Bóng Đá Plus trên MXH

Sự suy tàn của những đội bóng lớn: Một người bỏ đi, cả trời sụp đổ
20:50 ngày 25/03/2014
Gần 1 năm rời ghế HLV trưởng Man United, cái tên Sir Alex Ferguson thậm chí còn được nhắc đến ngày một… nhiều hơn. Sau 2 năm rời Barcelona, Pep Guardiola vẫn được đem ra để so sánh.
    Man United không chỉ nhớ Alex Ferguson, mà còn như đã mất đi một phần máu thịt của nó. Tinh thần của Barca dường như đã tan rã kể từ khi Guardiola ra đi. Họ không chỉ là những HLV, mà còn là chính đội bóng mình dẫn dắt. 

    HỌ CHÍNH LÀ ĐỘI BÓNG
    Nhà báo lừng danh Martin Samuel của tờ Daily Mail viết: “Man United thực sự chính là Ferguson , từ việc em trai ông, Martin, phụ trách việc tuyển chọn cầu thủ. Mọi chuyện chỉ tốt đẹp chừng nào siêu nhân Fergie còn ở lại. Khi ông ra đi, tất cả sụp đổ.” 

    Ferguson can thiệp vào mọi thứ, ngay từ lúc đặt chân đến Man United vào năm 1986. Ông cố gắng thay đổi lối sống của các cầu thủ, bắt những con sâu rượu như Bryan Robson, Paul McGrath và Norman Whiteside phải đi cai nghiện.

    Ông không chỉ là người quyết định đội hình ra sân, mà còn trực tiếp tham gia vào công tác trinh sát, chuyển nhượng, quán xuyến từ chuyện nhỏ nhặt như mời gia đình một cầu thủ trẻ ăn tối để nói chuyện về tương lai của anh ta, cho đến vĩ mô như chiến lược xâm chiếm thị trường châu Á.

    Đó cũng là cách Pep Guardiola vận hành Barca trong 4 năm đỉnh cao của đế chế Blaugrana. Ông thậm chí là người quyết định rằng sân tập của tất cả các đội bóng tại Barca, từ đội trẻ, đội dự bị cho đến đội một, đều sẽ được phủ cùng một loại mặt cỏ, để cảm giác chơi bóng của họ là thống nhất. 

    Ông là người đã nói rằng “Messi phải luôn được hạnh phúc”, và đứng ra tổ chức riêng một đội ngũ chăm sóc riêng cho anh, từ thể chất đến tinh thần. Ông là chiến thuật, là niềm tin, là tính cách của Barca. 

    Những nhà tư tưởng bóng đá như thế không những biến đội bóng thành nơi phản chiếu con người họ, mà còn nhất thể hóa đội bóng với chính họ. Họ không những tạo ra cơ chế vận hành của cả đội, mà luôn theo dõi sát sao để đảm bảo rằng từng chi tiết của nó phải đi theo triết lý của họ. Khi vế thứ hai thất bại, thì cũng coi như họ đã rời đội.


    KHI HỌ RA ĐI, HOẶC ĐÁNH MẤT MÌNH, TẤT CẢ SỤP ĐỔ
    Nhận xét về lý do tại sao Pep có thể duy trì thành công ở Barca lâu đến thế, Carles Rexach so sánh ông với Johan Cruyff: “Pep mang trong máu những nguyên tắc của Cruyff, nhưng Pep khắt khe, kỷ luật hơn và quan trọng hóa những vấn đề nhỏ, những gì mà Cruyff chưa bao giờ có.” 

    Thất bại nặng nề trước một Milan được đánh giá thấp hơn rất nhiều ở chung kết Champions League năm 1994 là hệ quả từ việc Cruyff đã đánh mất kiểm soát với Barca: Trong phòng thay đồ, khi tỉ số là 2-0, HLV người Hà Lan chỉ đi tới đi lui rồi rời khỏi phòng. Khi ấy, Hristo Stoichkov đã công khai mâu thuẫn với ông, và các cầu thủ còn lại không còn tin tưởng. Cruyff, dù phải 2 năm sau mới rời đội, nhưng ông xem như đã không còn hiện diện từ thời điểm ấy. 

    Đại Inter của Helenio Herrera của thập niên 1960 cũng bắt đầu tan rã sau khi HLV huyền thoại của họ bị Real Madrid ve vãn và không còn tập trung vào việc kiểm soát đội bóng nữa. 

    Herrera không chỉ là bậc thầy của chiến thuật trứ danh Catenaccio, mà còn là người đầu tiên nghĩ đến các kỹ năng thúc đẩy tâm lý, như việc vào phòng thay đồ và khích lệ “với 10 người, đội chúng ta có khi còn chơi tốt hơn với khi 11 người” sau khi một cầu thủ bị thẻ đỏ trong hiệp một, hay công thức “Đẳng cấp + Chuẩn bị + Sự thông minh + Thể chất = Những nhà vô địch” được dán khắp nơi trên sân tập và trụ sở CLB. 

    Tại Inter, Herrera cũng chính là kỷ luật. Ông cấm các cầu thủ hút thuốc, kiểm soát chế độ ăn uống của họ, gửi các nhân viên CLB đến nhà để kiểm tra xem cầu thủ có… đi ngủ đúng giờ hay không. Ông là người đầu tiên nghĩ đến việc thu thập số liệu của từng cầu thủ để theo dõi sát sao, đánh giá và cải thiện phong độ của họ. 

    Sau khi Herrera sang AS Roma với mức lương kỷ lục vào năm 1968, Inter tụt xuống thứ tư chung cuộc, phải chờ 3 năm sau mới lại đoạt Scudetto, và 45 năm để lại được giương Cúp C1/Champions League một lần nữa. Gazzetta dello Sport bình luận: “Inter không Herrera là một Inter đã chết.” Tất cả sụp đổ, vì tất cả do một mình Herrera gây dựng, từ chi tiết nhỏ nhất.

    Những gì đang diễn ra ở Man United  và Barca cũng tương tự vậy. David Moyes và những người kế nhiệm Pep chẳng có lỗi gì cả, ngoài việc đã ngồi vào chỗ của một siêu nhân.
    AN NGỌC LINH • 20:50 ngày 25/03/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay