Hôm nay, 16/11/2019, Uli Hoeness tuyên bố từ chức cương vị Chủ tịch CLB Bayern Munich sau 10 năm đảm nhiệm. Người thay thế là Herbert Hainer.
Một sự nghiệp lẫy lừng
Chào đời ngày 5/1/1952 ở Ulm, Hoeness trải qua quá trình đào tạo bóng đá ở đội bóng địa phương TSG Ulm 1846 trước khi gia nhập Bayern vào năm 1970, khi 18 tuổi. Chàng thanh niên Hoeness không mất nhiều thời gian để có chỗ đứng trong đội hình chính, vốn đã đầy rẫy hảo thủ như Beckenbauer, Gerd Mueller và Sepp Maier, cùng họ vô địch Cúp Quốc gia ngay mùa giải đầu tiên đá cho đội một.
Xuất thân là một tiền vệ, nhưng ông thành danh trong vai trò tiền đạo cánh nhờ tốc độ xé gió (chạy 100 mét hết 11 giây), hoàn toàn không có đối thủ ở châu Âu thời bấy giờ.
Thành công đến với Hoeness quá chóng vánh. Chiến thắng ở cúp quốc nội năm đó được nối tiếp bằng 3 danh hiệu Bundesliga và 3 chức vô địch châu Âu lừng lẫy trong 3 mùa liên tiếp 1973/74, 1974/75 và 1975/76.
Và tất nhiên thành công của Hoeness không chỉ gói gọn ở giới hạn CLB. Ông là thành viên ĐT Tây Đức đá trận chung kết EURO 1972, nơi mà Die Mannschaft đã lần đầu lên ngôi tại một kỳ EURO bằng thắng lợi 3-0 trước Liên Xô. Hai năm sau, ông giúp ĐT Đức vô địch World Cup lần thứ hai trong lịch sử với chiến thắng 2-1 trước Hà Lan ở trận chung kết trên sân nhà Munich.
Tổng cộng trong sự nghiệp cầu thủ chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 thập kỷ của mình, Hoeness giành tới 10 danh hiệu lớn, trước khi ác mộng chấn thương cản bước ông ở tuổi 27. Trận chung kết cúp châu Âu năm 1975, dù đánh bại Leeds nhưng Bayern phải trả cái giá quá đắt khi Hoeness dính chấn thương đầu gối nghiêm trọng, khiến ông phải nghỉ thi đấu 6 tháng. Sau thời gian đó, ông không bao giờ tìm lại được phong độ và bị đem cho Nuernberg mượn.
Không thể chấp nhận điều đó, Hoeness tuyên bố giải nghệ.
Chuyển sang công tác quản lý
Không còn có thể trực tiếp góp công vào những chiến thắng của Bayern trên sân cỏ, nhưng Hoeness vẫn biết cách tạo dấu ấn của mình, thậm chí theo cách còn vĩ đại hơn. Từ ngày còn là cầu thủ, ông đã chứng tỏ sự khéo léo trong kinh doanh khi kéo được đối tác sản xuất xe tải khổng lồ Magirus-Deutz về tài trợ cho CLB, điều góp phần không nhỏ giúp Bayern tự tin về tài chính để đón ngôi sao Paul Breitner trở lại từ Eintracht Braunschweig.
Ngày 1/5/1979, mới 27 tuổi, Hoeness đã chính thức được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Bayern. Trong lịch sử Bundesliga, chưa có một vị giám đốc nào trẻ tuổi như thế. Từ chỗ chỉ có 12 nhân viên, doanh thu hàng năm 12 triệu mark Đức (khoảng 6 triệu USD), và các khoản nợ lên tới 7 triệu mark, Bayern dưới quyền chỉ đạo của Hoeness lúc này đã có tới 1000 nhân viên, doanh thu đạt 675,4 triệu euro (732,8 triệu USD) trong mùa 2017/18. Đó cũng là năm thứ 26 liên tiếp CLB xứ Bavaria làm ăn có lãi.
Cũng “mát tay” như khi còn là cầu thủ, ngay ở năm đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc, Hoeness đã được ăn mừng chức vô địch Bundesliga sau 6 năm chờ đợi – đó cũng là danh hiệu đầu tiên trong số 16 chiếc đĩa bạc ông cùng Bayern thu thập trên tư cách tổng giám đốc. Nhưng bằng cách nào một con người nhỏ nhoi có thể tạo ra những điều vĩ đại nhường ấy?
Nhào nặn nên một Bayern vĩ đại
Được người đồng cấp lâu năm Karl-Heinz Rummenigge miêu tả như một “người dẫn đường vĩ đại”, Hoeness đã hướng ánh nhìn sang bên kia Đại Tây Dương để tìm cách làm ăn với Hoa Kỳ. Ông đặt nền móng cho sự phát triển của Bayern, quảng bá để biến CLB thành một doanh nghiệp kéo theo nguồn thu tăng thêm hàng triệu mark.
Và dù là một thế lực không thể tranh cãi, nhưng Bayern thời điểm Hoeness mới nhậm chức chưa có được vị thế thống trị quốc nội như ngày nay. Borussia Moenchengladbach là chủ nhân của 3 danh hiệu Bundesliga trước đó, trong khi Hamburg mới là đội bóng Đức được hâm mộ ở cuối những năm 70 và đầu 80. Họ từng lừng danh tới mức thu hút được siêu sao từng 2 lần giành Quả bóng Vàng và cũng là đội trưởng ĐT Anh Kevin Keegan, tiền đề cho chức vô địch châu Âu năm 1983.
Mưa dầm thấm lâu, Bayern dưới triều đại của Hoeness cải thiện dần qua từng năm. Nhưng rồi một biến cố suýt chút nữa đã cướp đi của họ người lãnh đạo vĩ đại ấy vào tháng 2/1982, trong một tai nạn máy bay gần Hannover. Hoeness là người sống sót duy nhất sau sự cố thảm khốc ấy.
Nhờ có ông, Bayern đã thực sự trở thành một siêu cường mà không cần tới nguồn đầu tư khổng lồ từ những tỉ phú ngoại quốc như nhiều CLB lớn khác. Bởi, theo lời Rummenigge, Hoeness là người đàn ông “sắc sảo, sáng tạo và luôn luôn tìm ra hướng đi mới”.
Chủ tịch đương nhiệm của Bayern cũng giải thích về những ngày tháng ông, Hoeness và Beckenbauer cùng nhau chu du thiên hạ để tìm cách nâng tầm Bayern, trong đó có những chuyến đi tới Manchester để học hỏi về các mô hình tài trợ cũng như chuyến đi tới Amsterdam để nghiên cứu mô hình học viện bóng đá.
Nỗ lực thầm lặng không biết mệt mỏi của ông đã chuyển hóa thành thành công trên sân cỏ và danh tiếng trên toàn cầu. Để rồi đến một ngày, sân vận động Olympiastadion đã trở nên quá bé nhỏ với đà phát triển của Bayern.
Hoeness là một trong những người tiên phong trong kế hoạch xây dựng sân Allianz Arena, công trình được khởi động từ năm 2002 và hoàn tất vào năm 2005. Chi phí cho dự án này lên tới 340 triệu euro, từng dự kiến chỉ được trả hết vào năm 2028, nhưng rồi nguồn lực tài chính quá mạnh đã giúp Bayern xử lý hết khoản nợ khổng lồ ngay từ tháng 2/2014 – sớm hơn kế hoạch tới 14 năm.
Gia nhập ban lãnh đạo
Cũng trong thời gian xây sân mới, Hoeness đã vươn cánh tay của ông vào hội đồng quản trị, dù vẫn giữ chức vụ tổng giám đốc. Ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch, chịu trách nhiệm về chuyên môn, các đội trẻ, tài trợ, bản quyền và đại diện cho CLB giám sát công ty quản lý sân Allianz Arena.
Hoeness đảm nhiệm song song hai chức vụ tới tháng 11/2009, thời điểm nhiệm kỳ tổng giám đốc kéo dài suốt 30 năm của ông chấm dứt để bước sang một trang mới – chức chủ tịch của FC Bayern Munich e.V. - công ty mẹ của đội bóng - với 99,3% phiếu bầu.
Dù đã lên đến đỉnh của một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới, trong con mắt dõi theo của Rummenigge, Hoeness vẫn không thay đổi. “Ông ấy luôn là người bạn của các cầu thủ, điều đó chưa bao giờ thay đổi. Ông ấy là CĐV vĩ đại nhất của Bayern trong suốt hơn 40 năm”.
Cũng vì tình yêu thủy chung vô điều kiện ấy, đã nhiều lần Hoeness phải khốn khổ. Ông không ngần ngại bình luận và chỉ trích bất kỳ ai, nhưng nhờ vào nhiệt huyết và sự chân thành, ông luôn giành được niềm tin yêu và sự ủng hộ. Đã nhiều lần Hoeness thậm chí sẵn sàng lôi kéo mọi sự chú ý vào mình để giảm áp lực lên đội bóng và các HLV.
“Uli từng được miêu tả như một nhân vật phản diện, nhưng ông ấy chẳng quan tâm, bởi danh tiếng của ông ấy không quan trọng bằng của Bayern”, Guenther Netzer, cựu đồng đội của Hoeness ở ĐT Tây Đức thán phục. “Ông ấy chiến đấu cho CLB của mình và chấp nhận trở thành kẻ thù của dư luận – đó là một hành động cao cả thực sự trong mắt tôi”.
Một tấm lòng bác ái
Những lời khen dành cho Hoeness đến từ cả kẻ thù số một của Bayern – Schalke. Chủ tịch hội đồng giám sát Clemens Tonnies bên phía CLB vùng Ruhr nhận xét: “Ông ấy mang mọi phẩm chất của Bayern, và đã đưa CLB trở thành một doanh nghiệp bóng đá hàng đầu”.
Hoeness cũng không nề hà giúp đỡ người khác. Ông đã chìa bàn tay ra cho thiên tài đoản nghiệp Sebastian Deisler hay Breno khi họ vướng phải căn bệnh trầm cảm cùng những vấn đề khác nhau. Thậm chí, nhiều CLB đối thủ cũng từng nhận sự trợ giúp đầy chân thành của Hoeness.
“Bayern luôn ở đây khi những CLB anh em gặp khó khăn”, Hoeness tuyên bố vào ngày diễn ra trận đấu gây quỹ cho St. Pauli, trên một SVĐ đầy những tấm băng rôn mang dòng chữ “Danke (cảm ơn), Uli Hoeness”. Sau trận đấu vào năm 2003 ấy, Bayern thêm nhiều lần khác đã hỗ trợ cho những đội bóng rơi vào cảnh bấp bênh như Hansa Rostock hay Kaiserslautern.
Hoeness là người đứng đằng sau những khoản cho vay nhằm giúp đỡ đối thủ cùng thành phố 1860 Munich, hay thậm chí là đại kình địch Borussia Dortmund.
Tấm lòng cao cả ấy giúp cho Hoeness được yêu mến vô cùng ở Bayern, nơi ông xếp ngang hàng với những huyền thoại tiền nhiệm như Kurt Landauer, Wilhelm Neudecker và Hoàng Đế Beckenbauer.
Không thể bị quên lãng
Kể từ khi treo giày, Hoeness đã cùng Bayern trải qua một kỷ nguyên thành công vô tiền khoáng hậu, với 21 chức vô địch Bundesliga, 12 Cúp Quốc gia, 2 Champions League, 1 UEFA Cup và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Thậm chí, tên của ông đã được lấy để đặt tên cho một chiếc cúp: giải đấu Uli Hoeness. Đó được xem là món quà sinh nhật muộn lần thứ 60 của Bayern dành tặng ông, trận cầu diễn ra trên sân Allianz Arena vào tháng 7/2013, nơi Bayern hạ Barca 2-0 và lên ngôi vô địch.
Không nhiều nhân vật trong lịch sử gần 120 năm của CLB Bayern Munich tiệm cận được với những điều kỳ vĩ mà Hoeness đã tạo ra. Họa hoằn chỉ có Beckenbauer, Hoàng Đế của bóng đá Đức, là khiến người ta phải nhíu mày khi so sánh với Hoeness. Thậm chí, chính libero huyền thoại ấy cũng đã phải thốt lên rằng: “Chúng ta thật diễm phúc khi có Hoeness”.