Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Thời trang & Hình ảnh quan trọng với cầu thủ hơn bàn thắng
 

Thời trang & Hình ảnh quan trọng với cầu thủ hơn bàn thắng

Bóng đá và thời trang không phải lúc nào cũng là một bộ đôi ăn ý. Cách đây không lâu, một cầu thủ có thể bị loại nếu thích ăn mặc điệu đà. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc ăn mặc cho thời thượng, chăm sóc hình ảnh cho bắt mắt bỗng trở nên vô cùng quan trọng với cầu thủ, hơn cả việc ghi bàn.
 
 

Các bạn có nhớ Nedum Onuoha - cựu hậu vệ của Man City và Queens Park Rangers? Ồ, không nhớ cũng chẳng sao bởi thời của anh ta đã qua lâu rồi, cũng như xu hướng thời trang của thời đó vậy. Thế nhưng, Onuoha đã tiết lộ một điều khá thú vị về vấn đề này.

"Khi tôi bắt đầu sự nghiệp vào những năm 2000, văn hóa bắt nạt vẫn còn tồn tại. Nếu bạn mặc thứ gì đó mà mọi người không thích, theo đúng nghĩa đen họ sẽ cắt vụn cái áo của bạn hoặc giấu đôi giày của bạn ở xó xỉnh nào đó mà bạn không thể tìm ra được.

"Bạn luôn bị đánh giá, và luôn phải cố gắng để hòa nhập. Và thế là rất nhiều người mặc những bộ đồ thể thao, hoặc thứ gì đó rất cơ bản. Một bộ trang phục tầm thường của Nike chẳng hạn, như một cách ngụy trang. Đó là điều thường thấy trong giới cầu thủ".

Trong thế giới bóng đá luôn được biết đến với sự nam tính, việc quan tâm đến thời trang là không thể tránh khỏi. Làm thế nào để bật lên khỏi "chiếc áo choàng thô kệch" và trở thành chủ đề trong phòng thay đồ là một ý tưởng không hay ho lắm trong quá khứ.

Nghĩ về những gì bạn khoác lên người đồng nghĩa với việc bạn không quan tâm đến các trận đấu và cũng gợi lên những liên tưởng về thói phù phiếm hám lợi. HLV Brian Clough từng tuyên bố ông không ký hợp đồng với Gary McAllister vì cầu thủ này đến đàm phán hợp đồng tại Forest với đôi giày cao bồi, bỏ qua việc McAllister luôn muốn gia nhập Leeds United.

Sir Alex Ferguson nói rằng ông biết Man United sẽ vượt qua Liverpool trong trận chung kết FA Cup 1996 ngay trước trận đấu, khi nhìn thấy đối thủ của ông bước vào sân Wembley với bộ quần áo trắng.

"Tôi đã nói với trợ lý Brian Kidd rằng chúng tôi sẽ thắng 1-0 vì điều đó. Thật là nực cười. Hoàn toàn vô lý. Áo sơ mi xanh, cà vạt đỏ trắng cùng bộ vest trắng. Thêm một bông hoa màu xanh nữa. Ai thiết kế ra thứ đó vậy? Họ nói là Armani. Tôi cá rằng doanh số bán hàng của hãng này đã đi xuống", Ferguson nhớ lại.

Đội bóng Livepool mặc đồ thời trang Armani trước trận chung kết FA

Roy Keane nói với Ruud van Nistelrooy hãy bỏ đi chiếc băng đô vì "giờ cậu đang chơi ở Premier League". Các đồng đội Aston Villa của Charles N'Zogbia thì chết khiếp khi nhìn thấy bộ đồ Gucci hoa văn của anh.

Trong khi đó, hình ảnh David Beckham mặc chiếc sarong là tâm điểm của các bài báo trong nhiều ngày. Cuối cùng, tâm lý theo chủ nghĩa tuân thủ đã dẫn đến việc nhiều cầu thủ từ bỏ bất kỳ nỗ lực nào về thời trang.

Onuoha nói: "Đến một thời điểm, mọi người chỉ mặc những thứ trông giống như họ vừa lăn ra khỏi giường vào buổi sáng. Bạn có thể mặc một chiếc quần thể thao, vài chiếc áo liền quần và một đôi giày chẳng ăn nhập gì cả. Ai rồi cũng từ bỏ hết cố gắng thoát khỏi sự nhàm chán.

 

Nhưng bây giờ, bóng đá - và thế giới - đang thay đổi. Sự bùng nổ của mạng xã hội đồng nghĩa với việc hình ảnh của một cầu thủ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc các cầu thủ gia nhập mạng xã hội nghĩa là mọi người đều có thương hiệu của riêng mình.

So với chúng tôi, bây giờ những ngôi sao sân cỏ được mọi người nhìn vào nhiều hơn. Giờ đây, việc cầu chia sẻ hình ảnh trở nên bình thường nhờ trào lưu selfie. Khi ý tưởng về thương hiệu cá nhân xuất hiện, nó đã bị lật tẩy. Đó là khi mọi người đi giày Balenciaga Race Runner và những thứ tương tự".

Các sân tập bỗng trở nên tràn ngập nhãn mác và những tuyên bố hùng hồn. Bản năng của những người theo chủ nghĩa tuân thủ vẫn còn: nó chỉ đơn thuần là việc nổi bật so với mọi người không còn là điều gì kì quái và phù hợp với thời đại.

 
Jesse Lingard cũng là tín đồ thời trang

Onuoha nói: "Có một cầu thủ trẻ ở Man City, cùng tuổi với tôi được biết đến với cái tên Mr Louis Vuitton vì cậu ấy có một cái tủ giày chứa khoảng 50, 60 đôi giày Louis Vuitton. Nó khiến cậu ấy tiêu tốn hàng ngàn USD. Và đó là một trong những vấn đề.

Một số cầu thủ cạn ví vì đổ tiền vào mua sắm quần áo, xe hơi… Dù thế, nếu một tên tuổi nào đó của ngành thời trang nói rằng: Cậu không phải người ăn mặc đẹp nhất hay chiếc xe của cậu cũng thường thôi thì cầu thủ sẽ lồng lộn lên. Ngôn từ đó tác động đến nhận thức và khiến cầu thủ lại phải móc ví.

Phong cách ăn mặc cổ điển dễ bị chế giễu. Ở Man City hiện tại, Bernardo Silva thường xuyên là chủ đề của những trò đùa và những lời chế nhạo của đồng đội. Lý do ư? Tiền vệ người Bồ Đào Nha chỉ ăn mặc giản đơn như một người đàn ông trưởng thành.

Onuoha góp thêm ví dụ: "Có một đồng đội cũ của tôi ở QPR. Anh ấy đã học đại học và đến với bóng đá khá muộn nhưng bị bắt nạt vì mọi người nói rằng anh ấy quá bình thường. Chúng ta hãy nghĩ về điều 3 từ đó. Thực tế, anh ta chỉ mặc liên tục một kiểu trang phục trong 4-5 ngày và điều đó là sai trái. Thật điên rồ!".

Mặc dù những yếu tố truyền thống của phòng thay đồ vẫn còn đó, nhưng chắc chắn rằng thế giới bóng đá và thời trang bắt đầu hội tụ. Các cầu thủ cởi mở hơn trong việc thể hiện bản thân một cách sáng tạo, theo đuổi những sở thích bên ngoài sân sân cỏ.

Thậm chí vào cuối tuần này, tuyển thủ Anh Kalvin Phillips đã đưa ra quan điểm rằng giày thể thao nên được dùng theo cách tương tự như… dép dùng một lần. Điều này không thể xảy ra vài năm trước. Còn bây giờ nó trở thành một chủ đề để thảo luận.

Một số ít cầu thủ thậm chí đang bắt đầu bước ra khỏi những trận bóng và lên sàn catwalk. Năm 2020, Dominic Calvert-Lewin và Tom Davies gây chú ý khi tham dự Tuần lễ thời trang New York. Những bước đi uyển chuyển kiểu Beckham đã khích lệ Hector Bellerin mạnh dạn sải bước trên đường trình diễn tại Paris.

Tom Davies và Dominic Calvert-Lewin của Everton biểu diễn thời trang tại Tuần lễ thời trang New York

Nhưng đây không chỉ là việc phát triển gu ăn mặc trong phòng thay đồ. Những năm gần đây chứng kiến ngày càng nhiều mối hợp tác giữa các cầu thủ bóng đá và các thương hiệu thời trang.

Marcus Rashford bắt tay với Burberry; Megan Rainoe trở thành gương mặt đại diện cho Loewe; Memphis Depay hợp tác với thương hiệu Ý Valentino và tạp chí GAFFER. Gần đây nhất, Jack Grealish đã đồng ý thỏa thuận với thương hiệu xa xỉ GUCCI.

 

Không chỉ là bóng đá và thời trang, câu chuyện giờ đây còn là vấn đề kinh doanh. Đây là về bóng đá và thời trang - nhưng càng ngày, nó còn là về kinh doanh.

Jordan Wise, người đồng sáng lập GAFFER với đối tác kinh doanh Hamish Stephenson, nói: "Có một lớp VĐV mới muốn thể hiện bản thân theo một cách khác với thế hệ cũ. Việc một cầu thủ mặc những bộ cánh khác biệt từng là chuyện lạ, nhưng giờ thì tất cả các cầu thủ đều muốn trở nên khác biệt. Họ đang cạnh tranh với nhau cả trong lẫn ngoài sân cỏ".

Trong công việc của mình với tư cách là một đại lý bóng đá, Wise đã gặp những cầu thủ đam mê thời trang và các mục tiêu sáng tạo khác nhưng không có phương tiện nào để thể hiện. Mục đích của GAFFER là lấp đầy khoảng trống đó, giới thiệu những người làm bóng đá (không chỉ các cầu thủ) - là những cá nhân có mối quan hệ rộng rãi với thế giới thời trang, âm nhạc và giải trí.

Ảnh hưởng từ nền văn hóa Mỹ là không thể phủ nhận.

"Ở Mỹ có nhiều môn thể thao được yêu thích, vì thế các người hùng thể theo có nhiều đất diễn hơn. Họ được tôn vinh bởi ảnh hưởng của họ bên ngoài các trận đấu thông qua thời trang, hoạt động từ thiện hoặc âm nhạc. Mô hình của Mỹ đã mang lại cho các VĐV khả năng vượt trội hơn hẳn thể thao thuần túy", Tom Everest, nhà sáng tạo cao cấp của GAFFER cho biết.

Wise nói thêm: "Đó là một nét văn hóa. Ở các bang của Mỹ, thể thao và giải trí cùng chung một mái nhà. Và những VĐV thường được coi hơn cả một VĐV - tinh thần kinh doanh, lòng từ thiện của họ hay bất cứ điều gì khác - đều được coi là cá tính và được tôn vinh.

David Beckham đã thể hiện ấn tượng trên cả sân cỏ lẫn sàn catwalk

Ở Anh, không phải lúc nào cũng vậy. Khi bạn không còn thành công trong thể thao hoặc tỏ ra thiếu động lực, bạn sẽ bị tấn công. Báo chí và các chuyên gia sẽ công kích bạn vì sự thiếu tập trung. Marcus Rashford là minh chứng điển hình cho việc phong độ trên sân cỏ bị đánh giá xét xét bằng các hoạt động ngoài đời.

Bất chấp điều đó, màn song tấu của bóng đá và thời trang dường như vẫn tiếp tục diễn ra. Wise nói: "Sáng nay, nhân viên của chúng tôi đi ngang qua Zara và trong ở đó có hai ma-nơ-canh mặc bộ quần áo bóng đá được thiết kế cách điệu như một món đồ thời trang."

Everest giải thích: "Các nhà thiết kế đã bắt đầu việc này cách đây 2-3 năm. Bất cứ thứ gì xuất hiện trên sân cỏ sẽ xuất hiện trên đường phố chỉ 12 tháng sau đó. Họ luôn dẫn đầu, nhanh hơn tất cả mọi thứ.

Những gì ở Zara hiện nay liên quan trực tiếp với những gì chúng ta đã thấy cách đây khoảng 18 tháng đến hai năm, khi Balenciaga trình diễn những mẫu áo bóng đá của riêng họ trong một buổi trình diễn thời trang. Các bánh xe đang chuyển động. Những thế giới song song đang giao cắt nhau.

Hiệu ứng nhỏ giọt đó có thể nhìn thấy trên bất kỳ thành phố nào. Chúng ta đã thấy Hector Bellerin, Marcus Rashford, Trent Alexander-Arnold, Raheem Sterling, Memphis Depay, v.v., hợp tác với Louis Vuitton, Bodega, Burberry.

Không có các chiến dịch rõ ràng liên quan đến bóng đá, nhưng khi có một cầu thủ bóng đá được biết đến như một người mẫu, nó sẽ truyền cảm hứng cho việc đưa bóng đá vào trung tâm của thẩm mỹ thời trang và các cuộc trò chuyện về thời trang.

Bóng đá đã thâm nhập vào trang phục may sẵn và thời trang đường phố. Ví dụ, Loewe đã thực hiện bộ sưu tập của mình với Megan Rapinoe, Stussy vừa hợp tác với PSG. Stussy từ lâu đã gắn bó với văn hóa trượt băng và lướt sóng, và giờ đây, họ lấn sân sang bóng đá qua thương vụ này.

Chúng ta đang chứng kiến ảnh hưởng của bóng đá ngày càng lan rộng đến những con phố đầy những shop hàng hiệu cao cấp. Zara và Primark đang hợp tác với NBA và tôi cũng mong đợi điều tương tự trong bóng đá và hình ảnh các CLB sẽ có mặt nhiều hơn ở các cửa hàng trên phố trong vài năm tới".

Mặc dù các giá trị của sự thể hiện bản thân và sự sáng tạo được coi là động lực cho mối quan hệ mới giữa bóng đá và thời trang, nhưng cần phải nói rõ: thương mại là yếu tố chính ảnh hưởng đến điều này. Đó không phải là một bí mật. Thời trang là một cách để khơi gợi cảm hứng của một cầu thủ bóng đá và biến họ thành một nhân vật có sức hút văn hóa.

Marcus Rashford đã ký hợp đồng với một hãng thời trang lớn của Anh

"Với tư cách là một người đại diện, bạn nghĩ: Được rồi, tôi có một cầu thủ. Nhưng làm thế nào để tôi tạo ra một thương hiệu? Thời trang là một phần của thương hiệu. Đầu tiên, bạn có một VĐV, sau đó bạn tạo ra một thương hiệu, sau đó bạn có thể cấp phép cho thương hiệu đó", Erkut Sogut, người có khách hàng là Mesut Ozil của Fenerbahce cho biết.

Ozil là một trường hợp thú vị. Một trong những sự phức tạp mà các cầu thủ bóng đá phải đối mặt khi làm việc với các thương hiệu thời trang là họ thường đã có mối quan hệ với một công ty đồ thể thao lớn.

Đây chỉ là những "giao dịch mang tính lợi ích nhóm" của những ông lớn như Adidas, Nike và Puma kiếm được nhiều doanh thu từ thời trang dạo phố và giày thể thao hơn là giày bóng đá, và đồng thời họ cũng muốn độc quyền các cầu thủ của mình trong danh mục này.

Những hạn chế đó là nguyên nhân khiến Bellerin từ bỏ Puma. Và thế là cựu cầu thủ Arsenal xài giày của Mizuno một cách độc lập vì tin rằng đó là phương án tốt nhất và anh được hưởng lợi từ quyền tự do thương mại.

Ozil cũng đưa ra quyết định tương tự. Cựu tiền vệ của Arsenal chia tay Adidas sau cam kết kéo dài 7 năm rưỡi, anh đã từ chối ký một hợp đồng mới với thương hiệu khác và thay vào đó tập trung nỗ lực vào việc phát triển "thương hiệu M10".

Từ năm 2014, Sogut và Ozil đã tận dụng một "vùng xám" trong hợp đồng với Adidas để bắt đầu sản xuất trang phục dạo phố M10, chủ yếu là mũ lưỡi trai và áo thun. Đây là cách làm chịu ảnh hưởng bởi mô hình của người Mỹ với ý tưởng rằng mỗi cầu thủ NBA gần như là một thương hiệu cá nhân theo đúng nghĩa của nó.

Tại World Cup 2016, chiếc mũ có logo M10 đã được dành tặng cho Manuel Neuer, Jerome Boateng và Julian Draxler, những cầu thủ đã quảng cáo miễn phí một cách hiệu quả qua mạng xã hội.

Kể từ khi chia tay Adidas vào năm 2020, Sogut và Oezil đã bắt đầu đăng ký thương hiệu này và ký kết các hợp đồng với các công ty ở Indonesia, Australia, Italia và Đức. Ozil gần đây đã ra mắt M10 Concave, mẫu giày thửa dành cho Mesut Özil có phối màu riêng biệt và được đánh dấu với logo mang thương hiệu của cầu thủ người Đức.

Mesut Özil hợp tác với Concave để ra mắt thương hiệu riêng

Mặc dù những hợp đồng độc quyền truyền thống đem lại nguồn doanh thu đảm bảo, nhưng việc xây dựng thương hiệu cá nhân có khả năng mang tới phần thưởng lớn hơn trong dài hạn. Đó là động lực tích cực đối với một vận động viên có lượng fan lớn như Ozil - tổng cộng 80 triệu người theo dõi trên các nền tảng xã hội.

Điều đó đồng nghĩa với việc khi một cầu thủ ký hợp đồng với một đội bóng mới, CLB đó mua về cả một thương hiệu chứ không chỉ phục vụ mỗi khía cạnh chuyên môn. Các cuộc đàm phán về quyền sở hữu hình ảnh cũng vì vậy mà tiến tới một cấp độ khác.

Tất nhiên, không phải tất cả các cầu thủ đều có thể hoành tráng như Ozil hay Bellerin. Đối với nhiều người, được một thương hiệu ký hợp đồng thôi đã là cơ hội quá khó để từ chối.

Wise thừa nhận: "Các công ty thương mại thời trang ký hợp đồng với một cầu thủ sẽ đưa ra nhiều ràng buộc nhất có thể. Nếu một cầu thủ có người đại diện giàu kinh nghiệm, họ sẽ tìm cách loại bỏ càng nhiều yêu sách liên quan càng tốt. Đó là điều kiện để tạo ra không gian cho một mối quan hệ hợp tác tiềm năng trong lĩnh vực trang phục thể thao.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều thương hiệu thể thao hợp tác với các tên tuổi lớn trong ngành thời trang. Ví dụ như Prada, Gucci kết hợp với Nike; Off-White, Sacai gắn bó với Nike.

Trong nhiều năm qua, nếu bạn ký hợp đồng độc quyền với Adidas, bạn chỉ có thể mặc đồ của họ. Nhưng giờ đây, vì Adidas đang dần xóa nhòa các ranh giới giữa thể thao và kinh doanh, một số thương hiệu thời trang cao cấp cũng có cơ hội tiến vào mái nhà chung. Nhờ đó, bạn có thêm cơ hội để khai thác thêm lợi nhuận từ những nhà đầu tư khác".

 

Không phải ai cũng tin rằng bóng đá và thời trang là sự kết hợp hoàn hảo. Ehsen Shah là người sáng lập của công ty tiếp thị thể thao B-Engaged, với Bellerin là một trong số các khách hàng. "Tôi có thể sẽ cho bạn câu trả lời mà không ai khác có thể tiết lộ. Tôi nghĩ rằng vẫn còn một chặng đường dài nữa".

Luận điểm của Shah là sự tín nhiệm thực sự trong thế giới thời trang chỉ thuộc về một số ít cầu thủ được lựa chọn: những người thực sự có ý chí và thời gian để theo đuổi nó.

Khi Bellerin bước trên sàn catwalk của Louis Vuitton vào năm 2019, giám đốc nghệ thuật khi đó là Virgil Abloh cho biết ông tuyển dụng cầu thủ người Tây Ban Nha vì tính cách của anh phù hợp với bộ sưu tập chứ không phải vì anh ấy là một cầu thủ bóng đá.

Bellerin (ngoài cùng bên trái) tại sàn catwalk ở London năm 2018

Thời trang có mối liên hệ lâu dài với phim ảnh và điện ảnh, nhưng Shah tin rằng bóng đá là một câu chuyện khác ít nhiều vẫn bị vấp phải sự kỳ thị.

"Hầu hết các thương hiệu thời trang vẫn không coi trọng các cầu thủ. Nhiều cầu thủ được cho là những người chỉ đến Selfridges mua món đồ đắt giá nhất và nghĩ rằng đó là thời trang. Và đó là một phần của sự thật. Rất ít người vượt khỏi cái mác kẻ lắm tiền để trở thành một tín đồ thời trang."

Ở khía cạnh nào đó, bóng đá phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong thế giới thời trang. Một cầu thủ tương đối nổi tiếng có mức độ hiển thị bài viết trên mạng xã hội thấp hơn đáng kế đối với một ngôi sao điện ảnh: bạn chỉ là một trong số 11 cầu thủ trên sân, là một thành viên trong số 25 cầu thủ của một đội bóng. Vì lẽ đó, bạn cần làm nhiều thứ ngoài sân cỏ để trở nên nổi bật.

Hơn nữa, sự giao thoa giữa những người yêu thích thời trang và các fan bóng đá cuồng nhiệt là tương đối nhỏ. Có những trường hợp ngoại lệ: người sáng lập trang 424 - Guillermo Andrade là một CĐV lớn của Arsenal, điều này đã đóng góp một phần vào quyết định cộng tác của ông với CLB này.

Tuy nhiên, Shah nói rằng đa số các tín đồ thời trang hầu như không biết nhiều về các cầu thủ. Bellerin là một trường hợp cá biệt đạt được vị thế trong thế giới thời trang sau nhiều năm cố gắng. Vậy các cầu thủ khác thì sao? Họ có đam mê về thời trang và mong muốn trở thành một tên tuổi lớn hay không?

"Mọi cầu thủ đều muốn làm việc với các thương hiệu thời trang. Nhưng họ có biết gì về nó không lại là việc khác", Shah nhận xét.

Nhóm nghiên cứu của GAFFER nhìn nhận điều đó theo cách riêng. Everest nói: "Hiện tại, bóng đá là lĩnh vực tiềm năng nhất. Sự tương tác mà các cầu thủ tạo ra đang vượt lên trên rất nhiều ngành công nghiệp khác, bởi các cầu thủ giờ đây cởi mở hơn xưa và có ý thức về hình ảnh, cũng như tác động của họ ngoài sân cỏ.

Những ngôi sao bóng đá giờ đây có thể mang đến một lượng khán giả đông đảo gồm những người quan tâm đến lối sống ngoài sân cỏ của các cầu thủ, trong đó bao gồm cách ăn mặc, nhãn hiệu quần áo. Và các thương hiệu xem đó lợi nhuận thặng dư văn hóa.

Họ tin rằng, một số tên tuổi đang dẫn đầu xu hướng có thể tạo ra tác động rộng lớn. Trường hợp Grealish hợp tác với một thương hiệu xa xỉ như GUCCI dường như là một bước tiến đáng kể. Dù vậy, nhiều người đã chuẩn bị dội gáo nước lạnh vào thương vụ này.

Jack Grealish đang ký một hợp đồng lên đến 7 con số với Gucci

"Họ làm điều đó vì họ nghĩ Jack Grealish là một ngôi sao bóng đá. Thực tế là họ cần bán sản phẩm ở một mức giá hoàn toàn khác so với trước đây. Về cơ bản, GUCCI tung ra những chiếc áo nỉ với giá 120 bảng và hy vọng sẽ có nhiều người mua. Nhưng đó là cách nhìn của giới thời trang, còn với những người làm bóng đá thì chưa chắc", một nguồn tin trong ngành cho biết.

Có lẽ mọi thứ sẽ sáng tỏ trong vài năm tới. Jordan Wise tin rằng thế hệ siêu sao tiếp theo sẽ có tác động văn hóa lớn hơn bao giờ hết với thời trang và hơn thế nữa khi những ngôi sao đáng chú ý của thế hệ mới sắp bước vào chu kỳ này.

"Marcus Rashford mới chỉ 20 tuổi khi cậu ấy bắt đầu thực sự khuếch đại tên tuổi của mình. Hector Bellerin được biết tới từ rất sớm bởi cậu ấy rõ ràng có niềm đam mê với thời trang mãnh liệt. Trent Alexander-Arnold là cái tên khác luôn muốn quảng bá bản thân và tham gia vào lĩnh vực này.

Còn vài tháng nữa World Cup sẽ được tổ chức ở Qatar, và sau đó là một kỳ World Cup lớn ở Mỹ. Chúng tôi đã nói rất nhiều về cách nền văn hóa Mỹ dung nạp thể thao, thời trang, âm nhạc, giải trí và bạn sẽ thấy tất cả các thế giới đó giao thoa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vì vậy, chúng ta sắp đi vào một chu kỳ mà Bukayo Sakas, Emile Smith Rowes, Jude Bellingham sẽ bùng nổ trong hai năm tới. Đó là một thời khắc tỏa sáng. Đây là một thế hệ hiếm có, khiêm tốn và không muốn khuếch trương quá mức tên tuổi của mình nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để thấy được tính cách thực sự của họ.

Nhưng khi họ cảm thấy thoải mái hơn trong những bộ trang phục, họ sẽ còn thăng hoa hơn nữa trên sân cỏ. Khi chúng ta nói về các thỏa thuận thương mại và quan hệ đối tác nổi bật, những cái tên như Kyllian Mbappe và Erling Haaland sắp khuynh đảo thế giới theo cách chưa từng thấy trước đây.

Những cầu thủ này rất nổi tiếng trên mạng xã hội và phần fan của họ thuộc thế hệ Gen Z. Đó là những người hoàn toàn gắn bó với những VĐV này trên mọi nền tảng và mọi khía cạnh của cuộc sống. Những cầu thủ này có lượng theo dõi mà các nhãn hiệu thời trang mong muốn. Họ là những KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn) mạnh mẽ nhất trong tương lai".

Thực hiện

Nội dung: Nhật Huy

Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay