Bóng Đá Plus trên MXH

Monaco: Đội bóng hay tập đoàn lừa đảo?
VIỆT HÀ • 08:10 ngày 23/11/2018
Những tiết lộ của Football Leaks cho thấy hậu trường đen tối ở Monaco. Đội chủ sân Louis II đã dùng tiền “chạy án” trong vụ đền bù thuế năm 2014, gian lận tài chính, mua cầu thủ bất hợp pháp, khai khống hợp đồng. Thành tích sân cỏ chỉ là tấm bình phong che đậy mục tiêu làm kinh tế của giới chủ Nga.
    Mua chuộc quan chức
    Chính sách thuế ưu đãi giúp Monaco có lợi thế cạnh tranh đặc biệt với phần còn lại Ligue 1. Trước sức ép phải trả tiền đền bù, đội chủ sân Louis đã “đi đêm” với hàng loạt quan chức nhằm “chạy án”. Vụ việc được trang tin Mediapart (Pháp) phân tích theo dữ liệu do Football Leaks cung cấp.

    Đó là vào năm 2013, đội bóng Công quốc vừa giành quyền thăng hạng Ligue 1. Các CLB Ligue 1 bức xúc đòi Monaco phải dời trụ sở sang đất Pháp để cùng chung chính sách thuế. Nếu không muốn dời trụ sở, Monaco phải trả một khoản tiền đền bù khồng lồ nhằm san lấp sự chênh lệch về thuế thu nhập.

    Nhưng tới tháng 1/2014, LFP ra quyết định rất “nương tay” cho Monaco. Đội chủ sân Louis II được giữ nguyên trụ sở, đổi lại chỉ phải đền bù 50 triệu euro. Càng ngạc nhiên hơn vào tháng 6/2015, Hội đồng nhà nước (Conseil d’Etat) bác bỏ thỏa thuận “đổi 50 triệu euro lấy trụ sở” giữa LFP và Monaco do trái với luật thương mại. Monaco được nhận lại 50 triệu euro và vẫn yên bình trong thiên đường thuế.


    Theo Mediamart, Monaco đã có một chiến dịch chạy án công phu và rất bài bản. Họ thiết lập mối quan hệ “gần gũi” với các nhà lãnh đạo quyền lực của bóng đá Pháp, trong đó có chủ tịch Jean Michel Aulas của Lyon hay Nasser Al Khelaifi của PSG. Đó là những người mà tiếng nói có thể chi phối Ligue 1. Nhưng cái tên có tầm ảnh hưởng nhất là Frederic Thiriez, người giữ ghế chủ tịch LFP thời điểm đó. Mediapart khẳng định Monaco có “mối quan hệ tiền bạc” với Thiriez, qua đó chủ tịch LFP chủ trương giảm nhẹ tình hình, xoa dịu các CLB chống đối Monaco. “Cơn bão thuế” tưởng như đổ xuống Monaco vào năm 2014, dưới tay Thiriez chỉ còn là một cơn gió thoảng với số tiền đền bù ít ỏi 50 triệu euro (sau đó Monaco được hoàn trả).

    Mediapart còn tiết lộ Monaco ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tin học với Cegid, một công ty máy tính do Jean Michel Aulas sở hữu. Điều đó đảm bảo cho Monaco nhận được sự ủng hộ của vị chủ tịch quyền uy nhất Ligue 1. Những mối làm ăn tương tự cũng được thiết lập với nhiều chủ tịch CLB, lãnh đạo khác. Một liên minh ngầm giữa Monaco và những tiếng nói quyền lực đã xua tan vụ đền bù thuế, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Monaco.  

    Gian lận tài chính
    Ở Monaco, bóng đá chỉ là tấm bình phong. Giới chủ Nga dùng đội chủ sân Louis II nhằm đầu cơ tài chính trong sự hợp tác với “siêu cò” Jorge Mendes, người có mối quan hệ làm ăn khăng khít với chủ tịch Dmitri Rybolovlev. 

    Cách đầu cơ lãi nhất là mua cầu thủ giá rẻ rồi bán với giá đắt. Nhưng đó không chỉ là kênh kiếm tiền của Monaco mà còn của cả Phó chủ tịch Vasilyev. Football Leaks tiết lộ Vasilyev được hoa hồng 10% trên phí chuyển nhượng của mỗi cầu thủ bán ra. Điều đó giải thích tại sao Monaco chỉ còn đội hình xơ xác ở mùa giải này.

    Để chiêu mộ được các cầu thủ trẻ tài năng, Monaco đã phá vỡ quy tắc của UEFA khi tặng tiền lót tay cho bố mẹ cầu thủ. Những quy tắc tài chính tại bóng đá Pháp cũng bị Monaco coi như trò đùa. Họ tạo một “con dấu riêng” khi ký hợp đồng với người đại diện nhằm thoát được tầm kiểm soát của LFP. Nhờ cách lách luật đó, Monaco trả hoa hồng cho người đại diện nhiều hơn con số cho phép 10%. Các “siêu cò” vì thế làm việc cật lực cho đội chủ sân Louis II nhằm mang về những “viên ngọc thô”.


    Tiết lộ từ Football Leaks còn cho biết thủ đoạn của Monaco nhằm đối phó với Luật công bằng tài chính. Theo đó, tỷ phú Rybolovlev ký thỏa thuận ngầm với các công ty tiếp thị thể thao tại Hong Kong và Anh để họ rót tài tiền trợ cho Monaco, mà trên thực tế đó là tiền túi của chủ tịch người Nga. Bằng cách nào đó, Monaco đã thoát khỏi tầm ngắm của UEFA, trong khi PSG lại chịu điều tra về lách luật công bằng tài chính.

    Giới chủ Nga cũng biết cách để chính quyền Monaco ngó lơ các hoạt động phạm pháp của họ. Các chính trị gia tại Công quốc được Rybolovlev hậu đãi bằng những buổi tiệc sang trọng, những chuyến du lịch nước ngoài. Con em chính trị gia được bố trí công việc tại CLB hoặc trung tâm đào tạo tại Monaco. Nhưng rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải “lòi” ra, tỷ phú người Nga vừa bị bắt giữ hôm 6/11 với cáo buộc hối lộ quan chức Monaco trong cuộc chiến pháp lý với Yves Bouvier, thương gia buôn bác các tác phẩm nghệ thuật.

    Với Monaco, mọi quy tắc luật lệ của bóng đá Pháp đều dễ dàng bị qua mặt. Khi Monaco mua Eric Abidal vào mùa Hè 2013, họ có một hợp đồng riêng khác với hợp đồng nộp lên LFP. Trong đó, Abidal được tự động gia hạn nếu chơi đủ 25 trận, điều khoản nằm ngoài quy định của LFP. Nhờ đó mà hậu vệ người Pháp đút túi thêm 2,2 triệu euro khi rời Monaco. Khi mua Falcao từ Atletico, Monaco trên giấy tờ phải trả phí chuyển nhượng 43 triệu euro. Song con số thực tế là 53 triệu, Monaco trả làm hai đợt 43 triệu và 10 triệu. Đội chủ sân Louis II  làm vậy để “ăn gian” 500.000 euro khoản phí đào tạo trả cho CLB khởi nghiệp của Falcao.

    Tóm lại, Monaco đã đạp lên mọi quy tắc luật lệ của bóng đá Pháp và châu Âu. Trong tay chủ ngoại, đội bóng Công quốc trở thành một thực thể đen tối với đầy rẫy âm mưu bất chính.

    8 - nhân vật giúp Monaco chạy án 2014
    Năm 2014, Monaco thoát khỏi vụ đền bù thuế một cách ngoạn mục. Họ chỉ phải trả cho LFP 50 triệu euro, nhưng sau đó một năm được hoàn tiền. Dưới đây là 8 nhân vật “tai to mặt lớn” tham gia cuộc “chạy án” của Monaco.

    Vadim Vasilyev
    Vị Phó chủ tịch Monaco là bộ não chủ đạo tại Ligue 1. Chính Vasilyev đạo diễn vụ chạy án bằng cách mua chuộc quan chức và vận động hành lang.

    Tetiana Bersheda
    Cựu luật sư của chủ tịch Monaco, Dimitri Rybolovlev. Người phụ nữ Ukraine (34 tuổi) tư vấn và trực tiếp tham gia đường dây chạy án.

    Willy De Bruyn
    Cựu giám đốc đội bóng rổ Monaco, sở hữu nhiều sòng bạc, khách sạn sang trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Louis II.

    Frédéric Thiriez
    Cựu chủ tịch LFP, người được cho là đã bị Monaco mua chuộc, qua đó giúp đội bóng này giữ ưu đãi thuế so với các CLB khác ở Ligue 1.

    Jean Michel Aulas
    Vị chủ tịch quyền uy của Lyon có quan hệ kinh tế ngầm với Monaco, đổi lại Aulas dùng tiếng nói và tầm ảnh hưởng để bảo vệ Monaco.

    Bernard Caiazzo
    Cựu chủ tịch St.Etienne, từng đảm trách vị trí Phó chủ tịch LFP, đứng về phía Monaco để cho qua bất công thuế tại Ligue 1.

    Jean-Raymond Legrand
    Cựu chủ tịch Valenciennes đã có những đàm phán bí mật với Monaco, qua đó Legrand cam kết ủng hộ Monaco trong vụ chạy thuế.

    Nasser Al Khelaifi
    Chủ tịch PSG từng là thành viên ban giám đốc LFP vào năm 2014, được cho là một “đối tác chiến lược” của Monaco.  
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội