết xe cộ, đồng hồ đi và tập gấp 3 lần cho tao vì thống kê của mày chỉ là đống rác rưởi".Ibra tập luyện như điên và ngày càng trở nên lợi hại.

Thế đấy, ở Mino Raiola hội tụ mọi yếu tố, phẩm chất để biến gã thành một Tào Tháo trong thế giới sân cỏ. Với đối thủ, gã không ngần ngại dùng bất cứ thủ đoạn nào để đánh bại trên bàn đàm phán. Với cầu thủ, gã tạo nên một mái ấm gia đình đủ sức chiều chuộng mọi cái Tôi quái dị, khác người và nổi loạn.

Như thế, dưới sự chỉ đạo của Raiola, thế giới chuyển nhượng cầu thủ vận hành theo hướng mà gã mong muốn. Gã không hâm mộ Man United, Real Madrid, Juventus… mà chỉ yêu mến bản thân gã cùng những con bò sữa đang yên bình gặm cỏ trong gia đình mà gã tạo ra mà thôi!

Thực hiện

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay