Bóng Đá Plus trên MXH

Tự truyện 'Vượt qua giới hạn' của Luis Suarez (Kỳ 4): Ở châu Âu không được ngã vờ
LÊ MINH (lược dịch) • 11:27 ngày 04/08/2015
Bóng đá ở Uruguay rất khác. Ở đó nếu người ta chạm vào tôi, tôi sẽ ngã xuống và mọi người chấp nhận điều đó. Họ thậm chí chờ đợi tôi sẽ ngã. Ở Hà Lan, ban đầu tôi cũng kiếm được nhiều quả phạt đền nhờ ngã xuống. Nhưng dần dần tôi được khuyên là đừng ngã dễ dàng như vậy nữa.
    Bóng đá Hà Lan thật tuyệt vời. Các trận đấu rất sôi động, khán đài cuồng nhiệt và tôi thì dần khẳng định được bản thân. Điều đó chỉ đến sau một trận cãi nhau với HLV.

    Đấy là tháng 8/2006, chúng tôi (Groningen) có một trận đấu tại vòng loại Cúp UEFA với Partizan Belgrade và để thua trận lượt đi 2-4, nơi tôi ghi được 1 bàn sau khi vào sân trong 15 phút cuối. Trận lượt về tôi đá chính và khi tỷ số vẫn đang là 0-0, Jans (HLV Ron Jans) rút tôi ra khỏi sân vào giữa hiệp 2. Chúng tôi sắp bị loại, tâm trạng của tôi tất nhiên là rất tệ. Tôi lại rất không thích bị thay ra giữa chừng, trời lại đang mưa. 

    Ở Hà Lan, việc một cầu thủ bắt tay HLV trưởng sau khi rời sân là một văn hóa. Tôi không biết điều đó, vì thế tất cả những gì tôi làm vào lúc ấy là ném cho HLV một ánh nhìn theo kiểu: “Khỏi bắt tay bắt chân gì hết nhen”. Tôi nghĩ thế và vung tay vào không khí một cách giận dữ. Jans rất tức giận với phản ứng ấy, ông ta ném cây dù đang cầm trên tay xuống sân và nó bị hỏng. Thế là tôi có cảm giác chính mình là nguyên nhân của mọi việc, chính tôi khiến đội nhà bị hòa 0-0 rồi bị loại, khiến cây dù của HLV bị gãy. Có vẻ như trời mưa cũng là do lỗi của tôi nữa.

    Nhưng tôi đã không phải chờ quá lâu cho một sự giải tỏa. Ngay trận đấu tiếp theo với Vitesse Arnhem, khi đang bị dẫn 1-3, tôi là người mang lại quả phạt đền ở phút 82 và tự mình gỡ hòa 3-3 không lâu sau đó. Khi tất cả ngỡ như sẽ an bài với 1 điểm thì trong phút bù giờ, tôi nhận bóng trong vòng cấm, loại một hậu vệ rồi sút bóng hạ thủ môn. Sân bóng như phát điên với bàn ấn định tỷ số 4-3 nghẹt thở ấy.


    Một trong những truyền thống tại Groningen là khi đã ghi bàn mang lại chiến thắng cho đội nhà, bạn phải đi vòng quanh sân và cám ơn khán giả. Jans đã rất tâm lý khi bảo tôi làm việc ấy, ông cũng đưa cho tôi một cây dù mới. Nhìn cây dù lành lặn ấy, mọi người biết chúng tôi đã xóa bỏ hiềm khích. Từ ấy tôi được chơi nhiều trận hơn và mọi người ngày càng cảm thấy vui vẻ về màn trình diễn của tôi hơn. Các CĐV Groningen cũng rất yêu mến tôi.

    Ngoài sân cỏ, tôi bắt đầu học tiếng Hà Lan để thích nghi tốt hơn nữa với bóng đá Hà Lan. Còn trên sân cỏ, tôi phải học một thứ xa lạ: không ngã xuống để kiếm những quả phạt.

    Thật ra không phải tôi chủ động ngã xuống để đánh lừa trọng tài đâu, chỉ là tôi ngã ngay khi có sự va chạm nhẹ nhất. Đó là thói quen của tôi suốt một thời gian dài. Bây giờ tôi phải thích nghi với sự thay đổi và tiếp tục phải thích nghi sau khi đã sang Premier League. “Đừng ngã xuống và phàn nàn về trọng tài quá nhiều như vậy. Đấy không phải là cách chơi bóng ở đây,” Bruno nói với tôi.

