Chiến thắng lịch sử và cân bằng kỷ lục điểm số
Vòng loại thứ 3 với ĐT Việt Nam đã khép lại không thể ngọt ngào hơn. Trận hoà bất ngờ trước Nhật Bản không chỉ giúp ĐT Việt Nam có lần đầu tiên hoà được “đại gia” châu Á trong khuôn khổ một trận chính thức mà nó còn nâng điểm số chung cuộc cho ĐTVN lên con số 4. Nhờ vậy, Việt Nam đã cân bằng kỷ lục điểm số mà Thái Lan từng làm được cách đây 20 năm.
Ngoài trận đấu đáng khen trước Nhật Bản, ĐT Việt Nam còn chiến thắng Trung Quốc ngay trong ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Kết quả này giúp Việt Nam trở thành đội tuyển đầu tiên của Đông Nam Á có được 1 chiến thắng ở vòng loại cuối cùng World Cup.
Một điểm cộng nữa dành cho Việt Nam nằm ở hàng tấn công. Khác với quan điểm một đội tuyển “dựng xe bus”, Việt Nam của ông Park cho thấy năng lực tấn công trước các đội hàng đầu châu Á là đáng nể. Việt Nam đã ghi bàn trong một nửa số trận đấu tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Trong đó, 4 trong 5 trận đấu ấy, Việt Nam đều là đội dẫn điểm. Điều đó khẳng định sự tự tin trong nhập cuộc, bản lĩnh khi đương đầu với các đội bóng mạnh từ thầy trò Park Hang Seo.
Quen dần với VAR nhưng còn một nỗi lo
Một minh chứng khác cho thấy Việt Nam tiến bộ hơn ở giai đoạn cuối vòng loại thứ 3 World Cup đến từ… sự thân thiện của VAR. Nên nhớ trong giai đoạn đầu của vòng loại, Việt Nam đã vật lộn thế nào trước những lần VAR xử lý bất lợi ở các trận đấu với Saudi Arabia, Australia và đặc biệt là Oman. Nhưng cũng từ những lần bị VAR “quay mặt” như thế, các cầu thủ Việt Nam bắt đầu thích nghi với thời cuộc để biến VAR từ “thù” thành “bạn”.
Việc áp dụng đúng luật thi đấu quốc tế, hạn chế những tình huống tiểu xảo hoặc phản ứng thái quá trên sân cỏ giúp Việt Nam hạn chế tối đa những bất lợi đến từ VAR. Ngược lại, VAR còn trở thành “bạn” của Việt Nam. Trước Saudi Arabia, Nhật Bản rồi Australia, Việt Nam đã tránh tổng cộng tới 4 bàn thua từ sự can thiệp của VAR.
Tất nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng khen ngợi, ĐT Việt Nam vẫn cho thấy mình còn phải cố gắng và học hỏi thế nào sau khi va chạm với những “bức tường đẳng cấp” châu Á. HLV Park Hang Seo nhấn mạnh ông chưa thể hài lòng khi bên cạnh 1 trận hoà và 1 trận thắng, Việt Nam cũng đã thất bại tới 8 lần. Đã có thời điểm, nhà cầm quân Hàn Quốc thừa nhận chưa bao giờ trong sự nghiệp cầm quân của ông mà kiếm 1 điểm khó đến thế.
Sự khiêm tốn về tầm vóc không chỉ đến từ nghĩa bóng, mà đó còn là nghĩa đen khi Việt Nam khá thất thế trong không chiến với đối thủ. Nên nhớ, 11 trong 19 bàn thua của Việt Nam xuất phát từ không chiến. Ngoài ra, khả năng tấn công bằng không chiến của Việt Nam cũng là một vấn đề.
Thực tế, trước khi Nguyễn Thanh Bình thực hiện cú đánh đầu tung lưới đội tuyển Nhật Bản sau quả đá phạt góc từ cánh trái của Công Phượng, đội tuyển Việt Nam đã trải qua tổng cộng 10 tháng với tương đương 16 trận liên tiếp không thể ghi bàn từ tình huống tương tự. Lần gần nhất Việt Nam làm được trước đó là vào ngày 12/6/2021, trong chiến thắng 2-1 trước Australia.
Có khen và có cả rút kinh nghiệm, hành trình của Việt Nam như thế mới được đánh giá một cách xác đáng. Hy vọng rằng, đây mới chỉ là khởi đầu cho hoài bão lớn lao vươn tầm châu lục và thậm chí là sân chơi thế giới của Việt Nam.
Những con số nổi bật của ĐT Việt Nam
Tổng quan
Số trận: 10
Điểm: 4
Bàn thắng/thua: 8/19
Số trận đấu mở tỷ số: 4
Số trận đấu ghi bàn: 5
Số trận nhận bàn thua: 10
Thứ hạng: 6
Can thiệp của VAR đối với Việt Nam
- Quyết định có lợi: 4
- Quyết định bất lợi: 8
- Thẻ vàng: 18
- Thẻ đỏ: 1
Top 3 cầu thủ ấn tượng nhất
Tiến Linh: 3 bàn
Hoàng Đức: 2 kiến tạo
Quang Hải: 1 bàn/ 1 kiến tạo
Dấu mốc
+ Đội Đông Nam Á lần đầu chiến thắng (3-1 Trung Quốc)
+ Cân bằng kỷ lục điểm số của Thái Lan 20 năm trước (4 điểm)