Có rất nhiều cầu thủ gốc Việt đã trở về nước thi đấu. Từ những cầu thủ có 100% dòng máu Việt đến những cầu thủ gốc gác Việt cũng hào hứng quay về Tổ quốc tìm cơ hội phát triển. Từ cầu thủ được đào tạo bài bản như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm. Lê Giang đến người từng góp mặt ở ĐTQG như Nguyễn Filip... đều lần lượt trở về. Số lượng những cầu thủ về thử việc, hoặc thi đấu ngắn hạn nhiều đến mức không thể thống kê. Xu thế trở về của các cầu thủ gốc Việt cho thấy sức hấp dẫn của bóng đá quốc nội và sự lan tỏa trong cộng đồng. Các cầu thủ và gia đình đều muốn con em thi đấu thành công, có vinh quang ở nơi đất mẹ.
Đã và sẽ có nhiều hơn những cầu thủ gốc Việt trở về thi đấu ở bóng đá Việt Nam. Thậm chí, chính xu thế này sẽ thôi thúc các bậc phụ huynh tự tin hơn khi cho con em học bóng đá ở nước ngoài bởi họ nhìn thấy cái đích đầy vinh quang ở phía trước. Vấn đề lúc này là nền bóng đá và các nhà hoạch định chính sách cần có những cơ chế cởi mở hơn, phù hợp hơn trong việc khơi thông nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các cầu thủ gốc Việt sẽ được chào đón. Suất dành cho các cầu thủ gốc Việt ngày một nhiều hơn. Và đây cũng chính là tiền đề để ĐTQG có thêm nguồn cung về nhân lực trong tương lai.
Sự thành công của bóng đá Indonesia gần đây có một phần quân trọng với chính sách huy động nguồn lực từ nước ngoài. Những cầu thủ gốc gác Indonesia đã được trao cơ hội và ngay lập tức họ đã nâng tầm chất lượng của đội tuyển. ĐT Việt Nam có những đặc thù riêng nên việc nhập tịch phải được tiến hành một cách có chọn lọc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cơ hội tăng cường sức mạnh nếu tận dụng một cách có hiệu quả, có chiến lược từ cộng đồng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Nói cho cùng, cái mà chúng ta cần là một con đường, một chính sách để các cầu thủ gốc Việt muốn trở về cống hiến để trở thành một phần lịch sử của nền bóng đá.