Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Virgil van Dijk: Hổ bôn tướng quân của Lữ Đoàn Đỏ
Hổ bôn tướng quân Van Dijk của Lữ Đoàn Đỏ - Bongdaplus.vn

Hổ bôn tướng quân Van Dijk của Lữ Đoàn Đỏ

Khi phòng thủ thì vững như núi đá. Khi tấn công thì cuồng nộ tựa bão giông. Khi lược trận thì tinh thông từng ngóc ngách. Khi thư nhàn thì tiêu sái ung dung. Những lời bình phẩm trên hoàn toàn xứng đáng với trung vệ Virgil Van Dijk của Liverpool, người đang kiến tạo nên thành công của The Kop trong 2 mùa giải vừa qua bằng những tuyệt chiêu phòng thủ và những miếng đánh tấn sắc lẻm. Van Dijk vốn vô danh tiểu tốt gần hết tuổi thanh xuân, thế nhưng, như viên ngọc quý ẩn sâu trong lớp đá thô mộc, khi xuất hiện, anh lập tức trở thành một chiến tướng toàn thân đảm lược.

Pha bóng có thể tạo nên bước ngoặt cho cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh mùa này chắc chắn là tình huống Van Dijk đặt bẫy Moussa Sissoko và Son Heung-min. Một tình huống 2 chọi 1 cơ bản và phần lớn hậu vệ sẽ bị đánh bại. Nhưng không, chỉ trong vài tích tắc ngắn ngủi, Van Dijk tư duy xong và quyết định… đợi.

Anh đợi và cứ đợi, không hề lao vào. Nhưng đồng thời, những bước chân lùi dần tưởng chừng vô hại của Van Dijk đã cắt đứt đường giao tiếp giữa Sissoko và Son Heung-min. Khả năng chọn vị trí bây giờ là quan trọng, Van Dijk căn chuẩn thời gian để áp sát đủ gần, buộc Sissoko phải dứt điểm bằng chân không thuận. May mắn cho Liverpool và thán phục Van Dijk, bóng đã bay lên trời.

Van Dijk dường như đã giữ lại 1 điểm cho đội bóng chủ quản nhưng khi Toby Alderweireld lóng ngóng phản lưới nhà, Liverpool, bằng một cách thần kỳ nào đó, kết thúc trận đấu với 3 điểm. Đến thời điểm hiện tại, The Kop vẫn đang dẫn đầu giải quốc nội bằng khoảnh khắc thiên tài của Van Dijk như vậy.

Nhìn vào vóc dáng to cao của Van Dijk chớ vội đánh giá anh thấp. To xác thường khờ khạo là một quan niệm hết sức sai lầm, cũng giống như quan niệm trung vệ thì phải biết xoạc bóng. Sai lầm như thế nào thì hãy hỏi Sir Alex Ferguson. Đối với vị chiến lược gia vĩ đại người Scotland này, một trong những sai lầm khiến ông nuối tiếc nhất sự nghiệp là quyết định bán Jaap Stam vào mùa Hè 2001.

Nguyên nhân khiến Stam bị đẩy đi được đề cập đến nhiều nhất là chuyện Alex Ferguson không hài lòng với những gì trung vệ người Hà Lan viết trong tự truyện. Tuy nhiên, có một câu chuyện ít được biết đến hơn là vấn đề chuyên môn. Sau khi trải qua một ca phẫu thuật chấn thương, phong độ của Stam bị hoài nghi.

Và khi nhận được những thống kê cho thấy Stam ít tăng tốc và tắc bóng hơn hẳn các cộng sự, Alex Ferguson tin rằng hòn đá tảng này đã hết thời. Niềm tin ấy càng mãnh liệt hơn khi Man United nhận được đề nghị béo bở trị giá 15,3 triệu bảng. Tròn 1 năm sau, Man United phải bỏ ra số tiền gấp đôi để chiêu mộ Rio Ferdinand.

Alex Ferguson hối tiếc không phải chỉ vì đi buôn lỗ vốn mà còn bởi Rio Ferdinand cũng lười tăng tốc và tắc bóng như Stam. Hóa ra, trung vệ không nhất thiết phải tắc bóng. Đúng hơn, những trung vệ đạt tới đẳng cấp cao nhất luôn chơi bóng bằng tư duy, tức suy nghĩ nhanh hơn tiền đạo đối phương một nhịp và chỉ trường hợp bất khả kháng mới phải động tay động chân.

Bởi vậy, trung vệ huyền thoại Paolo Maldini mới phát biểu một câu kinh điển: “Nếu tôi phải xoạc bóng tức trước đó tôi đã mắc sai lầm”. Hoặc Xabi Alonso, một tiền vệ phòng ngự lẫy lừng, cũng tuyên bố: “Xoạc bóng không phải là một định nghĩa, cũng chẳng phải thước đo chất lượng. Nó chưa bao giờ là giải pháp tối ưu cả”. Tóm lại, vung rìu vốn không phải là công việc ưa thích của những bậc thầy phòng ngự.

Trong bóng đá đương đại, Van Dijk chính là gương mặt triển vọng nhất đang trên đường đi tới ngôi đền dành cho những quý ông phòng ngự. Truyền nhân của Jaap Stam này sở hữu bộ kỹ năng gần như hoàn hảo cho một trung vệ. Đó là thể hình hộ pháp với chiều cao 1m93 kèm theo sải chân dài như một chú linh dương, là kỹ thuật điêu luyện và là những đường chuyền có độ chính xác đến từng centimet tương tự tiền bối Alonso.

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất phải kể đến ở Van Dijk là sự ung dung tự tại khi chơi bóng, dẫu cho Premier League là sân chơi của tốc độ và thể lực. Bởi lẽ, nhờ tư duy vượt trội, trung vệ này luôn nhanh hơn đối phương một nhịp, qua đó dễ dàng giải quyết tình huống một cách nhẹ nhàng thay vì sử dụng những động tác bất khả kháng như tắc, xoạc, chuồi, húc hay xô đẩy.v.v…

Thống kê chỉ rõ điều này. Tính đến thời điểm hiện tại của Premier League 2018/19, Van Dijk trung bình mỗi trận chỉ tung ra vỏn vẹn 1 cú tắc bóng, tức trận nào "nhỡ" tắc bóng 2 lần thì trận sau "nhịn". Trong khi đó, các cầu thủ phòng ngự trung bình mỗi trận thực hiện từ 2 đến 2,5 cú tắc bóng. Ngược lại, mỗi trận Van Dijk có tới 5,4 pha phá bóng thành công, cao nhất trong các hậu vệ đang khoác áo Big Six.

Tất nhiên, vì toàn diện, Van Dijk không chỉ dừng lại ở việc đóng góp vào khâu phòng ngự. Tính tại hai đấu trường Premier League và Champions League mùa này, Van Dijk trung bình mỗi trận tung ra 77 đường chuyền với tỷ lệ chính xác lên tới 90%, những thông số thường thấy ở các cầu thủ Barca hay Man City.

Điều đáng nói, hàm lượng đột biến trong những đường chuyền của Van Dijk cực cao. Đơn cử như trận lượt về vòng 1/8 Champions League trên sân Allianz Arena của Bayern Munich. Ngoài việc đóng góp 1 bàn thắng, Van Dijk còn kiến tạo bàn mở tỷ số và thực hiện đường chuyền mở ra cơ hội ghi bàn ấn định tỷ số.

Thế cho nên tính đến thời điểm hiện tại, trung vệ người Hà Lan đã có 5 pha kiến tạo bên cạnh 3 bàn thắng trên mọi đấu trường. Tất nhiên, giá trị của Van Dijk thì không thể đong đếm hết qua những con số thống kê. Đơn cử như tình huống một chọi hai ở những phút cuối trận đấu giữa Liverpool và Tottenham như đã đề cập ở trên.

Chính nhờ sự thông minh và am tường đối thủ, Van Dijk đã di chuyển đầy khôn khéo đẩy Moussa Sissoko vào lựa chọn tồi nhất là dứt điểm bằng chân không thuận. Pha bóng ấy không thể phản ánh là phá bóng, cản bóng hay tắc bóng. Nhưng pha bóng ấy của Van Dijk có thể có giá trị bằng cả danh hiệu Premier League.

Tổng quát hơn, với sự xuất hiện của Van Dijk, hàng phòng ngự Liverpool đã không còn hớ hênh và ngớ ngẩn, với những nhân vật khiến CĐV nhà cười ra nước mắt như Loris Karius hay Dejan Lovren. Hàng phòng ngự ấy bây giờ đã lột xác trở thành tường đồng vách sắt vững vàng nhất Premier League khi mới chỉ nhận 20 bàn thua.

Bởi vậy, giống như 30 triệu bảng M.U bỏ ra để mua Ferdinand 20 năm trước, 75 triệu bảng Liverpool chi ra để có Van Dijk đáng giá từng xu.

Khen Van Dijk xuất sắc là chưa đủ, bởi anh còn phức tạp hơn thế nữa. Chính xác, Van Dijk là tập hợp của những sự mâu thuẫn. Có ai tin ứng viên hàng đầu cho danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh năm nay chỉ có số lần thi đấu cho ĐTQG nhiều hơn đúng Trent Alexander-Arnold – cậu nhóc 20 tuổi, trong hàng tứ vệ của Liverpool trước Tottenham.

Khi Joel Matip tuyên bố chia tay ĐT Cameroon vào năm 2015, Van Dijk mới có lần đầu ra mắt ĐT Hà Lan và đến mùa Hè tới anh đã 28 tuổi – tức là già hơn Matip. Tại sao một cầu thủ xuất chúng chừng ấy lại được thừa nhận muộn đến vậy? Có lẽ tất cả chỉ là do… lười mà thôi.

Câu chuyện bây giờ quay trở lại quãng thời gian ngây thơ ở Hà Lan. Lúc còn niên thiếu, Van Dijk khá còi cọc và chơi ở vị trí hậu vệ phải cho đội trẻ của Willem II. Nhưng tuổi dậy thì qua đi để lại cho Van Dijk một cơ thể khổng lồ mà đôi chân chưa thể thích ứng kịp. Thế là những tổn thương háng và đầu gối cứ thế hành hạ chú bé có mái tóc xoăn tít.

Khi bình phục, Van Dijk ngay lập tức chơi hay ở vị trí mới, trung vệ trong các lứa U19, U23 và cả đội một Willem II. Nghe có vẻ tốt nhưng thực sự không, Van Dijk dành quá nhiều thời gian thi đấu mà không có đủ thời gian phát triển trên sân tập, điều bị chỉ ra ngay ngày đầu chuyển tới Groningen.

“Tôi thấy một chàng trai không đủ cân đối để thi đấu”, Dick Lukkien, HLV đội dự bị của Groningen nhớ lại về Van Dijk. “Cậu ấy đã không tập luyện hàng tuần liền và do đó chúng tôi dùng cả 6 tháng đầu để giúp Van Dijk cân đối trở lại”.

Vấn đề là như thế này. Khi bạn đủ giỏi để chẳng cần tập luyện mà vẫn có thể thi đấu tốt, sự phản kháng xuất hiện. Van Dijk là như vậy và anh chàng cần phải cảm thấy may mắn vì Lukkien đã xuất hiện trong đời mình. Sự nghiêm khắc của Lukkien đã cứu rỗi một tài năng thật sự.

“Tôi đương nhiên nhận ra tài năng của Van Dijk nhưng cũng sớm nhìn ra cậu ta quá dễ dãi, quá trì trệ. Bạn phải cống hiến hết sức mỗi ngày nhưng Van Dijk thì quá phập phù. Có khi cậu ta tập luyện chăm chỉ nhưng phần lớn chỉ tập với 50 hay 60% khả năng.

Điểm mấu chốt là phải khiến Van Dijk nỗ lực mỗi ngày trong mỗi bài tập. Đó là cách để trưởng thành và phát tiết tài năng thật sự tiềm ẩn bên trong. Mọi cố gắng của tôi chỉ để cho Van Dijk hiểu đó chính là thứ mà cậu ta cần cải thiện nhất”.

Nhưng khi Van Dijk chuyển sang Celtic, không còn Lukkien ở đó. Và rồi, ngựa quen đường cũ. Chỉ sau một vài trận đấu, nhóm người ở Scotland nhanh chóng thốt lên “Cậu ta đang làm cái quái gì ở đây vậy?”.

Không phải Van Dijk chơi tệ mà anh quá xuất sắc. Một trung vệ với tư duy và đôi chân của một tiền vệ sáng tạo. Van Dijk có thể đánh đầu, chuyền dài, chuyền ngắn, thậm chí cả sút phạt. Anh đọc tường tận trận đấu như một cuốn sách giáo khoa và thể hiện đẳng cấp vượt trội.

HLV Neil Lennon nói rằng: “Van Dijk có vầng hào quang bao bọc, đó là sự tự tin và bởi vì cậu ấy biết mình thật sự giỏi”. Vậy đấy, câu chuyện trở lại là Van Dijk thấy mọi thứ quá dễ dàng, đâm ra dễ dãi. Ngay mùa thứ 2 ở Celtic, HLV lúc đó là Ronny Deila không hôm nào không mắng Van Dijk quá lười tập.

Thực tế thì dù có mắng Van Dijk, Deila cũng biết đó không hoàn toàn là sự kiêu ngạo. Đó là mặt tích cực của sự kiêu ngạo. Khi bạn đạt đến một trình độ vượt xa mặt bằng chung, bạn sẽ cần tới tính cách này. Sự kiêu ngạo của Van Dijk truyền đi sự tự tin cho phần còn lại của Celtic.

Đúng như câu hỏi bên trên, Van Dijk thực sự không thuộc về Celtic hay giải ao làng Scotland. Cảm giác có cái gì đó không đúng, không ổn, không đủ cứ mãi thôi thúc kẻ lười biếng Van Dijk tìm đến nơi anh ta không cần phải lười biếng trên ngai vàng nữa.

Southampton mở ra cánh cửa Ngoại hạng Anh với Van Dijk bằng một hợp đồng trị giá 13 triệu bảng vào năm 2015. Sammy Lee - trợ lý của HLV Ronald Koeman ngỡ ngàng: “Giống như vịt rơi xuống nước. Tất cả đều bất ngờ với tốc độ Van Dijk thích nghi với giải Ngoại hạng, nhưng một cầu thủ chất lượng như thế thậm chí có thể lựa chọn tốc độ mình muốn. Những cầu thủ giỏi nhất dường như lúc nào cũng có đủ thời gian và không gian. Van Dijk là như vậy”.

Mùa đầu tiên, Van Dijk là Cầu thủ xuất sắc nhất Southampton. Mùa thứ 2, tấm băng đội trưởng thuộc về anh. Đến thời điểm hiện tại, từ 13 triệu đã trở thành 75 triệu bảng mà Liverpool phải trả cho The Saints. Và tất cả đều công nhận số tiền đó thực ra là một món hời với nửa đỏ vùng Merseyside.

Vậy đó, bạn có thể xuất phát chậm nhưng một khi biết mình có khả năng, bạn sẽ tăng tốc nhanh hơn kỳ ai. Van Dijk chưa về đích nhưng chắc chắn sẽ là một trong những người đến đầu tiên.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay