Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Bundesliga
Trong lần gần đây nhất vô địch Bundesliga, Dortmund (của Juergen Klopp) không có hơn 80 bàn. Lần vô địch Bundesliga gần đây nhất của Wolfsburg, Stuttgart, Werder Bremen, Kaiserslautern cũng đều là như vậy: không thể ghi nhiều hơn 80 bàn.
Một chút “trừ hao”: Bayern này không hoàn toàn là của HLV Hansi Flick. Ông chỉ tiếp quản công việc từ người tiền nhiệm Niko Kovac sau 10 vòng đấu. Ở trận cuối cùng trước khi Kovac bị sa thải, Bayern thảm bại 1-5 trước Eintracht Frankfurt, đối thủ mà Bayern của Flick vừa thắng 5-2 trong đêm thứ Bảy. Nghĩa là, Bayern trong 17 vòng của Flick còn “dữ dội” hơn Bayern “tổng thể” gồm 27 vòng. Dưới thời Kovac, hùm xám xứ Bavaria thua và hòa đến phân nửa số trận của họ ở Bundesliga.
Ở thời điểm lập kỷ lục ghi 80 bàn/27 vòng thì tính bình quân, đấy là hiệu suất 2,96 bàn/trận. Riêng trong 17 trận từ khi Flick cầm quân, Bayern ghi 3,24 bàn/trận. Giới điều hành Bayern hẳn đang xoa tay nhìn lại quyết định của họ trong 2 lần “nâng cấp” chức danh của Flick (từ HLV tạm thời thành HLV chính thức đến hết mùa bóng, rồi từ HLV đến hết mùa bóng thành HLV lâu dài - hợp đồng ký đến năm 2023).
Sau trận thắng Frankfurt, Oliver Kahn (thành viên ban điều hành) bình luận, như một cách lý giải nguyên nhân thành công của Flick: “Hansi hiểu rõ tinh thần của đội bóng này”. Hồi chọn Flick làm HLV chính thức, “sếp lớn” Karl-Heinz Rummenigge cũng nói như vậy. Vâng, Flick từng khoác áo Bayern, trong nửa cuối thập niên 1980. Nhưng ông hiểu rõ tinh thần Bayern, vì là “người cũ”? Hơi mâu thuẫn, khi Flick bình luận “xưa khác, nay khác”, cả về Bayern nói riêng lẫn bóng đá đỉnh cao nói chung. Theo Flick, Bayern ngày xưa chỉ cần chiến thắng là đủ. Bây giờ, yêu cầu cao hơn. Theo HLV Flick thì Bayern của ông luôn phải đáp ứng nhiệm vụ ghi bàn thật nhiều, chứ không phải cứ thắng là được.
Đấy là cách nói của người đang thành công. Xem các trận đấu thời “sau dịch” của Bayern, ai cũng có thể cảm nhận: họ thắng quá dễ dàng. Không riêng gì họ, đối thủ chính trong cuộc đua giành ngôi vô địch là Borussia Dortmund cũng vậy.
Đại dịch đã làm suy yếu Bayern, Dortmund, và bất cứ đội bóng chuyên nghiệp nào khác? Chắc chắn rồi. Chất lượng chung của Bundesliga khi trở lại sau dịch cũng chỉ ở mức độ “xem... cho đỡ ghiền”, chưa thể là bóng đá đỉnh cao đích thực. Kết luận ở đây có lẽ là: khi mà tất cả đều suy yếu vì hoàn cảnh chung, thì những “ông lớn” như Bayern hoặc Dortmund lại càng hưởng lợi, đơn giản vì các đội phía dưới đều trở nên quá yếu. Còn khi đã thắng thì Kahn hay Flick nói gì chẳng đúng!
XEM THÊM
Bayern sẽ đá với Eintracht Frankfurt bằng đội hình nào?
Bayern chiêu mộ thành công 'tiểu Gnabry'
Sếp Bayern dạy dỗ 'sát thủ' được cả Liverpool, M.U và Chelsea theo đuổi