Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Salah, chiến binh Không-bỏ-cuộc và con đường thành Vua Champions League
Salah, chiến binh Không-bỏ-cuộc và con đường thành Pharaoh Champions League - Bongdaplus.vn

Salah, chiến binh Không-bỏ-cuộc và con đường thành Pharaoh Champions League

Trong trận chung kết Champions League năm ngoái, Mohamed Salah chính là niềm hy vọng lớn nhất của Liverpool. Nhưng anh đã bị Sergio Ramos bẻ gãy bằng một đòn độc. Năm nay, khi Liverpool ở tình thế nguy ngập khôn cùng, Salah đã thổi lên một tinh thần bất khuất Never Give Up để tiến vào trận chung kết Champions lần thứ hai liên tiếp.

Trận bán kết lượt về Champions League với Barcelona, Salah không thể thi đấu vì chấn động vùng đầu gặp phải ít ngày trước. Đối thủ là một tập thể siêu cường với thiên tài Leo Messi, Liverpool lại ở thế bị dẫn 0-3 và không có sự phục vụ của ngôi sao lớn nhất, nên kể cả với những người lạc quan nhất, cơ hội cho The Kop không quá 1%.

Cảm giác vô dụng luôn là điều tồi tệ nhất với một người đàn ông. Đặc biệt trong tình cảnh những thứ mình yêu quý bị chà đạp, việc phải ngồi một chỗ và giương mắt nhìn chẳng khác nào nhục hình. Nói đến đây, bất giác thấy ngờ ngợ.

Chấn thương, đau đớn, và mặc cảm vô dụng sao mà quen thuộc đến thế. Chẳng ở đâu xa, vẫn chính Salah, trong trận chung kết Champions League một năm trước, với cái vai đau nhói và sự căm hận Sergio Ramos. Khác biệt duy nhất giữa hai mốc thời gian có lẽ là việc Salah đã có thêm thời gian để chấp nhận sự thật nghiệt ngã, đồng thời kịp chuẩn bị một… cái áo.

Salah mặc một cái áo đen bình thường, điểm nổi bật nằm ở dòng chữ trắng in to "Never Give Up" (tạm dịch: Không bao giờ bỏ cuộc). Có chút tương đồng với bài hát truyền thống của Liverpool "You'll Never Walk Alone" (Bạn không bao giờ đơn độc). "Không bao giờ" được lặp lại, để nhắc cho người ta biết về tôn chỉ của đội bóng này.

Chiếc áo chỉ có giá hơn 24 bảng, tức là hơn 700.000 đồng một chút. Ở Việt Nam đã có sẵn mẫu áo "nhái", với chỉ 89.000 đồng thôi. Slogan thì quá đơn điệu, chiếc áo thì bán đầy ngoài chợ. Bỏ ra chừng ấy tiền, bạn nghĩ sẽ thu lại một thông điệp như thế nào?

Chính xác! Chỉ với 89.000 đồng, bạn đã mua được một khẩu hiệu rỗng tuếch. Khác biệt giữa bạn và Salah là, ngoài việc anh ta mặc áo xịn, anh ta còn tin vào những điều viết trên đó. Niềm tin là thứ mơ hồ, thể hiện qua nụ cười có phần gượng gạo lúc Salah xuất hiện trên khán đài Anfield. Anh chẳng dám nói lớn suy nghĩ viển vông của mình, chỉ đặt vào lời nguyện cầu một đức tin và thanh thản đón nhận những gì sắp đến.

Đến đây, xin phép được quay lại quá khứ đến một mốc thời gian kinh điển. Ngày 27/4/2014, Liverpool đón tiếp Chelsea trên sân nhà với nhiệm vụ phải thắng để định đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh lần đầu tiên của mình. Nhưng chúng ta không quan tâm Liverpool mà nhìn sang đội hình xuất phát của Chelsea, nơi… Salah được điền tên.

Vì sao tiền đạo người Ai Cập có tên? Đến chính Salah còn không hiểu được. Ở một trận đấu lớn như thế này, thông thường thì Jose Mourinho chẳng bao giờ đoái hoài đến một tân binh như Salah. Nhưng Mourinho đang "cú" BTC Ngoại hạng Anh vì không chịu đổi lịch thi đấu thuận lợi cho Chelsea, nên phản ứng bằng cách tung ra một đội hình như chấp nhận thua ở Anfield.

Mark Schwarzer, Tomas Kalas và Mohamed Salah sẽ đối đầu với dàn binh chủng tinh nhuệ đang hừng hực khí thế của Liverpool, dẫn đầu bởi đội trưởng Steven Gerrard. Cảm giác của Salah là như thế nào? Sung sướng vì được ra sân ở một trận đấu lớn? Có đôi chút, nhưng phần lớn là tự ái vì mình chỉ là quân cờ trong ván bài đã chẳng muốn thắng của Mourinho.

Đó chính xác là sự coi thường dành cho những kẻ thừa thãi ở một đội bóng. Chỉ nửa năm sau trận đấu đó, Salah bị đẩy sang Fiorentina theo dạng cho mượn và không bao giờ được quay trở lại Stamford Bridge. Kẻ thừa thãi đó chính là Pharaoh của bóng đá Ai Cập, cầu thủ lừng danh của nền bóng đá này tại châu Âu sau thời Mido.

Chúng ta vừa nhắc đến 3 trận đấu và sẽ sắp xếp lại theo dòng thời gian: Trận Liverpool đón tiếp Chelsea năm 2014, trận chung kết Champions League 2017/18 và trận bán kết lượt về Champions League 2018/19. Ở cả 3 khoảnh khắc cuộc đời đó, với vị thế hoàn toàn khác nhau, Salah đều làm đúng một điều là: Không bao giờ bỏ cuộc.

Biết mình chỉ là mẩu "ruột thừa" của Chelsea, Salah vẫn cứ chạy miệt mài và là nhân chứng sống chứng kiến cú trượt chân lịch sử của Gerrard. Nếu Salah không chạy hăng say, người ta thậm chí còn chẳng biết anh tồn tại ở Chelsea. Fiorentina sẽ chẳng thể tiếp cận một món hời như thế và sẽ chẳng bao giờ có “một vị vua Ai Cập" như ngày nay.

Đến trận chung kết với Real Madrid mùa trước, phút 25 Salah đã bị Ramos khóa tay triệt hạ nhưng đến tận phút 30 anh mới chịu rời sân trong nước mắt. Quan sát phim chụp X-quang cái vai của Salah, các bác sỹ không tài nào hiểu nổi vì sao anh có thể chịu đựng thêm 5 phút với từng đầy mớ cơ và xương bị xô lệch.

Đầu hàng là thứ Salah không cam tâm dù nước mắt đã thay cho lời thừa nhận. Anh rời sân kéo theo sự thương cảm của cộng đồng thế giới cùng làn sóng phẫn nộ đẩy lên đến cao trào nhắm vào “tên đồ tể” Ramos. Salah không giúp được gì nhiều trong trận đấu đó nhưng chí ít, anh khiến đồng đội thêm tin vào tôn chỉ của Liverpool.

Để đến trận đấu sau cùng, đã không còn sự khinh thường hay nước mắt nữa. Salah vẫn luôn chạy miệt mài, chạy thật dài để đến thời khắc quyết định là vấp ngã. Nhưng đồng đội, vì anh, không cho phép ai bị bỏ lại trên con đường vinh quang này. Liverpool viết nên kỳ tích với màn ngược dòng kinh điển trước Barca, Salah chỉ góp được một đức tin, nhưng nó là kim chỉ nam thật sự của đội bóng này.

Trong thần thoại Hy Lạp có một vị á thần tên là Ante. Đó là con trai của nữ thần đất Gaia. Đặc điểm của Ante là hễ cứ khi nào kiệt sức, chỉ cần á thần này chạm được thân thể xuống mặt đất là lập tức nhận được luồng sinh lực từ bà mẹ Gaia và lại khỏe như vâm.

Salah cũng thế. Nhiều khi người ta không hiểu tại sao anh có thể tung hoành giữa một Serie A của những “chiếc máy chém” lừng danh nước Ý, tại sao anh có thể trở thành vua phá lưới của Premier League, một giải đấu phá hủy thể lực khủng khiếp mặc dù cơ địa của Mo Salah không lấy gì làm ấn tượng?

Nhưng đến bây giờ, mọi người đều biết rằng, chính quê hương là nguồn sức mạnh của Mo Salah, vị Pharaoh của bóng đá Ai Cập hiện đại. Anh đến với bóng đá vì giấc mơ thoát nghèo, trở thành ngôi sao nhằm có điều kiện giúp đỡ người thân và thi đấu thăng hoa để đem lại niềm vui và tự hào cho những người dân Ai Cập ở một thời đại biến loạn chính trị, kinh tế.

Salah lớn lên ở Nagrig, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Gharbia cách thủ đô Cairo cả trăm dặm, Salah hiếm khi xa rời trái bóng. Người anh em họ vẫn ở ngôi làng cũ Abadah Saeed Ghali mô tả Salah là kẻ nghiện bóng đá và có thể chạy vòng quanh Nagrig với trái bóng trong chân.

Chính Salah cũng thú nhận: “Tôi đã chơi bóng trên đường làng với các anh em và bạn bè cho đến năm 14 tuổi. Trận đấu đầu tiên trong trí nhớ mà tôi từng xem là những trận đấu ở Champions League. Tôi luôn dán mắt vào theo dõi Zidane, Totti và Ronaldo (Brazil) chơi bóng. Ngoài ra, nhạc hiệu trước trận đấu mang đến cảm giác thật phấn khích”.

Với mã gene bóng đá như thế, Salah nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên tài năng sân cỏ trong vùng của CLB El Mokawloon, điểm xuất phát cho chuyến phiêu lưu của anh đến Basel, Chelsea, Fiorentina, AS Roma và rồi Liverpool.

"Ở đây, khi một cầu thủ nhanh chóng nổi tiếng sau khi thoát khỏi lốt bần hàn, họ cũng thay đổi", ông El-Shishini – HLV của Salah tại El Mokawloon nói. "Nhưng với tôi, Salah không như vậy. Salah rời nhà mỗi ngày để đến CLB. Đường đi kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ, và chắc chắn phải chuyển phương tiện. Thỉnh thoảng tôi phải bảo cậu bé ở lại khu nhà CLB".

Salah giờ đây vẫn thỉnh thoảng về thăm nhà ở Ai Cập. Con người anh chẳng hề trở nên kiêu ngạo chút nào. Sau khi ghi bàn giúp Ai Cập giành vé đi World Cup 2018, một doanh nhân tại Nagrig tuyên bố tặng anh một căn biệt thự xa hoa để tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhưng Salah chẳng lấy đó làm vui mừng, thậm chí anh còn đề nghị vị doanh nhân đó đóng góp những khoản tài chính giúp người dân quê nhà cải thiện cuộc sống.

El-Shishini nói thêm: "Cậu ấy không bao giờ quên Nagrig và luôn tới đây mỗi khi về thăm Ai Cập. Salah đối xử với mọi người bằng thái độ khiêm tốn nhất. Cậu ấy không bao giờ quên nguồn cội của mình".

Mo Salah không chỉ gắn bó với quê hương xứ sở mà còn chung thủy với những mối quan hệ thày trò, đồng nghiệp, bằng hữu… của mình. Dù bây giờ, anh là ngôi sao lớn nhất Ai Cập, là hạt nhân giúp Liverpool tiến vào 2 trận chung kết Champions League liên tiếp, nhưng anh không vì thế mà "giàu đổi bạn".

Với những người quen Salah từ lâu, họ luôn biết rằng anh lưu giữ hình ảnh của họ trong tim. "Thật tuyệt khi thấy cậu ấy trưởng thành bởi cậu ấy là người rất tốt, luôn vui tính, cởi mở và mỉm cười. Đùa với cậu ấy rất vui. Cậu ấy không phải kiểu người ích kỷ, luôn là một phần của đội bóng và được mọi người yêu mến", Philipp Degen - một cựu cầu thủ của Liverpool, đã theo dõi Mo Salah từ lâu, nói.

Heusler, chủ tịch của CLB Basel (Thụy Sỹ), nơi chắp cánh cho Salah thành danh ở quãng đầu đời cũng đồng ý với điều đó. Đến bây giờ, Salah vẫn liên lạc với ông. Họ trao đổi tin nhắn qua điện thoại với nhau gần như sau từng trận đấu, và Salah còn muốn dẫn họ tới Anfield.

"Có rất ít vận động viên như vậy", Heusler chia sẻ. "Roger Federer chẳng hạn. Họ không bao giờ quên nguồn gốc bản thân. Họ khiêm tốn, tôn trọng mọi người, đồng hành cùng họ trên con đường thành công. Có lẽ điều đó không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi rất ấn tượng về Salah".

Năm ngoái, những con người trên đã cổ vũ Salah và Liverpool trong trận chung kết Champions League với Real Madrid. Họ cũng đã đau với anh khi chứng kiến pha bẻ vai tàn độc của Sergio Ramos, cũng như thất bại của Liverpool. Nhưng chỉ sau một năm, một Salah - Không Bao Giờ Bỏ Cuộc - lại đưa họ đến một trận chung kết khác. Lần này là Tottenham…

Tottenham, đối thủ trong trận chung kết Champions League sắp tới là một kỷ niệm ngọt ngào với riêng Salah. Hai lần đụng độ Spurs mùa trước, anh đều nổ súng. 2 trận 3 bàn. Trong đó có bàn thắng quân bình tỷ số 2-2 ở phút 90 ở trận lượt về. Những bàn thắng theo kiểu giật lấy điểm số tưởng đã nằm gọn trong túi đối phương như thế này luôn đem đến cảm xúc dạt dào và dư vị ngọt ngào.

Nhưng bàn thắng quân bình tỷ số đó chưa thể bùng cháy xúc cảm bằng khoảnh khắc phút 90 cuộc chạm trán giữa hai đội trong khuôn khổ vòng 32 Ngoại hạng Anh mùa này. Một cú treo bóng cầu âu đầy cảm giác từ cánh trái của Trent Alexander-Arnold, loại bỏ toàn bộ bức tường phòng ngự sừng sững của Tottenham để Salah, người chỉ cao 1m75 lẻn xuống thực hiện pha đánh đầu chéo góc.

Quỹ đạo pha dứt điểm không quá hiểm hóc song Hugo Lloris lúng túng đẩy bóng vào chân Toby Aldeweireld và lăn qua vạch vôi. 2-1 cho Liverpool, 3 điểm ở lại Anfield.

Một bàn thắng đem về chiến thắng quý giá cho The Kop trong cuộc đua song mã nghẹt thở với Man City. Tất nhiên, khi mùa giải đã khép lại với chiến thắng dành cho Man City, khoảnh khắc này không còn nhiều giá trị nhưng ở thời điểm đó, cầu trường như muốn nổ tung.

Đáng nói hơn nữa, giá trị của bàn thắng ấy không chỉ dành cho Liverpool mà dành cho cả Salah, mặc dù tên của anh không xuất hiện trên bảng tỷ số. Cần biết, trận gặp Tottenham là trận đấu thứ 8 liên tiếp Salah tịt ngòi. Áp lực đè nặng và sự nghi hoặc về khả năng của cầu thủ đã giành danh hiệu Vua phá lưới Ngoại hạng Anh 2017/18 với 32 bàn thắng được đặt ra.

Phải chăng Salah chỉ là cầu thủ một mùa? Câu trả lời được tiền đạo người Ai Cập đưa ra sau trận đấu với Tottenham, đúng hơn là sau pha dứt điểm đem về chiến thắng 2-1 cho Liverpool ở phút 90. Pha dứt điểm ấy giúp Salah tĩnh tâm hơn trước các cơ hội dứt điểm để dần lấy lại cái duyên ghi bàn. Cụ thể, 9 trận sau đó, tức 9 lần ra sân gần nhất, Salah hồi sinh mạnh mẽ với 6 pha lập công.

Kết quả, một lần nữa anh giành danh hiệu Vua phá lưới Ngoại hạng Anh với 22 bàn thắng. Tất nhiên thành tích này vẫn thấp hơn mùa trước tới 10 bàn nhưng chẳng ai gọi cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới 2 mùa liên tiếp là cầu thủ một mùa. Đẳng cấp của Salah đã được khẳng định. Và chính pha dứt điểm may mắn vào lưới Tottenham vào một ngày cuối tháng 3 trở thành bước ngoặt giúp Salah hồi sinh.

Chỉ cần nhìn vào số bàn thắng cũng đủ để đưa ra nhận định Salah mùa trước bùng nổ hơn Salah mùa này. Đó là điều không phải bàn cãi. Có hai vấn đề dẫn đến sự “sa sút” này. Thứ nhất, Salah mùa trước là một cái tên xa lạ. Xa lạ với sân cỏ xứ sở Sương mù bởi trước đấy 3 năm, anh bị Chelsea “đày” sang Serie A vì không đủ khả năng cạnh tranh một suất đá chính.

Và xa lạ trên tư cách một cỗ máy săn bàn bởi Salah vốn dĩ xuất phát từ một cầu thủ chạy cánh, không sở hữu thể hình của một trung phong và chưa bao giờ ghi quá 20 bàn một mùa tính trên mọi mặt trận. Với sự xa lạ ấy, Salah không nằm trong tầm ngắm của các hậu vệ Ngoại hạng Anh. Và với tài năng vốn có, với cái chân trái cực khéo, anh bùng nổ dữ dội trong mùa giải đầu tiên khoác áo Liverpool.

Bước sang mùa giải thứ hai, Salah với tư cách Vua phá lưới dĩ nhiên không còn xa lạ. Mọi hàng thủ đều nghiên cứu tiền đạo người Ai Cập một cách kỹ lưỡng, chăm sóc anh một cách nhiệt tình. Đơn cử các hậu vệ sẽ chủ động phòng tránh động tác đưa bóng sang chân trái để dứt điểm vào góc xa vốn là sở trường của Salah. Một trận, hai trận, rồi ba trận bị bắt bài và tịt ngòi, Salah dần trở nên mất tự tin và cầu toàn hơn trong các pha dứt điểm.

Mà, càng cầu toàn với càng nhiều nhịp chỉnh bóng, hậu vệ đối phương càng có cơ hội truy cản. Và như đã đề cập, “bàn thắng” vào lưới Tottenham chính là bước ngoặt. Salah trở nên đa dạng hơn trong cách dứt điểm. Pha đánh đầu ở trận gặp Tottenham là tình huống bất ngờ, cú nã đại bác từ cự ly 23m trong trận gặp Chelsea cũng là bất ngờ.

Hơn nữa, Salah cũng không cần phải đặt nặng việc ghi bàn. Trong hệ thống HLV Juergen Klopp tạo dựng tại Liverpool mùa này, nắm bắt việc các hàng phòng ngự chú ý hơn đến Salah, vị chiến lược gia người Đức cũng không để ngôi sao của mình sắm vai chân sút chủ lực nữa. Các mũi khoan khác được sử dụng và mài dũa nhiều hơn, chẳng hạn Sadio Mane kết thúc mùa này cũng với 22 bàn thắng tại Ngoại hạng Anh, ngang bằng thành tích của Salah.

Tại Champions League, kết liễu Bayern Munich tại tứ kết cũng là Mane trong khi tác giả 4 bàn thắng làm nên cú ngược dòng hùng vĩ trước Barcelona tại bán kết là Origi và Wijnaldum. Trận này thậm chí cả Salah và Firmino còn không ra sân. Dẫn chứng cụ thể hơn qua các thông số thống kê để thấy sự khác biệt giữa Salah mùa trước và mùa này.

Tại Ngoại hạng Anh mùa trước, trung bình mỗi trận Salah tung ra tới 4,36 pha dứt điểm với tổng xG (bàn thắng kỳ vọng) ghi nhận là 25,14. Mùa này, số pha dứt điểm mỗi trận của Salah giảm xuống còn 3,77 và tổng xG giảm xuống 21,79.

Tóm lại, với việc trọng trách ghi bàn không còn đè nặng lên Salah, Liverpool trở nên biến hóa khôn lường hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, Salah ít ghi bàn hơn chứ không phải không ghi bàn và Tottenham lại là con mồi ưa thích của anh.

Salah, chiến binh Ai Cập đã không bỏ cuộc dù khó khăn như thế nào. Vậy liệu năm nay, ý chí kiên cường đó có thể giúp anh trở thành vị Pharaoh đầu tiên của Champions League hay không? Hãy chờ xem!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay