Bóng Đá Plus trên MXH

World Cup 1966: Kỳ quan không cánh của người Anh
Kinh Thi • 07:34 ngày 04/02/2014
World Cup 1966: Kỳ quan không cánh của người Anh
    Ngôi sao bóng đá Anh David Platt từng nói: “Trong suốt sự nghiệp cầu thủ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến một sơ đồ chiến thuật khác. Thế hệ chúng tôi luôn thi đấu với sơ đồ 4-4-2, như thể bóng đá chỉ có mỗi sơ đồ ấy. Tôi không biết, cũng không cần biết vì sao phải như thế”. Platt nói ở thời điểm đã 40 năm trôi qua kể từ khi sơ đồ 4-4-2 đưa đội tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966!

    4-4-2 LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU CHO BÓNG ĐÁ ANH
    Trước và sau World Cup 1950, cả thế giới chơi theo sơ đồ WM. “Đội bóng Vàng” Hungary được ngưỡng mộ trong suốt nửa đầu thập niên 50, gồm cả World Cup 1954, bằng sơ đồ 4-2-4 tuyệt vời. Brazil của Didi, Vava, Pele, Garrincha, Zagallo cũng chơi 4-2-4 để vô địch World Cup 1958, nhưng khi bảo vệ thành công vương miện tại World Cup 1962 thì Garrincha và đồng đội đã chuyển sang cách chơi 4-3-3 rất tiên tiến.

    Thế rồi, quê hương bóng đá đăng cai World Cup 1966 và lên ngôi vô địch với sơ đồ 4-4-2. Tóm lại, những năm 1950-1960 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của chiến thuật bóng đá, với các sơ đồ mới liên tục xuất hiện và tỏ rõ tính ưu việt.

    Còn sau World Cup 1966? Người Anh chẳng cần thay đổi gì nữa. Gần nửa thế kỷ tiếp theo, tuyệt đại đa số các đội bóng Anh (gồm cả CLB lẫn ĐTQG) luôn ra sân với sơ đồ 4-4-2, như một sự mặc định.

    Thế giới xung quanh thì vẫn tiếp tục phát triển, với nhiều cách chơi mới mẻ hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận, cách chơi 4-4-2 vẫn tiếp tục tồn tại bên ngoài nước Anh suốt nhiều thập kỷ sau kỳ World Cup 1966. Đấy là sơ đồ chiến thuật phổ biến nhất, bền bỉ nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Người ta dùng sơ đồ 4-4-2 không chỉ để ra sân thi đấu, mà còn để bầu chọn các đội hình kiểu mẫu, để ráp nối đội hình thật nhanh trong các trận đấu biểu diễn, để đặt tên cho các chương trình hoặc tạp chí bóng đá.

    Nhìn lại lịch sử, ngoài chuyện nghĩ ra và hệ thống hóa hoàn chỉnh luật lệ, bóng đá Anh thật ra không có nhiều chi tiết chuyên môn đáng tự hào. Thành tích của nền bóng đá này cũng chẳng có gì ghê gớm, ngoài chức vô địch World Cup 1966. Dù sao đi nữa, “tác quyền 4-4-2” của người Anh thì đúng là đáng bội phục.

    Công đầu thuộc về HLV Alf Ramsey. Người ta gọi sơ đồ chiến thuật 4-4-2 của ông tại World Cup 1966 là “kỳ quan không cánh”, bởi đấy là lần đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao, có một đội tuyển sử dụng đội hình không có tiền đạo cánh, nhưng lại chiến thắng rực rỡ.

    RAMSEY ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI ĐẾN VÀI CHỤC NĂM
    Ramsey từng là danh thủ, khoác áo đội Anh đến năm 1953, sau đó huấn luyện Ipswich. Không chỉ đưa Ipswich từ giải hạng Ba lên giải hạng Nhất, Ramsey còn đem về cho đội này chức vô địch Anh ngay trong nỗ lực đầu tiên. Chính tại Ipswich, HLV Ramsey đã nghĩ ra sơ đồ chiến thuật 4-4-2 cùng cách chơi mới mẻ kèm theo đó.



    Điểm mấu chốt: các tiền đạo cánh hầu như không bao giờ tham gia phòng ngự, nếu thay bằng tiền vệ cánh thì Ramsey sẽ có các cầu thủ vừa tấn công vừa phòng ngự ở 2 biên. Tiện lợi đã đành, phát kiến về chiến thuật của Ramsey còn thành công ở chỗ hậu vệ biên của đối phương chẳng biết xử lý ra sao trước các tiền vệ biên, do họ chỉ quen đối phó với tiền đạo cánh.

    Những gì HLV Ramsey nghĩ ra hồi đầu thập niên 1960, đến giờ vẫn còn giá trị, đủ thấy sơ đồ 4-4-2 vĩ đại như thế nào. Một ví dụ: khi AC Milan nổi lên thống trị châu Âu và thế giới trong những năm 1980-1990, các HLV Arrigo Sacchi và Fabio Capello đều dùng sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Cũng từ thành công của Milan dưới thời Sacchi và Capello, sơ đồ 4-4-2 lại càng thịnh hành trong bóng đá đỉnh cao ở thập niên 1990.

    Vậy thì, đâu có gì lạ khi David Platt thừa nhận: ông và các cầu thủ Anh trong thế hệ của mình chẳng bao giờ quan tâm đến sơ đồ khác. Trong nửa thế kỷ, giới bóng đá Anh chỉ biết ra sân và chơi theo sơ đồ 4-4-2, sơ đồ đã đem về cho đội tuyển Anh chức vô địch quan trọng duy nhất.

    Bỏ qua ảnh hưởng của chức vô địch World Cup 1966, vì sao người Anh “phải” chơi 4-4-2 suốt nửa thế kỷ? Theo Platt, đây còn là vấn đề “con gà và quả trứng”. Một mặt, phải chơi như thế vì bóng đá Anh không có tiền đạo cánh xuất sắc. Mặt khác, bóng đá Anh không có tiền đạo cánh xuất sắc vì họ chỉ chơi 4-4-2, nghĩa là không dùng tiền đạo cánh!

    MỐI LƯƠNG DUYÊN KỲ LẠ
    Mọi người đều biết, chiến thuật bóng đá luôn đòi hỏi phải có con người phù hợp đi kèm. Đây cũng là chi tiết cốt lõi khiến HLV Ramsey thành công với sơ đồ 4-4-2 tại World Cup 1966. Thật ra, ông dùng sơ đồ 4-3-3 trong suốt vòng bảng. Nhưng khi ấy, đội Anh chẳng có tiền đạo cánh nào ra hồn.

    Trong 3 trận, ông luân phiên dùng 3 tiền đạo cánh khác nhau: John Connelly gặp Uruguay, Terry Paine gặp Mexico và Ian Callaghan gặp Pháp. Nhìn chung, đều không thuyết phục. Đã vậy, tiền đạo số 1 của bóng đá Anh khi ấy là Jimmy Greaves lại chấn thương, không thể dự trận tứ kết.

    Ramsey bất ngờ dùng tiền đạo trẻ Geoff Hurst thay Greaves, và dùng cả cặp tiền đạo Hurst - Hunt vì một mình Hurst thì sợ không đủ uy lực. Để cân bằng giữa công và thủ, ông chuyển sơ đồ 4-3-3 sang 4-4-2. Thế là thành công vang dội.

    Sau chức vô địch World Cup 1966, thầy trò Ramsey còn đoạt hạng 3 tại EURO 1968 (thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự EURO của đội Anh). Họ thắng ĐKVĐ TBN trong cả 2 lượt để vào bán kết. Trước đó, Anh cũng thắng nhà vô địch EURO 1964 ngay trên đất TBN, bằng cách chơi 4-4-2, trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 1966.

    Sơ đồ 4-4-2 rất thích hợp với một tuyển Anh vốn có các tiền vệ cánh công/thủ toàn diện (Alan Ball và Martin Peters). Sơ đồ này cũng thích hợp với cặp tiền đạo Geoff Hurst - Roger Hunt. Hai trung phong “tầm tầm” hỗ trợ cho nhau. Sơ đồ này cũng thành công nhờ cặp tiền vệ giữa sân bổ sung rất tốt cho nhau: Bobby Charlton lo tấn công, còn Nobby Stiles lo phòng thủ. Charlton kể lại trận giao hữu tại TBN: “Hậu vệ cánh của đối phương cứ trân mắt nhìn nhau, chẳng biết nên làm gì khi chúng tôi tấn công”.

    Sau này, cách chơi 4-4-2 lại càng trở nên khắng khít với bóng đá Anh do những pha dốc biên, tạt cánh, đánh đầu, cùng nguyên tắc “chạy và sút” ào ạt rất thích hợp với khí hậu lạnh trên xứ sở sương mù. Đội hình 4-4-2 khai thác khoảng trống để tấn công rất tốt, nếu các cầu thủ “chịu chạy” (trong khi đội hình 4-3-3 rải người đều hơn, đòi hỏi kỹ thuật cá nhân nhiều hơn so với việc di chuyển).

    Không chỉ thi đấu mà ngay cả trong các buổi tập, nhất là ở các đội trẻ, người Anh luôn có nhu cầu vận động nhiều, cả đội hình phải tập di chuyển đồng bộ với nhau, để chống lạnh. Rõ ràng, 4-4-2 là của người Anh. Và bóng đá Anh chính là thứ bóng đá 4-4-2!

    KẾT QUẢ WORLD CUP 1966 (Từ 11/7 đến 30/7/1966, tại Anh)
    - Vô địch:
    Anh
    - Á quân: Đức
    - Hạng 3: BĐN
    - Hạng 4: Liên Xô
    - Vua phá lưới: Eusebio (BĐN, 9 bàn)
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội