Bóng Đá Plus trên MXH

Khi nào CLB và ĐTQG mới hết cảnh xung đột lợi ích?
19:55 ngày 08/09/2021
Một tuyển thủ chuyên nghiệp phải xác định cống hiến vì đội tuyển quốc gia, hay ưu tiên CLB trước tiên? Mỗi châu lục, mỗi nền bóng đá, và mỗi cá nhân sẽ đưa ra những câu trả lời rất khác nhau. Điều đó cho thấy khác biệt trong quan điểm dùng người ở từng khu vực, cũng như sức nặng của ĐTQG khi đặt bên cạnh những CLB.

    Đội bóng “to” hơn đội tuyển

    Ngay trước thềm loạt trận quốc tế đầu tháng 9, các CLB Premier League đã phát đi thông báo: Cấm toàn bộ cầu thủ châu Phi và Nam Mỹ trong đội hình tập trung cùng đội tuyển quốc gia. Lý do bởi nếu trở về tuyển, họ có nguy cơ phải cách ly dài hạn khi quay lại Anh. Các CLB không mong muốn điều này, nhất là trước viễn cảnh hàng loạt ngôi sao tiền tỷ phải ngồi ngoài vài tuần tới.

    Nếu như ở Tottenham, ban lãnh đạo CLB không thể ngăn chặn Lo Celso và Romero hội quân cùng tuyển Argentina; thì MU đã ngăn chặn đường về của Cavani trước cả khi anh nghĩ tới chuyện đó. HLV Ole Gunnar Solskjaer phát biểu trong phòng họp báo với giọng nhẹ nhàng, nhưng chẳng khác nào cảnh báo Cavani: "Cậu ấy cần ở lại lúc này. Cavani phải hiểu ai đang trả lương cho mình và làm theo yêu cầu".

    Quan điểm ưu tiên CLB hơn cả đội tuyển quốc gia đặc biệt phổ biến ở những đội bóng lớn, nơi một vài ngôi sao hàng đầu được hưởng biệt đãi so với phần còn lại. Năm 2004, đồng đội của Solskjaer ở MU khi ấy là Paul Scholes tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia khi mới 30 tuổi. Hồi tháng trước, tiền vệ Toni Kroos cũng tuyên bố từ giã đội tuyển Đức ở tuổi 31.

    ĐTQG Hàn Quốc hiếm khi dám mạo hiểm sức khoẻ của Son Heung Min khi anh gặp chấn thương, ngay cả trong các tình huống khẩn cấp

    Những lời chia tay sớm của Scholes và Kroos còn mang một hàm ý khác: Áp lực thi đấu ở đội tuyển quốc gia quá lớn. Quãng thời gian tập trung cùng đội tuyển thường diễn ra khá ngắn, cầu thủ chưa tập luyện cùng nhau nhiều nên thi đấu đôi lúc không đạt kết quả như ý muốn. Và khi phải nhận chỉ trích vì thất bại, họ muốn gắn bó với CLB nhiều hơn, nơi họ được tôn trọng tuyệt đối.

    Tâm lý chán chường, muốn bỏ cuộc sau một chiến dịch thất bại là điều không thể tránh khỏi với bất cứ ai. Lionel Messi cũng không phải ngoại lệ. Năm 2016, M10 từng tuyên bố từ giã ĐT Argentina. Lúc đó anh mới 29 tuổi, và điều đó đã trở thành sự kiện chấn động. Thị trưởng thủ đô Buenos Aires và cả Tổng thống Argentina lúc ấy đã phải lên tiếng động viên Messi trở lại thi đấu.

    Những ràng buộc lợi ích

    Năm 2001, Solskjaer và người đại diện từng gây chú ý bằng một vụ kiện... Liên đoàn bóng đá Na Uy. Số là ở thời điểm đó, Solsa và MU đang có hợp đồng quảng cáo với Pepsi; nhưng Liên đoàn bóng đá Na Uy lại bắt anh xuất hiện quảng bá cho kình địch Coca Cola ở đội tuyển quốc gia. Vụ việc nghiêm trọng tới mức MU phải ra làm việc với Na Uy, và cuối cùng đội bóng Anh giành chiến thắng.

    Ràng buộc lợi ích lớn với CLB là nguyên nhân khiến nhiều cầu thủ phải đặt nghĩa vụ quốc gia qua một bên, nhất là khi anh ta đang đầu quân cho một đội bóng lớn. Phía ĐTQG cũng phải kiềng chân nể mặt các đại gia khi gọi cầu thủ của họ lên tuyển. Jadon Sancho, Minamino được trả lại CLB chỉ vì một vết đau nhẹ. Son Heung Min vẫn ở lại cùng tuyển Hàn Quốc nhưng không thi đấu.

    Solskjaer nhắc khéo Cavani khi tiền đạo này muốn về tập trung ĐTQG Uruguay giữa tâm dịch Covid-19

    Trong một cuộc "tranh giành" cầu thủ giữa CLB và đội tuyển quốc gia, suy cho cùng, phần thắng luôn thuộc về bên có vị thế lớn hơn. Ngoài Messi, một người có tầm ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ CLB hay đội tuyển quốc gia nào khác, các cầu thủ thường bắt buộc phải chọn phục vụ cho CLB. Những đội bóng như MU, Tottenham, Real... có vị thế lớn hơn hẳn tuyển quốc gia.

    Xu hướng "CLB to hơn ĐTQG" lại không đúng ở những nền bóng đá đang phát triển trên thế giới. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời, đơn giản là, luôn xoay quanh bốn chữ “lợi ích kinh tế”. MU, Real là những cỗ máy kiếm tiền, những đế chế thể thao thực thụ, hoàn toàn khác những CLB phải sống dựa vào hầu bao của ông chủ như Hà Nội FC hay Hoàng Anh Gia Lai. Điều đó cũng đúng ở những CLB Thái Lan, Nhật Bản.

    H.Linh • 19:55 ngày 08/09/2021
    Tags:

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay