ĐẾN THỤY ĐIỂN TRONG NHẠT NHÒA
8 năm đã trôi qua từ sau thảm họa Maracana, nhưng Brazil vẫn chưa thể vượt lên, chưa được một chút nào. Đội bóng của chúng tôi đã lọt vào VCK World Cup 1954, giải đấu tổ chức tại Thụy Sỹ, một quốc gia cũng không bị ảnh hưởng bởi Thế chiến thứ 2.
World Cup 1954 có nhiều nét đáng chú ý: đấy là giải đấu đầu tiên được truyền hình trực tiếp và người Đức chính thức tham gia trở lại. Nhưng Brazil đã bị loại từ tứ kết bởi Hungary, một Hungary huyền thoại và mạnh nhất trong lịch sử nước họ. Song Hungary cũng thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết.
Khi Brazil lên đường dự World Cup 1958, sự háo hức không còn như trước. Sự khác biệt về múi giờ ở châu Âu có nghĩa là người Brazil sẽ phải thức rất khuya nếu muốn theo dõi World Cup. Mà việc theo dõi cũng không dễ dàng gì. Chỉ có một số lượng người rất nhỏ ở Brazil đủ giàu để mua TV trong khi chất lượng đường truyền về từ Thụy Sỹ không được tốt. Nhưng lý do chính của sự lãnh đạm này rõ ràng vẫn là do vết thương 1950. Nó khiến họ thờ ơ với đội tuyển dự World Cup 1954 và cả với chúng tôi nữa.
Cho đến thời điểm ấy, Brazil đã bị mang tiếng là chỉ chơi hay trước những đội bóng nhỏ, nhưng lại yếu bóng vía khi chạm trán những đối thủ thật sự mạnh. Tại vòng loại World Cup 1958, Brazil đã đánh bại Ecuador 7-1, Colombia 9-0 nhưng lại để thua Argentina 0-3 và đối thủ truyền kiếp Uruguay 2-3. Cần đánh bại Peru để lấy vé đến Thụy Điển, Brazil hoàn thành mục tiêu ấy một cách sát nút với tỷ số 2-1.
CUỘC TUYỂN CHỌN… VỚ VẨN
Suốt những năm tháng ấy, Brazil là một mớ hỗn độn thật sự. Đội bóng thay đến 7 HLV chỉ trong vòng 3 năm và triệu tập hàng trăm cầu thủ khác nhau. Chỉ 4 tháng trước khi VCK khởi tranh, chiếc ghế HLV trưởng hãy còn để trống.
Các quan chức của LĐBĐ yêu cầu các tuyển thủ tập trung tại Rio vào ngày 7/4. Mục đích là tiến hành một loạt những cuộc kiểm tra từ thần kinh, X-quang, răng miệng, tim mạch và nhiều thứ khác. Chúng tôi phải trải qua rất nhiều cuộc sát hạch và phỏng vấn. Mục đích là để tuyển lựa ra 22 cầu thủ dự giải và 11 cầu thủ đá chính.
Cuộc kiểm tra ngày ấy cũng là một hệ lụy từ thất bại 1950. Vì đổ lỗi thất bại ngày ấy cho việc Brazil hãy còn nghèo khổ và chậm phát triển, các quan chức bóng đá Brazil đã quyết định dùng những trang thiết bị khoa học tối tân nhất để chọn ra thành phần ưu tú của đất nước, loại bỏ những cá nhân yếu đuối về mặt tâm lý. Đấy quả là một việc làm... vớ vẩn.
Mặc dù 32 cầu thủ có mặt tại Rio cho cuộc kiểm tra rầm rộ ấy đều là những VĐV khỏe mạnh, các quan chức vẫn cố tìm xem liệu có nguy cơ nào ẩn sau những cơ thể ấy hay không.
Nhiều cầu thủ đã bị bác sĩ nhổ răng và cắt luôn amiđan dù khi ấy họ không gặp vấn đề gì với chúng cả. Nhưng họ bảo như vậy mới là VĐV “chuẩn”. Có những người dù rất tài năng, nhưng vẫn bị trả về vì “chưa chuẩn”. Duy chỉ có 2 người “chưa chuẩn” là được đặc cách cho dự giải.
2 “VÉ VỚT” ĐẶC BIỆT
1 trong 2 người ấy là Manuel Francisco dos Santos, tiền vệ chạy cánh của Botafogo vẫn thường được biết đến với cái tên Garrincha (tức là cánh chim nhỏ). Khi còn nhỏ, Garrincha giống y như poster chụp những đứa trẻ bị dị tật. Xương sống của ông bị lệch và chân trái của ông ngắn hơn chân phải 2,5 inch (6,35 cm).
Garrincha lẽ ra không được gọi vào cuộc kiểm tra ấy nếu như tiền vệ cánh của Brazil khi ấy là Julinho không bị đội tuyển từ chối vì... đang chơi bóng tại Italia. Giải đấu ấy các quan chức chỉ muốn triệu tập toàn những cầu thủ thi đấu trong nước mà thôi.
Bác sĩ của rất nhiều bệnh viện được mời đến để kiểm tra đôi chân của Garrincha, vốn chi chít những vết sẹo do bị đối thủ chơi xấu. Họ kết luận đôi chân ấy vẫn có thể đá bóng được.
Vốn là người nhút nhát, Garrincha bị đánh giá thấp ở các bài kiểm tra tâm lý. Trong bản đăng ký khám bệnh, ông còn viết sai chính tả ở ô nghề nghiệp. Nhưng việc này thì không quan trọng bởi nếu như viết chuẩn chính tả mới được dự World Cup thì Brazil sẽ không có một cầu thủ nào đến Thụy Điển được. Sau khi hội ý rất lâu, các bác sĩ cũng đã quyết định đặc cách cho Garrincha dự giải dù trên lý thuyết ông không đủ “chuẩn”.
Người thứ 2 còn lại được đặc cách bạn biết là ai không? Chính là tôi đây. Tôi giành được điểm rất cao trong những bài kiểm tra về thể lực, tốc độ nhưng lại bị chấm điểm thấp ở bài kiểm tra ứng xử.
Ở bài kiểm tra này, ban giám khảo sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều câu hỏi, nếu không trả lời được nghĩa là bạn không đủ mạnh mẽ và sẽ gặp vấn đề tâm lý trong những trận cầu lớn. Điều này được xem là cấm kỵ bởi ai cũng hiểu chính tâm lý là yếu tố đã dẫn đến thảm họa Maracana 8 năm về trước. Hơn nữa tôi cũng mới có 17 tuổi, họ không muốn để cho một cậu bé dự giải vô địch thế giới của những người lớn.
Joao Carvalhaes, một nhà xã hội học, thành viên của “ban giám khảo” rời khỏi phòng sau khi buông ra câu kết luận: “Pele là một đứa trẻ. Nó chưa được trang bị sẵn sàng tâm lý thi đấu. Nó còn quá nhỏ để chịu áp lực của một trận đấu quan trọng. Nó không hiểu thế nào là tinh thần trách nhiệm và tinh thần tập thể. Tôi sẽ không khuyên Ban huấn luyện chọn cậu bé”.
Nhưng thật may làm sao, HLV đội tuyển Brazil của kỳ World Cup ấy, ông Vicente Feola, lại là một người đầy bản năng và tin vào cảm nhận của mình. Sau khi đọc bản báo cáo của Carvalhaes, ông ấy đã phản hồi như sau: “Có thể anh hoàn toàn đúng. Kiến thức về y học và tâm lý của anh rất cao, nhưng kiến thức bóng đá của anh thì lại quá thấp. Đây là kết luận của riêng tôi: mặc kệ tâm lý gì đó của anh. Nếu Pele khỏe mạnh, cậu bé sẽ được vào sân”.
Brazil trong thập niên 1950 vẫn là một quốc gia khổ sở. Ở một số vùng quê, phân nửa trẻ em Brazil chết trước khi chúng kịp thôi nôi. Cứ 3 người Brazil thì lại 1 người có giun móc trong cơ thể. Tuổi đời bình quân của người Brazil những năm ấy chỉ là 46 trong khi ở Mỹ là 70.
(Còn nữa)