Bóng Đá Plus trên MXH

'Mảnh vỡ chiến tranh' Kosovo đối đầu Tam Sư
Kỳ Lâm • 21:01 ngày 08/09/2019
Sau chiến thắng giòn giã 4-0 trước đối thủ Bulgaria, ĐT Anh sẽ gặp một đội bóng tí hon, có tuổi đời còn kém cả HLV Gareth Southgate. Đó là ĐT Kosovo non trẻ, được hình thành từ những mảnh vụn của cuộc nội chiến giữa những thể chế từng thuộc về Liên bang Nam Tư. Đội bóng này đá trận đấu ra mắt thế giới vào năm 2014.
    Một đặc điểm của ĐT Kosovo là 100% tuyển thủ đều thi đấu cho các CLB nước ngoài. Gương mặt tuyển thủ có thể quen thuộc với NHM Việt Nam là hậu vệ Florent Hadergjonaj hiện đang thi đấu cho Huddersfield vừa bị xuống hạng khỏi Premier League mùa trước.

    Cũng như nhiều tuyển thủ khác, Florent Hadergjonaj sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ. Họ không chứng kiến cuộc chiến thảm khốc Kosovo như những người đồng hương. Thế nên, khi đội tuyển tập trung, bóng đá không phải chủ đề chính mà là về cuộc chiến. Những cầu thủ đã sống trong chiến tranh kể cho những người “may mắn” nghe về ký ức kinh hoàng.

    Đó là về những số phận cầu thủ bóng đá phải vượt qua những ngọn núi để trốn tránh bom đạn ngay từ khi còn là những đứa trẻ. Không thức ăn hay nước uống, họ cứ lê bước trong tầm ngắm của họng súng suốt 2-3 ngày để tìm chốn an toàn. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp.

    Kosovo là một phần của Nam Tư cũ với sắc dân chủ yếu là người Albania theo đạo Hồi. Mảnh đất này đã bị xé nát bởi những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thập niên 1990. Ít nhất 14.000 người đã thiệt mạng và 1,7 triệu người phải phải lìa bỏ quê hương. Họ tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 và thi đấu trận quốc tế đầu tiên vào năm 2014. Sau đó 2 năm, LĐBĐ Kosovo được FIFA và UEFA công nhận.

    Hadergjonaj sẽ tái ngô Danny Rose khi Kosovo làm khách của Tam Sư
    Hadergjonaj sẽ tái ngộ Danny Rose khi Kosovo làm khách của Tam Sư

    Cũng giống như ĐT Bosnia, từng dự VCK World Cup 2014, bóng đá hiện được xem là con đường ra thế giới cho quốc gia non trẻ này. Hadergjonaj đã có trận ra mắt ĐTQG khi ĐT Kosovo gặp Bugaria hồi tháng Sáu vừa qua. 

    Một đội tuyển thiếu kinh nghiệm được hình thành từ hàng chục cầu thủ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đã đánh bại Bulgaria ngay tại thủ đô Sofia và được hàng trăm NHM đến sân bay vào lúc 3 giờ sáng để chào đón.

    “Quá nồng nhiệt. Lần đầu tiên tôi được chào đón như thế. Sau đó, nếu chúng tôi đi ăn ngoài phố, NHM sẽ trả tiền cho chúng tôi. Còn không khí trên đội cũng tuyệt, mỗi buổi tập là một bữa tiệc. Chúng tôi tập luyện trong tiếng nhạc rộn rã. Tôi không hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu Kosovo đoạt vé dự VCK EURO 2020”, Hadergjonaj chia sẻ.

    Hadergjonaj đã từ chối ĐT Thuy Sĩ để khoác áo ĐTQG
    Hadergjonaj đã từ chối ĐT Thuy Sĩ để khoác áo ĐTQG

    Tấm vé dự VCK EURO không phải điều gì đó huyền ảo. ĐT Kosovo không chỉ đam mê mà còn có chất lượng tốt. Đội hình hiện tại bao gồm các cầu thủ từ 14 giải đấu khác nhau như Italia, Nga, Đức và 4 cầu thủ đang đá ở giải hạng Nhất Anh...

    Ngay cả khi không thể đứng nhất hay nhì bảng đấu, họ vẫn còn đường đến VCK thông qua suất play-off của giải Nations League. Khi đó, họ sẽ có sự trở lại của hai hảo thủ là Milot Rashica (Werder Bremen) và Arber Zeneli (Reims). Ở trận gặp ĐT Anh tới đây, tiền vệ của Vali Berisha sẽ trở lại sau 7 tháng dưỡng thương.

    Khi đội bóng Kosovo, được thành lập, các ngôi sao như Xherdan Shaqiri và Granit Xhaka đã khoác áo ĐT Thụy Sĩ và họ không muốn thay đổi. Hadergjonaj cũng từng chơi cho đội U21 Thụy Sĩ nhưng đã quyết định chọn ĐT Kosovo, cùng những cầu thủ gốc Anh như Bersant Celina, Aro Muric và Atdhe Nuhiu.

    Anh cùng tiền đạo 30 tuổi Nuhiu hiểu khá rõ các cầu thủ Anh
    Hadergjonaj cùng tiền đạo 30 tuổi Nuhiu hiểu khá rõ các cầu thủ Anh

    “Đó là một quyết định khó khăn bởi bố mẹ tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp tại Thụy Sĩ. Nhưng tôi và đồng đội muốn cống hiến cho đội bóng quê hương. Sau nhiều trăn trở, tôi đã nói điều đó với LĐBĐ Thụy Sĩ và nhận được sự ủng hộ. Tôi rất cảm ơn họ”, Hadergjonaj kể lại.

    Tiền đạo Nuhiu, 30 tuổi, đang khoác áo CLB Sheffield Wednesday, cũng phải ly hương sang Áo từ nhỏ. Anh vẫn nhớ về khoảnh khắc gọi điện về nhà để xem ai còn ai mất sau mỗi trận đánh bom. Nhưng cũng như Hadergjonaj, khi ĐT Kosovo thành lập, anh lập tức quay về phục vụ tổ quốc.

    Đối đầu với ĐT Anh tại vòng loại EURO 2020 là biểu tượng cho chặng đường dài của bóng đá Kosovo. Họ đã leo lên vị trí 120 trên BXH của FIFA. Những trải nghiệm thi đấu cho Huddersfield hay Sheffield đã giúp Nuhiu và Hadergjonaj có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao để giúp ích cho đội bóng.

    Hậu vệ phải Hadergjonaj có nhiều kinh nghiệm hơn bất kỳ tuyển thủ Kosovo nào trong việc đối đầu với Tam Sư. Harry Kane, Marcus Rashford và Raheem Sterling chưa bao giờ ghi bàn vào lưới Huddersfield của Hadergjonaj khi họ còn thi đấu ở Ngoại hạng Anh ở mùa trước. 

    “Các đồng đội đã hỏi tôi rằng cầu thủ Anh thi đấu như thế nào. Tôi nói rằng, các anh đều đã xem video, vậy đừng hỏi tôi nữa. ĐT Anh có những cầu thủ tuyệt vời. Họ trông nguy hiểm trên TV nhưng còn nguy hiểm hơn khi đối đầu trên sân cỏ! Nhưng người Kosovo từ mọi nơi sẽ theo dõi trận đấu này. Chúng tôi muốn được đá ở sân Wembley thay vì sân St Mary bởi vì được thi đấu trước 8 vạn khán giả vẫn hào hứng hơn trước 3 vạn”, Hadergjonaj kết luận.

    Vấn đề an ninh sẽ khiến người Anh đau đầu, nhất là sau vụ 8 CĐV người Czech bị cảnh sát Kosovo bắt
    Vấn đề an ninh sẽ khiến người Anh đau đầu, nhất là sau vụ 8 CĐV người Czech bị cảnh sát Kosovo bắt

    Nguy cơ bạo loạn
    Cảnh sát ở Kosovo đã bắt giữ 8 CĐV người CH Czech vào thứ Bảy vừa qua vì đã lên kế hoạch bay một fly-cam mang biểu ngữ ủng hộ Serbia và chống Kosovo tại VL EURO 2020. Biểu ngữ có nội dung “Kosovo là của Serbia” đã bị thu giữ cùng một fly-cam, cờ Serbia, pháo sáng và dao.

    Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng Belgrade từ chối công nhận quốc gia mới này và bóng đá tiếp tục được sử dụng như một chiến trường ủy nhiệm cho xung đột kéo dài.

    Trở lại những năm 1990, sự tan rã của Liên bang Nam Tư đã mở đường cho sự hình thành của một số quốc gia độc lập, đứng đầu trong số đó là Serbia và Croatia. Trong những năm sau, các cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền đã leo thang thành các cuộc xung đột đẫm máu.

    Serbia và Croatia là trung tâm của cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 1991 đến năm 1995. Hệ lụy của nó vẫn còn đến tận bây giờ. Các ĐTQG đã gặp nhau tại vòng loại World Cup 2014 trong tiếng hô “Giết bọn Serbia” vang vọng khắp SVĐ ở Zagreb.

    Nhiều người ở Kosovo là người dân tộc Albania. Và tại VCK World Cup 2018, Granit Xhaka và Xherdan Shaqiri đã thoát khỏi án phạt của FIFA vì hành vi ăn mừng bàn thắng cho ĐT Thụy Sĩ trong trận đấu với Serbia bằng cách tạo biểu tượng Đại Bàng Hai Đầu trên quốc kỳ Albania.

    KOSOVO & ĐT KOSOVO
    Độc lập: 2008
    Dân số: 1,7 triệu người
    Tôn giáo chính: Hồi giáo
    Trận đấu quốc tế đầu tiên: 2014 với ĐT Haiti
    HLV: Bernard Challandes (người Thụy Sĩ)
    Ngôi sao: Milot Rashica, Bersant Celina
    Tỉ lệ tuyển thủ thi đấu ở nước ngoài: 100%
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội