Cuộc đụng độ Dortmund - Man City xứng đáng là trận cầu thượng đỉnh của bóng đá châu Âu. Đội bóng Đức cho dù đã bán những ngôi sao tốt nhất thì vẫn còn đó đội hình chất lượng với những Niklas Suele, Marco Reus, Jude Bellingham. Còn Man City đơn giản là tập thể hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại.
Điều thú vị là đường lối phát triển của họ hầu như trái ngược nhau. Man City đổ tiền mua thành công, miễn là cầu thủ chất lượng mà Pep Guardiola muốn thì đắt mấy cũng bị hút về Etihad. Trong thế giới bóng đá kim tiền, Man City là điển hình của “buying club” bên cạnh PSG, Chelsea, Real Madrid, Barcelona. Tính từ đầu thế kỷ 21, đội bóng thành Manchester đã chi tổng cộng 2,48 tỷ euro mua cầu thủ, xếp thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Chelsea (2,72 tỷ euro).
Ngược lại, Dortmund là hình thái “selling club” kiểu mẫu. Họ mang về những tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới, rèn giũa và tạo cơ hội phát triển tối đa trước khi bán ra với phí chuyển nhượng của các ngôi sao hàng đầu. Dortmund ưu tiên làm kinh tế trong nỗ lực song hành với thành tích sân cỏ. Tính trong thế kỷ 21, nhà vô địch Bundesliga 2011/12 đã thu về 1,04 tỷ euro tiền bán cầu thủ. Xin nhắc lại, 1,04 tỷ euro đã chảy vào két sắt của Dortmund.
Đừng ai dạy Dortmund cách bán hàng. Họ mua Ousmane Dembele từ Rennes với giá 35 triệu euro vào năm 2016 và một năm sau đẩy sang Barcelona với giá “cắt cổ” 105 triệu euro. Họ sẵn sàng chi tới 20 triệu euro cho một cầu thủ vô danh ở đội U18 Man City, Jadon Sancho, trước khi bán lại cho M.U vào bốn năm sau với giá 85 triệu euro. Mua rẻ bán đắt là việc mà Dortmund hay Porto xứng đáng ở tầm bậc thầy.
Nhưng không phải phi vụ nào Dortmund cũng lãi to. Haaland là trường hợp điển hình. Cầu thủ xuất sắc nhất của Dortmund trong hai thập kỷ qua chỉ tới Man City với điều khoản giải phóng hợp đồng 60 triệu euro, gấp ba lần số tiền Dortmund bỏ ra mua Haaland từ Salzburg. Thực chất đội bóng Đức chỉ thu về 40 triệu euro do số còn lại chảy về Salzburg. Đó là mặt trái của việc Dortmund tập trung làm kinh tế. Phía Haaland ngay từ đầu đã cài điều khoản phá vỡ hợp đồng thấp để tránh nguy cơ bị Dortmund làm giá quá cao với các ông lớn châu Âu.
Có điều đáng chú ý, cả ba cầu thủ rời Dortmund sang Man City trong thế kỷ 21 gồm Guendogan (2016), Haaland, Akanji (2022) đều là dưới thời Pep Guardiola. Vị thuyền trưởng Man City có hứng thú đặc biệt với những cầu thủ Dortmund (Pep cũng từng quan tâm Mahmoud Dahoud, Mats Hummels và cả Marco Reus) và hiểu rõ ông có thể làm gì với họ. Guendogan từ một tiền vệ trung tâm thuần túy ở Dortmund đã được nâng tầm thành cầu thủ toàn năng ở Man City, có thể đá mọi vị trí trên hàng tiền vệ, thậm chí kể cả “tiền đạo ảo”. Haaland cũng buộc phải thích ứng và nâng tầm bản thân với những đòi hỏi khắt khe của Pep về một tiền đạo linh hoạt và giỏi ứng biến. Akanji bị Dortmund hắt hỉu nhưng tới Man City lại được Pep trao suất đá chính.
Dortmund và Man City là hai hình thái trái ngược về làm bóng đá, nhưng “selling club” đôi khi cũng hòa thành “buying club” và ngược lại. Dortmund rất giỏi trong việc mua về những viên ngọc thô mà các ông lớn lãng quên, điển hình là Jadon Sancho và Jayden Braaf của Man City. Đội bóng thành Manchester khi cần cũng bán cầu thủ ra trò với 231 triệu euro thu về trong mùa Hè 2022, kỷ lục chưa từng có với một CLB Anh trong một kỳ chuyển nhượng.
Nhưng Man City chỉ bán cầu thủ khi đã hết giá trị sử dụng. Ngược lại Dortmund bán cầu thủ khi họ được giá nhất. Man City làm tất cả vì tham vọng bá vương ở Champions League còn Dortmund làm kinh tế quan trọng không kém thành tích sân cỏ. Nhưng suy cho cùng trong một thập kỷ trở lại đây, Man City cũng chỉ 1 lần lọt vào chung kết Champions League như Dortmund mà thôi.
Dortmund kiếm bộn tiền từ thành Manchester
Hai đội bóng thành Manchester là những đối tác mua hàng quen thuộc của Dortmund. Man Utd đã bỏ ra tổng cộng 143 triệu euro mua cầu thủ từ Dortmund, nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác. Trong khi đó. Man City cũng đã chi tới 104,5 triệu euro mua cầu thủ Dortmund.