    Tôi học tiếng Hà Lan để giao tiếp trên sân tập và vì người Hà Lan trân trọng nỗ lực đó. Tôi có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Hà Lan. Phát âm và ngữ pháp của tôi có thể tồi, nhưng họ quý vì tôi đã cố. Thời gian ấy tôi hoàn toàn có thể học tiếng Anh như mọi cầu thủ nước ngoài khác. Nó cũng sẽ hữu dụng cho cú chuyển nhượng sang Liverpool, nhưng tôi vẫn chọn tiếng Hà Lan. Thật tuyệt khi khiến một người Hà Lan nào đó ngạc nhiên khi thấy tôi biết nói tiếng của họ.

    Tiền đạo đá cặp với tôi tại Groningen là Erik Nevland, người sau này sẽ chuyển sang Fulham. Anh chàng người Na Uy này là ngôi sao khi tôi đến, nhưng anh ta đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình trên sân, cũng như Steven Gerrard sau này vậy.

    Tôi cũng phải cám ơn vì nhờ có Groningen mà tôi được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Với tôi đó là một cột mốc phi thường bời tôi cứ nghĩ ở Uruguay, không ai biết Groningen là CLB nào cả. Ngày tôi biết mình sẽ sang đó, tôi đã rủ đứa em trai chạy ngay ra quán Play Station để xem đội bóng ấy có những cầu thủ nào. Chúng tôi thất vọng vì chả biết nổi một cái tên. Ở Uruguay, nói đến Hà Lan họ chỉ biết Ajax, Feyenoord và PSV. Phần còn lại chỉ là... ruồi muỗi, kể cả AZ hay Twente, những đội đã từng vô địch Hà Lan. 

    Chàng tiền đạo thừa cân
    Hà Lan là một môi trường bóng đá tuyệt vời, nơi ấy không chỉ dạy tôi đá bóng mà còn dạy tôi cách sống nữa. Groningen chính là khởi đầu của quá trình giáo dục ấy. Ở Uruguay, không ai chỉ bảo tôi phải làm những việc đúng đắn, không ai kiểm soát xem tôi ăn uống gì hàng ngày, có bổ dưỡng không, có hại cho sự phát triển của cơ thể không. Vì thế khi đến Hà Lan, tôi thừa đến 6 cân, tôi mập!


    HLV của Groningen, Ron Jans, người vẫn đang là một trong những HLV tốt nhất mà tôi từng biết, đã nói với tôi:
    - Cân nặng tiêu chuẩn của anh là 83 kg, cứ thừa một lạng thôi thì lên ghế dự bị mà ngồi.

    Tôi không biết bất cứ khái niệm nào về ăn kiêng trước khi sang châu Âu. Giờ thì tôi phải đi hỏi han mọi người. Việc đầu tiên là phải ngưng uống coca. Sofi đề nghị chúng tôi chỉ nên uống nước suối và tôi đã duy trì thói quen ấy đến tận bây giờ. Tôi không thể uống bất kỳ thứ nước nào khác nữa.

    Trong lần cân lại, tôi chỉ còn 83,4 kg. Ron quyết định sẽ quên đi con số lẻ vì đã nhìn thấy nỗ lực giảm cân của tôi. Kể từ ấy, tôi không để ai phải nhắc nhở mình ăn uống như thế nào nữa. Tôi cũng tự đặt ra những mục tiêu để hướng đến.

    Sofi vốn đã có thói quen ăn uống lành mạnh từ trước và nàng đã gò tôi rất nhiều thời gian ấy. Tôi cũng học cách làm việc nhà, chẳng hạn như dọn dẹp giường khi ngủ dậy, điều mà khi còn ở Uruguay đã có mẹ và chị gái làm hộ. Chúng tôi chia nhau ra nấu ăn và cả 2 đã trưởng thành rất nhanh trong môi trường tự lập ấy. Groningen là một thành phố với 200.000 dân cư, trong đó 50.000 là sinh viên. Mọi người dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển chủ yếu. Chúng tôi cũng thế.

    Nổi loạn để sang Ajax
    Tôi cứ ngỡ nếu mình chưa bao giờ nghe đến cái tên Groningen thì Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia cũng vậy. Nhưng tôi đã lầm. Thông tin về tôi vẫn có thể đọc được qua mạng Internet và ở tuổi 19, tôi đã được gọi vào đội tuyển cho dù trong trận đấu đầu tiên ấy (giao hữu với Colombia ngày 5/2/2007), tôi bị truất quyền thi đấu vì lỗi phản ứng với trọng tài.

    Tôi rất biết ơn Groningen vì điều đó và cố đền đáp họ. Tôi không phải là người thích tự vạch ra mục tiêu, nhưng trong ngày ký hợp đồng và ra mắt các CĐV, vị Giám đốc điều hành hỏi tôi sẽ ghi bao nhiêu bàn trong mùa. Tôi đã nói: “15 bàn” và thòng thêm một câu nói đùa: “Nhưng trong 5 năm nhé”.

    Trên thực tế, tôi đã ghi đúng 15 bàn mùa ấy. Tôi chơi tốt đến mức đã được CLB lớn nhất Hà Lan chú ý. Và khi một CLB như Ajax xuất hiện, bạn buộc phải gạt sang một bên lòng trung thành với CLB, bởi bạn cũng cần phải trung thành với sự nghiệp của chính mình nữa.
    Cuộc chuyển nhượng từ Groningen sang Ajax không hề diễn ra một cách dễ dàng. Tôi đã phải đấu tranh để điều đó diễn ra. Groningen đã mua tôi với giá 1,4 triệu euro và Ajax đề nghị mua với giá 5 triệu. Tiền lương Ajax đề nghị tôi cũng gấp 6 lần con số mà tôi đang lĩnh. Tất nhiên bây giờ tôi đã biết rõ thu nhập trước và sau thuế khác nhau thế nào.


    Ở Hà Lan có một luật quy định nếu như có một CLB lớn hơn được dự Champions League và trả cho một cầu thủ gấp đôi số lương mà anh ta đang lĩnh thì CLB chủ quản nhỏ hơn buộc phải chấp nhận chuyển nhượng. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là giá cả mà thôi. Ajax đang đề nghị trả gấp 3 số tiền mà Groningen đã bỏ ra cho tôi, nhưng họ vẫn không chịu. Thậm chí Groningen còn muốn mang sự việc ra tận Tòa án thể thao với hy vọng kéo dài thời gian để thời hạn chuyển nhượng trôi qua.

    Người đại diện gọi cho tôi: “Groningen không muốn bán cậu, họ đang làm mọi cách để giữ cậu lại thêm ít nhất 1 mùa nữa”. HLV Ron Jans thì nói: “CLB không muốn để cậu đi, nhưng tôi đang cố hết sức để giúp cậu”.

    Tôi bảo với Jans là mình không muốn bỏ qua cơ hội được chơi bóng cho đội bóng lớn nhất Hà Lan. Ông nói: “Tôi biết, nhưng vấn để là ở Ban lãnh đạo, việc này không vội được”.

    Tôi đã phải thấp thỏm suốt 5 ngày chờ phán quyết của tòa. Trong thời gian ấy tôi vẫn phải tập luyện. Và bạn có tưởng tượng được các CĐV đã hành xử thế nào với tôi không? Họ chửi rủa, miệt thị và xem tôi như một tên đào ngũ. Một sáng nọ, có người đến báo là vụ kiện đã thành công và Groningen sẽ giữ tôi thêm ít nhất 1 năm. Tôi còn 2 buổi tập trong ngày hôm ấy nhưng chân nhấc không nổi, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.

    “Luis, cậu hết muốn tập rồi à,” Jans hỏi.

    “Vâng, chả còn tâm trạng tập nữa”, tôi đáp, lúc ấy chỉ muốn về nhà mà khóc, không dám tin vào cách CLB đối xử với mình.
    Lúc ấy giám đốc kỹ thuật Henk Veldmate gọi điện: “Cứ về nhà đi nhóc, chớ lo gì cả. Tôi hứa sẽ giải quyết việc này và cậu sẽ toại nguyện”.

    Tôi về nhà và 5 giờ chiều ngày hôm ấy, người đại diện Fonseca của tôi thông báo:
    - Luis, mọi thứ đã giải quyết. Họ đã bán cậu với giá 7,5 triệu euro. Chuẩn bị sang Amsterdam thôi.

    Rồi một thành viên trong Ban lãnh đạo Groningen gọi:
    - Luis, chúc mừng cậu đã sang Ajax. Cám ơn vì tất cả.

    Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ, Groningen làm tất cả những vụ lùm xùm kiện tụng cốt chỉ để Ajax nâng giá đề nghị lên mà thôi.

    Ở Hà Lan khi một cầu thủ ra đi, CLB sẽ dành cho anh ta một buổi chia tay đặc biệt. Nói là “chia tay” nhưng hôm đó tôi phải nhận đủ thứ lời miệt thị từ các CĐV. Sự thật tôi ra đi không phải vì ham tiền như họ nói, chỉ vì tôi muốn được thành công tại CLB lớn nhất Hà Lan. Vậy mà người ta đốt áo đấu của tôi và trưng ra những băng rôn chửi rửa. Buổi chia tay ấy tất nhiên không... đặc biệt chút nào.
    (Còn nữa)

     >> Tự truyện "Vượt qua giới hạn" của Luis Suarez (Kỳ 13)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 12)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 11)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 10)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 9)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 8)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 7)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 6)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 5)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 4)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 3)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 2)
     >> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 1)
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay