Bóng Đá Plus trên MXH

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Lan Anh - Ảnh: Lê Bích • 12:58 ngày 02/02/2017
Chẳng biết từ bao giờ, cứ mỗi dịp Tết đến, người dân Bắc Bộ thường hay đi mua tranh ở phố Hàng Trống, tranh làng Đông Hồ, làng Kim Hoàng về treo Tết.
    Dường như thiếu tranh, là thiếu đi hương vị của ngày Tết. Giờ đây dù các làng tranh vẫn còn tồn tại và đang được lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng vẫn đối diện nguy cơ dần mai một và khả năng sẽ biến mất trong dòng xoáy của thị trường.

    Có lẽ chẳng ai hiểu làng tranh Đông Hồ hơn thi sĩ Hoàng Cầm - tác giả của bài thơ “Bên kia sông Đuống”, trong đó có câu: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Với chất liệu giấy đặc biệt làm từ bột gạo, bột nếp, bột sến và vỏ con điệp, cùng với các màu sắc từ cây cỏ tự nhiên như lá tre, lá chàm, hoa hòe, sỏi son… tranh Đông Hồ có một vẻ đẹp dung dị, bắt mắt và nhẹ nhõm. Ngoài các dòng tranh thờ, tranh dân gian thường có các chủ đề rất gần với đời sống hàng ngày của cư dân nông nghiệp cổ xưa. Các bộ tranh như “Lợn đàn”, “Vinh hoa - Phú quý” với hình ảnh em bé bế gà, tranh “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Gà đại cát”, luôn là các tranh được ưa chuộng.


    Tục chơi tranh Tết không chỉ đơn thuần mang lại không gian, không khí Tết cổ truyền cho ngôi nhà của mình, mà qua đó, người Việt còn thể hiện những triết lý, ước muốn tế nhị, sâu sắc và đa nghĩa. Với quan niệm năm mới an lành, người dân thường hay chọn các bức tranh gà, lợn, mà ưa thích nhất là tranh gà trống. Đặc biệt là bức gà đại cát. Theo quan niệm tín ngưỡng cổ, tiếng gà trống biểu tượng đánh tan sự u minh, tăm tối, chào đón bình minh, chào đón mặt trời, đón niềm hy vọng tốt đẹp của một ngày mới, năm mới. Hơn nữa, theo sách “Chiêm tuế sự thư” và “Kinh sở tuế”: ngày mùng 1 thường được coi là ngày của gà, mùng 2: ngày của chó, ngày 3, ngày của lợn, 5: dê, 6: ngựa, 7: người, 8: lúa. Chính vì thế, nếu ngày mùng 1 khí trời khô ráo mát mẻ, trời đẹp là cả năm được tốt lành. 

    Đặc biệt, trong dòng tranh dân gian, loài gà có một vị trí khá quan trọng. Trong bức Gà đại cát, hình ảnh chú gà oai vệ, hùng dũng, biểu tượng cho sự thịnh vượng và 5 đức tính tốt của người quân tử cần có như: văn, võ, dũng, nhân, tín. Cái mào đỏ của gà trống, biểu tượng cho chiếc mũ quan, gọi là văn; Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để đấu chọi, gọi là võ; Thấy địch thủ, dũng cảm, xông vào chiến đấu tới cùng, gọi là dũng; Kiếm được mồi cùng nhau ăn, gọi là nhân. Hàng ngày, gà gáy canh giờ rất chuẩn, đánh thức mọi người dậy chăm lo việc đồng áng, gọi là tín.


    Chú gà trong tranh “Gà đại cát” rất sống động, vừa chạy, vừa kêu, tràn đầy sức sống. Đuôi gà quá đẹp, cong như cầu vồng nhiều mầu sắc, cái mào sặc sỡ to khỏe, cùng với đôi chân cứng có cựa như sắt như thép dẫm lên hòn đá. Dáng của chú gà trống rất oai hùng, đĩnh đạc giữa lùm hoa nở muôn sắc như biểu tượng cho một mùa xuân an lạc. Có khá nhiều phiên bản Gà đại cát, nhưng tinh thần nhìn chung vẫn là “bách chiến, bách thắng”, rất ngạo nghễ và vui tươi.

    Bức “Gà mẹ và gà con”, hay “Đàn gà”, là một trong những bức tranh vui nhộn. Trong tranh, gà mái mẹ, miệng đang gắp một con mồi, trên lưng, là 2 chú gà con và khoảng 8 chú khác bao xung quanh mẹ. Sự đông đúc no đủ của đàn gà như biểu thị sự sinh sôi nảy nở, lắm con nhiều cháu, lộc phát quanh năm cho gia chủ treo tranh. Tình mẫu tử, nhường nhịn, chăm sóc đàn con của gà mẹ biểu thị sự ấm áp, sum vầy của gia đình. Với lối vẽ chặt chẽ, giàu nhịp điệu, đúng tư thế choãi cánh, xoải chân, những cái mỏ, sự ngơ ngác non nớt của những chú gà con, vẻ vững chãi, chắc nịch của gà mẹ sẵn sàng xù lông mài móng để bảo vệ đàn con.


    Bức tranh “Em bé ôm gà” là một trong những tác phẩm kinh điển của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Em bé mũm mĩm khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa thông minh, hai tay ôm chặt gà, một tay giữ cánh, một tay giữ ức như giữ một vật quý đang tìm cách thoát khỏi tay mình. Chú gà trong tranh cũng rất đáng yêu, đầu ngẩng cao, mắt sáng, hai chân lấy đà đạp mạnh xuống đất, nửa như muốn vuột khỏi tay chú bé, nửa không. Sự vùng vẫy dùng dằng của gà đối lập với sự háo hức ngây thơ của chú bé tạo nên một niềm vui cho người xem ở sự hồn nhiên. Bức tranh thể hiện sự vinh hoa, phú quý, no ấm cho gia chủ. 

    Bức tranh “Gà thư hùng” miêu tả hai chú gà trong tư thế chọi nhau. Bức vẽ rất sinh động với nhân vật là hai chú gà trống thuộc hàng “oách”, to khỏe, cựa dài, sắc nhọn. Chân chúng cái co, cái duỗi, đầu đang nghiêng nghe ngóng, chú ý đối phương để chuẩn bị vào trận chiến. Đuôi cong đẹp, nhiều màu thể hiện vẻ đẹp lỗng lẫy của các chú gà - Một trận sống mái sắp sửa diễn ra. Bức tranh thể hiện thông điệp, ý chí, quyết tâm trong cuộc sống. 

    Nghệ thuật tranh dân gian, tưởng như rất phóng túng, bình dân, tự do, nhưng thực ra cũng khá nghiêm ngặt, niêm luật. Ví như: Nếu vẽ gà, thì thường đi đôi với hoa cúc; vẽ vịt, kèm hoa sen theo câu phương ngôn: “cúc kê, liên áp”. Chính vì thế, nếu quan sát kỹ, bạn có thể được thưởng lãm một bức vẽ chú gà khoác bộ cánh lộng lẫy dưới khóm cúc đang khoe sắc.
     

    Màu sắc trong tranh cũng khá đặc trưng. Có một nghệ nhân đã nhận xét: “Tranh gà lợn, đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ, hoặc vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày”… Đây là những màu sắc thiên nhiên gắn bó từ bao đời với người dân đồng bằng Bắc Bộ, nó nôm na, bình dị, đơn giản và đầy vui tươi như chính tính cách của người Việt xưa.

    Làm sao để dòng tranh dân gian được bảo tồn, phát triển song hành với thời đại, đây có lẽ là niềm mong ước đau đáu của các nghệ nhân tranh dân gian. Các bản khắc gỗ có giá trị cao về tinh thần và giá trị cần phải được nâng niu, phát triển và gìn giữ. Làm sao để nhìn những bức tranh, con người có thể cảm nhận được giá trị tinh thần, những hy vọng, mong ước được ngầm gửi gắm trong các bức tranh dân gian này. Làm sao để tranh Đông Hồ không chỉ sản xuất vàng mã thay thế cho tranh, để cho tranh được bán đi muôn nơi không còn là vật quý hiếm vì không ai còn muốn làm nữa. Những điều ấy, có lẽ vẫn luôn là những điều cấp bách cần làm ngay để cứu giúp một dòng tranh sắp sửa biến mất.

    Với chất liệu giấy đặc biệt làm từ bột gạo, bột nếp, bột sến và vỏ con điệp, cùng với các màu sắc từ cây cỏ tự nhiên như lá tre, lá chàm, hoa hòe, sỏi son…  tranh Đông Hồ có một vẻ đẹp dung dị, bắt mắt và nhẹ nhõm.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội