Cầu thủ trẻ là lĩnh vực tương đối kỳ quặc trong bóng đá đỉnh cao. Vì giống giáo dục, ai cũng nói hay ở đây được, cơ bản bởi nhóm này còn quá nhiều thời gian. Lamine Yamal của Tây Ban Nha sinh năm 2007, mới 17 tuổi. Kể cả nhận định sai về tiền vệ này cũng... chẳng sao.
23h00 ngày 5/7: Đức vs Tây Ban Nha
Người xem cũng có thói quen chỉ ra một vài trường hợp thành công cụ thể, từ đó chỉ định cần làm gì với cầu thủ trẻ. Nếu đã là người hâm mộ có tuổi, nhiều khả năng bạn có may mắn được chứng kiến Lionel Messi nổi lên từ khoảnh khắc được Ronaldinho công kênh trên lưng vào năm 2005 đến khi nâng cúp vàng World Cup 2022 tại Qatar. 17 năm là quãng thời gian đủ dài để tin rằng cách để phát triển và trui rèn một cầu thủ trẻ là phải làm như với Messi.
Thực tế không đơn giản như thế. Tôi luôn nhớ tới khái niệm "Thiên kiến kẻ sống sót" mỗi khi quan sát nhóm cầu thủ đặc trưng này. Hiểu đơn giản: con người có thói quen đánh giá chỉ bằng số ít trường hợp thành công/tồn tại qua khó khăn mà bỏ qua những người thất bại.
Messi, Cristiano Ronaldo, Kylian Mbappe… hay bất kỳ siêu sao nào thực tế chỉ là phần ngọn trong hàng chục triệu cầu thủ bóng đá trên toàn thế giới. Thành công kỳ vĩ của họ không thể đem ra làm mô hình cho số đông đóng khung. Ngược lại, phải xem đấy là những thành công mang màu sắc độc nhất và gần như không thể bị sao chép.
Có quá nhiều trường hợp cầu thủ trẻ sở hữu tiềm năng nhưng sớm lụi tàn. Lý do thường không ai giống ai. Tôi từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người công tác trong lĩnh vực đào tạo trẻ tại Việt Nam cũng như ở Anh. Không ít cầu thủ trẻ sở hữu tiềm năng cao ở Anh lẫn Việt Nam bỏ cuộc giữa chừng vì… dậy thì. Ở tuổi 15-16, các em đột nhiên muốn có bạn gái, dành cả đêm để nhắn tin tán tỉnh, không lúc nào tập trung. Nhóm khác thì chơi game, sử dụng mạng xã hội, tiệc tùng. Khi thể lực không đảm bảo và phải tập luyện với cường độ cao, các em chấn thương, và tạm biệt trái bóng tròn.
Ngay cả khi bắt đầu có tài năng và khẳng định được bản thân, việc duy trì nỗ lực, khát vọng để phát tiết mọi tố chất (như Messi, Ronaldo, Mbappe…) cũng tuyệt đối không đơn giản. Năm 2011, tờ Times có bài phóng sự về lò đào tạo trẻ trứ danh Toekomst của Ajax Amsterdam. Họ tìm lại được câu chuyện về gương mặt ưu tú nhất của lò này khi ấy, Wesley Sneijder.
Công bằng mà nói, đấy là câu chuyện truyền nhiều cảm hứng. Năm 1991, khi mới 7 tuổi, Sneijder đã lần đầu tiên nối quả bóng với một sợi dây để rèn luyện kỹ năng chơi bóng trong suốt quãng đường 40 phút từ Amsterdam về nhà ở khu ngoại ô Utrecht. Đấy cũng là quãng thời gian Sneijder bị các thầy ở Toekomst cấm dùng chân phải trong các buổi tập để chỉ sau đó ít lâu cậu bé nhỏ thó này chơi thuần thục cả hai chân, một điều hiếm có ngay cả với tiêu chuẩn của Ajax. “Làm gì cũng phải hết lòng”, Sneijder nhấn mạnh.
Giờ thì các bạn cũng biết chuyện gì diễn ra với Sneijder. Anh sa sút khi chưa tới 30 tuổi, phát phì ngay sau khi giải nghệ. Năm 36 tuổi, Sneijder thừa nhận anh biết mình có thể đạt tới đẳng cấp của Messi và Ronaldo, nhưng “không hứng thú với điều đó”: “Tôi muốn tận hưởng một ly rượu vang vào bữa tối thay vì lao đầu vào tập luyện”.
Sneijder đã không hết lòng, như chính anh đã từng.
Hành trình để một cầu thủ trẻ vươn mình lên thành ngôi sao có nhiều bất trắc như thế. Việc chơi bùng nổ ở hiện tại không đảm bảo tương lai. Ngay cả việc duy trì phong độ đến một độ tuổi nhất định cũng khó đảm bảo việc cầu thủ trẻ có sự nghiệp xứng đáng với tiềm năng.
Lamine Yamal, Arda Guler hay Nico Williams đang chơi bùng nổ tại EURO 2024, nhưng nếu có gì để nói về các cầu thủ trẻ, đấy là hãy tận hưởng và đừng đặt kỳ vọng gì xa hơn về họ ngoài chính hiện tại.