Bóng Đá Plus trên MXH

Thánh đường Maracana, nơi hồn thiêng phai dấu
CẨM CHI • 15:58 ngày 07/07/2019
Trong tâm khảm mỗi người Brazil, Maracana - nơi tổ chức chung kết Copa America 2019 - không đơn thuần chỉ là một sân bóng. Nó còn được coi là một di sản văn hóa gắn liền với lịch sử nền bóng đá của xứ sở Samba, dù theo thời gian, Maracana đã dần đánh mất ý nghĩa ban đầu của nó.
    Nơi không phân chia giai cấp

    Maracana bắt đầu được xây dựng vào năm 1948 nhằm phục vụ công tác tổ chức World Cup 1950 diễn ra tại Brazil. Những người phụ trách xây dựng công trình thế kỷ này rõ ràng đã gửi gắm rất nhiều tâm tư của họ vào từng viên gạch làm nên sân bóng. 

    Rio de Janeiro ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp. Những tòa nhà cao chọc trời mọc lên ngay cạnh những khu ổ chuột càng trở thành hố sâu khơi lên bất đồng trong xã hội. 

    Giữa bối cảnh đó, Maracana xuất hiện và trở thành biểu tượng dân chủ. Sân Maracana nguyên thủy có sức chứa 150.000 người với mục đích là người dân ở bất kỳ giai cấp nào trong xã hội cũng có cơ hội bình đẳng chiêm ngưỡng “tuyệt tác” kiến trúc này. 

    Tại đây, dù bạn là triệu phú hay kẻ ăn xin, là người da đen hay da trắng, tất cả đều ngồi chung trên “ghế ngồi” là bậc xi măng.

    Tại chung kết World Cup 1950, Maracana đã đón tới 20 vạn khán giả đến xem đội chủ nhà Brazil so tài cùng Uruguay. Kể từ thời điểm ấy, Maracana luôn là nơi diễn ra những sự kiện thể thao, văn hóa lớn nhất tại xứ sở Samba. 

    Flamengo và Fluminense, 2 CLB nổi tiếng nhất tại Rio cũng chọn Maracana làm sân nhà. Vasco da Gama và Botafogo cũng thỉnh thoảng chọn sân bóng này làm địa điểm thi đấu, bởi cầu thủ nào cũng muốn trải nghiệm cảm giác đứng trên thánh đường bóng đá.

    Sân Maracana được xem là biểu tượng của thành phố Rio
    Sân Maracana được xem là biểu tượng của thành phố Rio

    Maracana còn là nơi những huyền thoại của bóng đá Brazil ghi dấu ấn vào lịch sử. Năm 1969, Pele đã ghi bàn thắng thứ 1.000. Tròn 2 thập niên sau, Zico - lúc đó đang khoác áo Flamengo - ghi bàn lần cuối cùng trong sự nghiệp. 

    Đó cũng là pha làm bàn thứ 333 được Zico thực hiện tại thánh địa Maracana, một kỷ lục mà đến giờ vẫn chưa một chân sút nào có thể phá vỡ. Sức hút của sân Maracana còn tạo nguồn cảm hứng để CĐV Red Star Belgrad gọi sân nhà của họ với biệt danh “Marakana”.

    Hồn trương ba, da hàng thịt

    Ngày 19/7/1992 đánh dấu ký ức đen tối bậc nhất trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại của sân Maracana. Khi trận đấu giữa Botafogo và Flamengo đang diễn ra, một phần mái khán đài đổ sụp xuống khiến 3 người chết và 50 người khác bị thương. 

    Thảm họa đó khiến chính quyền Rio phải chịu vô vàn chỉ trích. Những bệ xi măng từng là nơi mọi người đến ngồi xem bóng đá cùng nhau, nay bị quy chụp là minh chứng của sự kém phát triển.

    Một số chính trị gia cực đoan thậm chí còn yêu cầu dỡ bỏ sân Maracana với lý do “sân bóng xuống cấp, lo ngại không đảm bảo an toàn”. May sao, kế hoạch đó đã bị ngăn lại nhờ chính quyền Brazil kịp thời công nhận Maracana là di sản quốc gia. 

    Tuy nhiên, những bệ xi măng bị đập bỏ hoàn toàn và thay bằng những hàng ghế. Sức chứa  của sân bóng vì thế cũng giảm xuống chỉ còn  78.000 chỗ ngồi, khoảng một nửa so với thiết kế ban đầu.

    Maracana bây giờ khang trang, đẹp đẽ hơn xưa với mái vòm mới, ghế mới. Kỳ lạ thay, bộ cánh lộng lẫy đó chẳng thể che giấu sự thật đáng buồn: Phần hồn linh thiêng của Maracana đang dần mất đi. Tất cả đến từ quá trình tư nhân hóa sân bóng. 

    Trên danh nghĩa, Maracana vẫn là tài sản của chính quyền Rio de Janeiro, nhưng thực tế quyền sử dụng và vận hành nó đã được bán cho 3 tập đoàn lớn là Odebrecht, IMX và AEG.

    Người dân Brazil giơ cao biểu ngữ phản đối việc tư nhân sở hữu sân Maracana
    Người dân Brazil giơ cao biểu ngữ phản đối việc tư nhân sở hữu sân Maracana

    Sân bóng Maracana vẹn nguyên thuở nào nay bị chia năm xẻ bảy. Có những khu vực khán giả không được phép đặt chân vào do các công ty tư nhân đã mua quyền khai thác thương mại tại đây. Ước tính sơ bộ thỏa thuận này khiến chính quyền Rio thiệt hại không dưới 2 triệu USD, số tiền ban đầu dự tính được dùng để cải tạo sân bóng. Dĩ nhiên, người dân phải bù khoản thua lỗ đó thông qua việc nộp thuế.

    Dù vậy, điều đau đớn hơn cả với người dân Brazil là sân bóng biểu tượng của họ nay trở thành nơi để FIFA và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thể hiện quyền lực. 

    Họ cùng những tập đoàn kinh tế đang “xà xẻo” sân Maracana để phục vụ mục đích riêng của mình trước con mắt bất lực của chính quyền Rio. Người dân Brazil từng thể hiện sự phản đối của họ bằng cách xuống đường biểu tình, nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn chẳng hề thay đổi. Maracana vẫn tồn tại, nhưng chỉ như một cái xác không hồn.

    Đa năng như Maracana
    Vào thập niên 80 thế kỷ trước, sân Maracana còn là nơi diễn ra những trận đấu bóng chuyền giữa Brazil và Liên Xô. Một trong số những trận đấu đó ghi nhận lượng khán giả vào xem lên tới 95.000 người, con số kỷ lục với một trận bóng chuyền từ trước đến nay. Các ngôi sao ca nhạc hàng đầu quốc tế khi đến Brazil cũng thường chọn sân Maracana làm nơi biểu diễn.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội