Bóng Đá Plus trên MXH

Paul Gascoigne - sản phẩm kỳ lạ của bóng đá Anh (kỳ 2): Từ 'bom nổ chậm' thành linh hồn của Tam Sư
Kinh Thi • 07:05 ngày 10/06/2024
Vào cuối mùa bóng 1989/90, Gascoigne thi đấu với phong độ rực sáng, cả trong màu áo Tottenham lẫn ĐT Anh. Sau một trận giao hữu nhằm mục đích chuẩn bị cho World Cup, HLV Jozef Venglos của đội Tiệp Khắc tỏ ra kinh ngạc trước những gì Gascoigne thể hiện trên sân. Ông bình luận: "Đấy là một cầu thủ Anh? Không có lý nào".

    GỌI GAZZA VÀO ĐỘI TUYỂN NHƯ “ÔM BOM NỔ CHẬM”

    Sau này, giới nghiên cứu nhìn lại toàn bộ sự nghiệp bóng đá của Gascoigne và cũng thống nhất cao độ, rằng ngoài vài tuần lễ lóe sáng lần nữa tại VCK EURO 1996, thì đỉnh cao phong độ của Gascoigne là trong giai đoạn 1989-1991, tức ngay trước và sau World Cup 1990. 

    Hồi ấy, Gascoigne (ở độ tuổi 22-24) tỏ ra xuất sắc đến nỗi Tottenham lập tức trở nên chật hẹp. Đấy cũng là giai đoạn cực thịnh của Calcio, và Gascoigne gia nhập Lazio như một lẽ tất yếu. Nhưng đấy lại là những câu chuyện khác. Điều đáng nói ở đây: kể cả khi vươn đến đỉnh cao phong độ, Gascoigne vẫn chẳng bao giờ biết chắc anh có được gọi vào ĐTQG hay không. 

    Vào đội tuyển ở thời điểm ngay trước VCK World Cup, đấy càng là một khả năng mơ hồ. Giống như Wayne Rooney ở thời điểm vừa vươn lên đỉnh cao, Gascoigne vừa là đề tài để báo chí ca ngợi, vừa là đề tài để người ta chỉ trích. Đại khái là hễ anh lĩnh thẻ vàng một cách không đáng, lập tức xuất hiện kiểu lập luận có thể viết sẵn: "Gascoigne có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Hậu quả sẽ ra sao nếu đấy là trận chung kết World Cup?...". 

    Nói chung, những gì người ta viết trên mặt báo trước thềm World Cup 1990 cho thấy Gascoigne có chỗ rất giống Diego Maradona, George Best trước đó, hoặc Eric Cantona. Đấy là mẫu ngôi sao mà bạn có thể rất yêu hoặc rất ghét, chứ không đứng giữa. Và đấy là mẫu ngôi sao mà báo chí dứt khoát phải đề cập, trừ phi không muốn bán báo.

    Sự thật, đúng là HLV Bobby Robson từng phải cân nhắc rất kỹ về việc gọi Gascoigne vào danh sách tham dự World Cup 1990. Mãi đến thời điểm cận kề với VCK, Robson mới "gây sốc" trong làng bóng Anh bằng việc đưa ra hai quyết định lớn liên tiếp. 

    Thứ nhất, ông tuyên bố "sẽ ra đi" ngay sau World Cup 1990, kết thúc 8 năm dẫn dắt ĐTQG. Thứ hai, và có lẽ chỉ là hệ quả của quyết định thứ nhất, Robson tuyên bố Gascoigne có chỗ trong hàng ngũ Tam Sư, chuẩn bị bước vào World Cup. Cứ như gọi Gascoigne vào đội tuyển là ôm bom nổ chậm vậy, và Robson chỉ dám "mạo hiểm" như thế sau khi ông đã quyết định ra đi, bất chấp kết quả ra sao!

    ẤN TƯỢNG SÂU ĐẬM CỦA “GIỌT NƯỚC MẮT GASCOIGNE”

    Tại Italia, Gascoigne thành công đến nỗi đã có kiểu lập luận ngay trên xứ sở Sương mù: đội Anh dừng chân ở vòng bán kết là điều vô cùng tốt đẹp. Còn gì vô vị hơn nếu Tam Sư vào tranh chung kết mà không có Paul Gascoigne trong đội hình? Và còn gì vô vị hơn nếu khi ấy đội Anh đá trận chung kết với tâm lý biết chắc họ rút cuộc cũng chỉ về nhì là cùng!

    Khi dự World Cup 1990, đội Anh vẫn còn Peter Shilton - thủ môn huyền thoại lúc ấy đã 40 tuổi. Cũng vẫn còn đấy Gary Lineker, Chris Waddle, và thủ quân Bryan Robson. Giới trẻ có David Platt đang nhanh chóng vươn lên. Nhưng phải thống nhất một điều: ấn tượng sâu đậm nhất nơi đội tuyển Anh tại kỳ World Cup ấy chắc chắn phải thuộc về Paul Gascoigne. 

    Khán giả trung lập nhớ đến Gascoigne nhờ những pha bóng mang tính quyết định cho đội tuyển Anh, mà Gascoigne luôn là nhân vật trung tâm. Người ta còn nhớ đến anh bởi những ấn tượng bên ngoài vấn đề chuyên môn. Chẳng hạn hình ảnh Gascoigne khóc như trẻ thơ ở trận bán kết - sau này được xem là một trong những biểu tượng, không chỉ của Gascoigne mà của cả đội tuyển Anh nói chung. Khi Anh thua Đức trên chấm 11m luân lưu và mất suất vào chung kết, Stuart Pearce cũng khóc. Nhưng chẳng ai nhớ về Pearce.

    Người ta chỉ nhớ về Gascoigne. Thật ra, Gascoigne đã rưng rưng nước mắt từ giây phút anh lĩnh chiếc thẻ vàng, với hậu quả rõ ràng là nếu Tam Sư chinh phục được "xe tăng Đức" thì Gascoigne sẽ phải đau đớn ngồi ngoài, xem đồng đội đá trận chung kết. 

    Đấy chính là cơ sở dẫn đến lập luận "thà Anh không vào chung kết", như đã nêu trên. Ở thời điểm ấy, giới hâm mộ Anh không đủ can đảm để nghĩ đến một trận chung kết mà Gascoigne lại vắng bóng trong đội hình Anh. Gascoigne đã luôn tỏa sáng đúng lúc để giúp Anh vượt qua Ai Cập, Bỉ, Cameroon. Gascoigne thi đấu không chỉ với hình ảnh nghệ sỹ quen thuộc, mà với hình ảnh chiến binh nhiều hơn, trước người Đức. 

    Dân Anh chờ xem Gascoigne tỏa sáng như một ngôi sao sân cỏ, để rồi lại thấy Gascoigne thi đấu như một chiến binh vì cả đất nước của mình, họ không cảm động sao được trước những giọt nước mắt của Gascoigne. Và suy cho cùng, Gascoigne đáng được tôn vinh vì World Cup 1990 là giải đấu lớn mà đội tuyển Anh vừa thành công nhất, vừa tỏ ra xuất sắc nhất trong suốt lịch sử - nếu bỏ qua chức vô địch World Cup 1966 ngay trên sân nhà, với những ưu thế rõ ràng của một đội chủ nhà trong thời kỳ mà các giải lớn còn rất... sơ khai. 

    HIỆN TƯỢNG “GASCOIGNE-MANIA”

    Về nước sau VCK World Cup 1990, đương nhiên Gascoigne làm dấy lên một hiện tượng. Gascoigne-mania! Nếu muốn phỏng vấn mẹ của Gascoigne, báo giới phải trả 1.000 bảng, và mẹ Gascoigne chỉ nói về... chính mình với cái giá ấy. Hỏi thêm về Paul Gascoigne, sẽ "charge" thêm tiền, và đấy là điều có thể mặc cả ngay trong khi phỏng vấn. 

    Muốn chụp ảnh với bà, phải trả 3.000 bảng. Chị Gascoigne, Anne-Marie, có giá cao hơn: 2.000 bảng cho một cuộc phỏng vấn, cũng chỉ nói về mình. Thêm ảnh thì thêm 2.000, nếu lại muốn nghe về chuyện Gascoigne hồi bé, lại phải thêm 2.000 nữa... 

    Đấy đều là những chuyện mà trước đó - vả kể cả trong thời buổi bóng đá "thương mại hóa" sau này - người ta không thấy hoặc không tin khi nghe kể lại. Chỉ có điều, bản thân Gascoigne cũng như các thành viên trong gia đình anh không "phất" lên được bao nhiêu nhờ Gascoigne-mania. Xin nhắc lại: đấy vẫn còn là thời buổi "tranh tối tranh sáng", và các mức phí tính bằng đơn vị "ngàn bảng" thật ra chỉ "sốc" ở nội dung chứ chẳng đáng quan tâm về mặt con số.

    Bóng đá Anh sau này đã có David Beckham, Michael Owen, Wayne Rooney... tất cả đều làm nên những hiện tượng bên ngoài sân cỏ, như những gì Gascoigne đã làm được trước họ. Nhưng dân Anh thì vẫn mòn mỏi chờ đợi một ngôi sao mới kéo cả đội bóng đến sát bờ vực thành công, như những gì Gascoigne đã làm tại World Cup 1990. Vẫn chờ, và vẫn... chưa thấy.

    Sau này, khi "bóng đá trở về cội nguồn" (nước Anh đăng cai VCK EURO 1996) và đội Anh lại vào đến bán kết trước khi thua Đức trên chấm 11m luân lưu, Gascoigne cũng vẫn là ngôi sao sáng nhất trong hàng ngũ Tam Sư. Đấy cũng là một giải đấu thành công cho đội tuyển Anh trong kỷ nguyên hiện đại, nhưng vẫn không ấn tượng hơn Gascoigne tại World Cup 1990.
    Tags: Gascoigne Anh
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội