Bóng Đá Plus trên MXH

Tiqui-Taca: Tuyệt chiêu... phòng ngự!
13:53 ngày 23/11/2015
Lối chơi tiqui-taca mà Barcelona khiến giới mộ điệu say đắm đến từ những bậc thầy kỹ thuật như Xavi, Iniesta, Puyol, Messi…? Không hẳn như vậy.
    Những siêu sao ấy đều xuất thân từ lò đào tạo La Masia lừng danh thế giới. Lò La Masia, với quan điểm xuyên suốt qua bao thế hệ cầu thủ về một lối chơi nhất quán, đã được huyền thoại Johan Cruyff gây dựng từ hàng chục năm trước. 

    Nói vậy có nghĩa, Cruyff chính là cha đẻ của tiqui-taca mà cả thế giới ngưỡng mộ trong những năm gần đây? Thế vẫn chưa đủ. Johan Cruyff là một sản phẩm tuyệt vời từ cách sống và cách suy nghĩ của đất nước Hà Lan đầy khó khăn và sáng tạo. Tìm hiểu đến ngọn ngành cội rễ của tiqui-taca, chúng ta sẽ phát hiện cơ man những điều kỳ thú, có khi trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ chung của những ai đang say mê nghệ thuật nhồi bóng của Barca.

    Nhịp nhàng như kim đồng hồ


    Về nguyên tắc, có thể diễn giải tiqui-taca là lối chơi “chuyền và chạy” (“tiqui” là chuyền, “taca” là chạy). Cầu thủ vừa chuyền bóng phải lập tức di chuyển đến vị trí thuận lợi để sẵn sàng nhận lấy đường chuyền tiếp theo. Cứ thế, quả bóng lăn mãi trong chân cầu thủ Barca, cho đến khi nào họ tìm ra khe hở trong hàng phòng ngự đối phương và tấn công vào đấy.

    Trên thực tế, các cầu thủ Barca trong cách chơi này “đập, nhả” nhịp nhàng đến nỗi chúng ta có thể hình dung tiqui-taca như những nhịp đập tích tắc chính xác và liên tục đến vô tận của chiếc đồng hồ. Khi Barca làm khách của Inter Milan ở bán kết Champions League 2009/10, số liệu chính thức của UEFA ghi nhận: Xavi có số đường chuyền chính xác nhiều nhất (93 lần), tiếp theo là Busquets (73), Pique (56), Alves (52), Keita (47), Puyol (47), Messi (41), Maxwell (34), Pedro (32) và Valdes (23). Tóm lại, 10 cầu thủ có số đường chuyền chính xác cao nhất trong trận cầu thượng đỉnh ấy đều thuộc về Barca, gồm cả thủ môn. Cầu thủ thứ 11 là Zanetti, người có số đường chuyền chính xác cao nhất bên phía Inter, 21 lần!


    Đấy chỉ là một ví dụ điển hình. Đã ra sân thì Barca khi nào cũng chiếm thế áp đảo (kể cả khi họ thua), với tỷ lệ giữ bóng thường xuyên vào khoảng 70%, và với các đường chuyền lúc nào cũng nhuyễn nhừ. Xavi chuyền bóng quá giỏi? Có thể xem đây là chi tiết đầu tiên đánh lừa cảm giác người xem. 

    Xavi chuyền bóng chính xác không hẳn vì anh quá giỏi mà chủ yếu là vì đồng đội luôn tích cực di chuyển đến vị trí thuận lợi để sẵn sàng nhận bóng. Nhịp nhàng và chính xác là ở chỗ ấy. Vấn đề đặt ra, như vậy, cầu thủ Barca phải chạy liên tục (chuyền và chạy mà). Đá như thế, liệu có nguy cơ xuống sức? Có thể xem đây là xuất phát điểm để bàn về “chất Hà Lan” của Thánh Johan.

    Sáng tạo của người Hà Lan


    Cruyff khoác áo Barca trong giai đoạn 1973-1978. Mãi đến năm 1988, ông mới trở lại giữ ghế HLV trưởng của Barca. Nhưng vào năm 1979, Cruyff đã đề nghị Barca cải tổ hệ thống đào tạo trẻ với những nguyên tắc huấn luyện hoàn toàn mới mẻ. Lò La Masia bắt đầu một chương mới từ thời điểm ấy. 

    Những nguyên lý của tiqui-taca mà Cruyff áp dụng cũng được tính từ lúc ấy. Trên nguyên tắc, cầu thủ Barca phải liên tục di chuyển. Nhưng họ chỉ chạy trong cự ly ngắn và không bao giờ hối hả, nên không tốn sức. Trái lại, đối phương sẽ tự phá sức nếu bị cuốn vào lối chơi của Barca, cứ thụ động đuổi theo quả bóng.


    Cruyff nói riêng cũng như bóng đá Hà Lan nói chung nổi tiếng về sự sáng tạo, về những cách nghĩ không giống ai trong bóng đá. Họ nghĩ ra lối chơi tổng lực (gọi chính xác thì phải là lối chơi “tổng hợp”) vì đấy là chiến thuật giúp người Hà Lan giải quyết sự thua sút về thể lực so với các cầu thủ Bắc Âu. Khi hậu vệ Hà Lan dâng cao 70m để tấn công, anh ta không phải chạy về, thế là tiết kiệm được 70m di chuyển. Các vị trí liên quan sẽ di chuyển để lấp khoảng trống do hậu vệ kia để lại. Cứ thế, đến cuối trận thì đối phương xuống sức và cầu thủ Hà Lan tự nhiên hơn về thể lực. 

    Hà Lan lại nghĩ cách co giãn đội hình, lập nhóm phối hợp 3 người, chơi theo sơ đồ 4-3-3 đều để hướng đến mục tiêu luôn có khoảng trống tốt hơn đối phương. Có thể xem tiqui-taca của Barca ngày nay là một phiên bản hiện đại của “bóng đá tổng hợp” trong những năm 1970, mà Johan Cruyff luôn là nhân vật trung tâm.

    Nói chung, đấy là những điều mà trước thập niên 1960, giới bóng đá hầu như không nghĩ đến. Hồi ấy, người ta không nghĩ rằng hậu vệ có thể tấn công hoặc tiền đạo phải biết cách phòng ngự. Người ta cũng không nghĩ ra rằng tuy chơi trên cùng một sân bóng, nhưng diện tích thi thố của mình có thể lớn hơn diện tích chơi bóng của đối phương. 

    Do đất chật người đông, do phần lớn lãnh thổ thấp hơn mực biển, người Hà Lan đã đấu tranh suốt bao đời nay để tạo thêm diện tích sinh tồn. Họ phải không ngừng sáng tạo, không ngừng nghĩ ra những cách làm độc đáo thì mới tồn tại và phát triển được. Bóng đá Hà Lan sinh ra cũng từ hoàn cảnh khó khăn và trân trọng từng khoảng trống như vậy. Và tinh hoa của bóng đá Hà Lan đã dồn cả vào Johan Cruyff. Trước khi có Cruyff, bóng đá Hà Lan chỉ hơn nhỉnh hơn Luxembourg hoặc Đảo Síp một tí. Sau khi có Cruyff, Hà Lan vụt biến thành một cường quốc bóng đá.

    Tấn công để phòng ngự


    Cũng có thể chia lịch sử Barca thành 2 giai đoạn, trước và sau khi Cruyff xuất hiện. Năm 1992, dưới sự dẫn dắt của HLV Cruyff, Barca với Dream Team gồm Stoichkov, Michael Laudrup, Romario, Koeman… lần đầu tiên đoạt cúp C1. Bây giờ, người ta mặc nhiên xem Barca là CLB số một thế giới. Vấn đề không phải là những danh hiệu cụ thể (sau cúp C1 năm 1992, Barca lại vô địch Champions League 2006 và 2009), mà là Barca đã vươn hẳn lên tầm cao mới, với lối chơi mới, quan điểm mới, triết lý mới. Tất cả đều là sản phẩm từ mô hình đào tạo trẻ mà Cruyff đề nghị năm 1979.


    Pep Guardiola từng vô địch cúp C1 dưới sự dẫn dắt của bậc thầy Cruyff. Bây giờ, ông lại dẫn dắt Barca vô địch Champions League. Lối chơi mà Guardiola huấn luyện cho thế hệ ngôi sao Barca ngày nay chính là lối chơi mà ông và thế hệ của mình được Cruyff đào tạo trước đây.

    Nguyên tắc thú vị nhất trong tiqui-taca mà phần đông khán giả cho rằng thiên về tấn công là ở chỗ: tính chất phòng thủ cũng cao chẳng kém tính chất tấn công. Quả bóng cứ ở trong chân cầu thủ Barca thì đối phương kiếm đâu ra cơ hội ghi bàn? Khi Barca thắng Arsenal 3-1 ở trận tứ kết lượt về Champions League mùa này, một kỷ lục mới cực kỳ hy hữu đã được ghi nhận: Arsenal trở thành đội bóng đầu tiên không có pha dứt điểm nào, kể từ khi hãng Opta thống kê các trận đấu thuộc Champions League!

    Khi Barca thắng Espanyol 5-1 ở La Liga mùa 2010/11, người ta giật mình phát hiện, rút cuộc thì cũng có một đội bóng chọc thủng lưới Barca, sau khi đội bóng xứ Catalonia đã ghi liên tục 31 bàn vào lưới các đối thủ của họ, trên mọi mặt trận, danh sách nạn nhân gồm cả Real Madrid. Vấn đề không chỉ là ở chỗ đối phương không thể ghi bàn, mà họ không có cơ hội. Trong 6 trận đấu ở giai đoạn vừa nêu, các đối thủ của Barca chỉ có tổng cộng 9 pha dứt điểm. Có người cho rằng hậu vệ Barca không giỏi phòng thủ. Nhưng sự thật là, họ không cho phép đối phương đẩy mình vào thế thủ.

    Cũng có lúc, Barca thất bại. Trận thua đáng chú ý nhất của thầy trò HLV Guardiola là thua Arsenal 1-2 ở lượt đi tứ kết Champions League mùa này. Vì họ phòng thủ không chặt? Hoàn toàn ngược lại. Guardiola chỉ trích Dani Alves tấn công không hay trong tình huống trước khi Arsenal ghi bàn. Vì Barca mải mê tấn công nên bị hở sau lưng và dính đòn phản công. Đấy là một cách nghĩ. Guardiola lại nghĩ khác: nếu pha tấn công kết thúc bằng một tình huống dứt điểm thì dù hở lưng, đối phương cũng đâu thể phản công!

    Nhược điểm của tiqui-taca


    Trước đây, đội tuyển TBN cũng chơi thiên về kỹ thuật, nhưng đấy không phải là lối chơi tương đồng với Barca, bởi TBN trước đây chủ yếu dựa vào các cầu thủ Real Madrid và Valencia. Đấy cũng là giai đoạn mà TBN thường bị xem là “vua vòng loại” ở đấu trường EURO và World Cup. Điểm yếu trong lối chơi thiên về kỹ thuật của TBN từ World Cup 2006 trở về trước là ở chỗ: kỹ thuật của họ khi phô diễn ở khu giữa sân thì hoàn toàn vô nghĩa. Mà TBN hồi ấy thường không đưa được quả bóng đến gần khung thành đối phương.


    Bây giờ, TBN với nòng cốt là các cầu thủ Barca (chiếm khoảng 2/3 đội hình) đã vô địch cả EURO 2008 lẫn World Cup 2010 bằng chính tiqui-taca mà Cruyff đã gây dựng ở La Masia hàng chục năm trước. Xavi, Iniesta, Puyol trong đội tuyển TBN hay trong đội hình Barca chẳng khác gì nhau. Nhưng cần lưu ý một điều, tiqui-taca hay bất kỳ lối chơi nào khác đều có điểm yếu. Được chỗ nọ thì mất chỗ kia. Bóng đá giống với cuộc sống chính là ở khía cạnh này.

    Nhìn sơ qua cũng đã thấy ngay là cách triển khai tấn công của tiqui-taca khá chậm. Cho dù các cầu thủ phối hợp nhuần nhuyễn, chuyền bóng nhanh thì đấy cũng chỉ là những đường chuyền ngắn (nên mới bảo đảm độ chuẩn). Nghĩa là pha tấn công phải trải qua rất nhiều công đoạn. Do đó, đối phương có đủ thời gian để triển khai thế thủ. 

    Mặt khác, tiqui-taca yêu cầu tấn công bằng số đông. Trong bóng đá hiện đại, đâu dễ gì đưa được cả quả bóng lẫn nhiều cầu thủ tấn công vào khu cấm địa đối phương cùng lúc. Không phải ngẫu nhiên mà TBN đi vào lịch sử với tư cách nhà vô địch World Cup có hiệu quả ghi bàn thấp nhất (8 bàn trong 7 trận). Không có trận nào ở giai đoạn knock-out của World Cup 2010 mà TBN ghi được nhiều hơn 2 bàn. Tất nhiên, giới hâm mộ Barca cũng không phải quá lo về chi tiết này. Trên nguyên tắc, lối chơi ở CLB khi nào cũng nhuần nhuyễn hơn ở đội tuyển. Nghĩa là tiqui-taca của Barca vẫn xịn hơn tiqui-taca ở đội tuyển TBN.

    Một nhược điểm khác của tiqui-taca nói riêng, cũng như trong triết lý của La Masia nói chung, là lối chơi không đa dạng. Trải qua bao thế hệ, từ lớp năng khiếu cho đến đội hình chuẩn bị bước vào chung kết Champions League, đã là thành viên Barca thì đều biết chơi đúng thứ bóng đá mà Cruyff xây dựng. 

    Cruyff từng nói: “Cứ nhìn bọn trẻ chơi bóng ngoài công viên, tôi có thể chỉ ngay cậu nào đang học bóng đá ở lò La Masia”. Nói rằng mọi thế hệ Barca đều có thể chơi tiqui-taca cũng được, nói rằng Barca không biết đá kiểu nào khác thì cũng chẳng sai. Đặt ngược vấn đề: chắc gì La Masia có thể sản sinh được những ngôi sao xuất chúng như Xavi hoặc Iniesta? Chẳng lẽ, khi Barca cần mua một ngôi sao trẻ đến từ trường phái khác, ngôi sao ấy phải tập lại cách chơi như bọn trẻ ở La Masia?

    Ví dụ điển hình, tiền đạo Thierry Henry chưa bao giờ thành công ở Barca. Anh và Ibrahimovic phải sớm “chuồn” khỏi Barca vì không hòa nhập được với tiqui-taca.

    Không nên bắt chước tiqui-taca


    Bản thân tiqui-taca đã có hàng loạt nhược điểm. Nhưng sự đời trớ trêu ở chỗ, người ta vẫn thường bắt chước, thậm chí rập khuôn một cách lố bịch, dù trên danh nghĩa thì đấy vẫn là chuyện học hỏi cái hay. Mùa trước, Bayern Munich tiến thật sát đến “cú ăn ba”. Họ đoạt Cúp QG và vô địch Bundesliga nhưng lại thua Inter trong trận chung kết Champions League. HLV Louis Van Gaal biện minh: “Chúng tôi thua vì đã chọn con đường khó hơn họ. Chúng tôi muốn đá đẹp. Họ thì chỉ muốn hướng đến chiến thắng bằng con đường đơn giản nhất”.


    Còn nhớ 5 năm trước, Bayern ỷ mạnh, cũng muốn bắt chước Barca và rập khuôn lối chơi tiqui-taca. Hậu quả là thua tan nát ngay từ đầu mùa, thất bại trên mọi trận địa. Franz Beckenbauer cay cú bình luận: “Bayern xem Barca chơi bóng nhiều quá”! Ngay cả khi La Masia phát triển quá mạnh, Barca quy tụ cùng lúc nhiều ngôi sao xuất sắc, họ còn không dễ đạt đến đẳng cấp bất khả chiến bại. 

    Không đủ nội lực như Barca mà cứ muốn chơi tiqui-taca thì chẳng khác gì tự sát. Trừ phi đôi bên quá chênh lệch về đẳng cấp thì đá kiểu nào cũng thắng. Còn trong trường hợp đôi bên ngang sức, đội chơi tiqui-taca chính là đội đã chấp đối phương một số lĩnh vực. Chẳng hạn, chấp đối phương có thời gian triển khai thế thủ, như đã nêu trên.

    Ban đầu, đối phương thường dễ hụt hơi khi bị hút vào tiqui-taca. Bây giờ, nhiều đội đã rút kinh nghiệm, sau khi đã nghiên cứu kỹ nguyên lý của tiqui-taca. Không thể đuổi theo quả bóng thì đuổi làm gì cho mệt? Hercules cứ mặc kệ, để các tiền vệ Barca tự do trình diễn. Họ chỉ bình tĩnh kéo cả đội hình về thủ. Và họ thắng luôn Barca danh tiếng.

    Bản thân Barca vẫn thường nghĩ cách cải thiện nhược điểm, nâng cao hiệu quả trong lối chơi bất di bất dịch của mình. Khi tấn công bằng số đông và muốn ghi bàn trong khu cấm địa (chơi phối hợp nhỏ, dựa vào kỹ thuật thì phải tìm cách lọt vào vùng cấm mới dễ có cơ hội ghi bàn) thì ưu tiên số một là phải có tiền đạo giỏi tận dụng cơ hội ghi bàn trong không gian chật. 

    Phải có mẫu “chân tiền” như Raul, Inzaghi hoặc Van Nistelrooy. Đấy là các tiền đạo có thể độc lập tác chiến, tự tạo cơ hội cho mình. Nhưng đấy lại chính là mẫu tiền đạo… mâu thuẫn với nguyên tắc “chuyền và chạy”, mẫu thuẫn với nguyên tắc luôn phối hợp của tiqui-taca. Đấy là lý do vì sao Barca xưa nay đã có biết bao tiền đạo đáng gờm, nhưng không bao giờ có mẫu “sát thủ” như Raul hoặc Inzaghi.
    KINH KHA • 13:53 ngày 23/11/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay