Sau khi bị Real Madrid loại ở tứ kết Champions League 2018, Juventus đã có hành động quyết đoán. Họ quyết định phải mang về một siêu sao đẳng cấp hàng đầu với ADN vô địch giải đấu số 1 châu Âu câp CLB. Vì vậy, họ đã mua Cristiano Ronaldo với giá 100 triệu euro khi anh đã 33 tuổi.
Bà đầm già trả cho CR7 mức lương cao nhất lịch sử đội bóng, nhiều hơn cả 4 người đứng sau cộng lại. Dù biết siêu sao người Bồ Đào Nha thuộc mẫu cầu thủ cá nhân nhưng Juve vẫn quyết định mạo hiểm.
Đứng giữa sự lựa chọn giữa cải cách cơ cấu và ký hợp đồng với một tên tuổi lớn, BLĐ của Juve đã chọn phần sau. Điều này khiến họ cảm thấy mình quan trọng và không cần phải hiểu biết quá nhiều về bóng đá mà vẫn có thể mang hy vọng giành các danh hiệu.
Và nó sẽ có tác động ngắn hạn hơn nhiều so với việc thay đổi bộ phận phân tích dữ liệu hay cải thiện công tác tuyển dụng hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.
Nhưng đáng buồn là kể từ đó, Juve bị loại khỏi Champions League trước Ajax (doanh thu hằng năm chỉ bằng 39% so với Juventus), Lyon (45%) và mới đây là Porto (22%).
Đồng thời, họ loại bỏ Max Allegri, HLV đã giành được 5 chức vô địch Serie A liên tiếp và đưa họ đến 2 trận chung kết Champions League để chiêu mộ Maurizio Sarri với triết lý không phù hợp. Hiện tại, thuyền trưởng của Juve là một cựu tiền vệ chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện. Kết quả là sau 9 năm, Juventus có nguy cơ mất cả chức vô địch Scudetto mà họ thường giành lẫy dễ như ăn kẹo.
Đứng trước thực tế đáng thất vọng này, Andrea Agnelli, chủ tịch của Juventus đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), đã đưa ra ý tưởng cải tổ Champions League. Không có gì ngạc nhiên khi ông ủng hộ một thể thức sẽ đảm bảo doanh thu cho những đội bóng vốn đã giàu có bất chấp họ được điều hành tồi tệ đến mức nào.
Trong vòng vài tuần tới, có vẻ như mọi chuyện đã được quyết định. Theo đó từ năm 2024, 36 CLB sẽ đá 10 trận với 10 đối thủ khác nhau. Các lượt đấu sẽ được quyết định bởi hệ thống phân nhóm hạt giống nhằm đảm bảo tính công bằng cho mỗi đội, tương tự như cấu trúc "hệ thống Thụy Sỹ" được áp dụng tại các giải đấu thể thao tại Mỹ.
8 đội hàng đầu sẽ đi tiếp vào vòng 1/8 và các đội từ thứ 9 đến thứ 24 sẽ thi đấu để giành 8 suất còn lại. Nói cách khác, sẽ có 180 trận đấu để loại bỏ 12 đội, tương đương có thêm 4 trận đấu vào lịch thi đấu đã kéo dài đến mức mùa trước Liverpool thậm chí trước đại dịch Covid-19 phải chơi 2 trận trong 2 ngày.
Điều đáng nói là đội nào thắng 4 trận đầu tiên sẽ đi tiếp và sau đó có thể đưa ra sân những đội hình yếu hơn. Khả năng thông đồng để đôi bên cùng có lợi trong những vòng cuối là điều hiển nhiên.
Rõ ràng, vòng bảng Champions League như hiện tại vẫn chưa hoàn hảo. Nó nhàm chán, dễ đoán và có khá nhiều trận đấu "có mùi". Thế nhưng, đó không phải là vấn đề về thể thức; đó là vấn đề về nguồn lực và sự phân phối tiền thưởng.
Ví dụ, vào năm 2019, Barcelona nhận được số tiền thưởng nhiều hơn 50% so với đội cũng bị loại ở bán kết khác là Ajax Amsterdam. Thực tế là các siêu CLB giàu có đến mức họ thống trị giải quốc nội ngay cả khi bị quản lý sai lầm. Điển hình như việc Barcelona khủng hoảng triền miên nhưng vẫn có cơ hội để giành cú đúp trong nước mùa này.
"Hệ thống Thụy Sỹ" là giải pháp nhằm giúp các CLB hàng đầu tích lũy nhiều doanh thu hơn nữa và thoải mái hơn. Ở vòng bảng năm nay, Real Madrid ít nhất đã phải chịu một chút áp lực khi để thua Shakhtar và sau đó là trận hòa trước Monchengladbach. Cuối cùng họ vẫn đứng đầu bảng nhưng chịu nhiều hoài nghi trong 4 trận còn lại. Nếu thi đấu 10 trận như thể thức mới, họ sẽ có rất ít cảm giác nguy hiểm.
Trận thua của Juventus bị Porto loại tại vòng 1/8 Champions League là một ví dụ về sự kịch tính và hấp dẫn của thể thức cũ. Nhưng nó cũng khiến các ông lớn như Barca và Juve không còn xuất hiện ở các vòng sau và từ đó doanh thu của giải đấu suy giảm.
Những thay đổi sẽ giúp giải đấu lung linh hơn. Nhưng nó cũng tạo ra thứ bóng đá vô nghĩa làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng. Vì thế, UEFA phải hành động. Vì bóng đá không phải một cỗ máy sản xuất doanh thu cho những đội bóng giàu có.