Bóng Đá Plus trên MXH

Đức đá hỏng 3 quả luân lưu: Biểu tượng thất truyền
Trần Minh • 06:23 ngày 04/07/2016
Trong cái đêm mà Đức xóa bỏ lời nguyền để vượt qua Italia, họ cũng cho thấy mình đã đánh mất thứ tinh thần thép vốn làm nên thương hiệu của người Đức. Sút luân lưu giờ không còn là cuộc chơi mà Đức làm chủ. Họ đã giao việc ấy cho số phận.
    CĂNG THẲNG & RUN SỢ

    Trước khi bước vào loạt sút luân lưu với Italia, Đức chưa đá hỏng một quả luân lưu nào kể từ năm 1982. Hai mươi mốt lần các cầu thủ bước lên chấm 11 mét là hai mươi mốt lần đối phương phải thất vọng. Trong toàn bộ lịch sử các kỳ EURO, chỉ vỏn vẹn hai lần cầu thủ Đức không đưa được bóng vào lưới khi thi sút 11 mét.

    Đấy thật sự là một niềm kiêu hãnh của người Đức. Khi đã dùng đến sút luân lưu để phân định, chiến thuật và kỹ thuật chẳng còn ý nghĩa gì nữa, kẻ mạnh hơn về tâm lý sẽ thắng. Nhưng lần này, những cầu thủ Đức lừng lẫy nhất đã thất bại. Schweinsteiger, Mueller và Oezil để sự căng thẳng lộ ra nét mặt, và không làm chủ được đôi chân. Thứ gọi là tinh thần Đức quả thực không còn nữa.

    Trước đó, khi Mesut Oezil để cho thủ thành Matus Kozacik của Slovakia đỡ quả 11 mét của mình ở vòng 1/8, đấy là lần đầu tiên Đức đá hỏng phạt đền trong toàn bộ lịch sử các kỳ EURO. Phải chăng khi Đức từ giã hình ảnh “xe tăng” để hướng đến một lối chơi đẹp mắt hơn thì cũng là lúc họ từ bỏ sự mạnh mẽ về mặt tâm lý từng làm nên thương hiệu?

    Người Đức vốn xem tâm lý thép là một thứ đặc sản dân tộc. Trong bộ phim “Enemy at the gates” nói về Thế chiến thứ 2, nhân vật bắn tỉa người Đức do Ed Harris đã bao phủ sự sợ hãi lên toàn bộ không khí của bộ phim chính bởi cái tinh thần Đức lạnh lùng mà mạnh mẽ. 

    Ở một bộ phim khác, “Inglorious Basterds”, vai Hans Landa của Christoph Waltz làm lu mờ toàn bộ dàn sao hùng hậu của phim, chính là vì cái khí chất Đức đã toát ra trong từng nét diễn. Khi đã vào cuộc chiến tâm lý với Đức, bạn coi như cầm chắc thất bại.


    ĐỨC KHÔNG CÒN MÊ LUÂN LƯU

    Người Đức cũng nghĩ ra luật “bàn thắng vàng”, còn gọi là “cái chết bất ngờ” trong hai hiệp phụ. Và sau này chính họ là những người đầu tiên hưởng lợi từ luật này ở EURO 1996. Bầu không khí càng căng thẳng, Đức lại càng thích. 

    Thế nên dù họ không bao giờ thích người khác gọi mình là “xe tăng”, nhưng hình ảnh cỗ máy chiến tranh lạnh lùng ấy đã nói lên được sự đáng sợ của họ. Bị dẫn trước không run, đá hiệp phụ không run, đá 11 mét cũng không run. Chỉ có đối thủ khi phải đấu trí với Đức mới phải run mà thôi.

    Thế nhưng bây giờ, người ta thấy rõ cái tâm lý vững vàng ấy đã là một biểu tượng thất truyền. Từ chỗ không đá hỏng quả luân lưu nào suốt từ 1982 đến giờ, Đức hỏng một lèo 3 quả trước Italia. Đức vẫn thắng đó, nhưng là cái thắng của sự run sợ trên từng bước đi. Và sau hôm qua, có lẽ Manuel Neuer và các đồng đội chỉ mong đừng đừng bao giờ trao lại số phận của mình cho những quả luân lưu nữa.

    Loạt Penalty cân não giữa Đức và Italia

    ĐANG TẢI VIDEO...
    Vui lòng chờ trong giây lát.


    CON SỐ 2&3 

    Trước khi đá hỏng 3 quả luân lưu trước Italia hôm qua, Đức chỉ hỏng có 2 quả luân lưu trong tổng cộng 28 quả luân lưu phải sút ở lịch sử những lần tham dự các giải đấu lớn. Đấy là pha đá hỏng của Uli Stielike ở bán kết World Cup 1982 với Pháp (Đức vẫn vào chung kết). 

    Trước đó, Uli Hoeness đá hỏng luân lưu và khiến Đức thua Tiệp Khắc ở chung kết EURO 1976. Đấy cũng là lần duy nhất Đức để thua trong thi sút luân lưu ở các giải lớn.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội