Bóng Đá Plus trên MXH

Pele & World Cup (Kỳ 2): Tan tác hơn cả chiến tranh
LÊ MINH (lược dịch) • 14:17 ngày 11/06/2014
Kỳ World Cup đầu tiên mà Pele được theo dõi đã kết thúc trong thất vọng cùng cực và càng đau đớn hơn khi nó diễn ra trên mảnh đất quê hương ông.

    Chứng kiến sự đau khổ của gia đình và những người xung quanh, “Vua bóng đá” có cảm giác như cả đất nước vừa trải qua 1 cuộc chiến tranh. Và cũng từ đó đã nảy sinh trong ông 1 ước muốn cháy bỏng. Đó là đem Cúp Vàng thế giới về cho Brazil.

    BI KỊCH LỚN NHẤT CỦA BRAZIL THỜI HIỆN ĐẠI
    Khi tiếng còi dứt trận vang lên, hàng nghìn người trên khán đài bắt đầu than khóc, như trong một đám tang. Bầu không khí ấy tang tóc đến mức trong lúc chờ Jules Rimet, chủ tịch FIFA và là người sáng lập World Cup, trao giải, một số cầu thủ Uruguay đã phải trốn vào phòng thay quần áo. “Tôi khóc còn nhiều hơn cả người Brazil,” tác giả của bàn đầu tiên cho Uruguay - Schiaffino - nói. “Thậm chí tôi còn có cảm giác mình vừa làm điều gì đó rất độc ác”.

    Bên ngoài Maracana, đám đông giận dữ đốt sạch những sạp báo, những tờ báo đã viết trước về ngày đăng quang của Brazil. Bức tượng của người thị trưởng Rio bị hạ xuống, cái đầu bị ném xuống sông Maracana. Các cầu thủ rời khỏi sân như những thân xác không hồn. Họ lủi vào các quán bar gần đó, tọng rượu đến mấy ngày sau mới trở ra.

    Friaca, tác giả của bàn mở tỷ số cho Brazil, bị đám đông nhận ra. Họ gầm lên những tiếng chế giễu: “Ghiggia, Ghiggia” (Alcides Ghiggia - cầu thủ ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 cho Uruguay). Friaca sau này cho biết: “Những thanh âm ấy đã ám ảnh tôi đến suốt cuộc đời”.

    Trên thực tế vài tuần, thậm chí vài tháng sau đó, bầu không khí chỉ càng trở nên u ám hơn. Nó giống như một quốc gia vừa kết thúc chiến tranh, thất bại và có rất nhiều người chết. Một số còn tin là Brazil bị nguyền rủa và vĩnh viễn không bao giờ vô địch World Cup được. 

    Roberto DaMatta, một nhà nhân loại học nổi tiếng, khẳng định thất bại “Maracanazo” là bi kịch lớn nhất của dân tộc Brazil thời hiện đại, vì nó khiến mọi người tin Brazil là quốc gia của những người thất bại. Nhà báo Roberto Muylaert so sánh đoạn băng hình đen - trắng ghi lại bàn thắng của Ghiggia với đoạn băng ghi lại cảnh John F. Kennedy bị ám sát. Chúng đều bất ngờ, bàng hoàng, đau đớn.

    Một vài cầu thủ Brazil của đội hình năm 1950 ấy sau này có sự nghiệp hết sức rực rỡ cùng CLB của mình. Nhưng không một ai có thể vô địch World Cup dù sau đó 8 năm, Brazil đã lần đầu tiên đăng quang ở đấu trường này.

    “NGƯỜI TÙ” BI THẢM
    Nhưng cuộc đời hậu Maracanazo của Zizinho chưa phải là khủng khiếp nhất. Những người da đen mới là tận cùng bất hạnh. Trong cuốn sách nổi tiếng: “Những người da đen trong bóng đá Brazil”, nhà báo Mario Filho viết rằng rất nhiều người Brazil quy kết thất bại 1950 cho 2 cầu thủ da đen trong đội hình bởi cả 2 bàn thua của Brazil đều có liên quan đến 2 cầu thủ này. Bigode, người phạm sai lầm trong tình huống Schiaffino gỡ hòa, bị gọi là “tên hèn nhát”. Ông không còn giao tiếp với ai sau trận chung kết. Nhưng thủ môn - Barbosa - mới là thảm hại nhất.

    Thủ thành Barbosa mãi mãi bị nguyền rủa 
    sau khi để thua 2 bàn trong trận CK World Cup năm 1950

    Tôi (ở đây là Pele - tác giả cuốn sách này) gặp Barbosa nhiều lần sau này. Anh ấy sống ở Rio và vẫn chơi cho CLB của mình đến tận 1962 rồi mới nghỉ hưu ở tuổi 41, sau khi giành rất nhiều danh hiệu. Nhưng bất chấp bao nhiêu cống hiến của mình cho bóng đá, Barbosa vẫn là kẻ tội đồ, vẫn bị nhớ đến như người khiến Brazil thất bại. 

    Năm 1994, Barbosa đến thăm đội tuyển tại Mỹ, nhưng ông bị cấm bén mảng đến nơi đóng quân của đội. Người ta sợ ông mang đến vận rủi cho đội bóng. Trước khi qua đời vào tháng 4/2000, ông ấy vẫn hay nói với tôi và nhiều người khác: “Ở Brazil, tội hình sự nặng nhất là 30 năm tù. Tôi không phạm tội, nhưng lại bị xử án chung thân”.

    Mà sự thật Brazil thua đâu phải do lỗi của Barbosa hay bất kỳ cầu thủ nào khác. Zizinho từng bảo chính việc báo chí viết về trận chung kết như thể Brazil đã vô địch đã đặt một gánh nặng khủng khiếp lên mọi cầu thủ. 

    HLV Costa cũng có cùng suy nghĩ như thế. Từ báo chí, người hâm mộ, các quan chức, ai cũng bàn về cách ăn mừng danh hiệu như thể đó là một điều hiển nhiên. “Bàn thua đầu tiên không giết chúng tôi,” HLV Costa nói. “Bởi chúng tôi đã chết sau bàn đầu tiên rồi”.

    Tất nhiên là không một người Brazil nào buồn nghe những lời giải thích. Bóng ma Maracana đã bao phủ Brazil suốt một thời gian rất dài. Điều khiến Barbosa đau nhất, như chính ông kể lại, không phải là trận chung kết định mệnh ấy mà mãi tận 20 năm sau này.

    Đấy là một ngày rất bình thường, ông vào một cửa hàng và gặp 2 mẹ con nọ. Người mẹ chỉ vào ông và nói với đứa con của mình: “Hãy nhìn gã ấy kìa con. Đấy là người xấu, là kẻ đã khiến cả Brazil phải khóc”.

    LỜI HỨA CỦA CẬU BÉ 9 TUỔI
    Chờ đã nào, tôi đã từng nói thất bại tại World Cup 1950 là tốt cho Brazil phải không?

    Vâng, hãy cùng tôi đi sâu vào vấn đề này nhé.

    Đúng là thất bại Maracana đã để lại rất nhiều hậu quả nặng nề, cho Barbosa, và cho rất nhiều người khác. Họ vĩnh viễn không còn thấy cuộc đời đáng sống nữa. Nhưng với toàn bộ những người hâm mộ như chúng tôi, thất bại ấy lại mang lại một trải nghiệm vô giá. Người Brazil đứng quanh chiếc radio, cùng nhau đau khổ, cùng nhau tuyệt vọng. Lần đầu trong lịch sử, người Brazil có cùng một mối quan tâm, chia sẻ cùng nhau nỗi buồn thất bại. 

    Sau ngày hôm ấy, những con người cả đời không quan tâm đến nhau bỗng chốc nói chuyện với nhau, từ Rio, Bauru, Sao Paulo hay tận trong rừng sâu Amazon. Họ lại gần nhau hơn ở những góc đường, trong tiệm bánh hay trong văn phòng. Chúng tôi không còn là những người xa lạ nữa.
    Sau ngày hôm ấy, người Brazil trưởng thành hơn. Họ không còn tin hoàn toàn vào những gì mà giới chính trị gia hay truyền thông nói với họ nữa. Thất bại ấy thật sự đã tạo ra một bước chuyển lớn trong đời sống, chính trị và cả văn hóa của người Brazil.

    Cuối cùng, với một thế hệ ảnh hưởng bởi bóng đá như tôi, ngày 16/7/1950 là một động lực khủng khiếp. Bởi tôi đã nhìn thấy bố mình khóc lần đầu tiên trong đời. Tôi chạy vào phòng bố mẹ, trên tường là một bức ảnh của Jesus. Tôi òa khóc rồi hỏi Ngài: 

    - Vì sao Ngài lại để chuyện này xảy ra? Vì sao Ngài trừng phạt chúng con?

    Không có câu trả lời, tất nhiên. Nhưng lòng tôi lại xuất hiện một tia sáng. Tôi lau khô đôi mắt, trở lại phòng khách, cầm lấy tay bố mình. Tôi không biết điều gì đã thôi thúc một đứa trẻ 9 tuổi như tôi nói ra những điều như vậy. Nhưng đấy là những lời thú vị, xét theo những gì diễn ra sau này với cuộc đời tôi:

    - Thôi, quên đi bố. Một ngày nào đó, con hứa với bố, con sẽ mang Cúp Vàng về nhà cho bố.

    Ác mộng ngày 16/7


    Zizinho, một trong những cái tên nổi bật nhất trong đội hình 1950, thậm chí còn không bao giờ lấy chiếc HCB ra nhòm ngó một lần nào. Ông nhét nó vào tận góc của chiếc rương cất giữ những chiếc huy chương trong sự nghiệp và để cho nó hen rỉ, bụi bặm. 

    Zizinho nói: “Ở Brazil, về nhì đồng nghĩa với rác rưởi. Tốt nhất là bạn đừng bao giờ để thua một trận chung kết”. Nhưng muốn quên... có được đâu. Cứ đến ngày 16/7 hàng năm, nhà Zizinho lại nhận hàng trăm cuộc gọi điện thoại từ người hâm mộ, hỏi đúng một câu: “Vì sao hôm ấy các anh lại thua trận chung kết”. Suốt mấy chục năm trời, cứ “đến hẹn lại lên”. Mãi sau này, đến ngày 16/7 hàng năm thì Zizinho rút luôn dây điện thoại bàn.  


    “Trong đời mình, tôi chưa từng thấy ai buồn như những người Brazil sau thất bại của chung kết 1950”, Alcides Ghiggia, tác giả bàn ấn định tỷ số 2-1, sau này nhớ lại. Ông nói thêm với giọng ít cảm thông hơn: “Lịch sử ghi nhận chỉ 3 người từng làm cho Maracana câm lặng: Đức Giáo hoàng, Frank Sinatra và tôi”.  

    (Còn nữa)
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội