Agostino Di Bartolomei là ai?
Di Bartolomei là thủ lĩnh của Roma trong chiến dịch chinh phục Scudetto 1982/83. Trong đội hình sở hữu những cá tính lớn và tài năng như Bruno Conti, Toninho Cerezo, Di Bartolomei là đội trưởng. Chỉ chừng đó là đủ để nói về quyền uy, cũng như tầm ảnh hưởng của cựu danh thủ sinh năm 1955 này.
Di Bartolomei là một người hướng nội điển hình. Thần tượng của anh là Giorgio de Chirico, một họa sĩ theo trường phái vẽ tranh siêu thực. Năm 1983, Roma giành Scudetto, giữa cơn bão ăn mừng lan ra khắp thành Rome, Di Bartolomei được mời viết vài lời chia vui trên tờ Corriere dello Sport (có trụ sở ở Roma). “Một khoảnh khắc lịch sử tuyệt vời, nhưng hỡi những Romanista thân mến, đừng để buổi lễ đi quá xa. Không phải ai cũng muốn bị quấy rầy”, Di Bartolomei viết.
Là một tiền vệ trung tâm sở hữu nhãn quan chiến thuật tốt cùng khả năng chỉ huy đồng đội, song Di Bartolomei trong thời gian cùng Roma lại được biết đến như một libero chơi ngay phía trên hàng phòng ngự. Falcao, Toninho Cerezo và Bruno Conti đã hoàn tất quá tốt vai trò tấn công. Và phần nhiệm vụ của Di Bartolomei là củng cố hậu phương, làm thủ lĩnh tinh thần cho cả đội. Nhưng sau cùng thì năm 1984, vị thủ lĩnh tinh thần ấy đã gục ngã vì thất bại trong trận chung kết Cúp C1 với Liverpool.
Di Bartolomei đã tự sát vì bị ám ảnh bởi thất bại ở trận chung kết Cúp C1 năm 1984
Thất bại không thể gượng dậy
Chuyện gì đã diễn ra vào cái đêm 30/05/1984? Trước hết hãy nhìn vào bản chất của trận chung kết cúp C1 châu Âu khi đó. Vào giữa thập niên 1980, Cúp C1 mang đúng nghĩa là chiếc cúp dành cho những nhà vô địch, tức chỉ những đội vô địch quốc gia được phép góp mặt.
Mà để đăng quang ở một giải đấu khắc nghiệt như Serie A, ở thời điểm mà Juventus, Inter và Milan đang thống trị, là công việc vô cùng khó khăn. Nhưng Roma đã làm được điều này, khi giành Scudetto ở mùa 1982/83. Và với việc sân vận động tổ chức trận chung kết Cúp C1 mùa 1983/84 chính là tổ ấm Olimpico của Giallorossi, chiến thắng nghiễm nhiên trở thành mục tiêu số một của “Bầy sói”.
Những áp lực quá lớn đã khiến trận chung kết kết thúc bất phân thắng bại sau 120 phút. Lần đầu tiên trong lịch sử Cúp C1, hai CLB phải giải quyết bằng loạt luân lưu. Bước vào loạt đấu súng, Stephen Nicoi phía Liverpool sút hỏng. Người sút quả đầu tiên cho Roma chính là Di Bartolomei. Anh thực hiện thành công. Roma dẫn trước.
Nhà báo người Italia, Tonino Cagnucci sau này đã viết một cuốn sách có tựa đề “55 giây”. 55 giây đó là quãng thời gian tính từ khi Di Bartolomei thực hiện thành công cú sút luân lưu tới khi Bruno Conti sút hỏng, cũng là quãng thời gian mà những người Roma tiến sát nhất tới chức vô địch danh giá nhất châu Âu.
“Không có gì tuyệt vời hơn ảo mộng chiến thắng lúc ấy, những người Ý nắm lấy tay nhau, nhắm mắt, cầu nguyện…, nhưng chỉ 55 giây”. Phần còn lại của loạt đấu súng vĩnh viễn đi vào lịch sử. Bruce Grobbelaar “xoắn chân” trên vạch vôi làm phân tâm Conti và Francesco Graziani. Roma thua ngược 2-4.
Di Bartolomei không thể chịu nổi ám ảnh thất bại và đã rời đi ngay mùa Hè 1984. Năm 1990, ở tuổi 35, Di Bartolomei giải nghệ không kèn không trống trong màu áo Salernitana. Năm 1994, gần 3 tuần trước khi World Cup khởi tranh trên đất Mỹ, cả nước Ý rúng động với tin Di Bartolomei tự sát!
“Anh ấy luôn chờ một cuộc gọi đưa mình trở lại với sân cỏ. Có thể là trên cương vị huấn luyện. Nhưng nó không bao giờ tới”, Giovanni Bianconi, đồng tác giả của cuốn tự truyện về cuộc đời Di Bartolomei “L’Ultima Partita” (tạm dịch: Trận đấu cuối cùng”) kể lại. Điều này đã khiến cựu đội trưởng Roma rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, “Mắc kẹt trong tuyệt vọng” - Di Bartolomei để lại dòng chữ trong bức thư tuyệt mệnh cho vợ con.
Nhiều năm sau, con trai Luca của Di Bartolomei đã viết những lời đề tựa cho cuốn sách về chính sự nghiệp của cha. Đoạn cuối lời tựa, Luca viết: “Cha, con không muốn và sẽ không bao giờ tin rằng trong giây phút ấy, cha đã nghĩ tới trận chung kết ngu ngốc đó. Bên cạnh cuộc sống tươi đẹp này, bên cạnh người vợ và hai con trai, trận đấu ngu ngốc ấy có nghĩa lý gì chứ?”.
Di Bartolomei không bao giờ có thể trả lời câu hỏi đó.
5 cầu thủ của Roma mà Liverpool phải đặc biệt quan tâm |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
VÀI NÉT VỀ Di Bartolomei Họ tên: Agostino Di Bartolomei Ngày sinh: 8/4/1955 Nơi sinh: Roma, Italia Ngày mất: 30/5/1994 Nơi mất: San Marco di Castellabate, Italia. Chiều cao: 1,80m. Vị trí: Tiền vệ trung tâm Sự nghiệp CLB: Roma (1972-1984), Lanerossi (1975-1976, cho mượn), Milan (1984-1987), Cesena (1987-88), Salernitana (1988-90). Danh hiệuRoma 1 Serie A (1982/1983) 3 Coppa Italia (1979/90, 1980/81, 1983/84). CHUNG KẾT CÚP C1 MÙA 1983/84: Roma 1-1 Liverpool BÀN THẮNG: Roma: Pruzzo (42’) Liverpool: Neal (13’) ĐỘI HÌNH RA SÂN: Roma: Tancredi, Nappi, Nela, Righetti, Bonetti, Toninho Cerezo (Strukelj, 55’), Di Bartolomei, Falcao, Conti, Pruzzo (Chierico, 63’), Graziani. Liverpool: Grobbelaar, Neal, Lawrenson, Hansen, Kennedy, Johnston (Nicol, 69’), Lee, Souness, Whelan, Dalglish (Robinson, 93’), Rush. SÚT LUÂN LƯU (pen: 2-4): Roma: Di Bartolomei (vào), Conti (hỏng), Righetti (vào), Graziani (hỏng). Liverpool: Nicol (hỏng), Neal (vào), Souness (vào), Rush (vào), Kennedy (vào). LIVERPOOL THẮNG 4-2. Ancelotti muốn Roma trả món nợ 1984 Carlo Ancelotti thừa nhận muốn Roma thắng Liverpool vì trận chung kết thất bại năm 1984, “Tôi nghĩ đây là cơ hội để Roma trả món nợ năm 1984”. Ancelotti khi ấy 25 tuổi và là thành viên của Roma. Song ông không có mặt trong trận chung kết vì dính chấn thương. Trong sự nghiệp cầu thủ, Ancelotti đã giành hai chức vô địch Cúp C1, nhưng là trong màu áo Milan. Roma vào trận chung kết với nghi án hối lộ? Trên đường lọt vào trận chung kết với Liverpool, Roma đã đánh bại Dundee United với tổng tỉ số 3-2 sau hai lượt trận. Hai năm sau chiến thắng này, chủ tịch Dino Vaiola (ảnh) của Roma đã bị UEFA ra án phạt cấm tham dự các hoạt động bóng đá vì hành vi hối lộ trọng tài ở trận lượt về với Dundee là Michel Vautrot 50.000 bảng. Đồng đội sốc vì cái chết của Di Bartolomei “Tôi hoàn toàn bị bất ngờ”, Mark Hateley (ảnh), đồng đội với Di Bartolomei trong màu áo Milan sau này chia sẻ về giây phút biết tin đồng đội cũ tự sát. “Anh ấy là một người tuyệt vời. Tôi nhớ có lần cả đội về trại tập luyện lúc tối muộn, tất cả đều mệt tới mức không làm gì. Thế rồi anh ấy bất ngờ đứng dậy, nấu cho chúng tôi một bữa. Di Bartolomei là vậy đấy, thật buồn khi chứng trầm cảm níu giữ anh ấy quá lâu”. |