Có máu nghệ sĩ, đừng đá phòng ngự
Vì nghệ thuật phòng ngự ẩn chứa qua những cú xoạc, pha tắc bóng như Paolo Maldini hay Nesta đã từng, hay chí ít cũng là tinh thần chiến binh không-sợ-chết mà John Terry hay Vidic thể hiện. Một hậu vệ có phẩm chất kỹ thuật cao hiển nhiên là tốt, song nó cũng tồn tại rất nhiều mặt trái, mà David Luiz chính là hình ảnh tiêu biểu nhất.
Không thể phủ nhận tài năng của “chàng Xù”, người đã khiến Chelsea phải nhọc công theo đuổi trong thời gian dài. Màn trình diễn của Luiz trong trận chung kết Champions League 2011/2012 cũng rất ấn tượng, đến mức nhiều người cho rằng Luiz không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành thủ lĩnh mới của hàng thủ Chelsea. Nhưng đừng quên, dù có đá trung vệ và phải đề cao nhiệm vụ bảo vệ khung thành, David Luiz vẫn là người Brazil chính hiệu. “ADN phiêu lưu” luôn thường trực trong huyết quản của cựu cầu thủ Benfica, đó là lí do chỗ đứng của “số 4” tại Stamford Bridge chưa khi nào thực sự vững chắc.
Bởi sự ổn định, thực dụng mà mỗi hậu vệ cần sở hữu, Luiz lại không có nhiều. Trung vệ người Brazil có thể toả sáng song chơi tệ ngay tức khắc trong một ngày xấu trời. Thường xuyên dâng cao, liên tục bỏ vị trí hay mắc sai lầm ngớ ngẩn, Luiz tự biến mình trở thành điểm yếu cố hữu của Chelsea dưới cả “triều đại” của Carlo Ancelotti, Andre Villas-Boas, Roberto Di Matteo và Rafael Benitez. Dưới thời Benitez, Luiz được đẩy lên đá tiền vệ phòng ngự để... có mắc sai lầm thì còn dễ sửa chữa được.
Để rồi, khi Jose Mourinho đặt chân đến Stamford Bridge, chỗ đứng của David Luiz lung lay dữ dội. Với chiến lược gia đề cao kỷ luật đến tầm nghệ thuật như Mourinho, phong thái phiêu lưu của Luiz là điểm trừ quá lớn. Người đặc biệt có lí của mình bởi hậu vệ xuất sắc phải biết đá càng an toàn càng tốt, duy trì thành quả thay vì tạo nên những “siêu phẩm” sút xa hay sút phạt. Luiz lại tiếp tục bị đẩy lên đá tiền vệ phòng ngự và chơi ở mức tròn vai. Dĩ nhiên, “chàng Xù” chẳng mấy vui vẻ khi không được chơi ở vị trí sở trường, nữa là Luiz bị thay đổi vai trò bởi sự đa năng thì ít mà thiếu chắc chắn thì nhiều.
David Luiz dứt áo ra đi. Paris Saint-Germain ngã giá tới 50 triệu bảng cho “quân bài” Chelsea chẳng mấy khi tin tưởng, và bản thoả thuận được ký kết mà không mất quá nhiều thời gian thương lượng. Luiz trở thành hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, mặc dù anh không (hoặc chưa) phải hậu vệ xuất sắc nhất. Đa số đều tin rằng PSG quá “điên rồ” khi định giá Luiz đến từng ấy, chứ không hề nghĩ rằng trung vệ của The Blues có giá cao như vậy.
Gần 1 năm trôi qua, quan điểm ấy không hề lung lay. Màn trình diễn từ bình thường, tầm thường cho đến tầm… thảm hoạ của David Luiz trong thất bại muối mặt của Brazil (thua 10 bàn trước Đức và Hà Lan) khẳng định Chelsea đã đúng. Ngay ở mùa giải này, sự thể hiện của Luiz trong màu áo của đội bóng thành Paris cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Dẫu vậy, hàng thủ của PSG mà Luiz là một trong số đó, lại chơi rất thiếu ổn định (chỉ phòng ngự tốt thứ 4 Ligue 1). Không ít lần, đội bóng của HLV Laurent Blanc dẫn trước rồi bị gỡ hoà, thậm chí thua ngược. Sẽ rất vô lý nếu đổ tất cả lỗi lầm lên vai David Luiz, nhưng trong sự sa sút có hệ thống của PSG, trách nhiệm của cầu thủ này là đâu có ít.
Nỗ lực để chứng tỏ
Ngày Luiz đi, Chelsea sở hữu thêm khoản tiền khổng lồ để bổ sung lực lượng. Không Luiz, hàng thủ của The Blues thậm chí còn chơi chắc chắn hơn. Rõ ràng, đội bóng tây London chẳng nhớ sự vắng mặt mà “chàng Xù” để lại, và đó trở thành động lực cực lớn cho Luiz trong ngày về nhiều cảm xúc.
Ở trận đấu lượt đi, Laurent Blanc đã để Luiz đá ở vai trò đánh chặn – hệt như cách Mourinho sử dụng để loại PSG 1 năm trước. Cầu thủ người Brazil đã chơi rất tốt, anh cùng với Veratti và Blaise Matuidi trong nhiệm vụ “khoá” hàng công Chelsea và chỉ có may mắn mới giúp đội khách thoát thua. Gần như chắc chắn, Luiz sẽ lại được tin dùng như lá chắn trước bộ tứ phòng ngự, giúp PSG nuôi hy vọng “vượt vũ môn”.
Mourinho đã nói “có ai bán Luiz với giá 20 triệu bảng, tôi cũng không mua”. Vừa rồi, Luiz lại có màn hâm nóng cho trận đại chiến với lời nhận xét đáp trả “Mourinho có thể đặc biệt với ai, chứ với tôi thì không”. Không cần ngạc nhiên, bởi triết lý của cả hai đã sai khác nhau quá nhiều, và chính sự sai khác ấy đã tạo ra mâu thuẫn.
Với David Luiz, trận đấu tới quan trọng hơn tất thảy những cuộc đối đầu còn lại mà trung vệ này góp mặt. Khát khao chiến thắng để chứng minh đội bóng cũ đã sai lầm, đây là thời cơ phù hợp lắm rồi. Mái tóc xù luôn tung bay trong màu áo xanh chỉ còn là hoài niệm tuyệt đẹp, nhường chỗ cho cuộc chiến không khoan nhượng sắp tới.
Nhưng xem ra, dù Luiz có chơi tốt, thậm chí ghi bàn để loại Chelsea, sẽ rất ít người cảm thấy tiếc nuối cho sự ra đi của anh.