Bóng Đá Plus trên MXH

Quản lý hình ảnh và truyền thông cho cầu thủ Việt, dễ hay khó?
Đỗ Tuấn • 19:45 ngày 01/02/2018
Từ tối qua đến nay, mọi người đang xôn xao chuyện bảng báo giá việc khai thác và sử dụng hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Làm nghề phóng viên thể thao hơn 20 năm, người viết xin có những chia sẻ về góc nhìn của riêng mình về vấn đề này.
    Đầu tiên hãy nói một chút về CLB chủ quản. Hiện nay dù mang tiếng là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng cách hành xử của hầu hết CLB với các cầu thủ của mình, đặc biệt là cầu thủ trẻ, đều rất nhập nhằng và thiếu minh bạch. 

    Nếu có dịp xem hợp đồng của các cầu thủ trẻ, bạn sẽ phải hết hồn với những kiểu “gài hàng” của CLB chủ quản. Thực tế, rất nhiều bản hợp đồng giữa CLB với các cầu thủ trẻ chưa đủ tuổi thành niên và người đứng tên đa số là bố mẹ (hoặc người giám hộ), nhưng vì thiếu hiểu biết nên cứ nhắm mắt ký bừa, thậm chí không đọc hợp đồng ấy nói gì và ràng buộc gì. 

    Chưa hết, một số CLB còn chơi chiêu, ký hợp đồng với cầu thủ ngay sát giờ thi đấu hoặc tập luyện để họ vội vội vàng vàng ký cho xong và không có thời gian nghiền ngẫm những điều khoản. Có nơi còn chơi trò “đang ngủ trưa bị dựng đầu dậy ký vào một tờ giấy gì đấy mà không để ý là cái gì, sau mới biết là hợp đồng”, như một số cầu thủ than thở vì sau này khi phát hiện ra thì đã lâm cảnh “bút sa, gà lên thớt”.

    Sự thật, hầu hết các CLB rất hiếm khi nghĩ đến chuyện quảng bá thương hiệu cho cầu thủ, bởi đội bóng của họ còn kiếm chưa ra quảng cáo thì đánh bóng được cho ai. Tuy nhiên, cầu thủ trẻ dưới 25 tuổi muốn tham gia quảng cáo đều phải được sự đồng ý của CLB, tỷ lệ % trên số tiền quảng cáo ấy sẽ chia theo thoả thuận giữa đôi bên, thường là 50-50, hoặc có khi là 70 -30, và phần thấp hơn thuộc về cầu thủ. 

    Thủ môn Tiến Dũng gây sốt vì bảng báo giá tiền tỷ việc sử dụng hình ảnh do một đơn vị truyền thông tung ra. Ảnh Hữu Phạm

    Kế đến, phải thừa nhận một thực tế là các cầu thủ Việt rất hiếm khi chú ý giữ gìn hình ảnh của mình để làm thương hiệu. Dẫn đến việc họ rất hiếm khi được các đơn vị kinh tế để mắt đến, hoặc nếu có thì những đơn vị này cũng mang trong đầu tư tưởng “dân thể thao thường đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, nên trả những cái giá rẻ mạt.

    Sẵn chuyện này lại kể hồi đầu năm 2009, sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2008. Lúc ấy, một nhãn hiệu đồng hồ đã liên lạc với tôi với mong muốn được một ngôi sao bóng đá quảng cáo sản phẩm. Hỏi công ty trả bao nhiêu cho 1 năm quảng cáo, họ bảo 5.000 USD cộng 1 năm đeo đồng hồ miễn phí. Nghe giá đó với cách nói chuyện như ban ơn khiến thằng tui bật cười, bởi thời điểm ấy ca sĩ Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng đang quảng cáo sản phẩm cùng thương hiệu với giá gấp 10 lần. Hỏi tại sao có thể đưa một cái giá thấp như thế cho một cầu thủ vừa khiến hơn 80 triệu dân xuống đường? Cô ta đáp, bên em định giá chỉ như thế, và mình đã đáp “vậy chị hãy đeo cái đồng hồ đó chơi luôn đi, cám ơn và không hẹn gặp lại”.

    Vì vậy, nếu các cầu thủ và VĐV không có người rành rẽ về lãnh vực quảng cáo tư vấn và hỗ trợ, chắc chắn họ sẽ rất thiệt thòi vì bị ép giá. Cứ nhìn trên facebook sẽ thấy, thời gian qua rất nhiều cầu thủ thuộc đội U23 Việt Nam đang quảng bá cho các sản phẩm giày thể thao và sửa với cái giá bọt bèo đến bất ngờ.

    Việc quản lý hình ảnh cho các cầu thủ Việt hiện vẫn là vẫn đề không đơn giản. Ảnh: Hữu Phạm

    Cuối cùng cần nói thêm về các cầu thủ ở ta. Ở Việt Nam số lượng cầu thủ có thể đọc hợp đồng và đứng ra tự đàm phám hợp đồng cho bản thân với CLB hoặc các đối tác kinh doanh là cực kỳ hiếm hoi. Hầu hết họ chỉ chú ý đến số tiền lót tay, tiền lương, thưởng trong hợp đồng là bao nhiêu, có đáp ứng đúng yêu cầu của bản thân hay không, chứ hiếm khi nhìn xa hơn về những quyền lợi khác hoặc hậu quả phải gánh từ những điều khoản trói buột trong hợp đồng. 

    Rất nhiều lần người viết đã tư vấn cho các anh em cầu thủ trước khi đàm phán hợp đồng, nhưng có vẻ như hầu hết đều chẳng mấy quan tâm, đến khi đụng chuyện lại “anh ơi, anh à” e đã muộn. Đấy là chưa kể các cầu thủ Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của người quản lý, nên thường hành xử theo bản năng, lúc đụng chuyện những người “lỡ” đứng ra quản lý truyền thông sẽ phải ăn cho hết hậu quả mà thân chủ của mình gây ra.

    Thế nên từ hơn 10 năm trước, bản thân tôi từng được đề nghị làm quản lý cho cầu thủ và cũng đã nghĩ đến chuyện này, nhưng vì những lý do nêu trên nên người viết chỉ nhận lời trợ giúp cầu thủ theo đúng nghĩa anh em và hoàn toàn bất vụ lợi. Thậm chí, từng có lúc nghĩ đến chuyện thành lập Hiệp hội cầu thủ để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho họ, nhưng vì nhiều lý do mà đến nay vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng.

    Tóm lại, ở Việt Nam muốn quản lý cầu thủ một cách chuyên nghiệp và kiếm tiền từ công việc này không dễ đâu!
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội