Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Trung Quốc: Giấc mộng cường quốc biến thành nỗi ô nhục tham nhũng
12:27 ngày 22/03/2023
Những SVĐ đã được mở cửa trở lại khi chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ những lệnh hạn chế theo chính sách "Zero Covid" nhưng lượng khán giả tới xem bóng đá vẫn ở mức rất khiêm tốn. Một phần, họ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng phần nhiều, họ hết sạch niềm tin với nền bóng đá đầy rẫy tham nhũng của mình.

    Từ tham vọng lớn lao

    Sergio Aguero không phải là tiền đạo xuất sắc nhất thế hệ của mình nhưng anh có một "danh hiệu" không ai làm được. Năm 2015, El Kun trở thành cầu thủ Premier League đầu tiên và có thể cuối cùng chụp... selfie với ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi đó, Chủ tịch Tập đang có chuyến tham quan SVĐ Etihad của Man City, đi cùng Thủ tướng Anh thời đó là David Cameron, và nói về tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường bóng đá vào năm 2050.

    Với một nhà lãnh đạo yêu bóng đá như vậy, môn thể thao này tràn trề cơ hội phát triển mạnh mẽ ở đất nước tỉ dân. Năm 2016, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) vạch lên kế hoạch xây dựng 70.000 sân bóng để cho 50 triệu người dân sinh hoạt vào năm 2020. Chủ tịch Tập thậm chí còn muốn nước này đứng ra đăng cai World Cup

    Bức ảnh nổi tiếng của Aguero vời nhà lãnh đạo Trung Quốc

    Khi bóng đã được xã hội hóa, nó bỗng trở thành một từ khóa nóng bỏng, thu hút dòng tiền từ khắp nơi đổ vào. Các doanh nhân đầu tư rất nhiều vào môn thể thao này, đưa tên tuổi các CLB ở giải Chinese Super League vượt ra khỏi biên giới, tiến thẳng tới thị trường châu Âu. Cơn sốt mua sao và trả lương khủng mang về hạng đấu cao nhất nước những tên tuổi đình đám như Didier Drogba, Nicolas Anelka, Oscar, Hulk, Witsel... Thống kê từ 2011 tới 2020, các CLB Trung Quốc đã chi ra 1,7 tỉ USD vào chuyển nhượng quốc tế. Đỉnh điểm là năm 2016 khi số tiền chuyển ra nước ngoài để mua sao lên tới 450 triệu USD.

    Cùng với đó, một tín hiệu tích cực khác là bổ nhiệm Chen Xuyuan làm chủ tịch CFA năm 2019. Ông Chen từng làm chủ tịch của Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải, sau đó mua lại một đội bóng địa phương, đổi tên thành Shanghai Port FC năm 2015 và đưa đội bóng vô địch quốc gia 3 năm sau đó.

    "Trong quá khứ, chủ tịch của CFA luôn do chính phủ bổ nhiệm", Qi Peng, giảng viên cao cấp về chính sách và quản lý thể thao tại Đại học Manchester Metropolitan cho biết. "Điều đó đôi khi dẫn tới việc bóng đá Trung Quốc được quản lý bởi những quan chức có ít hiểu biết về văn hóa lẫn thương mại bóng đá. Vì vậy khi ông Chen được bổ nhiệm làm chủ tịch CFA, với thành tích quá khứ của mình, ông ấy chắc chắn sẽ mang tới sự khác biệt".

    Đến hiện thực đổ nát

    Hôm 14/2 vừa qua, ảo mộng về bóng đá Trung Quốc đổ sập trước mắt người dân. Chen Xuyuan trở thành lãnh đạo CFA thứ 4 bị điều tra chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng, sau HLV trưởng ĐTQG Trung Quốc Li Tie và cựu tổng thư ký CFA Liu Yi. Và đó mới chỉ là bề nổi của một tảng băng khổng lồ. Chủ tịch Hiệp hội các CLB Trung Quốc, Rowan Simons khẳng định đây là "làn sóng càn quét những nhân vật tham gia làm bóng đá lớn nhất kể từ khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012" và cho thấy "10 năm cải cách vừa qua đã uổng phí".

    Đáng nói, khi ông Li Tie bị bắt vào tháng 11 năm ngoái vì "vi phạm nghiêm trọng những quy định", ông Chen Xuyuan đã có bài phát biểu rất cứng rắn về quyết tâm làm sạch bóng đá Trung Quốc. Để rồi khi ông Chen cũng dính án, tờ Sina nhận xét: "Công lý có thể đến muộn, nhưng không vắng mặt. Kể từ khi đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc thất bại ở vòng loại World Cup, nhất là trận thua đội tuyển Việt Nam vào ngày đầu năm mới, người hâm mộ đã đặt câu hỏi về vấn đề nằm ở CFA. Không thể mù quáng chỉ đổ lỗi trách nhiệm cho các cầu thủ và HLV".

    Ông Chen trước khi bị bắt

    Những gì chủ tịch Tập giao phó, những người đứng đầu CFA - là ông Chen và các vị tiền nhiệm, mới làm được rất ít. Tính tới năm 2021, mới chỉ có thêm 27.000 sân bóng mới được xây. Vào năm 2017, thuế chuyển nhượng 100% đã được áp dụng đối với các cầu thủ nước ngoài được mua với giá hơn 45 triệu nhân dân tệ (5 triệu bảng) và các cầu thủ trong nước được chuyển nhượng với giá hơn 20 triệu nhân dân tệ. Rowan Simons nhận định: “Số tiền đó lẽ ra phải được dùng để phát triển cơ sở bóng đá nhưng nó đã biến mất. Có khi nó đã rơi vào túi của những quan chức biến chất".

    “Tôi đã từ bỏ mọi hy vọng và ảo tưởng mà tôi từng có ở bóng đá Trung Quốc,” Bert Zhou, một doanh nhân ở Thâm Quyến và là một người hâm mộ bóng đá, cho biết. “Đội tuyển bóng đá Trung Quốc đơn giản là nỗi ô nhục quốc thể". Giấc mơ trở lại World Cup quá xa xôi với quốc gia tỉ dân khi mà thứ hạng của đội tuyển chỉ là 80, thấp hơn cả Georgia và Gabon. Lúc này, hi vọng duy nhất của Trung Quốc chỉ dành cho bóng đá nữ, phần còn lại chỉ là nỗi thất vọng lớn lao.

    Hà Trang • 12:27 ngày 22/03/2023
    Tags: Trung Quốc

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay